Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay tới 2,5%/năm
Các ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất cho vay, riêng các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế có thể được giảm tới 2,5%/năm so với biểu lãi suất thường.
Chiều 31-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp lắng nghe ý kiến các NH thương mại và yêu cầu ngành NH tiếp tục nỗ lực giảm thêm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường.
Đến sáng nay 1-4, thông tin tổng hợp từ NHNN cho biết đã có nhiều ngân hàng thương mại cam kết giảm mạnh lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp và người dân vay vốn ở mức khoảng 2%/năm và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực, hoạt động phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của người dân, hoạt động sản xuấtm- kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp.
Hoạt động tại các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Lam Giang
Theo lãnh đạo Vietinbank, các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và mức độ ảnh hưởng rất khó đoán nhưng với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bị tác động rất lớn và ngay lập tức.
“Các khoản cho vay ngắn hạn, trung dài hạn bằng VNĐ và ngoại tệ sẽ được NH giảm lãi suất ở mức khoảng 2%/năm dành cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, trực tiếp phục vụ đời sống tiêu dùng của người dân” – ông Lê Đức Thọ nói.
Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, cũng cho biết NH đã thực hiện giảm lãi suất với tất cả doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh. Nay, với chỉ đạo của NHNN, Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1% – 1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu tới ngày 30-9.
Đối với khoản cho vay mới, Vietcombank cũng giảm sâu khi triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng giảm từ 2%-2,5%/năm, trong đó những khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5%/năm lãi suất vay so với mặt bằng hiện hữu. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 4,5% – 5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay.
Theo ghi nhận, nhiều NH thương mại khác như BIDV, Agribank, MB, Sacombank, SHB, HDBank… cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện các NH thương mại đang tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… cho những khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh theo Thông tư 01 của NHNN.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành NH nhằm khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Gửi tiền, rút tiền, thanh toán tại ngân hàng vẫn bình thường
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết ngành NH là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở đầy đủ cho lưu thông, bảo đảm thông suốt mạch máu của nền kinh tế. Đối với các NH thương mại, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày tới.
Video đang HOT
“Chúng tôi cũng giao cho lãnh đạo các NH thương mại thông báo với chính quyền địa phương để cho phép các chi nhánh, các phòng giao dịch được mở cửa hoạt động bình thường. Vì vậy, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly toàn xã hội mà vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu cần thiết” – Phó thống đốc khẳng định.
Thái Phương
Nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất trước tác động của Covid-19
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có những động thái cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương nhằm đối phó với rủi ro này.
Ảnh minh họa.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam vừa công bố báo cáo cập nhật nhanh về tình hình chính sách tiền tệ tại các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nhằm đối phó với dịch virus Covid-19.
67 ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ năm 2019
Theo báo cáo, trong năm 2019, khi triển vọng kinh tế không mấy lạc quan đã khiến hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất.
Nổi bật trong đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cơ sở liên tiếp trong các cuộc họp tháng 7 - 9 - 10/2019, từ mức 2,25% - 2,50% xuống mức 1,50% -1,75%.
Bên cạnh đó, tháng 09/2019, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hạ lãi suất tiền gửi từ mức -0,4% xuống -0,5% trong khi giữ lãi suất tái cấp vốn 0,0% và lãi suất cho vay cận biên 0,25%.
Ngân hang Trung ương Úc (RBA) cũng hạ lãi suất cơ sở trong tháng 6 - 7 - 10 từ mức 1,5% xuống còn 0,75%.
Hai ngân hàng trung ương lớn khác là BOE của Anh và BOJ của Nhật Bản không thay đổi lãi suất cơ sở lần lượt ở mức 0,75% và -0,1%.
Lý do mà các ngân hàng trung ương lần lượt cắt giảm lãi suất là các rủi ro địa chính trị như "chiến tranh thương mại" và "Brexit" gây ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ngoài việc triển vọng kinh tế không lạc quan, tại thời điểm mà mỗi ngân hàng trung ương trên cắt giảm lãi suất lần đầu tiên, tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế đều đang thấp dưới ngưỡng mục tiêu 2,0% trong thời gian dài.
Cụ thể là CPI Mỹ là 1,8%, Eurozone là 1,3% và Úc là 1,9%. Do đó, cả Fed, ECB và RBA đều có định hướng chung nữa khi hạ lãi suất, là việc đưa lạm phát tới ngưỡng mục tiêu.
Về BOE, mặc dù kinh tế Anh chịu nhiều rủi ro từ Brexit, tuy nhiên ngân hàng trung ương này năm 2019 luôn giữ kỳ vọng sẽ tăng lãi suất khi kinh tế tích cực hơn, đồng thời CPI của Anh khá ổn định quanh ngưỡng 2,0% trong phần lớn năm 2019 cũng đảm bảo cho việc BOE không cần hạ lãi suất.
