Nhiều trường công bố nhận hồ sơ tuyển sinh bằng điểm sàn
15,5 là mức điểm sàn mà Bộ GD ĐT vừa đưa ra. Ở mức điểm thấp nhất này, thí sinh hoàn toàn có cơ hội bước vào cánh cửa ĐH của nhiều trường trong cả nước, trong đó có cả khối trường ĐH công lập.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vừa công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển năm 2017. Cụ thể, ngoài các ngành ĐH đào tạo theo chương trình tăng cường tiếng Anh: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm (công nghệ thực phẩm), công nghệ sinh học, quản trị nhà hàng – khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, kế toán nhận hồ sơ xét tuyển 17 điểm, Các khối, ngành còn lại nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn Bộ GD ĐT công bố là 15,5 điểm. Phương án xác định điểm trúng tuyển theo ngành, tức ngành có nhiều khối xét tuyển thì điểm chuẩn là duy nhất cho tất cả khối.
Được bằng điểm sàn thí sinh vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH CĐ. Ảnh: Đàm Duy
Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đã công bố điểm đăng ký xét tuyển đại học chính quy đợt 1 năm 2017. Theo đó, hai cơ sở đào tạo tại Thái Nguyên và Vĩnh Phúc mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 15,5 điểm. Cụ thể cho các ngành: Công nghệ kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp; công nghệ kỹ thuật ô tô; hệ thống thông tin; kế toán; kinh tế xây dựng; công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông; công nghệ kỹ thuật giao thông (xây dựng Cầu đường bộ). Còn tại cơ sở Hà Nội, mức điểm nhận hồ sơ từ 16 điểm đến 18 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mức điểm xét tuyển trình độ ĐH các ngành là 15,5 điểm, riêng ngành Y học dự phòng là 18 điểm. Tương tự, mức điểm xét tuyển trình độ ĐH 16 ngành đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Tài chính (UEF) là 15,5 điểm ở tất cả tổ hợp xét tuyển.
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đưa ra mức điểm nhận hồ sơ vào tất cả các ngành của trường. Đối với hệ ĐH chính quy, điểm sàn xét tuyển các ngành của trường là: 15,5 điểm cho tất cả khối thi. Đối với hệ cao đẳng, điểm sàn xét tuyển các ngành của trường là 10 cho tất cả khối, ngành. Năm 2016, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường của các các ngành dao động từ 15,5-20,25 điểm. Trong đó, nhiều ngành có điểm trúng tuyển là 15,5 như: Ngành Khoa học dinh dưỡng và Ẩm thực xét tuyển các khối: A00; A01; B00; D01; ngành Công nghệ vật liệu xét tuyển các khối: A00; A01; B00; D01 điểm trúng tuyển là 15 điểm…
Video đang HOT
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh có mức điểm bằng điểm sàn của Bộ GD ĐT, tức 15,5. Theo Tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin năm nay trường nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh bằng điểm sàn của Bộ trở lên và xét từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu.
ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào trường là 15,5 ở tất cả ngành học. ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (nhận hồ sơ xét tuyển) là 15,5 điểm ở tất cả ngành học, bằng điểm sàn do Bộ GD ĐT công bố.
Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng thông tin, ngoài một ngành tiên tiến và 8 ngành chất lượng cao (đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh) sẽ có ngưỡng điểm đầu vào cao hơn mức điểm sàn. Những ngành thông dụng, truyền thống của nhà trường sẽ có mức xét tuyển bằng điểm sàn. Năm 2016, hầu hết tất cả các ngành của Đại học Lâm Nghiệp đều có điểm chuẩn là 15.
Thông tin từ ĐH Thủy Lợi cho biết, điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD ĐT là 15, 5 điểm. Trước đó, năm 2016, nhiều ngành của trường Đại học Thủy Lợi cơ sở phía Nam lấy mức điểm chuẩn là 15 như: Kỹ thuật công trình thủy; Kỹ thuật công trình xây dựng; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật tài nguyên nước; Cấp thoát nước…
Một số trường khác cũng có mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD ĐT ở một số ngành cụ thể thí sinh có thể tham khảo để đưa ra quyết định xét tuyển, tăng cơ hội đỗ vào ĐH cho mình như: ĐH Quốc tế Sài Gòn, Kinh tế – tài chính TP.HCM, Lạc Hồng, Hùng Vương TP.HCM, Thủ Dầu Một, Công nghệ Sài Gòn, Quốc tế Hồng Bàng, Văn Hiến… Hoặc một số trường công lập những năm trước cũng lấy điểm chuẩn bằng sàn như: Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên, Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Nông Nghiệp, các trường đại học ở địa phương như Đại học Vinh, Đại học Nông – Lâm, Đại học Cần Thơ…
Theo danviet.vn
Thiết bị gian lận thi cử chỉ bằng... hạt gạo làm mưa làm gió
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH CĐ còn hơn 6 tháng nữa mới diễn ra, nhưng thời điểm này, thị trường thiết bị công nghệ dùng để gian lận trong các kỳ thi đã bắt đầu "nóng
Chỉ cần một click trên google hay gọi một cuộc điện thoại được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội là người mua có thể dễ dàng tìm được món "hàng nóng" công nghệ siêu nhỏ để phục vụ cho việc gian lận trong các cuộc thi.
