Những thách thức với dạy học online ở Việt Nam
Việc áp dụng đại trà hình thức giảng dạy trực tuyến ở Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội đã bộc lộ những bất cập.
Học tập từ xa, giảng dạy online, đào tạo trực tuyến, khóa học/học liệu mở, lớp học ảo…là những khái niệm cùng đề cập đến phương thức giáo dục và đào tạo không yêu cầu người học phải hiện diện và tương tác trực tiếp với người dạy tại lớp học. Thay vào đó, các tài liệu, bài giảng, hay hướng dẫn của giảng viên được chuyển tới người học thông qua bưu điện hoặc các phần mềm công nghệ dựa trên nền tảng internet.
Ảnh minh họa
Những hình thức gửi bài về nhà cho người học bắt đầu xuất hiện ở Mỹ từ khoảng năm 1828, và ở Anh là khoảng năm 1840. Những trường học đầu tiên chính thức áp dụng hình thức đào tạo từ xa theo cách hiểu hiện nay cũng xuất hiện ở Mỹ vào khoảng những năm 1870 và ở Anh vào đầu những năm 1890. Ở Việt Nam, các hình thức đào tạo từ xa cũng xuất hiện từ đầu những năm 1990 và đặc biệt phổ biến hơn từ sau những năm 2000, với sự phát triển của internet và thị trường giáo dục.
Gần đây, sự xuất hiện và phổ biến của internet, dữ liệu số hóa, và công nghệ phần mềm đã tạo cú hích mạnh mẽ cho hình thức giáo dục và đào tạo từ xa. Phạm vi áp dụng hình thức học tập này không bị bó hẹp trong trường học, mà có thể mở rộng ra với mọi lĩnh vực, không gặp trở ngại lớn về địa giới, không gian, hay thời gian.
Ưu điểm thấy rõ của giáo dục và đào tạo từ xa là tính linh hoạt, tiện lợi, và tiết kiệm chi phí, nhờ đó đáp ứng được nhu cầu học tập của số lượng lớn học viên trong cùng một thời điểm.
Bất cập giảng dạy online ở Việt Nam
Việc áp dụng đại trà hình thức giảng dạy trực tuyến ở Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội gần đây cũng bộc lộ những bất cập.
Video đang HOT
Dễ thấy nhất là nhu cầu trang thiết bị cho cả giảng viên và học viên. Đặc biệt, với bậc học phổ thông, không phải thầy/cô và học sinh nào cũng có thể dễ dàng giải quyết vấn đề trang thiết bị. Tình trạng này bộc lộ rõ nhất với những trường học và gia đình ở các khu vực khó khăn, còn thiếu thốn về thiết bị, và không phải gia đình nào cũng có người thành thạo công nghệ.
Không phải thầy/cô và học sinh nào cũng có thể trang bị máy tính. Ảnh minh họa
Giảng dạy online khiến người học, vốn cách xa nhau, phải tập trung vào màn hình của giảng viên. Những khó khăn do tương tác gián tiếp dễ khiến buổi dạy học chuyển thành quá trình tương tác một chiều nhàm chán giữa cá nhân giảng viên với những người còn lại.
Bậc học càng thấp thì tình trạng “thày/cô cứ nói, học trò chỉ nghe và ghi chép” lại càng có cơ hội tái diễn. Nguy cơ này sẽ gia tăng nếu như môi trường xung quanh không được kiểm soát tốt. Do đặc trưng lứa tuổi, học sinh phổ thông có thể dễ dàng bị phân tán vào những việc khác, thậm chí bỏ màn hình đó cho thày/cô giáo tự nói và tự nghe.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, những yếu kém phổ biến của học sinh và sinh viên Việt Nam về tư duy và kỹ năng phản biện, thảo luận nhóm, trình bày ý kiến… cũng bộc lộ rõ hơn với giảng dạy online. Do không phải trực tiếp chịu áp lực từ giảng viên và bạn học, người học sẽ có thiên hướng giữ im lặng, và chỉ lên tiếng khi nào bị buộc phải nêu ý kiến. Tiến trình này có thể gây tốn thời gian và làm giảm không khí tích cực của các buổi học.
Giảng dạy online cũng khiến các giảng viên gặp khó khăn khi muốn áp dụng các liệu pháp tâm lý để tạo cảm xúc, truyền cảm hứng, và sự hưng phấn với bài học. Bởi lẽ, những kỹ năng tâm lý này vốn đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và tập trung đông người. Còn khi bài giảng được truyền đạt gián tiếp với những cá nhân bị tách rời nhau thì hậu quả thường thấy là người giảng cứ nói nhưng họ sẽ không dám chắc người học có đang online để nghe hay không, cảm xúc và thái độ của họ thế nào để mà điều chỉnh.
Sự không tập trung tại không gian lớp học, sự tách rời giữa giảng viên và học viên, sự phân tán người học cũng tạo thuận lợi cho “thói tật xấu” nảy sinh. Chỉ cần sự đồng thuận với người học, giảng viên có thể cắt bớt giờ giảng và giảm thiểu những hoạt động đào tạo mà đáng ra họ phải thực hiện. Thực tế, sự cách trở và phân tán khiến những giảng viên tích cực nhất cũng đành bất lực, rất khó thực hiện những hoạt động đào tạo mà họ muốn.
Tương lai nào cho giảng dạy online?
Trải nghiệm giảng dạy online trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gợi ra những phương án điều chỉnh cần thiết.
Thứ nhất , học tập online không thể là phương pháp có thể áp dụng đại trà với mọi quy mô lớp học.
Thứ hai , để thành công, giảng dạy trực tuyến đòi hỏi sự tích cực và chủ động của cả người giảng và người học. Điều này đặt ra yêu cầu về quy mô lớp học nhỏ và người tham gia có ý thức tự giác cao độ.
Để phòng chống Covid-19, những quy định giãn cách xã hội là khó tránh. Bởi thế, giảng dạy online vẫn sẽ là lựa chọn tất yếu để bảo đảm tiến độ chương trình học. Tuy nhiên, không nên vì thế mà coi đây là phương án duy nhất.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Bangladesh: Kỹ thuật số nới rộng khoảng cách giáo dục
Các chương trình đào tạo trực tuyến thông qua truyền hình, đài phát thanh, Internet, được tổ chức sau khi trường học tại Bangladesh đóng cửa do Covid-19, vẫn chưa hiệu quả.
Học sinh Bangladesh học online qua Internet.
Phát hiện này được đề cập trong Báo cáo Giám sát Giáo dục tạm thời 2020 - 2021 do tổ chức giáo dục Campaign for Popular Education (CAMPE) thực hiện. Các chuyên gia giáo dục cho biết, việc trường học đóng cửa kéo dài, kể từ tháng 3/2020, khiến học sinh cảm thấy buồn chán, thiếu tương tác xã hội với bạn bè đồng trang lứa.
CAMPE đã phỏng vấn gần 3.000 người, gồm 1.709 học sinh tiểu học, trung học, 578 giáo viên và 576 phụ huynh. Theo khảo sát, khoảng 69,5% học sinh không tham gia học trực tuyến. 57,9% trong số này cho biết bị thiếu thiết bị học tập. Khoảng 69% học sinh ở các vùng nông thôn cũng không thể học trực tuyến do không có đủ thiết bị học tập. Mặt khác, 16,5% học sinh nhận xét lớp học trực tuyến không thú vị nên không tham gia.
Giáo sư Syed Md Golam Faruk, Tổng Giám đốc Tổng cục Giáo dục Trung học và Đại học (DSHE) cho biết: "Nghiên cứu được thực hiện trong tháng 12, khi học sinh phổ thông chỉ nhận và nộp bài tập. Vì vậy, tỷ lệ học sinh tham gia học online vào thời điểm này là rất thấp".
Trước đó, ngày 17/3, chính phủ Bangladesh yêu cầu đóng cửa trường học các cấp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Dự kiến, các trường sẽ học online đến cuối tháng 1 năm nay nhưng các nhà chức trách vẫn chưa quyết định được thời gian tái mở cửa. Các kỳ thi cũng đã bị hủy bỏ.
Sau khi các trường đóng cửa, việc giảng dạy được tổ chức qua truyền hình cho học sinh trung học, tiểu học. Các trường đang xây dựng bài giảng trực tuyến. Trung bình, mỗi ngày học sinh Bangladesh học 5 - 6 tiết học online, tương đương với 4 tiếng.
Hầu hết học sinh thành thị vẫn duy trì việc học qua Internet nhưng học sinh có điều kiện khó khăn hoặc ở nông thôn không thể học online hoặc phải bỏ học do thiếu thiết bị và Internet. Điều này đang nới rộng khoảng cách học tập giữa các nhóm học sinh tại Bangladesh.
Đứng trước bất cập trên, nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên ủng hộ việc tái mở cửa trường học. Báo cáo của CAMPE chỉ ra 75% học sinh được khảo sát muốn quay lại trường. 76% phụ huynh, 73% lãnh đạo giáo dục cấp huyện và 80% quan chức trong Bộ Giáo dục cũng ủng hộ tái mở cửa trường học.
58% giáo viên ủng hộ tái mở cửa theo cách thận trọng như đeo khẩu trang, sử dụng chất tẩy rửa, duy trì khoảng cách xã hội. Nếu trường học mở cửa lại, 45% học sinh đề nghị giáo viên giảng lại những bài học bị bỏ quên trong thời gian phong tỏa.
CAMPE khuyến nghị, các trường học nên tái mở cửa theo chỉ thị của Ủy ban Cố vấn Kỹ thuật quốc gia về Covid-19. Theo đó, trường học tại nông thôn, nơi tình hình Covid-19 được kiểm soát, nên tái mở cửa vào tháng 2. Trường học tại thủ đô Dhaka, các thành phố như Chattogram, Khulna, Rajshahi có thể mở cửa theo từng giai đoạn vào tháng 3.
Thời gian dành cho thi cử cũng nên được cắt giảm để giáo viên tập trung vào giảng dạy, củng cố lại những lỗ hổng trong kiến thức của học sinh. Điều đặc biệt hiện nay là các trường tại Bangladesh cần đảm bảo an toàn, vệ sinh cho học sinh, giáo viên khi tái mở cửa.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong trường nghề Từ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chuyển đổi số đã cho thấy những lợi thế lớn, trở thành xu thế tất yếu trong giáo dục đào tạo. Với giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết để các trường nghề thích ứng với mọi hoàn cảnh, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy đào tạo...