Chính phủ Mỹ lại thoát nguy cơ bị đóng cửa?
Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời đến đầu năm 2024 nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa và dự luật khả năng cao sẽ sớm được chấp thuận tại Thượng viện Mỹ.
New York Times rạng sáng nay (15/11, giờ Hà Nội) cho biết, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời đến giữa tháng 1/2024 nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa với số phiếu ủng hộ áp đảo là 336 phiếu thuận/95 phiếu chống.
Tại một phiên làm việc của Hạ viện Mỹ do ông Mike Johnson điều hành. Ảnh: CNN
Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ. Trong số 95 phiếu phản đối với dự luật chi tiêu có 93 phiếu thuộc về các thành viên bảo thủ đảng Cộng hòa, hai phiếu còn lại của đảng Dân chủ.
Video đang HOT
Reuters đánh giá kết quả bỏ phiếu vẫn được xem là một chiến thắng của tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, khi ông có thể tập hợp đủ số phiếu cần thiết từ các thành viên đảng Cộng hòa trong bối cảnh các nghị sĩ chia rẽ sâu sắc về chi tiêu của Chính phủ Mỹ.
Để có hiệu lực chính thức, dự luật sẽ cần được Thượng viện Mỹ chấp thuận, sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kí ban hành. Tại Thượng viện Mỹ, đảng Dân chủ chiếm nhiều ghế hơn nên khả năng nó sớm được thông qua là rất cao.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ, cùng ngày xác nhận ông muốn cơ quan này bỏ phiếu về dự luật “càng sớm càng tốt”. Ông Schumer cũng khẳng định, “Nhà Trắng và tôi nhất trí rằng, nếu kế hoạch này ngăn chính phủ đóng cửa thì nghĩa là nó tốt”.
Theo New York Times, dự luật ngân sách vừa được thông qua sẽ cho phép một phần chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 19/1/2024, phần còn lại có thể hoạt động đến ngày 2/2/2023. Dự luật ngân sách này không bao gồm bất cứ khoản viện trợ nào cho Ukraine và Israel.
Chính phủ Mỹ hiện đang hoạt động theo đạo luật ngân sách được lưỡng viện quốc hội thông qua và Tổng thống Biden ký ban hành hôm 30/9. Đạo luật tài trợ cho chính phủ hoạt động đến hết ngày 17/11, tức chưa đầy 3 ngày nữa.
Nếu được thông qua, dự luật ngân sách mới sẽ cho phép các nghị sĩ Mỹ có thêm thời gian để soạn các dự luật ngân sách toàn diện, tài trợ Chính phủ Mỹ hoạt động đến hết năm tài khóa, bắt đầu ngày 1/10 và kết thúc ngày 30/9 của năm kế tiếp.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ đề xuất dự luật ngân sách ngăn chính phủ đóng cửa
Khi thời hạn 45 ngày duy trì mở cửa chính phủ sắp đến, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã đề xuất dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn việc chính phủ Mỹ đóng cửa một lần nữa.
Theo Reuters, trong ngày 11/11, ông Johnson đã công bố một dự luật ngân sách tạm thời, nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ một phần vào ngày 17/11. Ngày 17/11 là thời hạn cuối cùng của gói ngân sách bổ sung được thông qua vào cuối tháng 9, nhằm duy trì hoạt động của chính phủ Mỹ trong vòng 45 ngày.
Đề xuất của ông Johnson bao gồm việc tiếp tục cung cấp ngân sách cho các cơ quan và chương trình chính phủ, nhưng chia thành 2 nhóm khác nhau. Nhóm đầu tiên là ngân sách cho các cơ quan trọng yếu của chính phủ, có thời hạn tới ngày 19/1/2024. Nhóm thứ hai là ngân sách tài trợ cho các bộ phận khác, có thời hạn tới ngày 2/2/2024.
"Kế hoạch hai bước này giúp đảng Cộng hòa ở Hạ viện đứng ở vị trí tốt nhất", ông Johnson cho biết. Kế hoạch ngân sách tạm thời của Chủ tịch Hạ viện Mỹ không bao gồm các khoản viện trợ cho Ukraine và Israel.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Ảnh: Reuters
Ngay khi đề xuất của ông Johnson được công bố, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng phản đối. "Đề xuất của ông Johnson là công thức khiến đảng Cộng hòa hỗn loạn và làm chính phủ đóng cửa sớm hơn. Các nghị sĩ tại Hạ viện đang lãng phí thời gian với một kế hoạch thiếu nghiêm túc", Thư ký báo trí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.
Theo Reuters, Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự luật của ông Johnson vào ngày 14/11. Kế hoạch ngân sách kể trên cần được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua, trước khi Tổng thống Biden ký thành luật.
Trong trường hợp dự luật không được thông qua trước ngày 18/11, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa một phần. Điều này dẫn tới việc 1,5 triệu nhân viên chính phủ không được trả lương, công viên quốc gia bị đóng cửa, và làm gián đoạn nhiều hoạt động từ tài chính tới hàng không.
Tổng thống Ukraine muốn đàm phán trực tiếp với ông Trump Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rất mong muốn đàm phán trực tiếp với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, phòng trường hợp ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa quay lại Nhà Trắng vào năm 2024, một nguồn tin nội bộ ở Kiev tiết lộ. Ảnh: AFP Theo đài RT (Nga), một nguồn tin thân cận với Văn phòng Tổng thống...