Tiếp đến là BOJ, ngân hàng trung ương này không giảm lãi suất trong năm 2019 do lãi suẩt đã ở mức âm trong thời gian dài, thay vào đó, BOJ sử dụng các chương trình nới lỏng định lượng để hỗ trợ kinh tế và lạm phát Nhật Bản.
Liên quan tới các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, theo thống kê của Centralbankinfo, trong năm 2019 đã có khoảng 67 ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ với khoảng 182 động thái và chính sách khác nhau, trong số đó có 159 lần là cắt giảm lãi suất.
Theo World Bank, mức lãi suất trung bình của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm 0,7 điểm phần trăm trong thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2019.
Theo các chuyên gia, có 4 trong 5 ngân hàng trung ương lớn nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất trong năm nay.
Trong những ngày vừa qua, cả 5 ngân hàng trung ương lớn là Fed, ECB, BOE, RBA và BOJ đều có những cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2020, tuy nhiên không có ngân hàng trung ương nào thay đổi lãi suất cơ sở trong những cuộc họp này.
Cụ thể, Fed cho rằng lãi suất cơ sở hiện tại đang phù hợp và các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vẫn tiếp tục diễn ra.
ECB cùng với RBA, BOJ giữ lãi suất nhằm đưa lạm phát tới ngưỡng 2,0%, thậm chí RBA kỳ vọng sẽ giữ lãi suất này trong thời gian dài và có thể hạ thấp hơn nếu cần thiết.
Riêng chỉ có BOE giữ lãi suất và kỳ vọng có thể tăng dần trong tương lai trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên cũng cho biết có thể hạ dần lãi suất nếu các dữ liệu kinh tế Anh, đặc biệt là lạm phát đi trái với kỳ vọng.
Tác động mới: Covid-19
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có những động thái cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương nhằm đối phó với rủi ro này.
Theo nhiều tổ chức và chuyên gia nhận xét, dịch Covid-19 có thể tác động nghiêm trọng tới kinh tế Trung Quốc, từ đó làm gián đoạn chuỗi nguồn cung và ảnh hưởng lên kinh tế thế giới.
Tuy những thiệt hại cụ thể chưa được thống kê, nhưng có thể thấy nhiều các nước phụ thuộc vào Trung Quốc đang bắt đầu có dấu hiệu bị ảnh hưởng thông qua các chỉ số chứng khoán và tỷ giá hối đoái, đặc biệt trong số đó có Thái Lan, Philippines...
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) gần đây hạ lãi suất các hợp đồng repo, kỳ hạn 1 tuần từ 2,5% xuống 2,4% và 2 tuần từ 2,65% xuống 2,55%, bên cạnh đó bơm 1200 tỷ CNY tương đương 170 tỷ USD ra thị trường nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Trên thế giới, tính từ đầu tháng 02/2020, đã có 08 ngân hàng trung ương hạ lãi suất cơ sở, bao gồm: Mexico, Belarus, Nga, Philippines, Honduras, Brazil, Thái Lan và Iceland.
Trong những đợt hạ lãi suất này, có ngân hàng trung ương Brazil, Nga, Phillipines, Thái Lan tuyên bố lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 tới kinh tế.
Tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, Cơ quan tiền tệ của Singapore MAS và Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng phát đi tín hiệu sẵn điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu cần thiết.
Như vậy, lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn hiện đang ở mức thấp, và việc cắt giảm lãi suất đã diễn ra từ năm 2019 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại trong những tháng đầu năm 2020.
Theo các chuyên gia, điều này có thể cần thiết khi kinh tế toàn cầu đang trong quá trình chống chịu những rủi ro địa chính trị hiện hữu.
Tuy nhiên, trong dài hạn, lãi suất cơ sở ở mức thấp sẽ là áp lực cho các ngân hàng trung ương khi dư địa về chính sách ngày càng thu hẹp, việc điều hành sẽ trở nên khó khăn hơn nếu xuất hiện những rủi ro mới đe dọa đến triển vọng kinh tế thế giới.
Đối với Việt Nam, dù chưa có động thái liên quan đến việc cắt giảm lãi suất cơ sở từ Ngân hàng Nhà nước nhưng tại hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid - 19 tổ chức hôm 6/2, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay... theo quy định hiện hành.
Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động.
Đáng chú ý, thông tin tại hội nghị cho biết, trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
TRẦN THÚY
Theo bizlive.vn
Ngân hàng vẫn mở cửa trong thời gian cách ly toàn xã hội, người dân không phải rút tiền về dự phòng Ngân hàng Nhà nước khẳng định các phòng giao dịch ngân hàng vẫn được mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian cách ly toàn xã hội, vì vậy, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng mà vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu cần thiết. Ngân hàng...