Nhiều nhà máy sản xuất bán dẫn điêu đứng trước bão tuyết Texas
Theo Wall Street Journal , mùa đông khắc nghiệt ở Texas (Mỹ) đang khiến nhiều công ty bán dẫn ngừng sản xuất, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip trên toàn cầu.
Hoạt động sản xuất chip ở Texas tê liệt giữa đợt giá rét kỷ lục
Thủ phủ Austin thuộc bang Texas vốn là nơi quy tụ nhiều nhà máy sản xuất bán dẫn quan trọng. Sự cố mất điện giữa cơn bão tuyết khiến các quan chức địa phương phải yêu cầu các nhà máy tại đây ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu nhu cầu trên lưới điện của khu vực.
Hai nhà máy sản xuất chip của Samsung đang hoạt động ở Austin, Texas vừa bị chính quyền địa phương yêu cầu đóng cửa đầu tuần này. Samsung đang chờ nhà cung cấp điện Austin Energy cho phép hoạt động trở lại. Theo các nhà phân tích của Citi, hai cơ sở ở Austin đại diện cho khoảng 28% năng lực sản xuất tổng thể của Samsung.
Công ty chip Hà Lan NXP Semiconductors NV cũng lâm vào cảnh tương tự. Công ty cho biết: “Các khách hàng bị ảnh hưởng đang được NXP thông báo trực tiếp về khả năng gián đoạn nguồn cung”. NXP chuyên sản xuất chip cho ngành công nghiệp ô tô.
Infineon Technologies AG – nhà cung cấp chip xe hơi tại Đức cũng có các cơ sở sản xuất chip đặt ở Texas là một nạn nhân khác của vụ mất điện. Infineon chuyên làm loại chip bộ nhớ cần thiết cho thị trường ô tô, chiếm khoảng 5% doanh thu của công ty năm ngoái. Sau khi đóng cửa nhà máy theo lệnh từ nhà chức trách, Infineon tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm để theo dõi tình hình và đảm bảo an toàn cho khoảng 1.000 nhân viên tại đó. Công ty đang đánh giá tác động của sự cố lần này và hứa tuân theo hướng dẫn của địa phương trước khi mở cửa trở lại.
Video đang HOT
Mất điện trên diện rộng ở Texas xảy ra vào thời điểm ngành công nghiệp sản xuất chip đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử tăng đột biến giữa đại dịch Covid-19, còn những nhà máy lắp ráp chip lại không mở rộng sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Doanh số laptop, trò chơi điện tử và máy chủ trung tâm dữ liệu đều tăng trong thời gian vừa qua.
Ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi một số nhà sản xuất phụ tùng không đảm bảo cung cấp đủ chip, khiến Volkswagen, General Motors, Ford Motor và nhiều hãng xe khác phải phản ứng bằng cách cắt giảm sản lượng.
Trước khi mùa đông ập đến Texas, tình trạng thiếu chip toàn cầu đã làm thui chột tham vọng tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp. Theo nhóm nghiên cứu IHS Markit Ltd., tình trạng khan hiếm chip dự kiến sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sản xuất ít hơn gần 700.000 chiếc xe so với kế hoạch trong ba tháng đầu năm 2021.
Các chuyên gia tại Raymond James cho rằng việc Samsung đóng cửa có thể làm trầm trọng thêm điều kiện cung cấp chip vốn đã eo hẹp. Tuy nhiên, các nhà máy ở Austin, Texas chủ yếu sản xuất loại chip công nghệ cũ nên sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể tới khách hàng như trường hợp của Qualcomm hay Nvidia.
Samsung mạnh tay chi 10 tỷ USD xây nhà máy sản xuất chip 3nm ở Texas, Mỹ hòng cạnh tranh với TSMC
Hãng điện tử Hàn Quốc đang lên kế hoạch chi 10 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất chip logic thế hệ mới tại Mỹ. Khoản đầu tư lớn này được kỳ vọng sẽ giúp Samsung thu hút thêm nhiều khách hàng tại Mỹ và bắt kịp TSMC.
Trang Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ, Samsung đang nghiên cứu và thảo luận về kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Austin, Texas. Đây dự kiến sẽ là nơi sản xuất chip trên quy trình 3nm mới nhất.
Tất nhiên kế hoạch sơ bộ có thể thay đổi nhưng hiện tại, mục tiêu là bắt đầu xây dựng trong năm nay, bắt đầu lắp đặt dây chuyền từ năm 2022 và đi vào hoạt động từ năm 2023.
