Những tâm thư gửi Bộ trưởng Giáo dục nhiều tranh luận
Thủ khoa Đỗ Duy Hiếu viết, sự thay đổi của Bộ GD&ĐT đang trong vòng luẩn quẩn. Cô gái Việt ở Nepal cho rằng, sách giáo khoa dạy tiếng Anh lạc hậu.
Thủ khoa viết về sự thay đổi luẩn quẩn
Ngày 24/4, thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Đỗ Duy Hiếu viết tâm thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT. Anh chỉ ra hàng loạt thay đổi về hình thức thi của 10 năm qua.
“Năm 2001 trở về trước, mỗi trường có phương án tuyển riêng. Năm 2002, phương án tuyển chung. Năm 2013 lại phương án tuyển riêng. Sự thay đổi là vòng luẩn quẩn khi sau đó lại về vạch xuất phát. Vậy thay đổi để làm gì?”, Đỗ Duy Hiếu viết.
Theo thủ khoa này, “năm 2006 trở về trước thi tự luận. Năm 2007 thi trắc nghiệm. Cháu đã xây dựng nhiều công thức giải nhanh Vật lý, Hóa học để đối phó cách thi mới đến nỗi nhiều học sinh không hiểu gì, học như vẹt vẫn thi được 7 điểm Vật lý”.
“Năm 2012, có quá nhiều thay đổi khi thi liên thông phải chung với đại học. Vậy mà năm nay, thi liên thông lại tách riêng. Có lẽ, khả năng của cháu có hạn. Cháu không thể cập nhật nhanh và thấu đáo những thay đổi đó. Cho đến tận bây giờ, cháu vẫn chưa hiểu được hình thức thi đại học và xét tuyển như thế nào”.
Duy Hiếu đề xuất với Bộ trưởng GD&ĐT: “Tại sao bác không có chính sách thu hút nhân tài? Những sinh viên sư phạm là thủ khoa, có giải quốc gia, quốc tế nếu có khả năng sư phạm tốt nên tuyển thẳng. Theo cháu, nếu làm điều đó thì 10 năm nữa, nền giáo dục Việt Nam sẽ tự đi lên”.
Video đang HOT
Ngay sau khi đăng tải, bức thư nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều bạn đọc đồng tình suy nghĩ của thủ khoa, nhưng cũng có những ý kiến khác trao đổi lại.
Thư thủ khoa gửi Bộ trưởng Giáo dục về ‘thay đổi luẩn quẩn’
Đỗ Duy Hiếu cho biết, những cải cách trong 10 năm qua đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Anh đề xuất chính sách thu hút nhân tài để nền giáo dục tiến bộ.
Thủ khoa Đỗ Duy Hiếu được Bộ trưởng GD&ĐT tặng hoa khen ngợi.
Cô gái Việt ở Nepal và sách dạy tiếng Anh
Tháng 11/2014, Võ Thị Mỹ Linh (sinh năm 1989) chia sẻ về học tiếng Anh từ “góc nhìn Nepal”. Ngay sau khi đăng tải, bức thư nhận được hơn 7.500 lượt thích, hơn 3.300 chia sẻ cùng 730 bình luận.
Trong thư, cô thẳng thắn: “Bài học đầu tiên của sách giáo khoa (SGK) 1 dạy Hello. Bài học của SGK 2 dạy Where are you from? Bài học của SGK 3 lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 là How’re you? Bài học đầu tiên của SGK 5 vẫn Where’re you from?… Cháu không biết vì nghi ngờ trình độ của học sinh Việt Nam quá kém nên có mỗi 3 câu mà phải học đi học lại suốt 5 năm? Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?”.
So sánh với Nepal, Mỹ Linh mong muốn có cuốn sách dành riêng cho người Việt: “Chúng ta tự hào về văn hoá Việt, nên cần học tiếng Anh để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng ta đẹp như thế nào”. Người Nepal đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính, vì họ muốn kể câu chuyện văn hoá của đất nước họ cho thế giới biết”.
Mỹ Linh và những em nhỏ ở Nepal.
Trao đổi sau bức thư, một giáo sư có nhiều năm kinh nghiệm viết SGK tiếng Anh cho biết, rất trân trọng điều Mỹ Linh viết, nhưng cô bạn chưa hiểu SGK Việt Nam đang dạy trò những gì. Cô nêu những điều cũ, hiện tại mọi thứ đã thay đổi. Trong khi đó, giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Bức thư của cô gái Việt gửi từ Nepal rất đáng gửi đến Bộ trưởng”.
Không muốn là chuột bạch
Tháng 8/2014, một bạn sinh năm 1997 viết thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT với những lời chân thật. Học sinh này cho biết, kỳ thi THPT quốc gia khiến em và bạn bè hoang mang, bức xúc.
“Môn Toán, chẳng hiểu sao chúng em phải học quá nhiều về lượng giác, tích phân, vi phân, đạo hàm, đường cao, các định lý Pitago…, vừa nhức đầu vừa chẳng giúp ích gì cho chúng em sau này.
Môn Hóa lại còn nặng nề lý thuyết hơn nữa. Chúng em được dạy đủ các chất, dạng phương trình, cách nhận biết chất, nhưng khi chỉ vào chất đó và hỏi đó là chất gì thì em dám khẳng định chẳng mấy học sinh có thể nói ngay và luôn được.
Tiếng Anh đáng lý phải chú trọng nhiều vào kỹ năng nghe và nói thì lại dạy nhiều ngữ pháp. Thử hỏi, một học sinh giỏi ngữ pháp chắc gì đã giỏi tiếng Anh. Bạn nào giỏi ngữ pháp liệu có thể giao tiếp với người Mỹ hay chí ít là hiểu được tất cả những gì họ nói không?”.
Không mong muốn mình là chuột bạch, học sinh này nêu: “Các nước tổ chức World Cup còn phải mất 4 năm chuẩn bị, chúng em đã được cha mẹ đầu tư cho đến thời điểm này cũng mất cả 12 năm, chừng ấy năm dồn biết bao nhiêu tâm huyết, nỗ lực để được bước vào cánh cửa đại học. Chúng em không phải chuột bạch cho những hình thức thi cải cách…”.
Đề xuất bỏ thi tốt nghiệp
Cùng trong thời gian tháng 8/2014, Hồ Ái Linh, sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn, Đại học Sài Gòn gửi tâm thư đến Bộ trưởng.
Nữ sinh bộc bạch: “Việc tổ chức thi cử như hiện nay có đảm bảo rằng chất lượng giáo dục tốt hơn không? Cháu xin thẳng thắn trả lời là KHÔNG… Các bác bàn những phương án thi cử là đúng, và đổi mới quả không sai…, nhưng phải nhìn trên nhiều phương diện… Không những học sinh mà cả giáo viên cũng phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ”.
“Cháu xin đề xuất phương án xét tốt nghiệp và siết chặt kỳ thi đại học, cao đẳng để đảm bảo công bằng”, Ái Linh viết.
Theo Zing