Những học trò ‘3 không’
Đã vào năm học mới nhưng cả Thuý Ngân và Mỹ Kiều đều chưa có sách tập, quần áo còn thiết bị học lại càng không.
Men theo con đường mòn bị sạt lở khoét sâu, các thầy cô giáo trường tiểu học Long Thuận 4 dẫn chúng tôi đến nhà em Mỹ Kiều, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Tuyến đường huyết mạch ngày nào, giờ chẳng ai có thể nhận ra. Đất sụp đến đâu, đường xá, nhà cửa mất dần, xóm làng giờ hiu quạnh. Nhà có điều kiện thì bỏ xứ còn những người bám trụ đa phần không còn nơi nào để đi.
Gia đình em Võ Thị Thuý Ngân, học sinh lớp 5, trường tiểu học Long Thuận 4, cũng vật vờ theo từng con sóng vỗ vào bờ. Nhà không cục đất cắm dùi, phần nền nhà cũng là đất ở đậu. Cả nhà quanh quẩn làm thuê, làm mướn sống qua ngày.
Thuý Ngân được anh chị khoá trước tặng sách cũ. Em rất vui và thường lấy sách ra đọc rồi tập viết vào vở. Ảnh: Ngọc Tài
Từ nhỏ Thuý Ngân và em trai đã sống cùng ông bà còn cha mẹ đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh. Ba tháng trước vì mất việc nên mẹ em, bà Võ Thị Thuý Nhi cùng chồng đùm túm về quê. Không có thu nhập lại phải nuôi hai con nhỏ và cha mẹ già, bà Nhi chỉ còn biết xin gạo từ thiện, còn chồng giăng lưới, cắm câu kiếm dăm con cá cho bữa ăn hàng ngày.
“Cuộc sống cái ăn còn thiếu trước hụt sau nói chi mua điện thoại cho con học trực tuyến. Con bé cứ theo hỏi tôi: Mẹ ơi, không có điện thoại sao mà học. Tui chỉ biết im lặng. Tôi cũng thử đi mượn tiền người quen nhưng 5.000 đến 10.000 đồng người ta còn cho, chứ dăm ba triệu họ biết mình không thể trả nổi thì ai dám cho mượn”, nói rồi bà Nhi chỉ cái điện thoại “cùi bắp” mà cả nhà đang dùng.
Thuý Ngân là cô bé có đôi mắt sáng và lanh lợi. Em học rất giỏi và được thầy cô khen chăm, ngoan. Ngân khoe với chúng tôi vừa được thầy chủ nhiệm xin cho bốn quyển sách cũ của anh chị khoá trước. Mấy hôm nay cứ hễ rảnh Ngân lại mang sách ra đọc. Ngân rất sợ vì nghèo mà phải bỏ học.
Bà Nhi nhìn ra sông Tiền nước chảy cuồn cuộn rồi trông vào căn nhà sát bờ nước lở, không biết chừng chỉ một thời gian nữa phải xin đi ở đậu nơi khác. Thấy con ham học bà chỉ dám lấp lửng: “Tới đâu hay tới đó chứ biết sao giờ”.
Video đang HOT
Gia cảnh khó khăn Mỹ Kiều hay phụ mẹ việc nhà. Hiện tại dù năm học mới sắp bắt đầu nhưng Mỹ Kiều chưa có sách vở, quần áo nhất là thiết bị để học trực tuyến. Ảnh: Ngọc Tài
Cách nhà Ngân không xa là cô bạn học cùng trường, cùng khối 5 – Lê Thị Mỹ Kiều. Hay tin sắp học trực tuyến Kiều cũng thường hỏi mẹ khi nào mua điện thoại. Bà Trần Thanh Thao – mẹ Kiều, cứ hẹn hết lần này đến lần khác.
Chồng mất khi con mới chập chững biết đi, bà Thao ở vậy nuôi con và người cha già. Ngoài số tiền anh chị gửi để săn sóc ông cụ, bà Thao làm thêm nghề cạo hạt điều, mỗi tháng kiếm đủ tiền sinh hoạt trong nhà. Vài tháng nay do dịch công việc duy nhất cũng mất.
Trong căn nhà tôn xập xệ, Kiều không có một chỗ học đàng hoàng. Em thường ngồi dựa vách nhà để học hoặc nằm võng lắc lẻo. Việc học của mình, Kiều cũng tự sắp xếp, chứ bà Thao không phải nặng lo nhiều. Mà có muốn lo cũng khó vì bà Thao chỉ biết mặt chữ, học chưa hết lớp 3 đã bỏ dở. “Thấy con bé nằm, ngồi khắp nhà học bài mà không có nổi cái bàn. Cũng muốn mua cho con lắm nhưng không có khả năng thì biết làm sao. Tới giờ sách tập, quần áo cũng chưa mua được. Cái điện thoại lại càng xa vời”, bà Thao nói.
Sách cũ do thầy cô huy động để tặng em Võ Thị Thuý Ngân, Trường Tiểu học Long Thuận 4, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài
Thầy Nguyễn Văn Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp của Kiều khen em còn nhỏ đã hiểu chuyện, thường hay giúp mẹ công việc trong nhà. Năm ngoái học xong em liền mang bộ sách cũ để tặng cho đứa em trong xóm cũng thiếu thốn như mình. Thầy Thảo động viên cả nhà cố gắng vượt qua khó khăn và hứa sẽ huy động sách cũ của các em khoá trên để Kiều có sách học.
