KCNA: Triều Tiên sở hữu động cơ tên lửa mới có lực đẩy ưu việt
Triều Tiên thông báo phát triển động cơ sử dụng nhiên liệu rắn mới có lực đẩy ưu việt cho tên lửa đạn đạo và đã hai lần thử nghiệm thành công các bộ phận quan trọng.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay (15/11) đưa tin, ngành công nghiệp tên lửa của Bình Nhưỡng đã phát triển thành công một mẫu động cơ sử dụng nhiên liệu rắn mới cho tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM), sở hữu lực đẩy mạnh mẽ.
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong một vụ phóng thử. Ảnh: KCNA
Theo KCNA, thành tựu trên có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Các tầng đẩy thứ nhất và thứ hai của động cơ được thử nghiệm thành công vào các ngày 11 và 14/11, qua đó “chứng minh rõ ràng độ tin cậy và ổn định của công nghệ sản xuất, thiết kế động cơ nhiên liệu rắn của Triều Tiên”.
“Các cuộc thử nghiệm là quá trình quan trọng nhằm tăng cường năng lực tấn công chiến lược của lực lượng vũ trang Triều Tiên trong bối cảnh môi trường an ninh phức tạp và không ổn định mà đất nước đang đối mặt”, KCNA dẫn tuyên bố của Tổng cục Tên lửa Triều Tiên có đoạn.
Video đang HOT
Động cơ nhiên liệu rắn có công nghệ chế tạo phức tạp, nhưng ưu việt hơn động cơ nhiên liệu lỏng thông thường do chúng không tốn nhiều thời gian nạp nhiên liệu, tăng khả năng cơ động. Ngoài ra, tên lửa động cơ nhiên liệu rắn tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng hơn.
Phát triển các loại động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn thường là mục tiêu mà các quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo hướng tới nhằm tăng tăng lực tác chiến của lực lượng tên lửa chiến lược khi cần thiết.
Hồi tháng 7/2023, Triều Tiên từng xác nhận đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18. Tên lửa khi đó đã bay 1.001km trong 4.491 giây, đạt đến độ cao 6.648km trước khi lao xuống vùng biển phía Đông Triều Tiên.
"Sóng ngầm" trên bán đảo Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí điều chỉnh chiến lược răn đe chung đối với Triều Tiên, một ngày sau khi hai nước này cùng Nhật Bản đạt được đồng thuận trong việc chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa.
Bình Nhưỡng cũng bắt đầu phản ứng trước loạt động thái này, dấy lên lo ngại về những đợt sóng ngầm có thể làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Yonhap đưa tin, tại Hội nghị Tham vấn An ninh (SCM) lần thứ 55 diễn ra ngày 13/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã ký văn bản điều chỉnh về "Chiến lược răn đe phù hợp" (TDS). TDS ra đời vào năm 2010 và được sửa đổi lần đầu tiên vào năm 2013 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 3. Theo thỏa thuận, Mỹ được phép sử dụng các tài sản quân sự chiến lược, bao gồm cả lực lượng hạt nhân, để bảo vệ các đồng minh của mình. Mặc dù nội dung bản cập nhật không được công bố, nhưng những điều chỉnh này được cho là phản ánh rõ nét hơn các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh "cam kết răn đe mở rộng của Mỹ đối với Hàn Quốc vẫn vững vàng", trong đó bao gồm việc sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của Mỹ để bảo vệ Hàn Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng việc Mỹ tăng cường triển khai các khí tài chiến lược tới Seoul trong năm nay đã nâng cao độ tin cậy của cam kết răn đe mở rộng mà Washington đưa ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik. Ảnh: Reuters
Trước đó, hôm 12/11, theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Tướng Kim Seung-kyum, lãnh đạo JSC và người đồng cấp Mỹ, Tướng Charles Q. Brown Jr., đã tổ chức cuộc họp Ủy ban Quân sự thường niên tại trụ sở JCS Hàn Quốc ở Thủ đô Seoul. Tại cuộc họp, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ phòng thủ chung ngày càng bền chặt và tái khẳng định một cách mạnh mẽ cam kết đối với thế trận phòng thủ chung theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Hàn. Hai bên cũng đã thảo luận về các vụ phóng tên lửa và chương trình hạt nhân, cũng như các vấn đề an ninh liên quan Triều Tiên. Ngoài ra, hai bên cũng công nhận tiến bộ "có ý nghĩa" trong kế hoạch chuyển giao kiểm soát hoạt động thời chiến từ Washington cho Seoul, như việc hoàn thành đánh giá song phương hằng năm về năng lực và hệ thống trong năm 2023.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ tại cuộc họp cùng ngày cũng vừa nhất trí bắt đầu kế hoạch chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về tên lửa của Triều Tiên từ tháng 12 tới. Theo đó, các bộ trưởng đã thảo luận việc tăng cường hợp tác 3 bên trong bối cảnh "môi trường an ninh nghiêm trọng". Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ - Nhật - Hàn cũng nhất trí đề ra kế hoạch tập trận 3 bên vào cuối năm nay để thực hiện huấn luyện chung một cách có hệ thống và hiệu quả hơn từ tháng 1/2024.
Trên thực tế, Mỹ và hai nước đồng minh Đông Bắc Á đã tích cực tăng cường hợp tác an ninh 3 bên trong thời gian gần đây. Tháng trước, 3 nước đã cùng triển khai cuộc tập trên không đầu tiên và nối lại tập trận hàng hải gần Bán đảo Triều Tiên sau 7 năm. Triều Tiên liên tục phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ_Hàn, coi đây là động thái khiêu khích quân sự, chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhằm vào nước này. Trong khi đó, các cuộc gặp của quan chức quốc phòng ba nước Mỹ - Nhật - Hàn cũng diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang nỗ lực phóng thành công vệ tinh do thám sau hai lần gặp trục trặc. Đây cũng được cho là một phần nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tăng cường năng lực quân sự, bao gồm cả việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, tàu ngầm mang tên lửa. Đáng chú ý, hôm 9/11 vừa qua, Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng phát xung đột với Hàn Quốc, liên quan đến việc tòa án Hàn Quốc bãi bỏ luật cấm các nhà hoạt động gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
"Trong tình hình hiện nay, một tia lửa cũng có thể dẫn đến phát nổ, không có gì đảm bảo rằng các cuộc xung đột quân sự như ở châu Âu và Trung Đông sẽ không nổ ra trên bán đảo Triều Tiên", Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay, dấy lên những lo ngại về việc Bán đảo Triều Tiên sẽ lại đối diện làn sóng căng thẳng mới.
Những đợt "sóng ngầm" lại càng xuất hiện nhiều hơn khi ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ dự cuộc họp cấp Bộ trưởng quốc phòng lần đầu giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc (UNC). UNC, do Mỹ đứng đầu, được thành lập vào năm 1950 và đã giám sát việc thực thi hiệp định đình chiến giúp kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hiện giám sát các hoạt động trong khu phi quân sự (DMZ). Tuy nhiên, động thái này tiếp tục vấp phải phản ứng gay gắt từ Triều Tiên, với việc kêu gọi giải tán UNC và gọi đây là "tổ chức chiến tranh bất hợp pháp".
Triều Tiên cho biết cuộc họp của UNC sắp tới là một "kế hoạch nguy hiểm nhằm khơi mào một cuộc chiến tranh xâm lược mới" chống lại Bình Nhưỡng, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trầm trọng hơn khi Washington triển khai các khí tài chiến lược hạt nhân và các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn với Hàn Quốc.
Giới quan sát lo ngại rằng các cuộc họp hay nỗ lực hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, cùng với nỗ lực tăng cường quân sự của Triều Tiên, sẽ càng đẩy mâu thuẫn trên Bán đảo Triều Tiên lên cao trào, thay vì đạt được những đồng thuận hay cơ hội đàm phán mà các bên từng kỳ vọng.
Triều Tiên cảnh báo Mỹ về "lằn ranh đỏ mới" Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục các hành động quân sự nhằm tăng cường khả năng răn đe sau khi lên tiếng chỉ trích Mỹ về vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gần đây. Trước đó, không quân Mỹ trong thông báo vào tối 1/11 (giờ địa phương) cho biết, vụ phóng thử nghiệm tên lửa ICBM Minuteman...