Những ngày chờ đợi hồi hộp của giáo viên ra đề thi
Trong khi thí sinh căng thẳng làm bài, thì ở khu vực cách ly, giáo viên ra đề thi hồi hộp lo lắng, mong sao không có sai sót.
Xong phần ra đề, in sao hoàn thiện và sắp xếp theo một thứ tự cẩn thận cũng là ngày cận kề với kỳ thi tuyển sinh. Ngày thí sinh đến làm thủ tục thi là ngày Hội đồng ra đề thi bàn giao đề thi đến từng Hội đồng thi. Vì các đơn vị trường học phân bố rải rác khắp quận huyện nên ngay từ sáng sớm những người ra đề bắt đầu tập trung đề thi ra khu vực quy định.
Sau nhiều ngày sống trong khu vực cách ly, biệt lập với thế giới bên ngoài nên khi cánh cửa cách ly được mở ra, ai nấy mừng rỡ khi thấy không gian phía trước rộng rãi, thoáng đãng hơn vì dù sao cũng có không khí tự nhiên. Suốt cả tuần sống trong không gian chật chội và máy lạnh, ai cũng cảm nhận được sự ngột ngạt, tù túng. Bây giờ, dù chưa được ra ngoài nhưng khoảng không gian bàn giao đề cũng tạo nên một chút thoải mái, sảng khoái.
Để việc bàn giao đề thuận tiện và chính xác, việc đầu tiên giáo viên ra đề phải lấy những thùng sắt từ kho chứa đồ ra ngoài và sắp xếp mấy chục thùng đựng đề thi theo thứ tự định sẵn. Mỗi Hội đồng thi một cái thùng sắt. Sau khi sắp xếp các thùng tương ứng với từng Hội đồng thi là bắt đầu phân chia công việc. Người thì đi rải tên các Hội đồng thi lên mặt thùng đựng đề thi, người thì dán tên theo Hội đồng thi một cách cẩn thận, thứ tự.
Việc ra đề, in sao, vận chuyển đề thi luôn phải đề cao tính bảo mật và chính xác theo quy trình chặt chẽ. Các phong bì chứa đề thi trong lúc vận chuyển từ khu vực in sao đến khu vực bàn giao phải được dán chặt, không bong mép, có đủ nhãn và dấu niêm phong. Quá trình vận chuyển, cán bộ an ninh luôn túc trực và theo dõi một cách nghiêm ngặt.
Sau khi vận chuyển hoàn thiện thì đội ngũ ra đề thi bàn giao cho Hội đồng thi và trở vào khu vực cách ly, ở thêm ba ngày nữa cho đến khi học sinh thi môn cuối cùng thì mới được “thả”. Ngày thi, không chỉ học sinh lo lắng mà những người làm công tác ra đề thi cũng trải qua giờ phút cực kỳ căng thẳng. Dù trong suốt quá trình làm việc ai nấy đã cố gắng hết khả năng, nhưng chuyện sai sót của công tác ra đề thi vẫn thường xuyên xảy ra.
Phương tiện thông tin duy nhất giáo viên ra đề có thể biết được thông tin thời sự bên ngoài là chiếc tivi qua các bản tin hàng ngày. Vì thế, dù làm gì thì đến thời gian bản tin thời sự của địa phương, giáo viên ra đề đều chăm chú theo dõi xem dư luận đánh giá đề thi như thế nào. Sự bình phẩm, đánh giá, khen chê là tất yếu, nhưng làm sao để đề thi nhận được nhiều sự đồng thuận của thí sinh, giáo viên và dư luận là điều giáo viên ra đề thi nào cũng mong muốn.
Trong khi thí sinh căng thẳng làm bài, ở khu vực cách ly giáo viên làm đề cũng lo lắng. Ảnh: Ngọc Thành
Kết thúc mỗi môn thi, phóng viên sẽ phỏng vấn nhanh thí sinh, giáo viên về độ khó dễ, sự tin cậy của đề thi. Nếu được học sinh nhận xét là đề thi phù hợp, đúng chuẩn kiến thức kỹ năng của sách giáo khoa, giáo viên bộ môn nhận xét đề thi được rải đều các đơn vị kiến thức, cập nhật được tính thời sự… thì giáo viên ra đề mới thở phào nhẹ nhõm. Nếu ngược lại họ chịu không ít áp lực.
