Những bức thư gửi cha mẹ từ trường nội trú ở Sài Gòn
Thương nhớ, giận hờn hay tự trách bản thân đã vô tâm… được học sinh gửi gắm trong lá thư gửi cha mẹ.
Hơn 400 học sinh khối 10 và 11 trường THPT Nhân Việt vừa làm bài thu hoạch về chủ đề Mật mã của trái tim dưới hình thức lá thư cuối năm. Họ viết về những kỷ niệm vui buồn ở trường lớp, bày tỏ tình cảm với bạn bè, thầy cô và đặc biệt là cha mẹ.
Thầy Hiệu phó Nguyễn Lâm Quang Thoại cho biết, những lá thư này sẽ được nhà trường chuyển đến tận tay phụ huynh trong buổi họp cuối tuần này. “Đây là những bài thu hoạch nằm trong chuỗi giáo dục kỹ năng sống của nhà trường, các em được tự do bày tỏ suy nghĩ. Bài viết không được chấm điểm, đánh giá thành tích học tập”, thầy Thoại chia sẻ.
Học sinh THPT Nhân Việt trong giờ viết lá thư cuối năm. Ảnh: Bùi Gia Hiếu.
Đa số học sinh của trường ở các tỉnh xa đến học nội trú, nên các em mang nhiều tâm tư về nỗi nhớ cha mẹ và người thân.
Một nữ sinh lớp 10 kể, từ bé đã được cha mẹ cưng chiều, chăm sóc và chu cấp đầy đủ để con bằng bạn bè, dù gia đình không mấy khá giả. Gần đến ngày thi vào lớp 10, ba mẹ dành trọn thời gian sau giờ làm để chăm sóc, đưa đón cô đi học. Tuy nhiên, cô gái “vô tâm và đáng trách” đã xao nhãng chuyện học hành.
“Bạn còn nhớ năm đó bạn đã khóc nhiều thế nào chưa, còn tôi lại nhớ như in khuôn mặt của ba mẹ hôm đó, hụt hẫng, thất vọng, buồn bã… Cứ như thế, tôi càng ân hận và ghét bản thân mình”, nữ sinh viết. Năm đó, cô đòi lên Sài Gòn học trường tư, trong khi ba mẹ nói nơi đó rất tốn kém, họ không thể kham nổi.
Nhưng vì chiều lòng con gái, ba mẹ đã cho cô lên thành phố với lời nhắn nhủ: “Cố gắng học con nhé, môi trường mới thì phải biết nỗ lực”. “Ngày vào trường, ba tôi khệ nệ mang cái valy to đùng vào phòng nội trú. Mẹ tôi đã chuẩn bị tất cả như sợ tôi thiếu thôn, từ quần áo, giày dép đến tiền bạc”, nữ sinh chia sẻ trong bài viết.
Video đang HOT
Ở quê thì đòi xa ba mẹ, nhưng đêm đầu tiên, cô không ngủ được. Đến đêm thứ hai, nữ sinh bật khóc vì nhớ ba mẹ bởi không quen những thứ ở đây. Từ chỗ ăn, chỗ ở, chỗ ngủ… mọi thứ đều trở nên xa lạ và lạc lõng với cô. Kết thư, nữ sinh viết: “Tôi nhận ra mình càng lớn, khỏe khoắn, tuổi trẻ dâng trào đồng nghĩa sự đánh đổi với tuổi tác ba mẹ càng cao, sức khỏe càng yếu”.
Một nữ sinh lớp 10 khác, bằng giọng văn mạnh mẽ, đã kể về khó khăn trong những ngày đầu nhập học với cuộc sống thiếu cha, vì ông không muốn ở bên gia đình nữa. Trong khi đó mẹ cô là người khó tính, cổ hủ và khó gần để tâm sự.
Cuộc sống tẻ nhạt, thiếu sự quan tâm tình cảm của mẹ và áp lực về điểm số khiến cô cảm thấy chán nản. Cô không còn khoe điểm cao với mẹ vì nó chả là gì so với lớp. “Mẹ rất tin tưởng tôi. Tôi thì luôn cố gắng nhưng thành quả đạt được chưa có gì. Dù mẹ nói không sao, nhưng đó chỉ là sự an ủi để che đi nỗi thất vọng. Tôi sợ ngày mẹ đi họp phụ huynh, sợ mẹ lại tủi thân với ‘con nhà người ta’”, nữ sinh viết. “Những lúc nản lòng, tôi khóc rất nhiều. Tôi chán nản vì bản thân không làm được gì cho mẹ và ngoại”, cô tự chất vấn.
Cuối bài, dù còn vẻ giận mẹ, song cô bày tỏ lời cảm ơn bà ngoại và mẹ bởi họ là động lực duy nhất của cô. “Mẹ hãy đợi con trưởng thành, con sẽ bù đắp cho mẹ và ngoại. Bây giờ thì chưa nhưng sau này mẹ sẽ tự hào vì con”, cô viết.
