Những lưu ý với người dị ứng thức ăn
Chỉ trong một thời gian ngắn một cơ sở y tế đã tiếp nhận khoảng 30-40 ca nổi mề đay nhập viện điều trị.
Trong đó, dị ứng thức ăn là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất, chiếm khoảng 60%.
Theo các chuyên gia, tất cả các loại thực phẩm từ động vật hay thực vật đều có nguy cơ gây bệnh mề đay. Tuy nhiên, hiện chỉ có một số loại dị nguyên có thể phát hiện bằng xét nghiệm chẩn đoán.
Ảnh minh họa.
Mề đay xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với tác nhân gây dị ứng, biểu hiện đặc trưng là nổi sẩn phù da kèm sưng ngứa, đau rát một vài vùng hoặc toàn thân. Nghiêm trọng hơn, người bệnh bị khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ, tử vong.
Như trường hợp của chị V.H.H. (43 tuổi, Long An), khoảng nửa năm nay bị nổi các nốt sẩn phù nhỏ màu hồng nhạt, nổi lên trên bề mặt da, càng gãi sẩn phù càng nhiều. Triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi ăn.
Chị nhận thấy mỗi lần ăn nhiều cơm, khoảng 2-3 chén, nhất là hôm nào ăn với đậu phộng, cá biển, hải sản thì các triệu chứng nhiều hơn, kèm tiêu chảy. Nghĩ do thời tiết nóng bức hoặc “lạnh bụng” nên chị không để ý nhiều.
Dịp nghỉ lễ vừa qua, khi đang ở TP.HCM dự tiệc gia đình có các món như ghẹ, hàu, mực, cơm rang dưa bò, canh bí đỏ đậu phộng… chị H. đau bụng dữ dội, nổi mề đay dày và sưng đau toàn thân. Người nhà đưa chị tới bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán người bệnh nổi mề đay cấp có phù mạch, điều trị bằng kết hợp thuốc kháng histamin liều cao và corticosteroid toàn thân trong 3-7 ngày.
Kết quả xét nghiệm 60 dị nguyên tìm nguyên nhân cho thấy chị H.dương tính hàng loạt thực phẩm, gồm gạo (cơm), đậu phộng, mè (vừng), hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, cacao, cá ngừ, cá hồi, cá thu, cua, tôm hùm, mực đại dương, vẹm xanh, hàu, nghêu, sò.
Video đang HOT
Anh L.H.D. (31 tuổi, TP HCM) cũng thường xuyên nổi mề đay, ngứa nhiều sau khi ăn. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ kháng nguyên IgE tổng thể đặc hiệu dị nguyên của người bệnh là 7, nhưng không dương tính với 60 dị nguyên trong danh sách. Nồng độ IgE tổng thể trên 0,35 IU/mL được xem là dương tính với dị nguyên, trong đó 3,50-17,49 IU/mL là dương tính mạnh vừa.
Khai thác kỹ bệnh sử, chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh, bác sĩ phát hiện anh D. bị nổi mề đay do các món lên men như cà muối, dưa muối, trái cây ngâm, mắm, chao, nước trái cây lên men, bia. Đây cũng là thực phẩm yêu thích của anh D. được sử dụng với tần suất trung bình 2 ngày/lần.
Hai người bệnh rất ngạc nhiên vì họ và gia đình tiêu thụ các thực phẩm này từ nhỏ, chưa từng bị vấn đề gì. Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều người khi được chẩn đoán nổi mề đay do các thực phẩm vốn quen thuộc và lành tính nhất.
ThS.BSNT.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay lập tức (cấp tính) sau vài phút tiếp xúc với dị nguyên. Tuy nhiên, dị ứng cũng có thể xuất hiện muộn sau vài ngày, thậm chí vài tuần.
Khoảng 50% các ca bệnh mề đay không tìm ra nguyên nhân và 50%-60% người bị mề đay do di truyền (gene). Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc kháng histamin kéo dài nhằm khống chế bệnh bùng phát và giảm thiểu nguy cơ trở nặng như khó thở, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch, sốc phản vệ. Đồng thời, người bệnh phải ngưng sử dụng các thức ăn gây dị ứng và ăn thăm dò cơ địa với các thực phẩm mới.
Bác sĩ Thư khuyến cáo một người có thể nổi mề đay do một hoặc nhiều dị nguyên cùng lúc, nhưng dị nguyên này thường không gây bệnh suốt đời. Phản ứng dị ứng sẽ giảm và mất dần tính mẫn cảm với tác nhân đó sau một thời gian do sự dung nạp miễn dịch của cơ thể.
Do đó, không cần kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào, ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ. Người bệnh cũng cần cân đối nguồn dinh dưỡng thay thế để tránh bị suy dinh dưỡng, thiếu chất.
Cha mẹ có cơ địa dị ứng, nổi mề đay nên cẩn trọng khi cho con tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm nên dùng các thực phẩm mà cha mẹ không dị ứng và tránh các loại thức ăn đóng hộp, lên men.
Người có tiền sử dị ứng thực phẩm nặng, từng sốc phản vệ cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, xem kỹ thành phần thực phẩm và các chất phụ gia được ghi trên nhãn mác trước khi mua, cần mang theo thuốc chống dị ứng để xử trí kịp thời.
