Những sai lầm phổ biến khi bảo quản thực phẩm tại nhà
Bảo quản thực phẩm là một khâu vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho mỗi gia đình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bảo quản thực phẩm đúng cách.
Nhiều người thường sử dụng túi nilon để bảo quản thực phẩm nhưng đây không phải là lựa chọn an toàn. Ảnh minh họa.
Phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga về vấn đề này.
- Bác sĩ có thể cho biết những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi bảo quản thực phẩm tại nhà?
Ngày nay, hầu hết mỗi gia đình đều sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách không chỉ làm giảm chất lượng thực phẩm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Thứ nhất là không rửa sạch thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Thực phẩm chưa được làm sạch như rau củ, thịt cá tươi sống chứa nhiều vi khuẩn có hại như E.coli, Salmonella, Listeria, gây ngộ độc và các bệnh lý đường tiêu hóa.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga.
Nhiều người vẫn có thói quen để thực phẩm tươi sống chung với thực phẩm đã chế biến làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn. Không chỉ vậy, việc tích trữ thực phẩm quá hạn hoặc qua đêm không đúng cách cũng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng. Thực phẩm để quá lâu trong tủ lạnh dễ bị hỏng và mất đi giá trị dinh dưỡng. Một số loại như rau, nấm khi bảo quản qua đêm có thể làm tăng nitrite – một hợp chất gây hại, có nguy cơ dẫn đến ung thư nếu hấp thụ lâu dài. Gỏi, nộm và các thực phẩm không qua chế biến nhiệt cũng dễ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng nếu lưu trữ lâu.
Video đang HOT
Không đậy kín thức ăn thừa, đây cũng là một trong những sai lầm phổ biến. Thức ăn thừa không được bọc hoặc đậy kín dễ trở thành nơi vi khuẩn sinh sôi và có nguy cơ lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Nhiều người thường sử dụng túi nilon để bảo quản thực phẩm nhưng đây không phải là lựa chọn an toàn. Một số loại túi nilon chứa chất tạo màu hoặc hóa chất độc hại, có nguy cơ gây ung thư nếu tiếp xúc với thực phẩm.
- Bên cạnh đó còn có sai lầm nghiêm trọng nào trong cách bảo quản thực phẩm, thưa bác sĩ?
Cấp đông lại thực phẩm sau khi đã rã đông là một sai lầm nghiêm trọng vì nó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Việc cấp đông và rã đông nhiều lần không chỉ làm giảm chất lượng mà còn tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, việc ít vệ sinh tủ lạnh có thể biến tủ lạnh thành nơi tích tụ vi khuẩn và mùi hôi, gây lây nhiễm chéo và giảm chất lượng thực phẩm.
- Vậy bác sĩ có thể chỉ ra chúng ta nên làm như thế nào để bảo quản thực phẩm tươi sống đúng cách?
Bảo quản thực phẩm tươi sống đúng cách không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm chi phí mà còn giữ được màu sắc, dinh dưỡng của thực phẩm.
Thứ nhất, đối với các loại thịt, cá, tôm nên giữ nguyên bao bì, bảo quản riêng bằng hộp đựng thức ăn chuyên chứa thịt và nên sử dụng hết trong khoảng 2 ngày. Nếu muốn để lâu hơn, nên để trong hộp đựng thức ăn.
Sữa là loại dễ hấp thụ mùi vị của những thực phẩm khác. Do đó, không nên để sữa gần với các loại thực phẩm có mùi mạnh. Cách tốt nhất là giữ nguyên bao bì của chúng hoặc cho vào hộp có nắp đậy kín rồi đặt vào ngăn mát của tủ lạnh.
Các loại củ như củ dền, củ cải và cà rốt thì cần cắt bỏ phần lá xanh trên ngọn, cho chúng vào những chiếc túi bảo quản và giữ lạnh. Những loại rau có nhiều lá, phải nhặt sạch những lá bị vàng, hỏng để chúng thật ráo nước, cho vào các túi riêng rồi mới cho túi bảo quản giữ lạnh. Chúng ta cũng không nên rửa nấm trước khi bảo quản và để chúng trong các túi giấy sẽ giữ được lâu hơn. Đối với các loại hành, tỏi, khoai tây, bí không cần giữ lạnh mà chỉ cần để ở nơi khô và tối.
Nên đựng thực phẩm vào trong các hộp đậy nắp kín rồi mới đưa vào tủ lạnh bảo quản. Ảnh minh họa.
- Ngoài ra, bác sĩ còn có lưu ý gì cho người dân trong việc bảo quản thực phẩm tại nhà?
Nếu muốn lưu trữ thức ăn còn dư, trước tiên chúng ta phải cho vào hộp kín, đậy nắp thật cẩn thận, đặt chúng vào ngăn đá và cố gắng chỉ sử dụng trong khoảng 2-3 ngày đó.