Trong lớp thầy Thảo chủ nhiệm có 20 em thì 5 em hiện tại chưa có thiết bị để học trực tuyến. Học sinh lớp 5 toàn huyện sẽ học trực tuyến từ ngày 27/9 các khối lớp nhỏ sẽ học sau. Cả tuần nay thầy cô trong trường chạy ngược chạy xuôi để vận động nhiều nguồn không chỉ thiết bị mà còn sách vở, d ụng cụ học tập. Giáo viên cũng khảo sát các nhà xung quanh nếu nhà nào có đường truyền Internet sẽ vận động san sẻ với những nhà hàng xóm có học trò học trực tuyến.
“Hai em học cùng lớp nhà gần nhau mà một em có điện thoại một em không có thì vận động học cùng nhau. Nhà trường, thầy cô cũng cố gắng hết sức có thể để không em nào bị bỏ lại phía sau”, thầy Thảo chia sẻ.
Thầy Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hồng Ngự, cho biết cấp tiểu học đặc biệt thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Chỉ riêng khối lớp 5 còn gần 800 em chưa có thiết bị trong tổng số hơn 2.200 em, chiếm gần 35%. Tương tự, cấp THCS còn gần 700 em chưa có thiết bị. “Sắp tới ngoài nguồn vận động của các doanh nghiệp mạnh thường quân, giáo viên cũng trích ngày lương để mua sắm thiết bị tặng các em”, thầy Tiến cho biết.
Con được tặng điện thoại học online, cha an tâm trực chốt
Sáng 27-9, Quận ủy, UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) tổ chức đi trao quà cho 30 em học sinh tiểu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, không có thiết bị học trực tuyến.
Quận Bình Thạnh trao tặng 30 điện thoại cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: ĐAN THUẦN
Mỗi phần quà gồm một điện thoại thông minh, SIM 3G, pin dự phòng, khẩu trang do quận vận động nhà hảo tâm hỗ trợ.
Trường hợp đầu tiên mà đoàn đến thăm là gia đình cháu Nguyễn Ngọc Minh Châu (học sinh lớp 2, phường 15).
Anh Tâm, cha của Châu, là bảo vệ dân phố, tham gia trực chốt kiểm soát dịch nhiều tháng qua. Còn mẹ cháu bán giải khát nhưng do dịch bệnh kéo dài nên phải ở nhà nhiều tháng nay.
Cháu Châu còn một anh trai năm nay học lớp 3, cũng phải học trực tuyến nhưng không có điện thoại để tham gia lớp học.
"Mỗi ngày trường gửi tài liệu qua Zalo của tôi, sau đó tôi đưa cho 2 con học. Hai cháu học, làm bài xong thì tôi chụp lại gửi cho cô giáo. Nhưng tôi phải đi trực chốt suốt, có khi về đến nhà đã khuya, các con không kịp làm bài", anh Tâm chia sẻ.
Cháu Lý Anh Tài (học sinh lớp 2) và bà nội vui mừng nhận chiếc điện thoại do lãnh đạo quận trao tặng - Ảnh: ĐAN THUẦN
Cách đó không xa là một bạn học cùng lớp với Châu, Lý Anh Tài (7 tuổi, quê Sóc Trăng), ba mắc bệnh thần kinh, không có mẹ nên từ nhỏ Tài sống cùng bà nội.
Bà Trịnh Thị Hai (74 tuổi) giúp việc nhà cho một gia đình tại quận Bình Thạnh, thấy hoàn cảnh đáng thương của hai bà cháu, chủ nhà đã để họ ở lại trong nhà. Gần 1 tháng qua, Tài cũng phải nhờ chủ nhà chụp ảnh bài tập gửi cho cô giáo thay vì trực tiếp tham gia lớp trực tuyến.
Bí thư Quận ủy Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất động viên cháu Hân (học sinh lớp 3) - Ảnh: ĐAN THUẦN
Còn Huỳnh Gia Hân (8 tuổi, học sinh lớp 3) cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém, không có cha, mẹ bị câm điếc bẩm sinh nên sống với bà ngoại. Gánh hàng rong của bà là nguồn sống của cả gia đình.
Dịch kéo dài, bà ngoại Hân phải nghỉ bán nhiều tháng qua, khi còn phải chạy ăn từng bữa thì chiếc điện thoại thông minh là thứ xa xỉ đối với gia đình. Cũng vì vậy mà ngoại cháu Hân không kìm nén được nước mắt xúc động khi cháu mình được tặng chiếc điện thoại để học trực tuyến như bao bạn bè đồng trang lứa.
Theo ông Trần Anh Kiệt - trưởng Phòng giáo dục và đào tạo quận Bình Thạnh, trong thời gian qua quận đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 1.200 trường hợp học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, đường truyền, SIM 3G... Hiện trên địa bàn quận còn khoảng 390 em học sinh khó khăn, còn thiếu trang thiết bị học trực tuyến.
"Hiện nay nhà trường liên hệ tất cả các em học sinh, bằng mọi cách giáo viên chủ nhiệm nắm thông tin hoàn cảnh từng em. Bên cạnh đó, Phòng giáo dục cũng thành lập đội hỗ trợ các em về học tập để in ấn, vận chuyển tài liệu học tập cho những trường hợp thiếu thiết bị. Sau dịch, chúng tôi sẽ có kế hoạch phụ đạo để giúp các em theo kịp chương trình học.
Phòng giáo dục sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm và các đoàn thể tiếp tục hỗ trợ cho các em trong thời gian sớm nhất để các em mau chóng có thiết bị học trong lúc này", ông Kiệt chia sẻ.
Bình Phước: Vận động được 25,6 tỉ đồng cho chương trình 'sóng và máy tính cho em' Hưởng ứng chương trình 'sóng và máy tính cho em', tỉnh Bình Phước đã vận động được 25,6 tỉ đồng tiền mặt cùng hàng ngàn thiết bị, sim, gói cước hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học trực tuyến. Quỹ khuyến học, khuyến tài tỉnh Bình Phước ủng hộ 10 tỉ đồng cho chương trình "Sóng và...