Những lý giải mới đằng sau bệnh nghiện… điện thoại
Việc thường xuyên kiểm tra tin nhắn ngay cả khi đang làm việc hoặc trò chuyện với bạn bè không chỉ đơn giản là 1 thói quen như bạn vẫn tưởng. Nó là 1 loại “nghiện” có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của bạn. Rất may là cách “điều trị” khá đơn giản và ai cũng có thể tự thực hiện được.
Nhiều lúc bạn đang ngồi ăn tối hay đang nói chuyện với bạn bè bỗng dưng bạn lôi điện thoại ra và kiểm tra tin nhắn hay email. Chính bạn có lẽ cũng không hiểu tại sao bạn lại làm vậy khi rõ ràng bạn biết rằng mình không hề có tin nhắn mới. Tuy nhiên bạn cũng không cần quá lo lắng, bạn không phải là người duy nhất như vậy. Theo nghiên cứu mới nhất của tạp chí Personal and Uniquitous Computing thì rất nhiều người cùng gặp phải vấn đề như bạn.
Theo nghiên cứu thì thông thường những người sử dụng điện thoại thông minh thường có “thói quen kiểm tra điện thoại”. Họ liên tục kiểm tra thư điện tử và các ứng dụng khác như Facebook hay Twitter. Thời gian kiểm tra điện thoại ấy chỉ kéo dài chưa đầy 30 giây và lặp lại cứ khoảng 10 phút một lần.
Theo chuyên gia thần kinh Loren Frank ở Đại học California, San Francisco thì “Đây là thói quen rất phổ biến và rất khó để tránh. Chúng ta thậm chí không nhận thức được hành động ấy. Nó như là hành động vô thức vậy”.
Vậy tại sao chúng ta lại kiểm tra điện thoại liên tục như thế?
Hồi đầu năm, ngay cả Frank cũng nhận thấy ông cũng có thói quen kiểm tra điện thoại thường xuyên. Khi ông tìm hiểu về điều đó, ông phát hiện ra rằng đó là một quá trình vô thức và diễn ra theo 2 bước.
Đầu tiên, đó là do bộ não thích cái cảm giác khi nhận được thư điện tử hay tin nhắn. Những tin nhắn chỉ đơn giản là lời khen của đồng nghiệp về đã hoàn thành tốt công việc hay lời nhờ vả của bạn bè, nhưng nó thường đem lại cảm giác mới mẻ và thoải mái.
“Mỗi khi bạn nhận được thư, bạn thường sẽ có cảm giác bạn là 1 người quan trọng. Và dần dần nó sẽ trở thành một cơn nghiện”. Một khi bộ não quen với cảm giác này, hành động kiểm tra điện thoại sẽ thành một hành động vô thức và dần trở thành thói quen.
Cái giá phải trả cho việc kiểm tra điện thoại liên tục
Với Frank và hầu như với tất cả mọi người thì việc kiểm tra điện thoại liên tục sẽ khiến họ căng thẳng và cũng gây khó chịu cho những người xung quanh.
Theo tiến sĩ thần kinh Adam Gazzaley của UCSF thì còn một rắc rối nữa là: Bất cứ khi nào bạn dừng việc đang làm để kiểm tra thư mới thì bạn sẽ khó có thể tập trung trở lại công việc đang làm.
Thói quen kiểm tra điện thoại cũng làm bạn tránh giao tiếp với mọi người hay lảng tránh công việc bạn cần làm.
Nhà nghiên cứu về khoa học máy tính và thông tin liên lạc Clifford Nass của Đại học Stanford cho biết: “Mọi người không thích nghĩ nhiều. Việc thường xuyên kiểm tra điện thoại cũng là một cách để không phải suy nghĩ nhiều mà vẫn cảm thấy như bạn đang làm việc gì đó”.
Video đang HOT
Làm sao để biết bạn có thói quen này?
1. Bạn kiểm tra thư nhiều hơn mức cần thiết.
Đôi khi bạn đang họp và bạn liên tục kiểm tra thư mới. Hãy trung thực! Bạn có thực sự cần kiểm tra thư liên tục như vậy không? Nếu không thì có lẽ việc kiểm tra thư đã trở thành thói quen vô thức của bạn.
2. Bạn làm người khác khó chịu.
Nếu bạn gây khó chịu cho những người xung quanh thì có lẽ bạn nên xem lại thói quen sử dụng điện thoại của mình. Bạn nhận được câu “Bỏ điện thoại đi” hơn 1 lần 1 ngày? Rõ ràng bạn đã có vấn đề rồi.
3. Ý nghĩ “Không kiểm tra điện thoại” khiến bạn sợ.
Hãy thử không sử dụng điện thoại trong 1 giờ. Nếu bạn không thể làm được điều này thì có lẽ bạn đã mắc thói quen kiểm tra điện thoại liên tục này.
Làm thế nào để sửa thói quen này?
