Những ‘thiên đường’ hàng giả ở TP HCM
Hàng ngoại giá “bèo” nhan nhản từ nơi cao cấp đến cửa hàng bình dân, phục vụ từ dân có tiền đến người thu nhập thấp…
Người tiêu dùng biết giả nhưng vẫn sử dụng. Đây chính là lý do hàng giả tại TP.HCM vẫn có đất sống.
Tiếp cận “đầu nậu”
Trưa ngày 28/11, chúng tôi vào tiệm chuyên kinh doanh điện lạnh – điện tử T.N trên đường Hồ Học Lãm (Q. Bình Tân), nơi đây có đủ các mặt hàng điện lạnh Nhật đã qua sử dụng như: Máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy rửa bát…
Những nơi có đông công nhân, người lao động… là điểm đến lý tưởng của hàng giả. Ảnh: U.P.
Đang ngắm nghía chiếc tủ lạnh 6 cánh đời mới, nhân viên liền quảng cáo: “Hàng này tụi em mới nhập về từ cảng cách đây ít ngày, tuy đã qua sử dụng nhưng hàng còn mới tới 99% và vẫn còn trong thời gian bảo hành”. Nói là hàng Nhật chính hãng nhưng để chứng minh thì cửa hàng này không có bất cứ giấy tờ nào.
Ở cửa hàng điện tử gia dụng trên đường Thoại Ngọc Hầu (Q. Tân Phú) phát nhạc rộn rã từ cặp loa thùng đặt trước cửa nhằm thu hút khách. Nhiều loại tủ lạnh, nồi cơm điện, máy lạnh cũ đang được nhân viên “tân trang, mông má”. Bà chủ cười xởi lởi: “Vào coi đi em, hàng ngoại mới nhập kho, giá cực rẻ”.
Nhiều sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng như Toshiba, Sanyo, LG, Panasonic… được giới thiệu tiết kiệm điện, xài bền hơn hàng trong nước. Tuy là đồ cũ, nhưng giá rất “chát”: tủ lạnh 6 cánh có giá từ 20 – 30 triệu đồng, tủ lạnh 5 cánh giá từ 10 – 15 triệu đồng, bếp từ của Nhật từ 25 – 30 triệu đồng…
Giá cả tùy thuộc vào chất lượng và “đời” của sản phẩm.
“Giá cao nhưng xài suốt đời. Hàng ngoại nên chất lượng tốt lắm em ơi. Mua đi, sẽ không thấy hối hận đâu” – người này đon đả.
Ngay tại trung tâm TP, nếu có nhu cầu, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua mỹ phẩm ngoại giá Việt Nam. Những “thiên đường” hàng giả, hàng lậu, hàng nhái này không chỉ chen chân ở các trung tâm mua sắm sang trọng, mà còn vào tận các shop hàng xách tay, hàng xuất khẩu…, len lỏi vào trong cửa hàng tạp hóa.
Tại cửa hàng mỹ phẩm xách tay T.N (Hai Bà Trưng, Q.1) bày bán khá nhiều loại bình xịt khoáng của Hàn Quốc, Pháp… với đủ kích cỡ từ 50 – 300ml. So sánh giá, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm xịt khoáng tại đây thấp hơn nhiều nơi bán khác. Cụ thể, chai xịt khoáng Estee Lauder của Pháp loại 300ml có giá 345.000 đồng/lọ, chỉ bằng một nửa giá so với hàng chính hãng. Tuy nhiên, bao bì không có bất cứ thông tin gì về đơn vị nhập khẩu cũng như tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt theo quy định.
Video đang HOT
Khi hỏi về xuất xứ sản phẩm, nhân viên lấp liếm: “Đây là hàng xách tay chính hãng do bên em chuyển về theo đường du lịch nên không mất phí. Do vậy mới có giá rẻ vậy”.
Thị trường hàng thực phẩm chức năng đang nở rộ về chủng loại, kèm theo hàng chục công dụng: chống lão hóa, hỗ trợ tim mạch, xương khớp, tăng giảm cân và đặc biệt chăm sóc sắc đẹp.
Cùng được khẳng định hàng thật, chính hãng nhưng mỗi sản phẩm có mức giá chênh lệch hàng trăm ngàn đồng. Đơn cử, mặt hàng sữa ong chúa hiệu G.C của Australia loại 365 viên được một cửa hàng trên đường Trường Chinh (Q. Tân Bình) bán với giá 795.000 đồng/hộp, trong khi trên các trang mạng rao bán giá từ 575.000 – 640.000 đồng/hộp.
Thậm chí các trang rao vặt còn kèm theo hình ảnh, hướng dẫn phân biệt thật – giả… Tuy nhiên, khi liên lạc để đến nơi xem sản phẩm trực tiếp, nhiều điểm rao bán từ chối và hứa giao hàng tận nơi, đảm bảo uy tín.
