Nhận biết dấu hiệu cơ thể đang thiếu sắt
Thiếu sắt sẽ khiến cơ thể mệt mỏi kéo dài nhưng ít người nhận biết. Trẻ em và phụ nữ là những đối tượng thường xuyên bị thiếu sắt. Hãy xem các dấu hiệu sau để nhận biết tình trạng thiếu hụt sắt của cơ thể.
1. Mệt mỏi, uể oải
Thiếu sắt làm cho cơ thể cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi. Một lý do hợp lý để giải thích điều này là tất cả các tế bào trong cơ thể con người đều chứa sắt và nó có nhiều chức năng quan trọng. Một trong những chức năng quan trọng nhất là cung cấp oxy cho các tế bào. Khi có sự thiếu hụt sắt, oxy này không đến được các tế bào, vì vậy làm chậm quá trình cung cấp oxy cho cơ thể.
2. Thay đổi tâm trạng
Hầu hết triệu chứng của thiếu sắt là rất nhẹ, và cũng chính vì vậy mà bạn thường không để ý đến sự khác biệt của cơ thể. Tuy nhiên, khi đột nhiên bắt đầu cảm thấy gắt gỏng, thường xuyên nhức đầu hoặc cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, bạn nên đi kiểm tra. Khi tình trạng thiếu sắt trở nên nặng hơn, bạn thậm chí sẽ rất nóng tính, hay bước vào giai đoạn đầu của bệnh trầm cảm.
3. Khó thở
Nếu ngay cả việc leo lên cầu thang cũng làm bạn gặp chút vấn đề, hoặc là cảm thấy khó thở khi làm công việc hàng ngày, thì nên đi kiểm tra sức khỏe. Khó thở có thể sẽ ảnh hưởng đến trái tim, vì vậy tốt nhất không nên bỏ qua nó.
4. Móng tay giòn
Móng tay cần được cung cấp máu và các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe. Khi nhận thấy rằng móng tay trở nên giòn, điều đó cho thấy bạn đang bị thiếu sắt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều này chỉ xảy ra trong giai đoạn rất nặng.
5. Màu sắc da nhợt nhạt
Khi không có nguồn cung cấp oxy thích hợp cho các tế bào máu, và hemoglobin thấp, màu sắc da sẽ bắt đầu chuyển sang tái nhợt, làm cho bạn trông yếu đi. Điều này thường xảy ra từ từ và khi nó đến bất ngờ tức là đã trở nên nghiêm trọng.
6. Rụng tóc
Tóc, giống như tất cả cơ quan và phần khác của cơ thể, cần đến các chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng để khỏe mạnh. Thiếu sắt trong cơ thể có nghĩa là bạn sẽ phải đối mặt với việc gãy và rụng tóc.
7. Mãn kinh sớm
Phụ nữ đang trải qua giai đoạn tiền mãn kinh dễ bị thiếu sắt. Điều này chủ yếu là do sự thiếu hụt nội tiết tố. Các bác sĩ nói rằng nguyên nhân chính của thiếu sắt là do lượng sắt trung bình được cung cấp từ nguồn thực phẩm hàng ngày bị thiếu hụt, nhất là trong thời kỳ mãn kinh. Vì vậy phụ nữ cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống, thực phẩm hàng ngày để cung cấp sắt cần thiết cho cơ thể.
8. Mất máu nhiều
Một nguyên nhân rất nổi bật của thiếu sắt là mất máu mãn tính. Ví dụ, bạn đang trải qua chu kỳ kinh nguyệt nặng, hoặc hiến máu một cách thường xuyên hay bị chảy máu nghiêm trọng…, nếu cảm thấy chóng mặt hay cơ thể thường xuyên yếu thì tốt nhất bạn nên đi kiểm tra để tránh trường hợp xấu nhất.
9. Hội chứng tê chân
Hội chứng này thường khiến người ta phải di chuyển hoặc rung chân liên tục. Nó cũng có nghĩa là có cảm giác khó chịu ở chân, đặc biệt là bạn ở một vị trí trong thời gian dài. Đôi khi, chân cũng biến lạnh và cứng trong khi ngủ.
10. Thèm ăn những thứ lạ
Mặc dù điều này xảy ra chủ yếu ở trẻ em, một số phụ nữ mang thai cũng phải đối mặt với tình trạng này. Theo đó, người ta có cảm giác thèm ăn những thứ kỳ lạ bất thường như bụi bẩn, nước đá hoặc sơn. Cảm giác thèm này cũng có thể xảy ra với những thực phẩm khác, và có thể tệ hơn theo thời gian. Ở trẻ em, đây là một trong những cách dễ nhất để xác định thiếu sắt.
Tất cả triệu chứng này có thể xảy ra cùng lúc hoặc ngẫu nhiên, cho thấy nguy cơ cao là bạn đang bị thiếu hụt sắt. Từ thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu và không thể duy trì mức độ hemoglobin trong máu. Vì vậy, cần kiểm tra các dấu hiệu xảy ra của cơ thể và chăm sóc bản thân thật tốt.
Một số mẹo giúp bạn tăng lượng hấp thu sắt:
- Bổ sung vitamin C: vitamin C giúp tăng lượng hấp thu sắt lên đến 50% vì vậy hãy bổ sung thêm vitamin C để giúp cơ thể dễ hấp thu sắt từ thực vật hơn.
- Thực phẩm bổ trợ: như ngũ cốc, bánh mì có bổ sung sắt là lựa chọn tốt.
- Sử dụng chế phẩm bổ sung sắt: nếu bạn đang có thai hoặc cho con bú, hãy tư vấn bác sĩ để bổ sung sắt hợp lí.
