Những lỗi cần tránh khi luyện tập giữ dáng
Khi bạn “khổ luyện” để giữ gìn vóc dáng, có những sai lầm không chỉ khiến công sức của bạn đổ sông đổ bể mà còn dẫn đến chấn thương hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe.
Sau đây là một số gợi ý của chị Hồng Mai – chuyên viên phòng tập Eden (TP.HCM) về một số điều cần lưu ý để việc luyện tập giữ gìn vóc dáng đạt kết quả cao nhất.
Quá hăng say và thích thú với bài tập hiện tại, dẫn đến việc tập luyện mãi theo một lối mòn là lỗi dễ mắc nhất. Có thể vì quá bận rộn, nhiều người tranh thủ tập tại nhà bằng những bài tập họ từng được hướng dẫn ở các phòng tập hoặc trung tâm. Việc không thay đổi, không nâng cao những bài tập và chế độ luyện tập sẽ làm giảm hiệu quả của việc luyện tập. Những bài tập luyện cần được nâng cao ít nhất khoảng sau tuần/lần, hoặc tùy theo thể trạng, sức khỏe, thời gian này có thể rút ngắn hơn. Nếu không có thời gian đến trung tâm, bạn nên tranh thủ đến các phòng tập khoảng một tháng/ lần và nhờ các huấn luyện viên hoặc chuyên viên tư vấn thêm những bài tập mới, nâng cao.
Nên ăn nhẹ trước khi tập hoặc ít nhất dạ dày cũng không bị rỗng.
Một sai lầm phổ biến khác là nạp quá nhiều “nhiên liệu” sau mỗi quá trình luyện tập. Rất nhiều người vì muốn giảm cân nhanh, muốn tiêu hao năng lượng nhiều nên “khổ luyện” trong giờ luyện tập, để sau đó về nhà với một bữa ăn tối thịnh soạn. Tất nhiên, việc tập luyện khiến bạn bị tiêu hao rất nhiều năng lượng nhưng cũng không thể vì thế mà phải ăn bù. Một bữa ăn nhẹ nhàng, ít chất béo là “nhiên liệu” tốt nhất cho bạn sau mỗi buổi tập.
Nhiều công trình khoa học đã nghiên cứu và kết luận: tập luyện khi bụng đói sẽ mang đến những hiệu quả ngược. Tập luyện khi bụng đói dễ khiến người mau mệt mỏi, mất tập trung và vì thế việc luyện tập không thể phát huy hết tác dụng, năng lượng thừa ít bị tiêu hao. Nên ăn nhẹ trước khi tập hoặc ít nhất dạ dày cũng không bị rỗng.
Hãy tập luyện với cường độ, thời gian và lịch trình phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của bạn. Việc tập luyện với cường độ cao ở môi trường đặc biệt như nơi có nhiệt độ nóng bất thường là không cần thiết. Và cho dù là một người có sức khỏe bình thường, phụ nữ cũng không nên tập luyện với cường độ quá cao.
Vì bận rộn, vì ngại mất thời gian… nhiều người đã bỏ qua quá trình khởi động trước khi tập mà quên rằng việc khởi động, làm nóng cơ thể rất hữu hiệu trong việc làm giảm thiểu những chấn thương trong tập luyện. Dành từ 5 đến 10 phút khởi động là cách tốt nhất để trái tim của bạn nhẹ nhàng “hội nhập” và bắt kịp những động tác, hoạt động mạnh và nhanh hơn bình thường.
Hãy tập luyện với cường độ, thời gian và lịch trình phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của bạn.
Đa số người tập luyện cũng không quan tâm nhiều đến những động tác giúp kéo căng cơ thể trước khi tập luyện. Sự mềm dẻo của cơ thể bắt đầu có dấu hiệu suy giảm khi con người bước qua tuổi 25, do vậy việc kéo giãn cơ thể giúp cơ thể mềm mại hơn, giữ sự liên kết giữa các khớp xương và giúp khung xương nằm đúng vị trí. Nhờ vậy, việc thực hiện các động tác trong buổi tập cũng sẽ nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn. Hãy vươn thẳng người, kéo giãn toàn bộ cơ thể và giữ nguyên ở vị trí này trong khoảng 30 giây. Nên vươn người một lần nữa trước khi kết thúc buổi luyện tập.
Hãy chú ý đến những cơn đau nhức của cơ thể, nếu cần thiết, nên ngừng tập luyện một đến hai ngày và làm dịu sự đau nhức bằng những dịch vụ massage thích hợp.
Theo eva