Sau nhiều lần mua hàng làm quen, chúng tôi “bắt mối” với đầu nậu tên T. (quê Quảng Ngãi) chuyên cung cấp hàng cho các điểm kinh doanh hàng nội địa cũ. T. tiết lộ nói là hàng Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… nhưng số lượng thực ra rất ít, đa số đều là hàng Tàu “nhái” thương hiệu. Họ làm giả rất tinh vi nên dân trong nghề nhiều khi còn bị lầm chứ đừng nói khách hàng.
Theo T., hầu hết sản phẩm điện lạnh, đồ gia dụng ngoại nhập đã qua sử dụng khi chuyển về Việt Nam đều được mông má, sơn phết để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Khi tôi đặt vấn đề muốn kinh doanh mỹ phẩm fake (nhái) nhưng sợ bị bắt, Nguyễn Thị N., chuyên phân phối mỹ phẩm fake cười lớn: “Cùng lắm là bị tịch thu, xử phạt thôi chứ có thấy ai bị bỏ tù đâu. Tui làm nghề này mấy chục năm có sao đâu. Quan trọng là mình phải có chỗ cất giữ, chỉ trưng ra một vài sản phẩm làm mẫu. Với lại, chủ yếu bán online”.
Theo đầu nậu này, khi sản phẩm được hoàn thiện, rất khó để người tiêu dùng phân biệt với hàng thật. Đặc biệt, các sản phẩm này được đưa về tiêu thụ tại các tỉnh, bán qua mạng theo dạng “hàng xách tay” hoặc đưa trực tiếp vào các spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp… tiêu thụ.
Phục kích “triệt” hàng lậu
Từ nguồn tin người dân cung cấp, mất gần cả tháng trời theo dõi, đêm ngày 24/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM phối hợp Đội quản lí thị trường 2A (QLTT) Chi cục QLTT TP.HCM đột kích, thu giữ nhiều kho máy lạnh cũ nhập lậu trên đường Nguyễn Thế Truyện (Q.Tân Phú).
Đại diện PC46 cho biết, qua quá trình trinh sát, xác định được đối tượng dùng xe tải lớn (loại 11 tấn) đi các tỉnh giáp ranh Campuchia rồi vận chuyển về TPHCM tiêu thụ.
“Các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn để né tránh, qua mặt cơ quan chức năng khi đa số các xe hàng về 4h sáng. Do vậy lực lượng chức năng phải trinh sát xuyên đêm, đeo bám trong thời gian dài” – vị này kể.
Cuối tháng 10 vừa qua, Chi cục QLTT TP.HCM cũng vừa tổ chức tiêu hủy số lượng hàng mỹ phẩm lậu lớn nhất Sài Gòn (hơn 20 tỷ đồng). Đội QLTT bắt quả tang một xe tải đang chuyển mỹ phẩm từ kho chứa hàng lên xe, gồm 1.800 chai dầu gội loại 665ml hiệu Suave, 900 chai dầu gội hiệu Pantene Pro-V do Mỹ sản xuất.
Khi kiểm tra tại kho ở đường Lê Văn Chí (Thủ Đức, TPHCM), Đội QLTT 2A phát hiện hơn 135.000 đơn vị các sản phẩm sữa tắm, chai xịt khử mùi, kem đánh răng, thuốc nhuộm tóc các loại và hơn 12.000 đơn vị sản phẩm các loại nước tăng lực, bột càphê, nước trái cây… Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ.
Phá được vụ này, lực lượng QLTT thuê hẳn một chiếc xe hơi, ăn ngủ ngay trên xe để nắm được lộ trình của đối tượng. Các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng gian, hàng lậu thường chọn nơi vắng vẻ, kho bãi “núp bóng” nhà xe, khu đất bỏ hoang nên rất khó phát hiện.
Càng về gần cuối năm, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng… ngày càng nhiều. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày một tinh vi nên dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, đánh lừa người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, hơn 50% số người trưởng thành sử dụng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, ít ai biết được số thực phẩm chức năng họ sử dụng là thật hay giả.
Theo luật sư Đỗ Hải Bình – Đoàn luật sư TP.HCM, mức xử phạt hành chính hay hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Nhiều đối tượng đã bị tòa xử tù giam nhưng sau khi ra tù vẫn “hành nghề” cũ vì những khoản siêu lợi nhuận mà nó mang lại.
Bộ luật Hình sự 2015 có chế tài cả pháp nhân với mức phạt tiền lên đến 18 tỷ đồng, tước giấy phép kinh doanh, nhưng dường như cũng không đủ để chặn được hành vi sản xuất hàng giả nơi những người thành lập doanh nghiệp mới.
“Giải pháp là cần sự chung tay của nhiều ban ngành, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh và đủ sức răn đe. Người dân hãy luôn nói “không” với hàng giả. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính nếu bị vi phạm bản quyền thì không nên e ngại mà cần phải kiên trì đi tới tận cùng câu chuyện” – ông Bình nói.