- Một số thực phẩm cản trở sự hấp thu sắt của cơ thể, vì vậy nên tránh ăn cùng như đồ uống có cafein và thực phẩm giàu canxi như trà, café, sữa.
Theo VNE
'Nhìn biển hiệu có thể nhận biết cơ sở thẩm mỹ uy tín'
Biển hiệu của một thẩm mỹ viện uy tín phải thể hiện những nội dung như tên cơ sở, bác sĩ phụ trách chuyên môn, địa chỉ, giờ làm việc, ngày làm việc trong tuần và đặc biệt phải có số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bà Lê Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết tại buổi tư vấn trực tuyến "Phẫu thuật thẩm mỹ an toàn", chiều 26/12.
- Em hiện nay 24 tuổi, chưa có gia đình, hồi trước em bị mụn, sau này nặn nhiều nên giờ bị sẹo rỗ, không còn mụn, em xin hỏi có cách nào làm da mình hết rỗ không, em đang ở thành phố hồ chí minh, em không biết trung tâm nào ở sài gòn tốt cả, đọc tin tức em toàn thấy ở Hà Nội. (Sin Luan, 24 tuổi, TP HCM)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc:
Có nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ như siêu mài mòn, kim lăn, và lasez fractional... Tuy nhiên, các phương pháp trên cũng chỉ có tác dụng cải thiện tình trạng sẹo rỗ, không thể hết hẳn. Bạn nên đến khoa Da liễu, bệnh viện Da liễu hoặc các trung tâm thẩm mỹ điều trị nội khoa để khám, tư vấn và điều trị.
Bác sĩ Lê Hữu Điền - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc
- Tôi muốn hỏi một thẩm mỹ viện được cấp phép phẫu thuật phải có đầy đủ những giấy tờ gì? Yêu cầu với bác sỹ làm phẫu thuật thẩm mỹ như thế nào?(Huyền Trâm)
- Đại diện Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Nhị Hà:
Một thẩm mỹ viện được cấp giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ phải tuân thủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, điều 46 của Luật khám bệnh, chữa bệnh với những giấy tờ cơ bản như sau:
Thứ nhất, phải có chứng chỉ của bác sĩ phụ trách chuyên môn với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Thứ hai là phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ.
Thứ ba có hợp đồng xử lý rác thải y tế của cơ sở khám chữa bệnh với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế.
Thứ tư là một số giấy tờ khác liên quan tới việc kê khai cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó còn có các điều kiện về vệ sinh môi trường, điều kiện về nhân lực tham gia hoạt động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo đúng các quy định hiện hành.
Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được phép hoạt động khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Về điều kiện đối với một bác sỹ phụ trách chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được quy định tại điểm A, khoản 3, điều 25 của Thông tư 41/2011/TT-BYT là bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ phải có bằng cấp chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ và có thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ít nhất là 54 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp.
- Xin bác sĩ cho tôi hỏi, sốc phản vệ là như thế nào và cách khắc phục nó ra sao? Làm sao để tránh được rủi ro này, xin bác sĩ cho biết thêm. (Cao Mỹ Anh, 33 tuổi, Sóc Sơn)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương, Trưởng khoa Gây mê, Bệnh viện Tim Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam:
Kính chào độc giả VnExpress,
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có khả năng ảnh hưởng tới tính mạng, xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với chất lạ gây dị ứng.
Để khắc phục và tránh tình trạng sốc phản vệ, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:
- Nắm được tiền sử dị ứng và các bệnh có liên quan đến tình trạng dị ứng.
- Khi cần sự can thiệp của y tế, nên đến các cơ sở chuyên môn để được thăm khám và tư vấn.
Ngoài ra, để tránh tình trạng này, các cơ sở y tế cần đảm bảo:
- Các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn
- Có đầy đủ các trang thiết bị, thuốc cấp cứu cần thiết (theo phác đồ của Bộ Y tế)
- Cho em hoi phâu thuât thâm my tư măt tron thanh măt oval thi kha năng thanh công cao không?? (nguyên thao linh, 18 tuổi, ....)
Video đang HOT
- Bác sĩ Lê Hữu Điền, Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Thu Cúc:
Khuôn mặt tròn hay góc cạnh cần xác định do cơ, mỡ hay cấu trúc của xương. Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ có những phương pháp can thiệp khác nhau để tạo mặt hình chữ V hay oval. Nếu do cơ (hay còn gọi là phì đại cơ cắn), có thể xử lý đơn giản bằng tiêm Botox; nếu nguyên nhân do xương, phải tiến hành phẫu thuật cắt góc hàm. Tuy nhiên trên thực tế, sự thay đổi của khuôn mặt có khi lại phải kết hợp các phương pháp trên.
- Chào bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết những người nào dễ có nguy cơ sốc phản vệ không? (Đặng Thảo, 22 tuổi, Hà Nội)
- Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Thục Phương, Trưởng khoa Gây mê, Bệnh viện Tim Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam:
Đối tượng dễ có nguy cơ sốc phản vệ là người có tiền sử dị ứng (dị ứng đồ ăn như hải sản, nấm, nhộng... và dị ứng thuốc, đặc biệt với nhóm kháng sinh penicilline) và các bệnh liên quan đến tình trạng dị ứng (viêm mũi dị ứng, chàm, viêm xoang dị ứng...).
- Xin bác sĩ cho biết gây mê có ảnh hưởng đến sức khỏe không? (Ngọc Linh Nhân, 32 tuổi, Vĩnh Phúc)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Gây mê không ảnh hưởng tới sức khỏe. Người bệnh có thể được gây mê nhiều lần liên tiếp.