Nhiều học sinh khác lần đầu bày tỏ cảm xúc sung sướng khi được về nhà thăm ba mẹ, sau một tuần học tập nội trú. Một số em cho biết, đây là lần đầu họ nói với cha mẹ điều này vì trước đó còn e thẹn, ngại bày tỏ tình cảm
“Một tuần ở trường tôi mới về nhà được một ngày rưỡi, được ngủ với mẹ một đêm. Có hôm nhìn mẹ xanh xao mà vẫn gắng nở nụ cười. Trưa nào ở trường mẹ cũng gọi điện, hỏi đã ăn cơm chưa, sẵn sàng đi học chưa. Chỉ nhiêu đó thôi mà tôi đã thấy vui lắm”, một bạn khác chia sẻ.
Mạnh Tùng
Theo vnexpress.net
Một giờ tưởng niệm chiến sĩ trận Gạc Ma của học sinh Sài Gòn
Học sinh THPT Nhân Việt xúc động khi nghe hiệu trưởng kể về trung úy Trần Thị Thủy, con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Phương.
Tiết mục văn nghệ tái hiện câu chuyện của Thiếu úy Trần Văn Phương. Ảnh: Mạnh Tùng.
"Khi anh Phương hy sinh ngoài đảo Gạc Ma, anh vừa biết trong chuyến về phép cuối cùng đã để lại một giọt máu ở đất liền. Người con đó chính là trung úy Thủy", Hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu chầm chậm kể trong tiết học đầu tiên sáng 14/3 của trường THPT Nhân Việt.
Nhiều học sinh đã không giấu được xúc động, rưng rưng nước mắt khi nghe câu chuyện về trung úy Trần Thị Thủy (công tác tại Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân) nhớ về cha mình là thiếu úy Trần Văn Phương - người hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma.
Hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu kể chuyện liệt sĩ Trần Văn Phương cho học sinh. Ảnh: Mạnh Tùng.
Hồi bé, chị Thủy không hiểu chuyện gì xảy ra với cha mình. Thấy bạn bè có ba, Thủy gặng hỏi mẹ thì chỉ nhận được câu trả lời: "Ba con đang đi công tác, chưa về". Mãi đến khi học cấp một, cùng bà và mẹ ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, chị mới biết cha đã hy sinh cho Tổ quốc.
Tốt nghiệp đại học, chị Thủy được phân công về huyện Trường Sa công tác. Khi tàu tới vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, chị đã bật khóc nức nở rồi gọi về cho mẹ nói rằng: "Con đã thấy cha rồi mẹ ơi".
Thầy Hiếu kể, chị Thủy sau đó đã xin nhập ngũ với ước nguyện được đi tiếp con đường của cha. Nguyện vọng được cấp trên chấp thuận, chị được phân công về Lữ đoàn 146 - đơn vị anh hùng Trần Văn Phương từng công tác.
"Mỗi năm, thầy và trò chúng ta ngồi đây ôn lại trận chiến Gạc Ma - giữa 64 chiến sĩ Việt Nam với quân Trung Quốc, để hiểu rằng mỗi tấc đất trên lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc phải đổi bằng xương máu cha anh. Hiểu như vậy để chúng ta sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó", thầy hiệu trưởng nhắn nhủ học sinh.
Là học sinh giỏi Sử, Lê Ngọc Nho (lớp 12 Gạc Ma) tranh thủ sau buổi học lại tìm hiểu về trận chiến cách đây 30 năm trên sách báo. Nho đã viết đầy ba trang giấy học trò cảm tưởng về trận Gạc Ma và đọc trước học sinh toàn trường.
"Gạc Ma là một cuộc thảm sát của hải quân Trung Quốc với hải quân Việt Nam. Đó không phải là một trận hải chiến. Hải quân Việt Nam có bắn lại hải quân Trung Quốc phát súng nào đâu? Một bên bảo vệ cờ. Một bên nhổ cờ. Mà đâu chỉ một lần họ xâm chiếm lãnh thổ nước ta", Nho phát biểu, giọng nghẹn ngào.
Nữ sinh cho rằng, mỗi học sinh ngày nay tuy không cầm súng đánh giặc, không có nghĩa là buông lơi nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. "Cha anh ta đã gầy dựng, ta phải giữ gìn và phát triển. Hãy để lòng yêu nước và lòng biết ơn là quyền được hưởng, chứ không phải là nghĩa vụ bị ép. Đừng để sự hy sinh vì hòa bình của người đi trước trở nên vô nghĩa", Nho quan điểm với bạn bè.
Học sinh THPT Nhân Việt xúc động khi ôn lại lịch sử trận chiến Gạc Ma. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nhiều tiết mục hoạt cảnh, ca nhạc tái hiện sự ngoan cường của 64 chiến sĩ và giây phút máu đỏ nhuốm biển Đông của giáo viên, học sinh trường Nhân Việt được biểu diễn.
Kết thúc buổi lễ, thầy trò trường Nhân Việt trong trang phục Hải quân Việt Nam đã dành phút tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma 30 năm trước.
Theo VNE
Mẹ già tắm nhầm chai sữa tắm đắt tiền của con dâu nên cô đẩy bà ngã xuống đất Ngay ngày hôm sau, anh viết đơn ly hôn và đưa mẹ sang một nơi khác ở, dù cho nhà vợ có van xin thế nào thì lòng anh đã quyết rồi. ảnh minh họa Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo khó, quanh năm suốt tháng làm bạn với cánh đồng cơm không đủ ăn áo không đủ mặc;...