Theo NLĐ
Vụ "bà chủ" lô mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng: "Chỉ là phần nổi của tảng băng đen"
"Vụ Khải Silk lừa dối khách hàng, tráo mác nhà sản xuất để trục lợi và vụ lô hàng mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng của "quý bà" vừa bị khám phá là phần nổi của tảng băng đen, phần chìm chưa được khám phá chắc chắn còn lớn hơn gấp bội".
Buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả trong đấu tránh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp vào ngày 10.11
Đó là nhận định của đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân trong buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp vào ngày 10.11.
Theo Đại tá Thẩm, lâu nay hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa thể triệt để để loại trừ hoàn toàn. Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái lớn thậm chí đã tồn tại, hoành hành trong một thời gian dài như vụ án kinh doanh thuốc trị ung thư giả của Công ty dược VN Pharma vừa bị đưa ra xét xử. Gần hơn nữa là vụ tráo mác nhà sản xuất, lợi dụng thương hiệu nhằm nâng giá lên hàng chục lần của thương hiệu Khải Silk. Và mới nhất, lô hàng 11 tỷ đồng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chăm sóc, làm đẹp liên quan đến một quý bà vừa bị khám phá...
"Đây chỉ là một số vụ điển hình, là phần nổi của tảng băng đen, phần chìm chưa được khám phá chắc hẳn còn lớn hơn gấp bội", Đại tá Thẩm nhận định.
"Bà chủ" lô hàng mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng làm việc với cơ quan chức năng vào chiều ngày 31.10 (Ảnh: PL)
Chân dung bà chủ lô hàng mỹ phẩm giả của công ty TNHH TS Việt Nam (ảnh: IT)
"Trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả. Đã kết thúc điều tra trinh sát 94 vụ, 106 đối tượng. Khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng", trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM thông tin.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tý, giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một thực trạng đáng buồn của hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà có các mặt hàng bị làm giả.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho rằng: Hàng gian, hàng giả, hàng nhái đang gia tăng và gây nhức nhối toàn xã hội, đã để lại hệ lụy trong đời sống, giảm niềm tin đối với người tiêu dùng gây thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý Nhà nước.
"Do luật pháp Việt Nam còn nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý, chế tài chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó công tác quản lý chưa cao, chồng chéo các cơ quan chức năng, tạo điều kiện để hàng gian, hàng giả phát triển. Trong khi trên thực tế, việc phân biệt hàng gian, hàng giả rất khó vì các đối tượng làm hàng giả giống y chang hàng thật", Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM nói.
Ông Trương Văn Ba, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định sẽ tập hợp ý kiến góp ý của đại diện doanh nghiệp và cơ quan chức năng để báo cáo, tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Theo ông Ba, từ 2014- 10/2017, cả nước đã xử lý hơn 44,5 ngàn vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái hàng giả. Trong đó có những vụ việc nổi cộm như công ty TNHH TS Việt Nam với lô mỹ phẩm giả với giá trị hơn 11 tỷ đồng; công ty Khải Silk bán lụa Trung Quốc trong thời gian dài là những vụ việc điển hình trong sản xuất và kinh doanh hàng giả.
Công ty TNHH TS Việt Nam với lô mỹ phẩm giả với giá trị hơn 11 tỷ đồng; công ty Khải Silk bán lụa Trung Quốc trong thời gian dài là những vụ việc điển hình trong sản xuất và kinh doanh hàng giả.
"Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã có số điện thoại nóng, bất kể lúc nào phát hiện hàng giả, người dân, doanh nghiệp hãy thông tin để phối hợp xử lý. Chưa bao giờ công tác chống hàng giả được quan tâm như hiện nay, ngoài Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh, các thành phố lớn như TP.HCM, Cần Thơ đã có Ban chỉ đạo đến cấp quận. Chống hàng giả không có vùng cấm, văn phòng Ban chỉ đạo sẽ tham mưu cho Chính phủ xác định trách nhiệm chính trị đối với Quốc gia của người đứng đầu địa phương, bộ ngành trong ngăn chặn buôn bán, sản xuất hàng giả", ông Ba thông tin.
Theo Danviet
Bán khăn Trung Quốc gắn mác hàng Việt, Khaisilk đối mặt hình phạt nào? Các luật sư đưa ra ý kiến nhận định các trường hợp pháp lý Khaisilk sẽ phải đối mặt nếu bị xác định mua khăn "Made in China" gắn mác hàng Việt bán cho khách. Cơ quan chức năng xác minh thông tin Khaisilk thay đổi nhãn mác khăn lụa từ "Made in China" sang "Khaisilk made in Vietnam". Sản phẩm giả mạo...