- Xin chuyên gia Sở Y tế hướng dẫn cho chúng tôi các dấu hiệu nhận biết một cơ sở thẩm mỹ được cấp phép phẫu thuật? (Ngọc Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
- Đại diện Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Nhị Hà:
Với một cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ phải có bác sĩ có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật. Về dấu hiệu nhận biết, bạn có thể quan sát bên ngoài cơ sở xem cơ sở đó có đầy đủ biển hiệu theo quy định của ngành Y tế. Trên biển hiệu phải thể hiện những nội dung như tên cơ sở, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, địa chỉ, giờ làm việc, ngày làm việc trong tuần và đặc biệt phải có số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở chỉ được phép treo biển hiệu có đầy đủ các thông tin và chỉ được phép hoạt động khi có giấy phép hoạt động.
Hiện Sở Y tế đã công khai danh sách toàn bộ các cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội tại website của Sở. Bạn có thể vào trang thông tin này để biết được danh sách cụ thể.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Nhị Hà
- Bác sĩ cho em hỏi xăm màu môi có cần vào bệnh viện để làm cho an toàn không? Có khi nào phun xăm cũng bị sốc phản vệ không? (Trà Ngọc Hân, 42 tuổi, Nghệ An)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Xăm màu môi nếu có sử dụng thuốc tế thì có khả năng bị sốc phản vệ, nhưng tỷ lệ xảy ra thấp. Bạn nên đến bệnh viện để xăm màu môi an toàn.
- Tôi 36 tuổi đã sinh 2 con và đang có ý định làm phẫu thuật sửa ngực vào đầu năm tới. Xin cô cho biết một số kinh nghiệm để tìm được thông tin đáng tin cậy và hữu ích về làm phẫu thuật ngực. (Nghiêm Loan, 36 tuổi, Bắc Ninh)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Phẫu thuật ngực là một đại phẫu. Theo quy định của Bộ Y tế thì phải thực hiện ở bệnh viện có khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vì vậy để biết thêm thông tin về dịch vụ này bạn nên tới các khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại các bệnh viện Nhà nước hoặc bệnh viện tư nhân để được khám, tư vấn.
- Mắt em bị mí lót (nếu nhìn xuống thì thấy 2 mí mà nhìn lên chỉ thấy 1 mí) nên phẫu thuật thế nào cho 2 mí rõ đẹp tự nhiên? Phẫu thuật có đau lắm không? Mắt có bị sưng không? Và phải nghỉ ngơi bao lâu để có thể đi làm lại (em làm công vệc văn phòng) Nếu được thì phẫu thuật 2 mí ở đâu là an toàn nhất?.
Mong nhận được sự tư vấn.
Cám ơn! (Nhi, 31 tuổi, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Bạn nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định tình trạng mí lót của bạn, có thể tạo hai mí rõ cho tình trạng của bạn bằng phương pháp nhấn mí hay phẫu thuật cắt da thừa và tạo nếp mí. Đây chỉ là một tiểu phẫu nhỏ nên có thể thực hiện tại các phòng khám có giấy phép hay các khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại các bệnh viện. Phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt thường gây sưng nề trong 7-10 ngày đầu, sau 5 ngày thì cắt chỉ bạn có thể đi làm bình thường. Với phương pháp nhấn mí, thời gian sưng mí ít hơn và bình phục nhanh hơn. Tuy nhiên để đánh giá chính xác kết quả phẫu thuật thì thường sau 2 tháng.
Bác sĩ cho tôi hỏi nếu nâng mũi bây giờ thì tết này còn sưng và dễ bị phát hiện nâng mũi hay không? Có để lại sẹo không? (Phạm Hải Anh, Hà Nội)
Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Có 2 phương pháp chính để nâng cao sống mũi
1. Nâng mũi bằng tiêm các chất làm đầy: Bằng phương pháp này, bạn có thể thấy được ngay form mũi của mình mà hầu như không gây sưng nề, bấm tím sau điều trị. Tiêm các chất làm đầy cũng có thể giúp nâng cao đầu mũi, thu gọn cánh mũi một cách tự nhiên.
2. Phẫu thuật nâng mũi ( mổ kín hay mổ mở) sẽ gây sung nề kéo dài 7-10 ngày hoặc lâu hơn. Tuy nhiên sau 1 tháng thì hầu hết các trường hợp không còn sung nề. Phẫu thuật thì sẽ để lại sẹo, tuy nhiên bạn khó có thể phát hiện ra sẹo vì được dấu kín trong lỗ mũi.
Dáng mũi đẹp tự nhiên hay thô, lộ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và sự khéo tay của Bác sĩ.
- Xin bác sĩ Thục Phương cho biết, tỷ lệ người bị sốc phản vệ có nhiều không? Và tỷ lệ cấp cứu thành công là bao nhiêu? (Phạm Trung Anh, 25 tuổi, Hải Phòng)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Tỷ lệ người bị sốc phản vệ không nhiều, khoảng 5/100.000 người/năm. Tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ từ 0,2 - 1/một triệu người.
Nếu phát hiện sớm sốc phản vệ trong môi trường nhân viên y tế có kinh nghiệm, trang thiết bị và thuốc cấp cứu đầy đủ, tỷ lệ thành công rất cao.
Thưa bác sỹ, phẫu thuật thẩm mỹ có đạt hiệu quả tuyệt tối được không? Kết quả phẫu thuật phụ thuộc vào những yếu tố gì? Kết quả có thể thấy ngay được không? (Hà My, TP HCM)
Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Không có một phương pháp nào là tuyệt đối. Một kết quả phẫu thuật thẩm mỹ phụ thuộc rất nhiều các yếu tố khác nhau:
Sự hiểu biết của khách hàng, đó là mong muốn và yêu cầu đúng mức về mức độ cải thiện hình dáng và diện mạo bản thân khi tham gia phẫu thuật.
