Nhọc nhằn việc học ở xã bãi ngang Hải Lộc
Ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc) có gần 5.000 người trong độ tuổi lao động thì hơn một nửa đi làm ăn xa, để lại con cái cho ông bà, người thân ở nhà.
Đồng nghĩa với điều này là những đứa trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học. Dù vậy, ở vùng bãi ngang ven biển này, cô và trò vẫn nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học.
Một tiết học mỹ thuật của HS Trường TH Hải Lộc.
Ký ức
Năm 1992, cô giáo Trần Thị Loan về công tác tại Trường THCS Hải Lộc. 29 năm qua, bằng tâm huyết, tình yêu thương với nghề, cô luôn làm tròn nhiệm vụ của một nhà giáo. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên khi đứng trên bục giảng tại ngôi trường này, cô Loan xúc động, chia sẻ: “Thời điểm ấy, phòng học không đủ. Một hội trường phải ngăn đôi, bên cho mầm non, bên còn lại là THCS, thậm chí phải mượn nhà dân để ôn thi học sinh (HS) giỏi. Tôi thường đưa HS về nhà để phụ đạo vào buổi tối. Có những hôm cô và trò phải thắp đèn dầu để học”…
29 năm, quãng thời gian không ngắn và cũng không ít những khó khăn nhưng cô Loan vẫn gắn bó với trường, lớp và đạt được những thành công. Cô đã bồi dưỡng cho 3 khóa HS giỏi Văn của Trường THCS Hải Lộc, trong đó có nhiều em đã đạt HS giỏi cấp huyện và tỉnh.
Cũng như cô giáo Loan, đối với cô Luyện Bích Lệ, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Hải Lộc, sau 23 năm trong nghề, đến lúc này vẫn còn nguyên ký ức về những năm tháng khó khăn nhất. Khi đấy, cơ sở vật chất nhà trường còn nghèo nàn, nhiều em HS thiếu thốn cả cái ăn, cái mặc… Cô Lệ nhớ lại: “Khi tôi về công tác, đó là ngôi trường đơn sơ, lớp học chỉ có cửa chính còn cửa sổ không cánh, cứ để thông thống như vậy. Khu tập thể giáo viên, mùa mưa nước ngập tận phòng”…
Trong 23 năm, cô Lệ đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh HS, trong đó phần lớn bố mẹ đi làm ăn xa, để lại con cho ông bà chăm sóc nên ít, nhiều đã ảnh hưởng đến việc học của các em. Ngay tại lớp 5E, nơi cô Lệ đang làm giáo viên chủ nhiệm có 32 HS thì 70% không có phụ huynh ở nhà. Éo le hơn có một số em, bố mất khi đi biển và cũng có trường hợp HS bỏ học vì bố mẹ ly hôn. Với HS bỏ học, cô Lệ đã trực tiếp đến nhà để động viên em trở lại trường, cô đã từng đèo HS này đến lớp trong 2 tháng ròng và đưa về nhà cô ăn cơm…
Trong gian khó, cô giáo Lệ vẫn nêu cao vai trò một nhà giáo tận tụy, hết lòng vì HS, luôn coi các em như chính con mình.
Video đang HOT
Gieo tình thương, gặt trái ngọt
Trường THCS Hải Lộc hiện có 527 HS, trong đó khoảng 60% số HS có bố mẹ đi làm ăn xa. Nếu giai đoạn trước đây, có nhiều HS bỏ học thì hiện nay, tình trạng này không còn. Lo lắng đối với nhà trường là sự quan tâm của gia đình đến việc học của các em không được thường xuyên, vì vậy trách nhiệm của thầy, cô nặng nề hơn.
Vượt qua khó khăn, Trường THCS Hải Lộc luôn đạt thành tích cao trong dạy và học. 3 năm gần đây, HS giỏi cấp tỉnh luôn duy trì từ 5-7 em, số HS đỗ vào THPT đạt trên 90%. Chất lượng giáo dục của nhà trường luôn đứng trong top 10 của huyện.
Thầy giáo Mai Danh Hoan, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Ở vùng bãi ngang ven biển, nếu không quan tâm, chia sẻ với hoàn cảnh của HS thì khó đạt chất lượng. Chỉ cần một HS không đi học, nhà trường sẽ liên lạc ngay với gia đình để nắm rõ nguyên nhân, báo cáo UBND xã, hội khuyến học xã để tránh tình trạng nghỉ học dài ngày. Đến thời điểm này, gần hết học kỳ II mà vẫn còn nhiều em chưa nộp tiền học phí theo quy định. Rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn giữ vững quan điểm, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải dạy tốt, học tốt”.
Còn ở Trường TH Hải Lộc, dù đối diện với khó khăn, nhưng những năm gần đây chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của nhà trường từng bước được nâng lên, trường đã có nhiều HS đạt giải trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp huyện…
Cô giáo Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Mặc dù có nhiều cố gắng, song Trường TH Hải Lộc vẫn còn bộn bề khó khăn, vất vả. Bởi, trường đứng chân trên địa bàn xã dân số đông, trình độ nhận thức của một bộ phận phụ huynh chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, không ít HS mồ côi, khuyết tật…
Tôi nhớ mãi hình ảnh một HS trong giờ học mà gục xuống bàn, hỏi thì em bảo chưa ăn sáng. Vì vậy ở đây, chúng tôi chia sẻ từng gói mì tôm, mẩu bánh mì với các em. Gieo tình thương sẽ gặt được trái ngọt, tôi vẫn nói với các đồng nghiệp như vậy”.
Giờ lên lớp của cô giáo Trần Thị Loan, Trường THCS Hải Lộc.
Nhìn chung, các trường học trên địa bàn xã Hải Lộc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc nâng cao chất lượng dạy học, song vẫn còn đó những trăn trở. Ở Trường THCS Hải Lộc, hiện nay vẫn không đủ phòng. Tổng diện tích nhà trường cũng chỉ 2.100m2, không đủ điều kiện để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đối với Trường TH Hải Lộc, còn thiếu giáo viên đứng lớp, thiếu một số phòng học chức năng, nhiều năm qua cô và trò chung một nhà vệ sinh,…
Ông Lê Doãn Huân, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, cho biết: “Ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên gần đây mới xây được tường rào và đang tiến hành xây nhà vệ sinh cho giáo viên ở trường TH. Còn trường THCS, chuyển ra địa điểm mới đã có quỹ đất nhưng kinh phí để xây dựng thì vẫn khó khăn, nên chúng tôi đang tính từng bước”.
Mang câu chuyện ở Hải Lộc về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc, bà Chung Thị Đài, trưởng phòng cho biết: “Tuy là trường bãi ngang nhưng chất lượng các nhà trường luôn nằm trong top đầu của huyện.
Cán bộ, giáo viên là những người nhiệt huyết, yêu nghề, dù trong khó khăn nhưng vẫn phải gồng mình để đùm bọc, chia sẻ, đảm bảo kiến thức cho HS. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các doanh nghiệp, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi…, hỗ trợ học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn tại 2 trường với 300-500 nghìn đồng/tháng/HS, nhằm động viên, khích lệ các em tự tin trong học tập, có ý chí phấn đấu”.
Hành trình dạy và học của cô và trò ở Trường TH Hải Lộc và THCS Hải Lộc dù còn nhọc nhằn nhưng những nỗ lực, cố gắng trong nhiều năm qua đã minh chứng một điều, có khó khăn thì cô vẫn phải giữ niềm tin và trò vẫn nhận được sự ấm áp để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, gieo yêu thương ắt sẽ gặt trái ngọt…
Gặp thầy giáo tình nguyện lên "gieo chữ" ở nơi biên viễn
Nói về những khó khăn của giáo dục vùng biên là vô cùng. Câu chuyện thầy giáo Lê Đỗ Tuấn (SN 1983, giáo viên trường THCS Yên Khương, huyện Lang Chánh) với những năm tháng bám bản, bám lớp, vận động con em đến trường được ví như một cổ tích trong cảm mến của bà con vùng biên.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên Lễ Đỗ Tuấn được phân công giảng dạy ở một trường miền xuôi. Tuy nhiên, với hoài bão và tình yêu thương với trẻ em vùng cao, Lê Đỗ Tuấn đã viết tâm thư xin tình nguyện lên xã vùng biên Yên Khương (huyện Lang Chánh) để công tác.
Chia sẻ về những lựa chọn của mình khi ấy, thầy Tuấn bảo đó là cái duyên. Và cái duyên đó bắt nguồn sau một chuyến đi thực tế của lớp đại học lên với trẻ em vùng cao, từ đó cho thầy những gần gũi, yêu thương.
"Cảm nhận cuộc sống của người dân vùng cao còn khó khăn, đặc biệt là trẻ, sự học vẫn chưa được các gia đình chú trọng, chính điều đó đã hun đúc quyết tâm, sự lựa chọn sau này của tôi", thầy Lê Đỗ Tuấn chia sẻ.