Ngoài ra số tiền chi cho đầu tư nhà máy có thể thay đổi nhưng kế hoạch ban đầu là khoảng 10 tỷ USD.
Samsung đang tận dụng các động thái kiềm chế Trung Quốc của chính phủ Mỹ và chính sách thu hút các hãng công nghệ lớn về đặt nhà máy tại Mỹ. Chính phủ Mỹ cho rằng, những nhà máy như vậy sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công ty trong nước và hỗ trợ ngành công nghiệp và thiết kế chip của nước này.
Những rắc rối gần đây của Intel chỉ là một trong số nhỏ các ví dụ cho thấy nhiều công ty công nghệ của Mỹ đã và đang dần thụt lùi trước các đối thủ Châu Á như TSMC hay Samsung.
Nếu Samsung đi trước, hãng có thể tạo được đối trọng với TSMC. Hiện tại TSMC đang chuẩn bị xây dựng nhà máy chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona và bắt đầu vận hành vào năm 2024.
Greg Roh, phó chủ tịch cấp cao của HMC Securities chia sẻ: "Nếu Samsung thực sự muốn hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu vào năm 2030, họ cần đầu tư lớn vào Mỹ để bắt kịp TSMC. Hãng TSMC có khả năng sẽ tiếp tục đạt được thành tựu mới trên quy trình 3nm tại nhà máy ở Arizona và Samsung cũng có thể làm như vậy".
Samsung đang cố gắng bắt kịp TSMC trong công nghệ đúc chip cho các tập đoàn trên thế giới. Điều này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thiếu nguồn cung bán dẫn.
Hãng điện tử Hàn Quốc đang đặt mục tiêu trở thành hãng đi đầu trong ngành công nghiệp chip trị giá 400 tỷ USD. Samsung có kế hoạch chi khoảng 116 tỷ USD cho bộ phận đúc và thiết kế chip của hãng trong thập kỷ tới nhằm bắt kịp TSMC. Mục tiêu đầu tiên là phải kịp cung cấp chip 3nm ra thị trường vào năm 2022.
Samsung đã thống trị thị trường chip nhớ và đang cố gắng tăng cường sự hiện diện trên thị trường chip cho smartphone và máy tính. Hiện tại Samsung cũng là bên cung ứng cho cả Qualcomm và Nvidia. Những công ty này trước đây hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào dây chuyền của TSMC. Hãng điện tử Hàn Quốc hiện có hai nhà máy sản xuất chip trên quy trình EUV, một nhà máy ở Hwaseong, phía nam Seoul và một nhà máy khác ở Pyeongtaek.
Để hoàn tất thỏa thuận, Samsung sẽ cần thời gian để đàm phán ưu đãi với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Công ty đã thuê người vận động hành lang ở Washington D.C. thay cho thỏa thuận trực tiếp. Nguồn tin nội bộ cho biết, các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho Samsung nhưng ngay cả khi ưu đãi không lớn, Samsung vẫn sẽ kiên định với kế hoạch ban đầu.
Một số nhà phân tích đặt câu hỏi về khả năng Samsung có thể chiếm một phần đáng kể trên thị trường hiện do TSMC thống trị hay không. TSMC năm nay đã chi tới 28 tỷ USD cho hoạt động R&D, sản xuất để đảm bảo tiếp tục dẫn đầu về công nghệ và năng lực sản xuất.
Về phần mình, bộ phận bán dẫn của Samsung đã chi đầu tư 26 tỷ USD trong năm 2020. Nhưng phần lớn số đó chủ yếu hỗ trợ mảng kinh doanh bộ nhớ thay vì quy trình sản xuất chip tiên tiến thế hệ mới.
Chip xử lý rõ ràng phức tạp hơn nhiều và để mở rộng năng lực sản xuất cũng không phải là điều đơn giản. Ngoài ra nhiều khách hàng cũng yêu các giải pháp thiết kế riêng và điều này có thể tạo ra rào cản lớn đối với việc mở rộng dây chuyền và khiến Samsung phụ thuộc vào thiết kế của khách hàng.
Mỹ áp hạn chế với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, khẳng định Mỹ đã bắt đầu áp dụng những hạn chế xuất khẩu mới với họ. Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC) ngày 5/10 cho biết Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã gửi thư cho các nhà cung ứng tại Mỹ và yêu cầu họ tuân thủ lệnh...