Nhiều trường học bán trú ở Tương Dương cơ sở hạ tầng thiếu thốn
Cơ sở hạ tầng thiếu thốn trầm trọng đã làm “khó” cho các trường trong việc bố trí chỗ ăn nghỉ cho học sinh.
Tương Dương là huyện miền núi cao, có diện tích rộng nhất nước, địa hình bị chia cắt, phân tán thành các vùng khác nhau, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt… Chính vì vậy, hệ thống trường học cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc manh mún trong việc quy hoạch các điểm trường, nhất là bậc tiểu học.
Hiện Tương Dương có 85 điểm trường, trong đó có 66 điểm trường lẻ. Khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính đều từ 3 km trở lên, có những điểm lên tới 20km.
Điểm chính của Trường Tiểu học Mai Sơn. Ảnh: ĐT
Theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn Ngoại ngữ, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, 4, 5. Với quy mô trường lớp của cấp tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, việc bố trí đủ giáo viên dạy 2 môn này ở tất cả các điểm trường trong điều kiện hiện nay là không thể thực hiện.
Trước thực tế đó, nhiều trường đã phải tổ chức gom học sinh vào các điểm chính để triển khai bán trú. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 trường đang triển khai mô hình bán trú bậc tiểu học gồm Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lưu Kiền và Yên Thắng. Tuy nhiên, các trường này lại đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất, nhất là nhà ở bán trú cho học sinh.
Video đang HOT
Các giáo viên ở Trường Tiểu học Hữu Khuông phải đi xin giường từ các trường khác về gia cố lại cho các em học sinh sử dụng. Ảnh: ĐT
Trường Tiểu học Mai Sơn, năm học 2021 – 2022 có 280 học sinh. Đa số các em đều là con em của những gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ mú. Bà con sống rải rác ở trên những triền đồi hay dọc theo những con suối, nhiều bản cách điểm trường chính đến 12 km. Các bản như Phá Kháo, Piêng Coọc các em phải đi bộ mất 2 giờ đồng hồ.
Để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng quy mô trường lớp manh mún, năm học này nhà trường đã triển khai mô hình trường học bán trú bậc tiểu học cho các em học sinh lớp 3 đến lớp 5. Do cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng, đặc biệt là nơi ăn ở cho học sinh, trường đã phải trưng dụng nhà kho để hàng hóa của một gia đình ở gần khu vực trường, rồi cải tạo làm chỗ ở cho các em ở điểm lẻ về.
Thầy Đào Văn Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn cho hay, nhà trường đóng trên địa bàn xã biên giới nên cơ sở hạ tầng thiếu thốn trầm trọng, đặc biệt là chỗ ăn, ở của học sinh bán trú. Khi chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường phải huy động giáo viên cùng phụ huynh học sinh tổ chức tu sửa và làm sạp bằng tre, nứa, gỗ cho học sinh nằm.
“Nhìn chỗ ăn, ở của các học sinh đôi lúc chúng tôi không thể kìm được lòng mình. Thương vậy, nhưng chúng tôi không thể làm cách nào khác. Chỉ biết lấy tình cảm để bù đắp sự thiếu thốn về vật chất cho các em”, thầy Hải nói.
Chỗ ngủ của các em học sinh bán trú được mượn từ nhà kho người dân. Ảnh: ĐT
Không chỉ thiếu chỗ ở của học sinh, theo kế hoạch thì nhà trường đang thiếu 3 phòng học văn hóa, 1 phòng học Tin, 1 phòng học Tiếng Anh. Ngoài ra, các vật dụng để phục vụ cho việc ăn, ở bán trú như giường tầng, khay đựng cơm, bàn ăn, ghế ngồi…cũng chưa đủ.
Không chỉ có Trường Tiểu học Mai Sơn, mà đây còn là thực trạng chung của nhiều trường học tại Tương Dương. Tại Trường Tiểu học Hữu Khuông, không có chỗ ở bán trú cho học sinh, nhà trường đã phải trưng dụng lại những phòng học cũ để làm chỗ ngủ cho các em.