Nếu mề đay ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, người bệnh cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu, hoặc miễn dịch – dị ứng để được chẩn đoán nguyên nhân và phương án điều trị phù hợp.
Thực phẩm từ động vật: sữa bò, lòng trắng trứng, pho mát, cua, tôm, cá thu, cá ngừ, cá tuyết đen, cá hồi, cá bơn sao, cá minh thái, tôm hùm, mực đại dương, lươn, vẹm xanh, hàu, nghêu, sò, nhộng tằm, thịt lợn, gà, bò, cừu.
Thực phẩm từ thực vật: Gạo, kiều mạch, đậu phộng, đậu nành, lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, ngải cứu, nấm, đào, táo, vừng, nấm men bánh mì, ngô, cà rốt, khoai tây, tỏi, hành tây, dưa chuột, cà chua, cam, chanh, dâu tây, kiwi, xoài, chuối, quả óc chó, hạt phỉ, hạt hạnh nhân, thông, hướng dương, ca cao.
6 bài thuốc chữa bệnh từ húng quế
Húng quế thường được dùng làm gia vị nhưng loại thảo dược này còn được dùng làm thuốc từ rất lâu đời.
Có thể dùng toàn cây, một số trường hợp dùng riêng hạt hoặc rễ chữa nhiều bệnh.
1. Đặc điểm và công dụng của húng quế
Húng quế tên khác là: Húng giổi, rau é, hương tử hoa, tô bạc hà... Tên khoa học là Ocimum basilicum L. var. basilicum., thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Húng quế là loại cây thảo, sống hằng năm. Thân và cành vuông, nhẵn hay có lông, thường phân cành ngay từ dưới gốc, cao 50-60cm. Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình thuôn dài, hình trái xoan - mũi mác; có thứ màu xanh lục, có thứ màu tím đen nhạt.
Cụm hoa mọc thành xim co ở đầu cành, gồm nhiều vòng, có 5-6 hoa nhỏ màu trắng hay hơi hồng. Các vòng mọc cách xa nhau ở phía dưới và xít nhau ở ngọn; lá bắc nhỏ, rụng sớm; đài 5 răng không bằng nhau, mọc nghiêng, tồn tại khi cánh hoa đã rụng, màu lục hoặc tím tía; tràng hợp ở dưới thành ống, rồi xẻ 2 môi, trên chia 4 thùy nông, môi dưới nguyên, nhị 4 hơi thò ra ngoài; bầu 4 ô. Quả chứa hạt đen bóng.
Cành lá, cả hoa và hạt húng quế đều được làm thuốc.
Hạt húng quế chứa chất nhầy, khi ngâm vào trong nước sẽ nở ra, bao quanh hạt thành một màng nhầy trắng. Nước có tác dụng giải nhiệt và nhuận tràng.
Trong Đông y, hạt húng quế vị cay ngọt, tính bình có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, trừ màng mộng, chữa mắt đỏ nhiều dử, lông quặm, mắt sinh màng mộng, giác mạc mờ đục nhìn không rõ ...
Cành và lá cây húng quế vị cay, tính ấm, lợi vào các kinh phế, tỳ, vị, đại tràng có tác dụng trừ phong hành khí, hóa thấp tiêu thực, hoạt huyết giải độc; dùng chữa cảm mạo đau đầu, đầy bụng, tiêu hóa kém, viêm ruột, tiêu chảy, đau vùng thượng vị, tiêu chảy, kinh nguyệt không đều, đòn ngã tổn thương, viêm da lở loét, dị ứng mẩn ngứa...
Húng quế chữa dị ứng mẩn ngứa, nổi mề đay
2. Sử dụng húng quế trong phòng chữa bệnh
- Chữa mẩn ngứa, mề đay, dị ứng: Cành lá, cả hoa và hạt húng quế, rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước ấm, lọc lấy nước cốt uống. Bã xoa đắp vào những chỗ da dị ứng mẩn ngứa.
- Chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy: Lá húng quế 50g, sắc nước uống.
- Chữa nhức đầu, ho, viêm họng: Cành lá húng quế 40-60g hãm nước sôi, chia ra uống dần trong ngày.
- Chữa cảm mạo, ho gió, sổ mũi: Húng quế, húng chanh, xương sông - lượng bằng nhau; giã nát với ít muối, thêm nước lọc lấy nước cốt, bỏ bã, chia ra nhiều lần ngậm trong ngày.
- Phụ nữ sau sinh thiếu sữa : Cành lá húng quế 40g, sắc nước uống trong ngày.
- Chữa mắt sinh màng mộng, nhìn mờ: Hạt húng quế 6-9g, sắc nước uống trước khi đi ngủ.
Kiêng kỵ: Người khí hư, huyết táo sử dụng nhiều húng quế cần thận trọng; dùng quá lâu có thể dẫn tới đau xương khớp
Cách chữa dị ứng thức ăn để hết sưng ngứa Dị ứng thức ăn là tình trạng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một protein có trong thức ăn. Dị ứng thức ăn có thể biểu hiện nhẹ như nổi mẩn ngứa, nhưng cũng có thể nặng hơn như phù nề, sốc rất nguy hiểm. Cần làm gì để chữa dị ứng thức ăn? Các triệu chứng khi bị...