Liên hệ với số điện thoại 0972*****của một trang bán hàng tai nghe không dây có địa chỉ tại phố Khâm Thiên (Hà Nội), PV ngay lập tức được nhân viên bán hàng của shop này tư vấn cho hàng loạt thiết bị nghe lén được quảng cáo là sản phẩm đời mới, hiện đại và tinh vi nhất.
Các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao được rao bán tràn lan trên mạng (nguồn: IT)
Thiết bị siêu nhỏ chỉ bằng hạt gạo được đưa vào tai người dùng
Các loại tai nghe không dây kiểu mới được ngụy trang dưới nhiều hình thức: Giống thẻ ATM, giống sim điện thoại di động, có loại tai siêu nhỏ hoạt động bằng từ trường, kích thước chỉ 3mm; ngoài ra còn có loại siêu nhỏ bằng hạt gạo để bỏ vào trong tai mang vào phòng thi. Giá bán các thiết bị này dao động từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng. Nhân viên tư vấn còn cho biết, nếu không đủ tiền mua, người cần dùng hoàn toàn có thể thuê với giá rẻ hơn gấp 10 lần chỉ từ 350.000 - 400.000 đồng/ngày.
Theo nhân viên này, có thiết bị khác rẻ hơn nhưng khi đi thi phải mang điện thoại vào trong phòng thi để kết nối với thiết bị nhỏ đưa vào tai. Thiết bị này thường được sinh viên, đặc biệt là sinh viên tại chức mua. Còn đối với thí sinh thi THPT quốc gia hoặc ĐH tuyệt đối không được mang điện thoại, kể cả không bật nguồn nên dùng loại ngụy trang thẻ ATM, sim điện thoại là an toàn nhất.
"Với loại thẻ đời mới này, thí sinh sẽ không phải mang điện thoại vào phòng thi mà vẫn nhận được thông tin nhờ cục thu sóng gắn vào sim bên trong cái thẻ. Thí sinh chỉ cần bỏ thiết bị vào trong lỗ tai, thiết bị này sẽ được kết nối với bên ngoài rất bí mật, không ai có thể phát hiện được. Bên ngoài chỉ việc đọc đáp án vào, âm thanh nghe rất rõ. Thời gian sử dụng 1 lần lên tới 3 giờ" - nhân viên này nói.
Thiết bị nghe lén được ngụy trang dưới dạng 1 chiếc thẻ ATM để qua mắt giám thị
Khi PV thắc mắc, kỳ thi tới Bộ GD ĐT quyết định thi tất cả các môn bằng hình thức trắc nghiệm. Như thế thì không thể đọc từng câu hỏi và đáp án ra ngoài phòng thi được, sẽ dễ bị lộ, nhân viên này mách thêm "bí kíp": "Tốt nhất là mua thêm 1 chiếc bút camera giá 400.000 đồng để chụp đề thi ra ngoài, như thế thì thí sinh chỉ cần ngồi rung đùi mà nghe đáp án thôi" - nhân viên này nói.
Nói về vấn đề này, thầy Trần Văn Lợi - giảng viên một trường ĐH dân lập tại Hà Nội, người đã từng nhiều năm tham gia làm giám thị tại các kỳ thi ĐH CĐ cho biết: Để phát hiện thí sinh dùng tài liệu, quay cop, nhìn bài thì đơn giản, nhưng thí sinh dùng thiết bị công nghệ cao để gian lận thì phải người coi thi có kinh nghiệm mới phát hiện được. Trong các kỳ tập huấn coi thi, các giám thị cũng phải lên mạng tìm hiểu để cập nhật các công nghệ mới không sẽ dễ bị thí sinh... qua mặt.
Tuy nhiên, thầy Lợi khuyên thí sinh không nên mạo hiểm sử dụng các thiết bị gian lận thi cử vì nếu bị bắt, các em sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy bài thi, đình chỉ thi, mất cơ hội vào ĐH: "Dù có trang bị tinh vi như thế nào nhưng những em gian lận thi thường có tâm lý rất hoảng hốt, lo lắng khi làm bài và giám thị chỉ cần để ý kỹ sắc thái gương mặt của những em có biểu hiện đáng nghi là có thể phát hiện ra" - thầy Lợi nói.
Theo Danviet