Tay nghề của phẫu thuật viên: Bao hàm cả trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sự khéo léo
Cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ
Chất lượng dịch vụ: Đó là chất lượng chăm sóc y tế của cơ sở với khách hàng trước trong và sau phẫu thuật.
- Với một số phương pháp thẩm mỹ nội khoa thì kết quả thẩm mỹ có thể thấy ngay sau điều trị hay 1 vài ngày. Với các phương phẫu thuật thẩm mỹ thì kết quả thường được đánh giá chính xác sau phẫu thuật 1 tháng hay 2-3 tháng sau.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương
- Tôi muốn hỏi tại sao cùng được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ mà hút mỡ phải thực hiện ở bệnh viện chứ không làm được ở thẩm mỹ viện? (Hải Anh, 28 tuổi, Hà Nội)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Theo quy định tại điều 3 của Nghị định 87, các hình thức tổ chức hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được tổ chức với hai hình thức tổ chức hành nghề như sau:
Một là bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viên đa khoa có khoa, đơn nguyên phẫu thuật thẩm mỹ. Hai là, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Tại điểm i, khoản 4, điều 25 Thông tư 41 quy định cụ thể về phạm vi hoạt động chuyên môn được thực hiện tại phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã quy định rõ những phạm vi phòng khám được làm và không được làm. Về phạm vi phòng khám được làm như tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình cằm chẻ, tạo hình mí mắt, mũi, tai... Và những phạm vi không được phẫu thuật như nâng ngực, nâng vú, lấy mỡ cơ thể, thu gọn thành bụng...
Kỹ thuật hút mỡ là một phẫu thuật có can thiệp lớn, xâm lấn diện rộng vùng bụng, đùi, mông... bệnh nhân có thể bị chảy máu, đau, choáng... Vì vậy phải được phẫu thuật tại bệnh viện có đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để hồi sức và chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất, đảm bảo tính an toàn, tránh rủi ro cho người bệnh khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
- Xin bác sĩ cho biết có khái niệm gây mê nông và gây mê sâu không ạ? Em thấy có nơi tư vấn, chỉ cần gây mê nông là làm được phẫu thuật. (Châu Ngọc Hà, 29 tuổi, Hà Nội)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Trong y tế, không có khái niệm gây mê nông hay gây mê sâu mà chỉ có gây mê dài hay ngắn và phụ thuộc vào thời gian phẫu thuật. Gây mê là phương pháp giúp bệnh nhân mất cảm nhận tạm thời về các kích thích phẫu thuật cũng như các tác động gây đau của can thiệp phẫu thuật.
Mức độ gây mê phụ thuộc vào loại can thiệp phẫu thuật đơn giản hay phức tạp. Bác sĩ gây mê sẽ lựa chọn thuốc và phương pháp gây mê phù hợp với bệnh nhân, tình trạng bệnh lý và cuộc phẫu thuật.
- Có phải giấy phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ là vĩnh viễn không? Nếu không thì sau bao lâu cần xin cấp phép lại? Tức là 1 cơ sở hiện giờ đang được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ thì có khi nào vài năm sau lại không có giấy phép nữa hay không? (Minh Nguyệt, 26 tuổi, Hà Nội)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Theo quy định tại điều 44 của Luật khám bệnh, chữa bệnh, giấy phép hoạt động được cấp một lần cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, tại khoản 3, điều 44 cũng quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động; trường hợp thay đổi hình thức tổ chức, chia tách, hợp nhất, sát nhập hoặc thay đổi địa điểm thì phải làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động.
- Xin bác sĩ cho biết, tại sao gây mê lại không thực hiện được ở thẩm mỹ viện? (Hoàng Thu Huyền, 28 tuổi, Hà Nội)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Theo quy định của Bộ Y tế, gây mê không được phép thực hiện ở thẩm mỹ viện mà phải tiến hành tại các bệnh viện có đủ điều kiện.
- Tôi ở Lạng Sơn, tôi muốn hỏi khi tôi xuống Hà Nội làm phẫu thuật mí mắt và hút mỡ bụng thì tôi nên thực hiện ở đâu? Làm thế nào để lựa chọn nơi thực hiện uy tín để không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi? (Trà Mi, 39 tuổi, Lạng Sơn)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Chúng tôi khuyến cáo và đưa ra lời khuyên với bạn đọc có nhu cầu làm phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt và hút mỡ bụng thì cần tìm đến những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Y tế Hà Nội đã công khai danh sách các cơ sở được cấp phép trên website của Sở. Bạn có thể tham khảo trên trang thông tin này và lựa chọn cho mình một cơ sở phù hợp.
Riêng với nhu cầu hút mỡ bụng, chúng tôi khuyến cáo bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ để thực hiện kỹ thuật này.
Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội
- Có phải bác sĩ nào cũng có thể gây mê được không thưa bác sĩ? (Huy Anh, 23 tuổi, Quảng Ninh)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Không phải bác sĩ nào cũng có thể gây mê cho bệnh nhân, chỉ những bác sĩ được đào tạo chuyên ngành gây mê hồi sức theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo mới được phép tiến hành gây mê.
