Nhiều dịch bệnh mùa hè gia tăng, không chủ quan phòng chống
Thời tiết nắng nóng, cộng với điều kiện vệ sinh môi trường chưa cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển làm tăng nguy cơ bùng phát và lan rộng các loại dịch bệnh, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh này phát hiện 233 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 375.5% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó có 5 ca sốt rét, 4 ca lỵ Amip, 4 ca lỵ trực trùng.
Ghi nhận 60 trường hợp mắc thủy đậu, hơn 732 trường hợp tiêu chảy, 16 trường hợp viêm gan do virus, 4 trường hợp mắc quai bị và 1.886 trường hợp mắc bệnh cúm. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có ca tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phát hiện 233 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ Huỳnh Công Hùng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Quảng Bình cho biết, thời điểm này, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè đang có chiều hướng gia tăng. Vậy nên người dân không được chủ quan lơ là, công tác phòng chống các bệnh lây theo đường tiêu hóa, đường hô hấp, SXH, TCM, sởi, cúm…
Ghi nhận tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố, tại Quảng Bình, các đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ em với các bệnh thường gặp như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm ruột, tiêu chảy, tay chân miệng, thủy đậu… số bệnh nhân vẫn đang gia tăng hằng ngày và chưa có chiều hướng giảm xuống.
Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè.
Theo bác sĩ Hồ Thị Ngọc Linh, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ em mắc bệnh trong thời gian gần đây.
Video đang HOT
“Để bảo vệ sức khỏe cho con em, các bậc cha mẹ cần thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, giúp cơ thể trẻ đủ sức chống lại bệnh tật. Đặc biệt, cần tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, đây là một việc làm đơn giản nhưng hiệu quả phòng chống bệnh mùa hè rất lớn”, BS Linh cho biết.
Bác sĩ Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thông tin, để phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh trong điều kiện hiện nay, bệnh viện bố trí chỗ ngồi thoáng mát cho người bệnh trong thời gian chờ tới lượt khám, tổ chức cán bộ tiếp đón nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu người bệnh.
Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết được chú trọng.
Đồng thời bệnh viện tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng ngừa lây nhiễm chéo các loại bệnh truyền nhiễm; chú ý đến công tác vệ sinh môi trường. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà người bệnh về cách nhận biết và phòng tránh các bệnh thường xuất hiện trong thời tiết nắng nóng kéo dài…
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, việc chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè là rất cần thiết. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến từ trạm y tế xã, phường, thị trấn đến các bệnh viện đa khoa huyện và các bệnh viện tuyến tỉnh, đáp ứng các cấp độ điều trị trong bối cảnh vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phòng chống dịch bệnh trong mùa hè này.
Người dân không được chủ quan lơ là, trong công tác phòng chống các loại bệnh lây nhiễm mùa hè.
“Người dân cần tuân thủ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, nhất là đối với người già và trẻ em”, BS. Hải chia sẻ.
Nhiều người sốt xuất huyết nặng sau khi trở về từ các tỉnh phía Nam
Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết trở về từ các tỉnh phía Nam
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay Trung tâm tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra. Dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới.
Xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh
Bệnh nhân thứ nhất là nữ, 66 tuổi quê ở Hà Nam, đi du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai. Về quê 5 ngày thì chị sốt. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc nam không rõ loại.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nam và BVĐK tỉnh Hà Nam, do không khai thác yếu tố dịch tễ nên bệnh nhân được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, hạ tiểu cầu.
Sau 5 ngày điều trị, do bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu nên bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ chỉ còn 6 G/L, hematocrit tăng cao, tức là có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng tăng cao.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - thăm khám cho bệnh nhân.
Được điều trị kịp thời, truyền dịch theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tình trạng bệnh nhân bệnh nhân được cải thiện, tiểu cầu tăng dần và các triệu chứng đã ổn định trở về bình thường. Bệnh nhân đã được xuất viện.
Bệnh nhân thứ hai là nam học sinh 17 tuổi ở Hải Dương, đi du lịch ở Bình Chánh, TP.HCM. Sau 6 ngày quay lại Hải Dương, bệnh nhân sốt, đau đầu, đau người, da và mắt đỏ xung huyết và có biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết.
Thanh niên này được Trung tâm y tế của huyện Ninh Giang, Hải Dương xét nghiệm dương tính với Dengue. Tuy nhiên bệnh nhân đến viện muộn với các dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu hạ chỉ còn 20 G/L, tình trạng cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, chảy máu chân răng, men gan tăng, xuất huyết dưới da.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đã được xuất viện về nhà.
Trường hợp thứ 3 là một bệnh nhân nam, 38 tuổi, quê ở Bình Định, làm nghề lái xe đường dài chạy Nam Bắc, lần này bệnh nhân chạy xe từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn. Bệnh nhân có biểu hiện sốt từ nhà, khi đến Lạng Sơn thì triệu chứng của sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật nên bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại BV tỉnh Lạng Sơn và sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức.
Sau khi được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm cho thấy có dương tính với sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu hạ 70 G/L. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não thể hiện đây là trường hợp sốt xuất huyết có biểu hiện viêm não-màng não.
Chủ động phòng bệnh
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, bệnh nhân sốt xuất huyết có biểu hiện viêm màng não là biến chứng nặng, ít gặp. Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Với bệnh nhân này, sau khi vào viện đã được hồi sức kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ bệnh nhân đã hết sốt, tiểu cầu đã tăng dần trở lại. Hy vọng bệnh nhân này cũng có thể hồi phục hoàn toàn và xuất viện trong những ngày tới.
Miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng.
Qua 3 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết do có yếu tố dịch tễ đi du lịch, công tác từ miền Nam ra - nơi có dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung Bộ khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu...
Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.
Cũng theo các bác sĩ, tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên chúng ta phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ.
Các nhân viên y tế và người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của sốt xuất huyết để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như COVID-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.
Mất cảnh giác với sốt xuất huyết sau 2 năm chống dịch COVID-19 5 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận 11.722 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 209 ca nặng (tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021) và 7 ca tử vong. Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 cho biết vừa thay thế 56 lít huyết tương, cứu sống một bệnh nhân sốt xuất huyết. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân...