Những mặt hàng được săn lùng và không ngừng tăng giá trong “cơn bão” Covid-19
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều loại hàng hóa liên tục giảm giá, cần phải “giải cứu” do không tìm được đầu ra.
Bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hàng liên tục được săn lùng, tìm mua và thậm chí có mặt hàng không ngừng tăng giá bất chấp những chỉ đạo phải điều chỉnh giảm giá từ Chính phủ.
Sản xuất khẩu trang trở thành “cứu cánh” cho ngành dệt may
Thực hiện những khuyến nghị của Chính phủ và Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua một trong những mặt hàng được săn lùng và tìm mua nhiều nhất là khẩu trang và khẩu trang y tế.
Đầu tháng 3/2020, khi Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, người dân đã không thể mua được khẩu trang từ các nhà thuốc. Giá khẩu trang y tế 3-4 lớp đã được rao bán trên các trang mạng xã hội lên tới 300.000 – 350.000 đồng/hộp. Mức giá này tăng gấp nhiều lần so với giá một hộp khẩu trang y tế lúc chưa có dịch.
May khẩu trang đang giúp nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam giữ chân người lao động
Để đáp ứng nhu cầu về khẩu trang của người dân, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng.
Video đang HOT
Việc các doanh nghiệp dệt may trong nước đẩy mạnh sản xuất các loại khẩu trang vải phục vụ phòng chống dịch Covid-19 đã từng bước kéo giá khẩu trang y tế được rao bán trên trang trang mạng xuống rất nhiều. Hiện nay, giá khẩu trang y tế loại 3-4 lớp đang được rao bán với giá từ 130.000 đến 170.000 đồng/hộp.
Sản xuất khẩu trang cũng được xem là “cứu cánh” với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong mùa dịch Covid-19. Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – chia sẻ song song với may khẩu trang vải, tổng công ty đã quyết định sản xuất khẩu trang y tế.
Ông cũng cho biết hiện có một đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu trong năm 2020). Đồng thời, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.
Hàng tiêu dùng nhanh hưởng lợi từ ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19 đã có những thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam cũng như những yêu cầu mới của thị trường.
Do nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân để phòng dịch nên các mặt hàng tiêu dùng nhanh được mua nhiều hơn
Theo đó, nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn như đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại và dầu ăn; các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em có chiều hướng tăng.
Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như mỳ, xúc xích, đồ ăn nhẹ, nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp…
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt cũng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như mì ăn liền tăng 67%, thực phẩm đông lạnh tăng 40% và xúc xích tiệt trùng tăng 19%.
Bên cạnh đó, ngành chăm sóc vệ sinh cá nhân tăng 78%, sản phẩm chăm sóc cơ thể tăng 45% và khăn giấy tăng 35%. Cùng với đó, các mặt hàng ngành chăm sóc nhà cửa cũng được tiêu thụ nhiều hơn.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước khi hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Thịt lợn liên tục tăng giá bất chấp những chỉ đạo của Chính phủ
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều loại vật nuôi như tôm hùm, cá hồi, ngao hai cùi, ngan, gà, vịt,… đã đã phải kêu gọi “giải cứu” để tìm kiếm thị trường đầu ra. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020 đến nay, giá thịt lợn lại liên tục neo ở mức cao bất chấp những chỉ đạo phải giảm giá của Chính phủ.
Giá thịt lợn vẫn chưa hạ nhiệt bất chấp những chỉ đạo phải giảm giá từ Thủ tướng Chính phủ
Trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các doanh nghiệp chăn nuôi sáng 30/3, cả 15/15 doanh nghiệp lớn tham dự cam kết sẽ đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng về mức 70 nghìn/kg từ ngày 1/4. Theo lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.
Để giảm giá thịt lợn trong nước, từ cuối năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt heo. Tính đến ngày 27/3, số lượng thịt heo nhập khẩu đạt hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường những ngày giữa tháng 4, giá lợn hơi vẫn tiếp đà tăng mạnh tại nhiều địa phương, lợn hơi vẫn dao động từ 82.000đ – 89.000 đồng/kg. Khiến cho giá thịt lợn bán tại các chợ dân sinh vẫn đứng ở mức cao từ 130.000đ – 180.000 đồng/kg.
Lý giải về giá lợn hơi vẫn neo ở mức cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết có 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, chúng ta chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu.
Thứ hai, giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi.
Thứ 3, do có quá nhiều khâu trung gian, từ khâu giết mổ đến khâu bán hàng đều manh mún nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát giá.
Giá cua gạch tăng 200.000 đồng/kg trong những ngày nghỉ lễ
Giá cua gạch trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng khá cao - tăng 200.000 đồng/kg trong những ngày nghỉ lễ qua.
Cua gạch được các thương lái mua vào giá 600 ngàn đồng/kg
Theo ghi nhận của PV thì thương lái vẫn thu mau cua gạch với giá 600.000 đồng/kg, tăng 200.000 đồng so với tuần trước; cua thịt có giá 350.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng so với trước lễ 30.4. Mặc khác, hiện thị trường cua cũng xuất đi thị trường Trung Quốc nên đẩy giá cua tăng cao sau thời gian giảm mạnh.
Theo những thương lái thì giá cua tăng do thời gian nghỉ lễ 30.4, 1.5 nên sức tiêu thụ trong nước tăng mạnh. Dù giá cua tăng mạnh, nhưng lượng cua trong hộ dân không nhiều. Người dân chỉ thu hoạch số cua còn lại của vụ nuôi trước.
Theo nhận định của ngành chức năng, thì giá cua chỉ tăng trong mấy ngày nghỉ lễ này sẽ giảm giá lại sau lễ.
Hoa tươi tăng giá trở lại, nông dân phấn khởi tiêu thụ 3.000 bông/ngày "Tây Tựu hồi sinh rồi" là những gì người dân ở làng hoa này vui vẻ nói đùa với nhau khi hoa tươi bắt đầu tăng giá. Không còn cảnh "bó gối" nhìn hoa héo hắt trong phòng lạnh, cả làng Tây Tựu bây giờ lại tất bật ra đồng, tất bật chất những bó hoa "khổng lồ" lên xe và chở đi...