- Tôi muốn tiêm chất làm đầy HA để tạo hình và trẻ hóa khuôn mặt. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại. Xin bác sĩ tư vấn nên tiêm loại nào vừa an toàn vừa lâu dài. (Bich Thanh, TP Ho Chi Minh)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Trong thẩm mỹ nội khoa các bác sĩ hay dùng chất làm đầy mô (Fillers) trong tạo hình khuôn mặt. Phổ biến là chất có bản chất HA (một trong những thành phần trong cơ thể). Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng các loại chất được phép lưu hành có chứng nhận của cơ quan quản lý tại Việt Nam, tại các cơ sở y tế có giấy phép và thường xuyên được kiểm soát bởi các cơ quan chức năng về chế phẩm sinh học sử dụng trên cơ thể người. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý kiểm tra tên, nhãn mác, hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm trước khi dùng.
- Xin bác sĩ cho biết việc gây tê, gây mê đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với một ca phẫu thuật thẩm mỹ? (Đào Ngọc Dương, 30 tuổi, Hà Nội)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Gây tê hay gây mê đều đóng vai trò rất quan trọng trong mọi cuộc phẫu thuật, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ. Gây tê hay gây mê (gọi chung là vô cảm) giúp cho người bệnh cảm thấy dễ chịu và không phải chịu những can thiệp gây đau của quá trình phẫu thuật.
Tùy theo tình trạng sức khỏe bệnh nhân, bệnh lý kèm theo, loại can thiệp phẫu thuật... bác sĩ gây mê sẽ quyết định lựa chọn hình thức vô cảm phù hợp.
- Cháu muốn cắt mỡ bọng mắt vì bị cuồng thâm rất nặng, bác sỹ cho em hỏi có nguy hiểm không, và mất bao lâu để mắt có thể phục hồi như bình thường? (nguyễn lan anh, 31 tuổi, Hà nội)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Bọng mỡ mắt là một tình trạng có thể gặp ở những người trẻ do tính chất gia đình hay người có tuổi do quá trình lão hóa. Lấy bỏ bọng mỡ mắt có thể thực hiện đơn thuần qua đường rạch nhỏ trong kết mạc mắt hay kết hợp với phẫu thuật cắt bỏ da thừa giúp trẻ hóa vùng mắt. Đây là một tiểu phẫu, tuy nhiên cũng cần phải thực hiện tại các cơ sở y tế có chức năng và được cấp phép để tránh các biến chứng. Thông thường, sau phẫu thuật 1-2 tuần, bạn có thể trở lại bình thường với công việc.
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến Phẫu thuật thẩm mỹ an toàn chiều 26/12/2013.
- Chào chị Hà, chị có thể cho độc giả chúng tôi biết hiện có những loại hình thẩm mỹ nào trên thị trường hiện nay và do đơn vị nào quản lý không? Nếu phát hiện sai phạm ở những thẩm mỹ viện này thì phải báo cho ai? Và quy trình thủ tục báo cáo sai phạm như thế nào để cơ quan chức năng biết mà can thiệp? Cơ quan chức năng có đường dây nóng để chúng tôi báo cho cơ quan không? (Nguyễn Văn Nghĩa, 37 tuổi, Hà Nội)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Hiện nay, có hai loại hình thẩm mỹ đó là thẩm mỹ không xâm lấn, không chảy máu như các cơ sở spa, massage mặt, massage body, cơ sở chăm sóc da... Các cơ sở này khi hoạt động phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh phù hợp.
Loại hình thứ hai là thẩm mỹ có xấm lấn, gây chảy máu (các kỹ thuật thẩm mỹ này phải được thực hiện ở các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện) và bắt buộc phải được cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Khi phát hiện sai phạm tại các cơ sở thẩm mỹ nói chung và các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật nói riêng ví dụ như những sai phạm về hoạt động quá phạm vi, hoạt động không phép, hoạt động vi phạm quy chế chuyên môn thì người dân có thể phản ánh trực tiếp qua đường dây nóng của Sở Y tế, thông báo với chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, trạm y tế xã, phường hoặc Ủy ban nhân dân, phòng y tế các quận, huyện nơi cơ sở hành nghề đóng trên địa bàn) để cơ quan chức năng kịp thời xác minh thông tin và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thực hiện chỉ thi 09/2013/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng, Sở Y tế Hà Nội đã công khai số điện thoại đường dây nóng là 04 3998 5765 để người dân dễ dàng phản ánh thông tin về hoạt động của cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn.
- Tôi có nhiều nốt ruồi trong đó có 1 nốt ở lông mày và 1 nốt ở mũi to bằng hạt gạo nhìn rất xấu tôi muốn đi tẩy không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe không và chuyên khoa nào làm được. (phan thế hùng, 42 tuổi, BIDV Chi nhánh Bảo lộc)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Nốt ruồi là một tổn thương sắc tố đa số là lành tính, một số có xu hướng ác tính hóa, đặc biệt ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các vùng hay chà xát hay khi bạn có tuổi. Phương pháp tẩy nốt ruồi tốt nhất hiện nay là các bác sĩ thường dùng lasez để loại bỏ mà ít gây tổn thương các mô xung quanh. Tuy nhiên bạn cần phải được thăm khám kỹ trước khi loại bỏ nốt ruồi, để tránh bỏ sót trường hợp các nốt ruồi là các u ác tính. Tẩy nốt ruồi không ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể thực hiện tại các phòng khám da liễu hay các khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện.
Bác sĩ Lê Hữu Điền
- Xin Tổng Thư ký Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam chia sẻ giúp về điều kiện gây mê? Gây tê có nguy hiểm như gây mê không? Gây tê được phép thực hiện ở thẩm mỹ viện thì có cần lưu ý gì? Có trường hợp nào gây tê nhưng nhất thiết phải thực hiện ở bệnh viện không? (Hao, 30 tuổi, Hà Nội)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Để thực hiện một cuộc gây mê cần có các điều kiện sau:
- Bác sĩ được đào tạo chuyên ngành gây mê hồi sức
- Có các trang thiết bị thích hợp, thuốc dành cho gây mê
- Có các phương tiện, thuốc cấp cứu cần thiết
Gây tê có rất nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, gây tê hay gây mê đều có những biến chứng nguy hiểm như dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc, sốc phản vệ...