Video đang HOT
Một đồng nghiệp cùng tham gia ra đề trong tổ tâm sự: “Tôi từng tham gia ra đề và phản biện một số lần thi, nhưng lần nào cũng hồi hộp và lo lắng. Ngán nhất là trong đề thi hay đáp án có những sai sót vì nó ảnh hưởng đến uy tín của mình và tạo ra rất nhiều áp lực”. Biết vậy, nhưng khi được phân công tham gia ra đề, không giáo viên nào dám từ chối.
Môn thi kết thúc và không có sai sót nào, anh em trong tổ ra đề mới yên lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ và yên tâm ngồi đợi giờ phút được “thả” ra ngoài, trở về với gia đình.
10 phút trước khi kết môn thi cuối cùng của thí sinh, một cán bộ an ninh ghé đầu vào thông báo “rút quân”, giáo viên hồ hởi bắt tay nhau ra về. Những bước chân rộn ràng bước xuống bậc cầu thang để làm thủ tục cần thiết ra về. Lãnh đạo Sở Giáo dục, chuyên viên phòng ban đều ra bắt tay chúc mừng các tổ ra đề thi và in sao đã hoàn thành nhiệm vụ.
Một vài cán bộ văn phòng đem một số dụng cụ bị “tạm giữ” hôm vào để trả lại cho giáo và tranh thủ ký, đóng dấu xác nhận giấy đi đường cho giáo viên ở xa. Các nhân viên phòng tài chính đã chuẩn bị sẵn tiền chế độ cho anh em. Giáo viên chỉ việc ký là nhận được số tiền đã chuẩn bị sẵn cho từng người.
Mùa thi kết thúc, giáo viên ra đề và in sao đề vui vẻ ra về, hẹn tái ngộ vào mùa thi năm sau, diễn ra vào tháng 6.
Nguyễn Đăng
Theo vnexpress.net
Chuyện hậu trường của người ra đề thi vào lớp 10
Nhiều năm tham gia công tác tổ chức thi tuyển sinh lớp 10, thầy giáo Nguyễn Đăng chia sẻ câu chuyện mà ít người biết.
Trong các kỳ thi hiện nay, có hai kỳ quan trọng đối với học sinh là thi THPT quốc gia và thi tuyển sinh lớp 10. Vì tính nghiêm ngặt cũng như sự quan tâm của toàn xã hội, hai kỳ thi được Bộ Giáo dục và các Sở Giáo dục đặc biệt coi trọng.
Khi giáo viên được lựa chọn ra đề thi
Được tham gia Hội đồng ra đề, in sao đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018, tôi thấy đó là những ngày thú vị trong quãng đời dạy học của mình.
Vì tính bảo mật nên ngay từ khi được lựa chọn, giáo viên đã được lãnh đạo Sở Giáo dục lưu ý là phải tuyệt đối bí mật với tất cả mọi người để không ai biết mình tham gia ra đề thi nhằm tránh người này, người kia nhờ vả và hạn chế tối đa những lời lẽ thị phi sau này. Ở trường học có giáo viên tham gia ra đề thi, chỉ giáo viên được điều động và Ban giám hiệu biết.
Việc liên hệ công việc trước khi ra đề đều được thực hiện qua điện thoại cá nhân giữa lãnh đạo Sở và giáo viên. Chỉ một email được gửi là quyết định triệu tập của Giám đốc Sở Giáo dục gửi về các Phòng Giáo dục và trường có giáo viên tham gia ra đề.