1. Nhận ra vấn đề của mình.
Nghe có vẻ không hợp lý nhưng việc nhận ra bạn đang kiểm tra điện thoại của mình một cách không cần thiết chính là bước đầu tiên để từ bỏ thói quen. Nhà tâm lý và giám đốc nghiên cứu về công nghệ và con người của Học viện Công nghệ Massachusetts Sherry Turkle cho biết “Nếu bạn có thể nhận thức được thói quen thì bạn có thể từ bỏ nó”.
2. Học cách không sử dụng điện thoại.
Hãy bắt đầu thử không sử dụng điện thoại trong 10 phút, rồi tăng dần lên vài tiếng đồng hồ. Hoặc thay vì không sử dụng điện thoại thì hãy tắt chức năng kiểm tra thư (hoặc Facebook hoặc các chức năng khác mà bạn hay kiểm tra).
3. Có những nơi “không có điện thoại”.
Bạn có thể tự lập ra những nơi “không sử dụng điện thoại”. Như Frank thì ông cấm bản thân không sử dụng điện thoại trong phòng ngủ. Để sử dụng điện thoại thì ông sẽ phải đi sang hẳn phòng khác.
Bạn cũng nên buộc bản thân không kiểm tra thư khi đang nói chuyện hay ăn cơm với bạn bè.
Nhà tâm lý Joanna Lipari ở California thì áp dụng cách sau để giúp con gái tuổi teen của cô từ bỏ thói quen này: “Tôi để một chiếc giỏ ở cửa và bọn trẻ sẽ chỉ có thể kiểm tra điện thoại ở đó. Nếu không thì bọn trẻ sẽ chỉ chăm chú vào điện thoại mà không giao tiếp với mọi người xung quanh”.
Theo Bưu Điện VN
Teen và "hội chứng" nghiện điện thoại
Có thể nói những chú "dế" yêu từ lâu đã trở thành người bạn quá đỗi thân thiết của các bạn trẻ.
Ngày nay, cùng với việc nghiện game, nghiện ma túy, nghiện internet thì "hội chứng" nghiện điện thoại cũng rất phổ biến trong giới trẻ, nhất là với các bạn học sinh, sinh viên.
Người bạn thân thiết không thể tách rời
Có thể nói những chú "dế" yêu từ lâu đã trở thành người bạn quá đỗi thân thiết của các bạn trẻ. Lên đại học thì hầu như bạn nào cũng có cho mình 1 chú "dế". Nhà bạn nào nghèo thì bố mẹ cũng cố gắng tiết kiệm tiền thóc gạo mà mua cho con 1 chiếc điện thoại. Bạn nào có điều kiện hơn thì luôn thay những loại "dế" hót nhất trên thị trường để thỏa mãn sự "đam mê" của mình. Dù có thể gắn bó hay không nhưng những chiếc điện thoại luôn là người bạn đồng hành của các bạn trẻ mọi lúc mọi nơi không thể tách rời.
Nếu như các game thủ ăn cùng game, ngủ cùng game thì đa số các bạn trẻ hiện nay cũng ăn cùng "dế", ngủ cùng "dế" và luôn mang theo, cưng chiều nó hết mực. Đi đâu cũng phải có nó là bạn đồng hành. Ở nhà, đi học, đi chơi, khi học, khi nấu cơm...và thậm chí cả khi đi vệ sinh cũng có nó bên cạnh!
Những cuộc nói chuyện dài "vô tận"....
Vì "dế" yêu là người bạn thân thiết luôn bên mình nên nó cũng là "người" mà các bạn dành nhiều thời gian "tâm sự" nhất. Vì thế mới có những cuộc nói chuyện dài tưởng chừng như chẳng bao giờ kết thúc. Nhất là với những bạn nào đang trong tình trạng "hẹn hò" thì những cuộc nói chuyện này dường như là thường ngày và kéo dài ngày này sang ngày khác...
Nguyễn Duy H, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Mỏ địa chất, cũng là cậu bạn cùng xóm trọ của tôi mới có người yêu được hơn 2 tháng nhưng đã được cả xóm biết đến vì những cuộc "tâm sự đường dài" mỗi tối của cậu. Nhà H, bố mẹ làm nông nghiệp nên hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Nhưng từ khi cậu đỗ Đại học Mỏ thì nhà phải bán thóc để mua cho cậu chiếc điện thoại Nokia 1200 như là phần thưởng cho cậu con trai. H và cô bạn gái của cậu cùng sinh ra, lớn lên ở Hưng Yên, chơi với nhau từ những năm cấp 3, nhưng mới đây, sau bao nhiêu cố gắng cô nàng mới chính thức nhận lời gắn bó với cậu. Và những cuộc nói chuyện của hai người cũng kéo dài hơn trước.
Tối nào cũng vậy, như đã thành thông lệ, khi tôi đi học thêm về thì thấy cậu đang thì thầm cùng "dế yêu" ở ngoài cổng (vì trong xóm bị phá đám). Mấy hôm nay trời lạnh cũng vẫn vậy, nhiều lúc nghĩ mà thương cậu ấy. Có lần đang học thấy chuông điện thoại đổ là lại dừng lại nói chuyện. Có lần phải vừa học vừa nhắn tin. Có lần gọi hết cả pin điện thoại, phải vừa sạc vừa nói chuyện. Vì thế tiền điện thoại mỗi tháng dù được 25k tiền sinh viên mà vẫn thấy ít, chẳng thấm vào đâu. Có lần thấy cậu phải ăn mì tôm mấy bữa. Hỏi ra thì mới biết hôm qua nạp thẻ điện thoại hết tiền rồi!