Gây tê tại chỗ được phép thực hiện ở thẩm mỹ viện cần có bác sĩ gây mê hồi sức có kinh nghiệm, có khả năng dự kiến và xử trí những biến chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên, một số hình thức gây tê khác như gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng, gây tê vùng... phải thực hiện tại bệnh viện.
- Tôi bị quầng thâm mắt có thể là do di truyền, xin bác sĩ tư vấn có cách nào dị dứt điểm không? (Nguyễn Bạch Tuyết, 30 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Quầng thâm mắt là tình trạng xuất hiện do tình trạng dịch chuyển, tổn thương tăng sắc tố sau viêm hay do yếu tố nội tiết. Tùy theo nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp như nếu quầng mắt do tăng sắc tố sau viêm có thể điều trị bằng lasez; nếu do yếu tố nội tiết thì cần tìm nguyên nhân điều chỉnh... Tuy nhiên đây là một tình trạng rất khó để điều trị triệt để. Các phương pháp điều trị chỉ mang tính chất cải thiện và hỗ trợ. Hiện nay có một số nghiên cứu về việc điều trị quầng thâm này bằng phương pháp phẫu thuật (bơm mỡ từ thân, tiêm chất làm đầy...) bước đầu cho kết quả khả quan. Tuy nhiên trước khi quyết định điều trị bạn nên tìm hiểu kỹ về cơ sở, bác sĩ điều trị và phương pháp sẽ tiến hành.
- Tôi 36 tuổi đã sinh 2 con và đang có ý định làm phẫu thuật sửa ngực vào đầu năm tới. Xin cô cho biết một số kinh nghiệm để tìm được thông tin đáng tin cậy và hữu ích về làm phẫu thuật ngực. (Nghiêm Loan, 36 tuổi, Bắc Ninh)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội
Tôi khuyến cáo bạn đọc trước khi làm phẫu thuật sửa ngực nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến chỉ định phẫu thuật, tác dụng có lợi và có hại, đồng thời cũng nên biết những nguy cơ gặp phải trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật.
Độc giả nên tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các bác sĩ, các chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ, lựa chọn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện phẫu thuật đảm bảo an toàn và phù hợp với nhu cầu làm đẹp của bản thân.
Như phần trước tôi đã thông tin về các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép trên địa bàn Hà Nội hiện có 33 cơ sở, trong đó có 28 phòng khám chuyên khoa và 5 bệnh viện ngoài công lập như Bệnh viện Thu Cúc, Vimec, Hồng Ngọc... Các bệnh viện đều được đầu tư về hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, cập nhật được những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đều là những địa chỉ đáng tín cậy để người dân có thể lựa chọn.
Phẫu thuật nâng ngực là phẫu thuật phải được thực hiện tại bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực và các điều kiện khác đảm bảo cho ca phẫu thuật an toàn và thành công.
Các chuyên gia tham dự buổi tư vấn trực tuyến "Phẫu thuật thẩm mỹ an toàn".
- Chào bác sĩ Thục Phương, nếu phẫu thuật thẩm mỹ theo phương pháp gây mê thì cần nghỉ ngơi bao lâu để lấy lại sức khỏe? (Hoa Lan, 35 tuổi, Hải Phòng)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Chào bạn, thời gian nghỉ ngơi sau phẫu thuật thẩm mỹ theo phương pháp gây mê tùy thuộc vào loại phẫu thuật thẩm mỹ được tiến hành và tình trạng sức khỏe của người được phẫu thuật.
Theo đó, có những loại phẫu thuật dưới gây mê, người bệnh có thể ra về ngay trong ngày trong điều kiện bệnh nhân không có bệnh lý kèm theo, ví dụ như nâng mũi. Có những phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân cần nằm lại bệnh viện lâu hơn, khoảng 2 ngày, như phẫu thuật nâng ngực. Thời gian cần theo dõi dài hay ngắn sẽ do bác sĩ gây mê hồi sức và phẫu thuật viên quyết định.
- Tôi bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang thì có phẫu thuật nâng mũi được không? (Nhi, 27 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Nâng mũi có thể thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật hay tiêm các chất làm đầy. Cả hai phương pháp này chỉ can thiệp vào các tổ chức dưới da vùng mũi, không liên quan tới đường hô hấp và các xoang vì vậy nếu bạn bị viêm mũi dị ứng và viêm xoang đã điều trị ổn định, có thể được chỉ định nâng mũi. Các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ không nên tiến hành nếu bạn trong giai đoạn cấp tính của tình trạng viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang. Như vậy trước khi tiến hành phẫu thuật can thiệp, bạn cần phải được thăm khám kỹ xác định tình trạng sức khỏe và tình trạng viêm mũi, viêm xoang của bạn.
- Chào cô Hà, cô có thể cung cấp giúp chúng cháu danh sách đầy đủ các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện tại Bệnh viện không? Cô cho cháu hỏi, có phải vào bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể làm được không? (Ngọc Quyên, 19 tuổi, Hà Nội)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Tôi thấy đây là câu hỏi được rất nhiều bạn đọc quan tâm và cá nhân tôi cũng mong muốn được thông tin đầy đủ cho bạn đọc danh sách các cơ sở thẩm mỹ đã được cấp phép trên địa bàn Hà Nội. Bạn đọc vui lòng vào trang web của Sở Y tế Hà Nội để tham khảo danh sách các cơ sở này.