Thầy Lê Tuyên Huấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông cho hay, hiện nhà trường đang triển khai 2 điểm bán trú, một điểm bán trú tại bản Sàn và một điểm tại điểm chính ở Pủng Bón. Để có chỗ cho học sinh ở, nhà trường đã trưng dụng các phòng học cũ.
“Ở điểm trường chính ở chúng tôi phải huy động giáo viên và phụ huynh học sinh tháo dỡ và di chuyển 7 phòng học bằng gỗ ở bản Con Phen sang dựng ở điểm trường chính, còn ở bản Sàn thì thuận lợi hơn vì có sẵn 5 phòng học cũ, chúng tôi cho tu sửa thêm một số hạng mục để làm chỗ ở cho học sinh. Giường nằm của các học sinh thì nhiều chủng loại, tầng có, sạp bằng gỗ có, bằng tre nứa cũng có”, thầy Huấn nói và cho hay, giường tầng được các giáo viên xin ở các trường về rồi hàn gia cố lại, sạp thì huy động phụ huynh đóng góp vật liệu, giáo viên và phụ huynh cùng góp công để làm. Hiện hệ thống bể tích nước và nhà vệ sinh là vấn đề nan giải nhất. Tuy đã rất nỗ lực nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu cho học sinh.
Lãnh đạo huyện Tương Dương động viên các giáo viên ở Trường Tiểu học Mai Sơn. Ảnh: ĐT
So với các trường vùng trên thuộc huyện Tương Dương như Mai Sơn, Hữu Khuông, thì trường Nhôn Mai có may mắn hơn khi đã có phòng ở kiên cố cho học sinh ở bán trú. Tuy vậy, giường nằm cho học sinh chưa có, nên nhà trường đã phải đi xin giường cũ của các trường về gia cố lại cho học sinh. Hiện tại đã có gần một nửa học sinh đang phải nằm trên sạp được làm bằng tre, nứa, gỗ do giáo viên và phụ huynh góp công làm.
Ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, khó thực hiện việc dạy Ngoại ngữ, Tin học, nên phải gom học sinh vào các điểm chính để triển khai bán trú. Nhìn chung các trường đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh, trang thiết bị dạy và học môn Tin học… Những nỗ lực của giáo viên cũng như học sinh ở các trường và chính quyền địa phương cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện bổ sung cơ sở vật chất, cơ chế hỗ trợ kịp thời để góp phần thay đổi, phát triển giáo dục vùng cao. Hơn nữa sẽ giảm bớt sự thiệt thòi mà giáo viên, học sinh đang còn gặp phải để giúp giáo viên thêm yêu nghề, học sinh thêm yêu trường yêu lớp./.
Trong 3 năm, khen thưởng 236 con công nhân viết chữ đẹp
Nhằm động viên con công nhân (CN) vào đầu năm học mới, Công đoàn Dệt may Việt Nam vừa khen thưởng 42 học sinh bậc tiểu học đoạt giải viết chữ đẹp cấp tỉnh, thành phố trong năm học 2020-2021.
Các em đoạt giải viết chữ đẹp đều là học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Mặc dù không phát động phong trào, không tổ chức các hoạt động cho con CN thi viết chữ đẹp nhưng nhiều năm nay, công tác động viên khen thưởng con CN đoạt giải tại các cuộc thi, hội thi viết chữ đẹp được các cấp Công đoàn ngành dệt may chú trọng, góp phần vào công tác gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng như "Tô nét chữ, luyện nết người" cho thế hệ măng non của ngành.
Con công nhân ngành dệt may Việt Nam luyện viết chữ đẹp
Tại cấp cơ sở, bên cạnh việc gặp mặt động viên, khen thưởng các em, các đơn vị kết hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm, trò chơi tư duy, tặng quà là các sản phẩm giúp các em biết trân trọng chữ viết và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.
Tổng số con CN được khen thưởng cấp ngành trong 3 năm học gần đây (2018-2021) là 236 em.
Để dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả Dạy và học trực tuyến là lựa chọn tối ưu khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi dạy và học trực tuyến đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mà ngành giáo dục thành phố cần khắc phục để nâng cao chất lượng giáo dục trên không gian mạng. Một học...