Nhật, Hàn tố Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, vi phạm nghị quyết LHQ
Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên hôm nay (14/1) đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung ra biển, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Reuters dẫn tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay, Bình Nhưỡng đã bắn ít nhất một tên lửa đạn đạo ra vùng biển ngoài khơi phía đông bán đảo Triều Tiên lúc khoảng 14h55 giờ địa phương (12h55 giờ Việt Nam) ngày 14/1. Tên lửa bay khoảng 1.000km trước khi rơi xuống biển.
Người dân tại một nhà ga ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc xem bản tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên ngày 14/1. Ảnh: Yonhap
Nhà chức trách Hàn Quốc đang phối hợp cùng các đồng nghiệp Mỹ và Nhật Bản tiến hành phân tích chi tiết về tên lửa nói trên.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong vụ phóng mới nhất, tên lửa Triều Tiên đã đạt độ cao tối đa khoảng 50km và dường như rơi xuống biển ở vị trí ngoài vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mặt trời mọc. Tokyo chỉ trích vụ phóng vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Theo Reuters, động thái diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang tăng cường áp lực lên Hàn Quốc trong những tuần gần đây, khi tuyên bố nước láng giềng là “kẻ thù chính” và khẳng định hai miền nam – bắc Triều Tiên “sẽ không bao giờ đoàn tụ”. Bình Nhưỡng cũng quả quyết sẽ thúc đẩy khả năng tấn công hạt nhân vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến Triều Tiên 1950 – 1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Bình Nhưỡng thông báo đã thử thành công động cơ nhiên liệu rắn được thiết kế dành cho tên lửa đạn đạo tầm trung.
Đến tháng 12 cùng năm, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất để đánh giá mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân Triều Tiên trước “sự thù địch ngày càng gia tăng của Mỹ”. Động thái diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á bắt đầu vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu về tên lửa Triều Tiên theo diễn tiến thời gian thực tế.
Lý do Triều Tiên chú trọng phát triển tên lửa nhiên liệu rắn
Triều Tiên ngày 15/1 tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) mang đầu đạn siêu thanh.
Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn ngày 14/1. Ảnh: KCNA/TTXVN
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), IRBM này được phóng vào chiều 14/1 nhằm kiểm tra khả năng trượt và cơ động của đầu đạn, cũng như mức độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy cao đa tầng mới được phát triển. KCNA không tiết lộ khoảng cách, thời gian bay cũng như các chi tiết khác của tên lửa.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên cũng khẳng định rằng vụ phóng tên lửa không ảnh hưởng đến an ninh các nước láng giềng và cũng không liên quan đến tình hình khu vực.
Quân đội Hàn Quốc hôm 14/1 thông báo phát hiện vụ phóng từ một khu vực trong hoặc xung quanh Bình Nhưỡng vào khoảng 2 giờ 55 phút chiều (giờ địa phương), và tên lửa đã bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống biển.
Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2024. Lần gần đây nhất, nước này phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 nhiên liệu rắn vào ngày 18/12/2023. Vụ phóng diễn ra sau khi Triều Tiên vào tháng 11/2023 cho biết họ đã thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho IRBM loại mới và tiến hành ít nhất ba cuộc thử nghiệm trong cùng năm với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 nhiên liệu rắn.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin việc phát triển tên lửa nhiên liệu rắn từ lâu đã được coi là mục tiêu chính của Triều Tiên, vì nó có thể giúp nước này triển khai tên lửa nhanh hơn trong trường hợp xảy ra xung đột. Tên lửa nhiên liệu rắn khó bị phát hiện trước khi phóng hơn tên lửa nhiên liệu lỏng vốn cần nhiều công tác chuẩn bị tốn thời gian, chẳng hạn như phun nhiên liệu. Hầu hết tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng.
Trong khi đó, tên lửa nhiên liệu rắn không cần tiếp nhiên liệu ngay trước khi phóng, vận hành dễ dàng và an toàn, đồng thời cần ít hỗ trợ hậu cần hơn. Việc sử dụng nhiên liệu rắn có thể tạo thêm điều kiện di dộng hơn cho tên lửa và giảm thời gian chuẩn bị phóng.
Nhiên liệu rắn đậm đặc và cháy khá nhanh, tạo ra lực đẩy trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nó có thể được lưu trữ trong thời gian dài mà không bị phân hủy -vấn đề thường gặp với nhiên liệu lỏng.
Triều Tiên cho biết việc phát triển ICBM nhiên liệu rắn mới Hwasong-18 sẽ "tăng cường triệt để" khả năng phản công hạt nhân của nước này.
Nhiên liệu đẩy rắn là hỗn hợp nhiên liệu và chất oxy hóa. Bột kim loại như nhôm thường được dùng làm nhiên liệu trong khi ammonium perchlorate là chất oxy hóa phổ biến nhất. Ammonium perchlorate là muối của perchloric acid và amoniac.
Nhiên liệu và chất oxy hóa được liên kết với nhau bằng vật liệu cao su cứng rồi đóng trong vỏ kim loại. Khi nhiên liệu rắn cháy, oxy từ ammonium perchlorate kết hợp với nhôm tạo ra lượng năng lượng khổng lồ và nhiệt độ lên tới hơn 2.760 độ C, phát sinh lực đẩy rồi nâng tên lửa khỏi bệ phóng.
Nhiên liệu rắn có nguồn gốc từ pháo hoa được Trung Quốc phát triển từ nhiều thế kỷ trước. Nó đạt tiến bộ đáng kể vào giữa thế kỷ 20, khi Mỹ phát triển các loại chất nổ đẩy mạnh hơn. Liên Xô đã triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn đầu tiên có tên RT-2 vào đầu những năm 1970. Sau đó, Pháp phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn S3, còn được gọi là SSBS. Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm ICBM nhiên liệu rắn vào cuối những năm 1990.
Trong cuộc phỏng vấn với Yonhap vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đánh giá Triều Tiên có thể thử IRBM mới ngay trong tháng 1 này.
Nhiều lãnh đạo quân đội Hàn Quốc tin rằng tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mà Bình Nhưỡng phát triển có khả năng nhắm tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.
IRBM có tầm bắn 3.000-5.500 km. Trong khi đó, Guam cách Triều Tiên khoảng 3.000 km về phía Đông Nam.
Đảo Guam, nằm trên Thái Bình Dương, trở thành lãnh thổ của Mỹ từ năm 1898. Theo Sky News (Anh), các căn cứ quân sự Mỹ hiện chiếm 30% diện tích của đảo Guam. Đảo Guam luôn được Lầu Năm Góc coi là vị trí chiến lược trong chính sách của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tên lửa siêu thanh nằm trong danh sách vũ khí công nghệ cao mà Chủ tịch Kim Jong-un cam kết sẽ phát triển tại đại hội Đảng Lao động. Vào tháng 1/2022, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công tên lửa siêu thanh.
Chuyên gia nói về mục đích của Triều Tiên khi phóng tên lửa đạn đạo sau tập trận bắn đạn thật Khoảng 1 tuần sau khi tổ chức diễn tập bắn đạn thật từ bờ biển phía Tây nước này, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo ra biển vùng bờ biển phía Đông nước này. Đây là vụ phóng đầu tiên trong năm 2024. Ảnh minh hoạ cắt từ clip của KCNA Hãng tin AP hôm 14/1 dẫn thông tin từ...