Những lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên giới Ia Rvê
Nhiều năm qua, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk đang dần khởi sắc, song, trình độ dân trí thấp là một trong những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Chính vì vậy, những lớp học xóa mù chữ đã được BĐBP Đắk Lắk mở ra để giúp người dân nâng cao dân trí có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận và phát triển trong cuộc sống.
Bà Lữ Thị Sáng được thầy giáo quần hàm xanh tận tình hướng dẫn cách biết đọc, biết viết. Ảnh: Ngọc Lân
Ia Rvê là xã biên giới khó khăn của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được thành lập năm 2006 theo dự án di dân phát triển kinh tế mới. Toàn xã có 14 thôn với 22 dân tộc cùng sinh sống. Trước khi vào đây lập nghiệp, đa số người dân đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến lớp, đến trường.
Đến với xã biên giới mới thành lập này, những khó khăn như khí hậu, thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng khiến cuộc sống của họ thêm vất vả. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm ở Ia Rvê tuy giảm, nhưng hiện nay vẫn ở mức cao (trên 60%).
Trước những khó khăn đó, với phương châm: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk hiểu hơn ai hết muốn nhân dân phát triển kinh tế thì phải nâng cao trình độ dân trí cho họ. Chính vì thế, những năm qua, đã có nhiều lớp học xóa mù chữ của đơn vị và các trường học trên địa bàn được duy trì, với hy vọng thắp lên niềm tin về một vùng biên đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng phát triển.
Video đang HOT
Mới đây nhất, tháng 6-2020, đơn vị đã phối hợp với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Chu Văn An tiếp tục mở lớp xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn xã. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối trong tuần, bởi, ban ngày bà con phải đi làm. Lớp học có 19 học viên, trong đó, đa số học viên là phụ nữ, người lớn tuổi nhất năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi, người ít tuổi nhất là 30 tuổi. Cán bộ biên phòng và một giáo viên nhà trường trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
Là cán bộ Biên phòng gắn bó với vùng biên giới này hơn 10 năm, cũng từng đó thời gian Đại úy Hoàng Văn Thọ, nhân viên Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Rvê đồng hành với nhiều lớp học xóa mù chữ nơi đây Anh Thọ tâm sự: “Khó khăn nhất lúc ban đầu chính là mặc cảm không biết chữ của bà con, ai cũng từ chối và ngại không nói ra. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động nhiều lần, bà con mới đồng ý. Những ngày đầu, việc tập trung các học viên đến lớp cũng không dễ dàng vì nhiều người đi nương rẫy, rồi lớp học có nhiều lứa tuổi khác nhau… Khó khăn là thế, nhưng một thời gian sau, bà con cũng dần quen với lớp học”.
Lớn tuổi nhất lớp, nhưng bà Lữ Thị Sáng là một trong những học viên tích cực đến lớp, hiện giờ bà đã đọc, viết và tính các phép tính thành thạo. Khi được hỏi động lực để đến với lớp xóa mù chữ này, bà Sáng, tâm sự: “Tôi muốn đi học để làm gương cho con cháu và nhất là mỗi lần đi khám bệnh, mình có thể tự đọc để biết được tình hình sức khỏe của mình thay vì cứ phải nhờ ai đó đọc hộ”.
Cùng tham gia lớp học và mong muốn biết chữ, chị Hoàng Mùi Lai, thôn 14 chia sẻ: “Những người hàng xóm trước đây cũng giống mình, đều không biết đọc, biết viết, nhưng sau khi học lớp xóa mù chữ về, ai cũng có thể đọc và viết rất giỏi. Đã có nhiều người phát triển kinh tế nhờ con chữ của bộ đội, vì thế, mình quyết định đi học”.
Đúng như thế, trên địa bàn biên giới này, đã có nhiều gia đình ăn nên làm ra, phát triển kinh tế gia đình từ khi biết đến con chữ, trong đó có gia đình ông Hà Công Thức. Ông Thức kể: “Trước đây, gia đình tôi làm nông nghiệp, chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Tôi không biết đọc, biết viết, nhiều khi vật nuôi bị bệnh chỉ biết cách chữa trị bằng cách ra tiệm thuốc tự mua về, liều lượng cũng bỏ theo cảm tính vì không biết đọc, hoặc ai chỉ sao thì làm theo thế, không biết có hiệu quả hay không. Trong khi nhà có sách của Hội nông dân cấp cho cũng chỉ biết để đó”.
Sau này, đi học biết được chữ rồi, ông Thức chủ động đọc được sách báo, tài liệu về chăn nuôi, biết được cách phòng bệnh từ xa cho vật nuôi và cây trồng, việc tính tiền công lao động cũng dễ dàng hơn trước. Hiện nay, chăn nuôi và trồng trọt của gia đình ông Thức phát triển bền vững, nhiều năm liền không có dịch bệnh, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Thức thu nhập trên 50 triệu đồng.
Thầy giáo quân hàm xanh, Đại úy Hoàng Văn Thọ trong một buổi lên lớp dạy học. Ảnh: Ngọc Lân
Cũng như ông Hà Công Thức, chị Hoàng Thị Yến sống tại thôn 13, xã Ia Rvê sau khi học xong lớp xóa mù chữ, đã quyết định mở cửa hàng tạp hóa để buôn bán, phát triển kinh tế gia đình. Chị Yến tâm sự: “Tôi ấp ủ mở cửa hàng tạp hóa cũng đã lâu, nhưng trước đây do không biết chữ, nên đành ngậm ngùi gác lại mong muốn này. Giờ, biết chữ rồi, tôi buôn bán dễ dàng hơn, nhập hàng hóa hay ghi chép sổ sách tôi đều làm thành thục”.
Hay như anh Bàn Sàng Cán, thôn 14, là người dân tộc Dao. Trước đây, ở quê hương cũ, điều kiện kinh tế khó khăn nên anh cũng không biết chữ. Vào vùng kinh tế mới này, cuộc sống của gia đình anh cũng thiếu thốn trăm bề, nhưng anh được những người lính Biên phòng vận động đến lớp học xóa mù chữ. Anh chia sẻ, nhờ biết đọc chữ mà mọi vật dụng trong nhà mới hay cũ nếu có bị hư hỏng, anh có thể tự mình sửa chữa bằng cách đọc sách hướng dẫn sử dụng hoặc có thể tham khảo trên mạng internet để làm theo thay vì phải mang đi sửa chữa.
Từ khi xã Ia Rvê được thành lập đến nay, Đồn Biên phòng Ia Rvê đã phối hợp mở 4 lớp học xóa mù chữ cho hơn 150 người dân trên địa bàn. Cùng với mở lớp xóa mù chữ, Đồn Biên phòng Ia Rvê còn tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương đưa các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội. Qua đó, giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống nơi vùng biên giới này…
“Tính từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp, BĐBP Đắk Lắk đã mở 6 lớp xóa mù chữ cho hơn 200 người dân trên địa bàn biên giới. Khi kết thúc khóa học, tất cả học viên đều biết đọc, biết viết, sử dụng các phép tính đơn giản. Đồng thời, qua các lớp học, BĐBP cũng hướng dẫn các học viên về những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là mối quan hệ giữa BĐBP và nhân dân biên giới ngày càng khăng khít, bền chặt”- Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục
Cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị Nhà nước tăng cường hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để nâng cao dân trí ở những vùng này.
Ảnh minh họa/INT
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết : Công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN), phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH), phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) và xóa mù chữ (XMC) đã đạt được kết quả tốt và duy trì bền vững ở hầu hết các địa phương, cụ thể:
Tính đến hết năm học 2019 - 2020, cả nước có 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập PCGDMN cho trẻ 5 tuổi; 63/63 tỉnh đạt chuẩn PCGDTH (theo các mức độ 1 đạt 100%, mức độ 2 đạt 91,3% và mức độ 3 đạt 56,5%); 63/63 tỉnh đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1 (100%), mức độ 2 là 5 tỉnh (chiếm 7,93%), mức độ 3 là 3 tỉnh (chiếm 4,76%). Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15 - 60 của toàn quốc là 97,85%; trong đó, tỷ lệ biết chữ của người dân tộc thiểu số (15 - 60 tuổi) là 93,7%, tỷ lệ biết chữ của 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 93,79%.
Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGDTH và THCS, tăng cường phân luồng HS sau THCS và XMC cho người lớn; Quyết định số 692/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "XMC đến năm 2020";
Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về PCGD, XMC; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN, trong đó quy định Chính sách ưu tiên phát triển GDMN ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo; Thông tư số 07/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020";
Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGD, XMC. Cùng với đó, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu về giáo dục đào tạo trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng thời, ban hành Kế hoạch của ngành Giáo dục triển khai Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 thực hiện Kết luận số 51-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, để tăng cường hỗ trợ các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh công tác PCGD, XMC, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành: Đề án PCGDMN cho trẻ em mẫu giáo 4 tuổi; Dự án hỗ trợ GDMN vùng khó giai đoạn 2021 - 2025;
Đề án XMC cho giai đoạn 2021 - 2030; phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng Dự án 5. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có Tiểu dự án 1: "Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và XMC cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Đạo đức - hạt nhân cốt lõi của giáo dục "Hạt nhân cốt lõi của giáo dục là đạo đức. Bởi vì mục tiêu đào tạo của chúng ta là con người, là hoàn thiện nhân cách, cho nên dạy chữ, dạy nghề để dạy người". Cô - trò Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: TG Đó là nhận định của GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia...