Nhân Dân nhật báo nhắc tới Tập Cận Bình nhiều nhất sau Mao Trạch Đông
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tránh lặp lại hiện tượng sùng bái cá nhân, nhưng kể từ thời Đặng Tiểu Bình đã có sự gia tăng trở lại hiện tượng này.
Hình ảnh ông Tập Cận Bình đã xuất hiện trên các món đồ lưu niệm ở Trung Quốc.
Bưu điện Hoa Nam ngày 29/7 đưa tin, tên tuổi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xuất hiện nhiều nhất trên tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc hơn bất kể nhà lãnh đạo tiền nhiệm nào kể từ sau Mao Trạch Đông.
Chỉ mới 18 tháng kể từ khi ông Bình lên cầm quyền, tên ông đã được tờ báo này nhắc tới 4725 lần, các nhà nghiên cứu từ đại học Truyền thông Trung Quốc cho biết. Tương tự, 2001 lần của ông Giang Trạch Dân và 2405 lần của ông Hồ Cẩm Đào cũng được thống kê trong khoảng 18 tháng sau khi họ nhậm chức.
Cho đến nay, ông Tập Cận Bình là người đứng thứ 2 sau Mao Trạch Đông, người đã được tờ Nhân Dân nhật báo nhắc tới gần 7000 lần trong 18 tháng sau đại hội 9 năm 1969 khi cuộc Cách mạng Văn hóa gây vũ bão trên khắp đất nước Trung Quốc kết thúc.
Ở Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông là nhân vật được sùng bái nhất và đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tránh lặp lại hiện tượng sùng bái cá nhân, nhưng kể từ thời Đặng Tiểu Bình đã có sự gia tăng trở lại hiện tượng này.
Trên tờ Nhân Dân nhật báo xuất bản hôm Thứ Hai, ông Tập Cận Bình được nhắc tới trong 27 tin bài trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ xuất hiện trong 1 bài báo.
Video đang HOT
Chỉ tính riêng trên tít bài đăng trên trang nhất Nhân Dân nhật báo, 18 tháng sau khi lên nắm quyền ông Tập Cận Bình đã xuất hiện 745 lần, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường xuất hiện 365 lần. Số lần xuất hiện trong bài trên trang nhất Nhân Dân nhật báo của ông Tập Cận Bình là 1311 lần so với 1411 lần của Mao Trạch Đông không kém bao nhiêu.
Trong khoảng thời gian tương ứng, tên tuổi ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trên các bài trang nhất Nhân Dân nhật báo được thống kê lần lượt là 1003 và 987 lần.
Theo Giáo Dục
Tập Cận Bình quyền lực bao trùm: Nỗi lo của Châu Á?
Việc tập trung quyền lực vào tay Tập Cận Bình đang thách thức nghiêm trọng nguyên tắc "tập thể lãnh đạo" ở Trung Quốc và khiến cho các nước láng giềng cảm thấy vô cùng bất an.
Chủ tịch Tập Cận Bình có quyền lực bao trùm ở Trung Quốc.
Đó là nhận định của học giả Mỹ Brad Glosserman, giám đốc điều hành của Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, trong một bài viết đăng trên tạp chí The National Interest.
Theo học giả Glosserman, kể từ khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, quyền lực ở Trung Quốc đã dần dần được phân cấp. Một phần của quá trình này là trong một thời gian khá dài, không có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có quyền lực bao trùm như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình và thay vào đó, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo" đã trở thành chuẩn mực.
Thế rồi, việc tích tụ quyền lực vào tay Tập Cận Bình đang thách thức nguyên tắc "tập thể lãnh đạo" này.
Trong một thời gian ngắn, Tập Cận Bình đã giành được quyền lực bao trùm trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương và đương nhiên là thành viên Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc.
Chưa hết, tại Hội nghị lần thứ ba của Ủy ban trung ương ĐCS Trung Quốc, ông Tập còn được giao đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia và Ban chỉ đạo cải cách toàn diện. Đó là chưa kể Tập Cận Bình còn lãnh đạo các ban đặc trách về đối ngoại và các vấn đề Đài Loan, ban cải tổ quân đội và ban đặc trách về các vấn đề kinh tế-tài chính vốn thuộc về Thủ tướng Quốc vụ viện.
Quá trình củng cố quyền lực này là rất ấn tượng, trong khi quyền lực của Tập Cận Bình còn được tăng cường bởi chiến dịch chống tham nhũng do ông phát động. Hàng chục ngàn quan chức đảng và chính quyền đang bị xử lý kỷ luật và bị khởi tố về "hành vi sai trái". Trong số những "con hổ" bị đánh có cả các tướng lĩnh chóp bu mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiền nhiệm vốn ngại "đụng chạm". Người ta đang chờ đợi ông Tập Cận Bình sẽ "ra tay" với một cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị (Chu Vĩnh Khang), một chức vụ vốn được coi là "bất khả xâm phạm".
Một số người cho rằng việc ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực tối thượng là một điều kiện tiên quyết để cải cách kinh tế. Nhưng những người khác lại cho rằng ông Tập còn tham vọng hơn cả cố Chủ tịch Mao Trạch Đông và sẵn sàng nghiền nát bất kỳ ai dám thách thức quyền lực của ông ta.
Vậy những người bên ngoài có cảm nhận như thế nào về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc?
Về nguyên tắc, chiến dịch chống tham nhũng có thể xoa dịu người dân Trung Quốc vốn bị đám quan tham đối xử bất công. Nó phản ánh trách nhiệm của đảng cầm quyền đối với công chúng. Và nếu Tập Cận Bình sử dụng "quyền lực bao trùm" này để đè bẹp sự kháng cự của các nhóm lợi ích và chuyển đổi thành công nền kinh tế của Trung Quốc (mà cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo gọi là "không ổn định, không cân bằng, thiếu sự phối hợp và không bền vững") theo hướng tăng trưởng ổn định và bền vững, dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa chứ không phải là xuất khẩu, thì đây sẽ là tin tốt lành cho nhân dân Trung Quốc và thế giới.
Tích tụ quyền lực theo kiểu Mao Trạch Đông cũng là khuynh hướng của Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Chính tham vọng trở thành một Mao Trạch Đông thứ hai đã làm tiêu tan sự nghiệp của Bạc Hy Lai, con của một "khai quốc công thần" và từng được coi là một ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, có rất ít nguy cơ Trung Quốc quay trở lại với tệ sùng bái cá nhân và các sự kiện tai hại như Cách mạng Văn hóa là rất khó lặp lại. Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều và xem ra, ông Tập Cận Bình đang noi theo Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn Chủ tịch lập quốc Mao Trạch Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tập trung quyền lực của lãnh đạo tối cao có thể làm tăng tính nhất quán và khả năng dự đoán về chính sách, đơn giản hóa khâu ra quyết định và duy trì ổn định ở Trung Quốc, khi nước này đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới.
Thế nhưng, nếu ông Tập Cận Bình sử dụng quyền lực tối thượng này để theo đuổi "lợi ích sống còn" của Trung Quốc và xâm hại lợi ích của các nước láng giềng, thì đây lại là một điều vô cùng nguy hại.
Nếu chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình chỉ là một phần mở rộng của chính sách đối nội, người ta không rõ chính sách này liệu có thành công hay không. Xét về những gì mà Trung Quốc đã làm cho đến nay, người ta có cảm giác rằng dường như ông Tập Cận Bình đang sa vào cái bẫy mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng cảnh báo: Đó là khiến cho các nước láng giềng phải liên kết với nhau để chống lại Bắc Kinh, trước khi công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc được hoàn tất.
MINH ĐỨC
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Kế hoạch số 571: Mưu sát Mao Trạch Đông Bản kế hoạch tuyệt mật "Kỷ yếu công trình 571" nhằm mưu giết Mao Trạch Đông không loại trừ việc sử dụng các phương tiện đặc chủng để thực hiện... Lúc quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đang thời kỳ "trăng mật" - Lâm Bưu nhiều lần nâng Mao Trạch Đông lên "nóc nhà thế giới", như nói: "Mao Chủ...