Chúng ta cũng không nên tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. Nếu không thể giảm bớt số lượng thực phẩm cần lưu trữ, bạn hãy nhớ chỉnh nhiệt độ thấp xuống để đảm bảo không khí bên trong luôn giữ cho thực phẩm tươi xanh.
Chúng ta chỉ nên để thịt trong ngăn đá tủ lạnh tầm 1 tuần, còn nếu để trong ngăn mát thì chỉ nên 2 ngày. Với thịt đã qua chế biến thì có thể để được 3 – 5 ngày.
Gia đình nên khử mùi, diệt khuẩn tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần, cần loại bỏ thực phẩm hư hỏng, lau chùi kỹ từng ngăn tủ và xử lý các vết bẩn. Việc này không chỉ giúp duy trì môi trường bảo quản sạch sẽ mà còn kéo dài tuổi thọ của tủ lạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
'Hai không' giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa mưa lũ
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng thịt gia súc, gia cầm chết trong lũ lụt làm thực phẩm.
Không giết mổ động vật chết
Hiện nay, do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, nhiều tỉnh phía Bắc bị ngập sâu trong nước. Hàng loạt gia súc, gia cầm bị chết.
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, gia súc, gia cầm chết do mưa bão không phải dịch bệnh nhưng người dân cũng không nên giết mổ lấy thịt làm thực phẩm. Thịt động vật chết đuối thường nhanh chóng hỏng, mất hết dinh dưỡng hoặc nguy hiểm hơn là trong quá trình thối rữa, tạo độc tố gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, môi trường nước lũ khiến thịt động vật dễ nhiễm các vi khuẩn như E.coli, Salmonella... nguy cơ gây ngộ độc rất cao.
Theo đó, các cơ quan quản lý đều khuyến cáo đối với gia súc, gia cầm chết trong nước lũ, người dân phun thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết, chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp. Không giết mổ vận chuyển gia súc, gia cầm chết sang khu vực khác để tránh lây lan dịch bệnh sau lũ cũng như các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể con người.
Ngày 10/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo người dân vùng ngập lụt, ảnh hưởng mưa bão tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
Gia cầm bị ảnh hưởng của lũ tại Hà Nội.
Không dùng thực phẩm trong tủ lạnh mất điện
Trong điều kiện lũ lụt như hiện nay, vi sinh vật phát triển, ô nhiễm môi trường dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tiến sĩ Ngữ khuyến cáo người dân cần chú ý ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh. Thực phẩm phải bảo quản có bao bì, tránh nước lũ tiếp xúc trực tiếp.
Vùng lũ mất điện, thực phẩm trong tủ lạnh không còn an toàn. Bạn cần kiểm tra kỹ từng gói thực phẩm xem có mùi, màu sắc lạ hay không. Thịt xay, thái lát; gia cầm; các loại cá; động vật có vỏ rất dễ hỏng khi không bảo quản ở môi trường lạnh. Một số vi khuẩn sản sinh ra độc tố không bị tiêu diệt khi nấu chín và có thể gây ngộ độc. Vì vậy, bạn nên bỏ đi.
Nguồn nước dùng chế biến thực phẩm cũng phải đảm bảo, được sát khuẩn, làm sạch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Không dùng đồ hộp đã hết hạn sử dụng, phồng, có mùi lạ.
Nếu bạn đang ở vùng lũ, nên để thực phẩm lên cao hơn mực nước, bảo quản trong hộp, bao bì tốt.
Sau khi nước rút, người dân cần vệ sinh sạch sẽ, rửa khử trùng các loại bát đĩa, dao thớt, nồi niêu đã tiếp xúc với nước lũ. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Nấu vừa đủ ăn, không để thức ăn thừa lưu trữ qua bữa khác. Khử trùng tiêu độc nguồn nước, môi trường xung quanh.
Người dân không mua các thực phẩm không đảm bảo như thịt thâm đen, thịt trâu bò chết trong lũ, rau củ quả dập, nát. Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sát khuẩn sau tiếp xúc với thực phẩm sống và trước bữa ăn.
Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.
Sau bão lụt, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm như tả, thương hàn, lỵ trực trùng cũng như các bệnh tiêu chảy do virus, viêm gan A, E... tăng cao, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các cơ sở y tế và trạm y tế trong vùng lũ tăng cường công tác giám sát. Nếu phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý ngay, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nước rửa rau quả có làm sạch được hóa chất và các vi sinh vật gây hại? Rửa rau, quả trước khi ăn là bước quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe của gia đình, vậy việc dùng những loại nước rửa rau củ có thực sự hiệu quả? Tình trạng rau, củ, quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, kích chín hay thậm chí là nhiễm vi...