Nguyễn Đức N, sinh viên Học viện Tài Chính cũng chung hoàn cảnh với H. Yêu cô bạn cùng quê ở Thái Bình, nhưng khi thi vào Học viện Tài Chính thì kẻ đỗ người không nên bây giờ người học ở Thái Bình, người học trên Hà Nội. Xa nhau thì chỉ còn nhờ điện thoại để được gần nhau hơn. N kể : "Gọi điện nhiều thì không có tiền, nhưng nhắn tin cũng thấy sao mà tốn thế. Đăng kí gói SMS100 của Viettel thì mỗi ngày phải đăng kí đến 2, 3 lần!"
Mà thực ra câu chuyện dài vô tận ấy cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài những câu chuyện như đang làm gì thế, ăn cơm chưa, hôm nay có đi đâu chơi không.... Nhưng đó là xu hướng chung của hầu hết các bạn trẻ, nhất là với các bạn sinh viên ngày nay.
Có người yêu đã vậy, còn cô bạn học cùng lớp tôi chưa có người yêu cũng tốn thời gian vào điện thoại nhiều không kém. Mà chỉ là những tâm sự vu vơ của con gái, chẳng chuyện gì vào chuyện gì. Nhất là hôm nào tâm trạng cô ấy u ám thì tôi thật đến khổ. Những cuộc nói chuyện vào lúc nửa đêm mà dài lê thê hàng tiếng đồng hồ. Nếu không nghe máy thì ngày mai ra lớp thế nào cũng to chuyện.
Bố ơi, gọi lại cho con....
Gọi điện, nhắn tin với người yêu, bạn bè thì vậy. Nhưng lâu lâu mới gọi về nhà cho bố mẹ thì chỉ là những câu nói quen thuộc: "Bố ơi, gọi lại cho con nhé!", "Mẹ ơi, gọi lại cho con nhé!". Có lẽ là sinh viên chắc hẳn ai cũng biết câu nói quen thuộc này. "Vì là nhà mình, nên cũng chẳng ngại ngần gì, hơn nữa lại tiết kiệm được tiền điện thoại của mình" - Nguyễn Duy H chia sẻ. Nhưng sao các bạn không nghĩ rằng đó cũng là những đồng tiền mồ hôi, công sức của bố mẹ mình vất vả mới làm ra?
Game trên "dế" cũng gây nghiện
Không chỉ nghiện điện thoại vì gọi điện, nhắn tin mà rất nhiều bạn còn bị nghiện game trên "dế". Với những điện thoại đắt tiền, các bạn có thể chơi được rất nhiều game trên đó cũng với các thể loại như đế chế, tay súng cừ khôi, đua xe...Tuấn, cậu bạn học cùng tôi, là người nghiện game đế chế trên điện thoại khá nặng. Ở nhà chơi đế chế, ra lớp vì ngồi bàn cuối nên cậu cũng chỉ cặm cụi chơi đế chế, không lúc nào xa rời chiếc điện thoại.
Nhưng đáng lo ngại hơn là hiện nay nhiều bạn còn say mê với những loại game đen, có nội dung không lành mạnh trên điện thoại của mình. Đã có không ít những bi kịch đau lòng vì game đen trên di động, nhưng đó có lẽ nó vẫn chưa thức tỉnh được rất nhiều bạn trẻ hiện nay.
Và hậu quả
Điều đầu tiên mà các bạn đều có thể nhận thấy là khi đã nghiện điện thoại thì tiền nạp thẻ tăng rất nhanh. Hiện nay dù có rất nhiều những chương trình khuyến mại được các nhà mạng đưa ra nhưng dường như nó chẳng thấm tháp vào đâu so với số tiền mà teen phải tiêu tốn vì "dế yêu" của mình. Vì thế có không ít những bạn hằng ngày phải dè sẻn tiền tiêu, rồi phải ăn mì tôm, nhịn ăn để có tiền nuôi "dế".
Không chỉ tiêu tốn tiền, nghiện điện thoại còn làm cho việc học hành của các bạn sa sút nhanh chóng. Thời gian các bạn dành cho dế yêu còn nhiều hơn thời gian dành cho việc học của mình. Có bạn chịu khó học hơn thì vừa học vừa tranh thủ nhắn tin!
Và hậu quả của những game di động, nhất là game đen mang lại còn nghiêm trọng hơn nhiều. Có không ít những trường hợp phải nhập viện, bị ảnh hưởng thần kinh vì chơi game di động...
Hệ quả lâu dài của việc nghiện điện thoại (đặc biệt là game đen) là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, hành động, nhân cách cùa nhiều bạn trẻ hiện nay.
Sử dụng điện thoại là cần thiết, nhưng đừng bao giờ để nó biến mình thành "con nghiện", các bạn nhé.
Theo Mực tím