Một lần nữa tôi xin khẳng định không phải bất kỳ bệnh viện nào cũng được thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh, chỉ có bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ mới có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ này.
- Thưa bác sĩ Thục Phương, tôi có tiền sử về bệnh tim, liệu tôi có thể phẫu thuật nâng mũi được không? (Trần Văn Toàn, 40 tuổi, Bắc Ninh)
- Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thục Phương:
Chào anh,
Người có tiền sử bệnh tim có thể được phẫu thuật nâng mũi. Tuy nhiên, trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh cần được thăm khám cẩn thận, có ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và các bác sĩ gây mê hồi sức để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cũng như hạn chế các biến chứng có khả năng xảy ra.
- Tôi là người Việt sinh sống ở Đức, dự định Tết về thăm người thân và làm thẩm mỹ luôn vùng bụng và chỉnh sửa mũi. Là đại diện cơ quan chức năng, xin cô Hà cho tôi một số lời khuyên về việc này (Trang Trần, 29 tuổi, Catholics, Germany)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Đối với việc phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa mũi, độc giả có thể thực hiện tại các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, còn đối với việc thẩm mỹ vùng bụng chúng tôi khuyến cáo độc giả nên thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, trước khi làm phẫu thuật bạn nên tìm hiểu kỹ những tác dụng mong muốn và không mong muốn trong việc phẫu thuật thẩm mỹ.
- Tôi nâng mũi bằng phương pháp độn sụn nhân tạo năm 2008. Vậy sau bao lâu phải thay mới sụn này? Có thể sử dụng vĩnh viễn được không? Cám ơn bác sĩ! (Phạm Thị Phương Thảo, 29 tuổi, Châu Thành, Tây Ninh)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Trong phẫu thuật nâng mũi các bác sĩ thường sử dụng sụn nhân tạo hay có thể kết hợp với sụn tự thân. Sụn nhân tạo là các chất độn trơ không bị kích ứng với cơ thể vì vậy nếu bạn đã phẫu thuật nâng mũi độn sụn từ năm 2008 và vẫn đang ổn định thì hoàn toàn có thể an tâm. Tuy nhiên, phương pháp độn sụn đơn thuần có thể gây tình trạng bóng, đỏ đầu mũi, lộ sống mũi sau nhiều năm vì vậy bạn nên đi kiểm tra định kỳ một năm một lần để xác định tình trạng mũi của mình.
Bác sĩ Lê Hữu Điền
- Tôi muốn hỏi chuyên gia về điều kiện để mở một thẩm mỹ viện được phép phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay như thế nào? So với các thẩm mỹ viện không được cấp phép phẫu thuật thì khác nhau như thế nào? Quy trình xin cấp phép có lâu không? (Thanh Nhân, 34 tuổi, Hà Nội)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Về điều kiện để cấp phép đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được tuân thủ theo quy định tại điều 25, Thông tư 41 của Bộ Y tế, bao gồm cụ thể là những điều kiện về nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất, xử lý rác thải y tế...
Chúng tôi cũng muốn làm rõ với bạn đọc khái niệm về cơ sở thẩm mỹ viện (cơ sở làm đẹp bằng cách hình thức chăm sóc da, spa, massage body...) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phẫu thuật thẩm mỹ là hai hình thức tổ chức, hai ngành nghề kinh doanh hoàn toàn khác nhau. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phẫu thuật thẩm mỹ bắt buộc phải có giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền cho phép; cơ sở này phải hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thời gian cấp phép hoạt động đối với một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói chung và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng theo quy định tại điều 47 của Luật khám bệnh, chữa bệnh là 90 ngày, kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
- Xin chào các bác sĩ, em năm nay 20 tuổi. Vòng 3 hơi bé. Bạn bè cứ trêu em là tóp. Em muốn hỏi bơm mông giờ có phổ biến trên thế giới không ạ? Người ta sử dụng chất gì ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Phương Linh, Hà nội)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Để tăng kích cỡ vòng 3, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các bác sĩ thường tiến hành một trong 2 phương pháp: sử dụng các chất liệu độn mông như sử dụng các túi độn như nâng ngực hoặc sử dụng phương pháp bơm mỡ tự thân. Đây cũng là một can thiệp lớn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vì vậy cần phải thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ là các bệnh viện. Hiện nay phương pháp tiêm sillicon hay còn gọi là mỡ nhân tạo (bơm mông) đã bị cấm vì có rất nhiều tai biến nặng nề xảy ra.
- Thưa chị Hà, để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, ngoài bệnh viện được cấp phép thì có yêu cầu gì với bác sỹ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở đây không? Bác sỹ cần yêu cầu giấy phép gì? (Trần Văn Toàn, 40 tuổi, Bắc Ninh)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, người dân cần lựa chọn các cơ sở đã được cấp phép. Với bác sĩ muốn thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở đã được cấp phép thì bác sĩ đó phải có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, có bằng cấp chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ và có thời gian thực hành trong lĩnh vực này. Bác sĩ đó phải được Sở Y tế cho phép thực hiện việc đăng ký hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép.