Mới đầu, sự lựa chọn bị gia đình, người thân khuyên nhủ, ngăn cản. Tuy nhiên, khi phân tích ý chí, nguyện vọng bản thân mọi người chuyển sang chúc "chân cứng đá mềm".
Năm 2006, khi mới lên với bà con vùng biên, nói về những khó khăn bấy giờ, thầy Tuấn bảo kể không xiết. Nào cách trở về ngôn ngữ, phong tục tập quán cho tới cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông...
Thầy nhớ, để đến với trường, với bản thì dốc Bả Vai án ngữ tuyến tỉnh lộ 530 bấy giờ được xem như rào cản lớn nhất về giao thông. Lần nào cũng vậy, để về thăm gia đình rồi lại ngược lên trường, lên lớp, chiếc Drem cũ vào mùa mưa lần nào cũng phải quấn xích để ngược dốc, chốc chốc lại phải dừng xe để gảy đất quanh bánh... Qua được dốc thì người cũng ướt như chuột lột. Thầy bảo, nếu không có sức khỏe thì khó có thể chinh phục được con đường.
Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đường sá, giao thông thì việc vận động học sinh đến lớp, học sinh không bỏ học khó khăn và trở ngại lớn nhất. Nói vui, nhưng thực tiễn, có những hôm thầy cô nhà trường phải lên tận rẫy "bắt" học sinh về lớp học. Giải thích cho phụ huynh thì họ không nghe, còn bảo: "Không làm lấy gì để ăn, cái chữ có làm no cái bụng không?".
Để vận động con em tới lớp, chỉ mình thầy cô là không đủ. Nhà trường phải mời đến già làng, trưởng bản, người có uy tín vào cuộc. Nhiều nhà vì thế đã nghe theo.
Rồi những hủ tục trong dựng vợ, gả chồng, chuyện học sinh nay học mai bỏ để lấy vợ, lấy chồng là chuyện không hiếm lúc bấy giờ.
Thầy Tuấn lấy dẫn chứng từ chính học sinh của mình, đó là trường hợp em Vi Văn V - học tới lớp 9 thì bỏ, gia đình không cho đi học. Khi đó thấy Tuấn là chủ nhiệm lớp vào vận động. V bảo, bố mẹ bắt vợ cho rồi nên không học nữa, đi rẫy làm nương lo cái ăn thôi. Sau khi cán bộ thôn bản đến nhà phân tích, vận động thì gia đình mới cho V đi học trở lại. Bấy giờ V mới tâm sự là muốn đến lớp học, chơi với các bạn, chưa muốn lấy vợ.
Thầy Tuấn vui mừng khi không còn tình trạng học sinh bỏ học sớm
Còn nhiều câu chuyện mà chính bản thân thầy Lê Hữu Tuấn đến bây giờ vẫn không thể quên.
Chia sẻ thêm về đời tư, thầy Tuấn se se chiếc nhẫn cưới trên tay mở lòng: "Sau 3 năm công tác, thì cũng bén duyên với Lương Thị Huân (ở bản Chí Lý). Cưới vợ, cũng là lúc mình chấm dứt giai đoạn ở trọ để chuyển sang giai đoạn ở rể. Đến nay hai vợ chồng đã có nhà riêng, 2 mặt con".
Thầy Hà Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khương chia sẻ: Vượt qua không ít những khó khăn, đến nay nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành mà ngôi trường tranh tre ngày nào nơi thầy giảng dạy đã được thế chỗ bằng ngôi trường khang trang, rộng rãi. Tình trạng học sinh bỏ học cũng không còn diễn ra. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đăng ký đi xuất khẩu lao động, có thu nhập. Các gia đình đã nhận thức được vai trò của con chữ và xem nó như tiêu chí để thoát nghèo.
"Tôi đánh giá cao chuyên môn giảng dạy cũng như nhiệt huyết của thầy Tuấn. Trong suốt 15 năm gieo chữ ở ngôi trường còn nhiều khó khăn này, thầy Tuấn luôn là tấm gương sáng cho các thầy cô, học trò noi theo", Thầy Tấn nhấn mạnh.
Tăng giá sách giáo khoa bất hợp lý khiến nhiều học sinh nguy cơ bỏ học Chuyên gia cho rằng, việc tăng giá sách giáo khoa tùy tiện có thể sẽ tăng "gánh nặng" đối với phụ huynh học sinh và gây ra nhiều hệ lụy... Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Theo công bố của Nhà xuất bản Giáo...