Xong công tác nhân sự, Hội đồng ra đề và in sao đề sẽ tổ chức họp toàn thể. Ngày họp Hội đồng đầu tiên gồm lãnh đạo Sở, giáo viên tham gia ra đề, cán bộ thanh tra và cán bộ an ninh được điều động từ công an tỉnh về làm nhiệm vụ bảo vệ. Ngoài những người trực tiếp làm nhiệm vụ, không ai được tham dự.
Trong buổi họp, ngoài việc phân công nhiệm vụ, quy định ngày triệu tập ra đề, cách thức ra đề thì Phó giám đốc Sở (Chủ tịch Hội đồng) luôn căn dặn tính bí mật để kỳ thi được diễn ra an toàn nhất.
Trước khi kỳ thi diễn ra 7 ngày, các giáo viên tham gia ra đề, in sao đề tập trung tại Sở Giáo dục. Việc đầu tiên của cán bộ an ninh là kiểm tra hành lý giáo viên. Tất cả đồ đạc được kiểm tra chặt chẽ như hành lý của khách khi lên máy bay.
Giáo viên chỉ được mang theo tư trang cá nhân cần thiết và một số quyển sách chuyên môn. Tất cả điện thoại, thiết bị có thể quay phim, chụp hình, ghi âm, USB của giáo viên được công an thu giữ và niêm phong.
Sau đó giáo viên được đưa đến khu vực cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Những gương mặt cán bộ tham gia ra đề và in sao đề có phần căng thẳng như chuẩn bị bước vào "cuộc chiến".
Thí sinh thi vào lớp 10 công lập năm 2017 ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.
Vào khu vực cách ly
Thời đại công nghệ thông tin, điện thoại quá quen thuộc với mọi người, không loại trừ giáo viên. Tuy nhiên, khi bước vào khu vực cách ly thì việc đầu tiên là phải làm quen với những ngày không điện thoại, không Internet.
Khu vực cách ly là một không gian riêng biệt, khép kín. Khi cán bộ, giáo viên bước vào đây thì mọi cánh cửa phòng đều khép lại. Ngay cả ô thoáng của nhà vệ sinh cũng được kéo sập xuống và niêm phong cẩn thận. Không một vật gì có thể được đưa ra ngoài nếu không có sự đồng ý của cán bộ an ninh.
Việc để lọt thông tin ra bên ngoài không chỉ đơn thuần giáo viên và Hội đồng ra đề thi bị kỷ luật mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành, sự tốn kém cho địa phương và quyền lợi của thí sinh tham gia kỳ thi. Vì thế, bên ngoài khu vực cách ly luôn có hai cán bộ an ninh và một cán bộ thanh tra giám sát.
Mỗi khi cần cái gì, giáo viên phải xin phép để nhắn qua cán bộ an ninh. Và từ cán bộ an ninh sẽ nhắn đến những bộ phận liên quan ở bên ngoài.
Hàng ngày, trong giờ nghỉ, những người sống trong khu vực cách ly chỉ theo dõi tin tức qua tivi hoặc vài tờ báo ngành, báo địa phương mà cán bộ an ninh đưa vào mỗi buổi sáng. Do sự thiếu thốn thông tin nên những tờ báo được chuyền tay nhau đọc đi, đọc lại đến nhàu nát.
Những giáo viên lần đầu tham gia ra đề thi thường thấy ngột ngạt, bứt rứt, nhất là những giáo viên có con nhỏ, ít khi xa nhà. Giờ nghỉ, họ thể hiện sự nhớ nhung qua những câu chuyện về gia đình, về những đứa con đang ở nhà.
Nhưng nỗi buồn, sự tù túng cũng nhanh chóng trôi đi để nhường lại cho những ngày làm việc căng thẳng, đòi hỏi sự nghiêm túc, khách quan, và chính xác đến từng chi tiết trong việc ra đề, phản biện và in sao đề thi.
Nguyễn Đăng
Theo vnexpress.net
Quảng Ngãi: Công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019. Theo Sở này, việc chậm công bố phương án tuyển sinh nhằm hạn chế tình trạng học sinh học lệch môn. Theo phương án vừa được công bố, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Quảng Ngãi gồm 3 môn: Văn,...