- Em muốn hỏi về việc phẫu thuật thẩm mỹ môi. Đường viền cả môi trên và môi dưới của em khá dầy cũng như thâm nên em muốn đi phẫu thuật chỉnh sửa lại. Phẫu thuật này có phức tạp không, thời gian để có thể hoạt động bình thường sau phẫu thuật là bao lâu và địa chỉ nào đáng tin cậy ở Hà Nội hiện nay để thực hiện phẫu thuật này. Em xin chân thành cảm ơn! (Ngọc Đặng, 23 tuổi, Hà Nội)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hữu Điền:
Phẫu thuật thẩm mỹ thu gọn môi với những trường hợp dày môi trên và môi dưới là một can thiệp tiểu phẫu, có thể thực hiện tại các cơ sở y tế hoặc phòng khám, bệnh viện. Thời gian phẫu thuật kéo dài từ 40 đến 60 phút. Thời gian bình phục sau phẫu thuật từ một đến 2 tuần. Tuy nhiên, vùng môi là vùng vận động, đòi hỏi sự khéo léo của phẫu thuật viên, đảm bảo kết quả cân đối sau phẫu thuật.
Bạn nên đi khám và tư vấn tại các cơ sở y tế chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ, được cấp phép để đảm bảo kết quả cho bạn.
- Thưa bác sĩ, 2 mắt tôi bị teo cơ mỡ ở vùng mí dưới, mắt lúc nào cũng trũng sâu và thâm quầng, không biết là có thể thẩm mỹ phục hồi được không ạh. Nếu được thì vui lòng cho biết địa chỉ thẩm mỹ tin cậy. Cám ơn Bác sỹ (võ thị kiều thu, 39 tuổi, 35 mạc đĩnh chi , quận 1)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Các nếp nhăn, rãnh cũng như sự trũng sâu, thâm quầng vùng mí dưới là một trong những dấu hiệu rõ thể hiện sự lão hóa. Để cải thiện tình trạng này có thể tiến hành phẫu thuật hay tiêm các chất làm đầy, có bản chất là HA giúp trẻ hóa vùng mí mắt dưới. Đây là can thiệp tiểu phẫu vì vậy bạn có thể tiến hành tại các phòng khám thẩm mỹ hay các khoa thẩm mỹ của các bệnh viện. Bạn nên khám và tư vấn kỹ với bác sĩ về tình trạng của mình phương pháp can thiệp và kết quả có thể đạt được trước khi quyết định điều trị.
- Em chưa có con nhưng muốn nâng ngực, xin hỏi Bác sỹ nâng ngực có ảnh hưởng đến nuôi con sau này không, chẳng hạn như khi mang thai, tuyến sữa... Xin cảm ơn (Ngọc Nữ, 26 tuổi, Cần Thơ)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Phẫu thuật nâng ngực là một can thiệp có sử dụng các chất độn nhằm tăng kích cỡ vòng một. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ lựa chọn các đường rạch da và các vị trí đặt túi ngực khác nhau. Với trường hợp của bạn việc đặt túi độn dưới cơ ngực lớn thông qua đường rạch da ở nếp lằn hố nách hay nếp vú dưới sẽ không gây ảnh hưởng tới tuyến sữa. Do vậy phẫu thuật nâng ngực không ảnh hưởng tới việc mang thai, nuôi con sau này. Tuy nhiên đây là một đại phẫu cần phải thực hiện ở các cơ sở y tế là bệnh viện và bởi các bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm. Bạn nên cân nhắc và tìm hiểu cơ sở thực hiện để đảm bảo sự an toàn và kết quả thẩm mỹ.
- Xin chào, vợ tôi rất thích phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng tôi k đồng ý cho đi phẫu thuật do hiện nay rất nhiều nơi không có giấy phép nhưng vẫn họat động, vậy sở y tế có biện pháp gì để kiểm soát các cơ sở này (trần văn hạnh)
- Bà Trần Nhị Hà, đại diện Sở Y tế Hà Nội:
Sở Y tế đã thực hiện việc công khai danh sách các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin và lựa chọn những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp.
Đồng thời tăng cường tổ chức truyền thông cho người dân nhận biết được các cơ sở hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép, cũng như tập huấn kiến thức pháp luật, quy chế chuyên môn để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật với các đối tượng tham gia hành nghề.
Sở phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ sở hành nghề; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của cơ sở hành nghề, đặc biệt là hành nghề không phép.
Sở cũng đã công khai số điện thoại đường dây nóng 04 3998 5765 để người dân kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm của người hành nghề và cơ sở hành nghề.
- Đẹp là nhu cầu chính đang của tất cả mọi người. Các chuyên gia quan điểm thế nào về câu đẹp nhân tạo hơn xấu tự nhiên. Và lời khuyên của các chuyên gia cho những người sắp đi làm đẹp là gì. Xin cảm ơn và chúc sức khỏecontact@thucuchospital.vn (Nguyễn Thanh Hải, 30 tuổi, TP HCM)
- Bác sĩ Lê Hữu Điền:
Với những người có nhu cầu làm đẹp, chúng tôi khuyên
1: Cân nhắc về nhu cầu và xác định rõ mong muốn cải thiện diện mạo của mình
2: Lựa chọn bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm
3: Lựa chọn cơ sở uy tín, được cấp giấy phép hành nghề, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại...
4: Tìm hiểu thật kỹ các thông tin về phương pháp mình được thực hiện
Do thời gian chương trình đã hết, độc giả có nhu cầu xin tư vấn về phẫu thuật thẩm mỹ, có thể gửi mail về email contact@thucuchospital.vn.
Theo VNE
10 dấu hiệu cơ thể thiếu sắt Thiếu sắt là tình trạng rất phổ biến, đặt biệt ở trẻ em và phụ nữ. Nó thường gặp ở những người suy dinh dưỡng và có thể làm cạn kiệt các tế bào hồng cầu. Các triệu chứng của tình trạng này từ nhẹ đến nặng, bao gồm chóng mặt, mệt mỏi liên tục và nhức đầu, sốt, đau ngực, làn da...