Nhà tù Mỹ hỗn loạn vì nCoV
Tại nhà tù Oakdale, phạm nhân nhiễm nCoV không phải lúc nào cũng được cách ly khỏi người khỏe, tiếng ho vang vọng khắp hành lang.
Aubrey Melder, quản giáo ở nhà tù Oakdale, Louisiana, Mỹ đã phải ngồi hơn 60 phút cạnh một phạm nhân bị ốm bên trong thùng xe để đưa người này tới bệnh viện. Anh được cấp trên bảo rằng không cần phải đeo khẩu trang dù tù nhân ho nặng và xuất hiện những dấu hiệu khác của Covid-19.
Lối vào nhà tù Oakdale. Ảnh: AP.
10 ngày sau, phạm nhân Patrick Jones, 49 tuổi, chết vì nCoV. Melder quay trở lại làm việc mà không phải cách ly, luật sư đại diện công đoàn nhân viên nhà tù cho biết.
Nhà tù Oakdale, cách thành phố New Orleans hơn 320 km, đã trở thành một cụm dịch Covid-19 tại Mỹ. 5 tù nhân đã chết vì nCoV, con số tử vong cao nhất trong các nhà tù liên bang. Ít nhất 25 phạm nhân và 21 nhân viên nhà tù đã dương tính nCoV, trong đó 7 phạm nhân đang được chăm sóc tích cực, 4 người phải dùng máy thở và hai quản giáo đã nhập viện. Số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn bởi toàn bộ nhân viên và phạm nhân trong nhà tù chưa được xét nghiệm.
Bên trong các phòng giam, 6 phạm nhân ở chung một không gian chật hẹp. Những phạm nhân bị sốt, ho không được tách khỏi người khỏe. Họ chỉ nằm trên giường của mình, cách các phạm nhân khác chưa đầy một cánh tay. Một số người tự chế khẩu trang từ quần áo. Các phạm nhân nói họ có thể nghe thấy tiếng ho nơi hành lang hàng đêm.
“Bản án của chúng tôi giờ đây biến thành án tử”, Sterling Rivers, 32 tuổi, phạm nhân đến từ Tennessee tại nhà tù Oakdale bị kết tội buôn bán ma túy, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Cuộc khủng hoảng tại nhà tù Oakdale cũng là tình trạng chung của hệ thống nhà tù Mỹ, nơi đang giam giữ 2,2 triệu phạm nhân giữa đại dịch. Chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo về việc những khu nhà chật chội và điều kiện sống thường xuyên mất vệ sinh là cơ hội tuyệt vời để virus lây lan.
Trên toàn hệ thống nhà tù liên bang, các phạm nhân và nhân viên trại giam nói họ còn không có khẩu trang cùng các đồ bảo hộ khác, nhiệt kế thì bị lỗi và dụng cụ vệ sinh luôn trong tình trạng thiếu thốn.
Mặt khá, gần 5.000 phạm nhân trong hệ thống nhà tù liên bang trên 65 tuổi, là những người có nguy cơ cao khi bị virus tấn công.
Tinh đến 5/4, 8 phạm nhân đã tử vong vì virus trong hệ thống nhà tù liên bang Mỹ, bên cạnh 138 phạm nhân cùng 59 nhân viên nhà tù dương tính nCoV. Các cơ sở giam giữ cấp bang và địa phương cũng gặp vấn đề tương tự.
Video đang HOT
Cục Nhà tù Liên bang (BOP), vốn bị chỉ trích suốt nhiều tuần qua vì phản ứng chậm chạp, cho hay họ đang thực hiện một kế hoạch nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm đình chỉ thăm thân, hạn chế chuyển tù nhân giữa các nhà tù và cách ly tù nhân mới trong 14 ngày.
Tại Oakdale, một đội gồm 8 nhân viên y tế đã tới nhà tù từ hôm 31/3. Họ bắt đầu phát khẩu trang cho một số phạm nhân và bác sĩ từ tuần trước bắt đầu đo thân nhiệt phạm nhân.
BOP khẳng định đã thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế virus lây lan trong các nhà tù, nhưng không trả lời một số câu hỏi cụ thể, chẳng hạn vì sao quản giáo Melder, người đưa phạm nhân Jones tới bệnh viện, không được phát khẩu trang và không bị cách ly.
Bộ trưởng Tư pháp William Barr hôm 3/4 ra lệnh cho các quan chức tại nhà tù Oakdale và hai nhà tù bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 khác đẩy nhanh tốc độ thả tù nhân, chuyển họ sang quản thúc tại gia. BOP cho hay họ đang “cấp tốc đánh giá tất cả phạm nhân” để quyết định ai sẽ được thả.
Các phạm nhân và nhân viên tại nhà tù Oakdale cho biết các biện pháp trên đang được áp đặt một cách ngớ ngẩn và đưa ra quá muộn.
Nhà tù Oakdale nhìn từ trên cao. Ảnh: Pictometry.
Theo giới chức công đoàn, nhà tù Oakdale đã hết bộ xét nghiệm. Các quan chức y tế bang khuyến cáo bất kỳ ai xuất hiện triệu chứng cũng nên được coi là người bị lây nhiễm. 3/4 trong 980 phạm nhân ở Oakdale đã bị cách ly. Thiếu chỗ, ban quản lý nhà tù đã phải dựng ít nhất 6 lều tại sân trại giam làm nơi lưu trú cho các phạm nhân chưa có triệu chứng trong hai tuần sau khi họ tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Bên ngoài, gia đình các phạm nhân không nhận được câu trả lời từ người thân của mình. Bên trong, phạm nhân đang cầu xin được rời khỏi nhà tù.
“Tôi đã email cho cho người thân, nói với họ rằng tôi xin lỗi vì những gì tôi gây ra, bảo họ nói với các con tôi rằng tôi yêu chúng”, Rodney Harrison, 39 tuổi, phạm nhân tại nhà tù Oakdale chỉ còn vài tháng nữa là mãn hạn, cho hay.
Nhà chức trách không biết virus xâm nhập nhà tù bằng cách nào, trong khi Louisiana là một trong những điểm nóng Covid-19 của Mỹ. Nhưng từ khi dịch bùng phát, theo các nhân viên và phạm nhân nhà tù Oakdale, việc xác định và cách ly những phạm nhân ốm diễn ra rất chậm chạp.
Melder không phải quản giáo duy nhất trở lại làm việc ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh. Trước đó, một số phạm nhân khỏe mạnh bị giam chung phòng với người có triệu chứng ốm. Những khu vực sử dụng chung như nhà tắm không thường xuyên được lau chùi bằng chất tẩy rửa.
Phạm nhân nói họ đã cố tìm cách làm sạch buồng giam của mình nhưng nhà tù không cung cấp cho họ chất tẩy rửa vì nó có thể gây chết người nếu trộn với những dung dịch khác.
Trong khi đó, các quản giáo nói họ ngần ngại khi báo cáo về các triệu chứng vì không muốn bị cách ly 14 ngày. Phạm nhân cũng vì sợ bị cách ly hay khiến bạn tù bị cách ly mà miễn cưỡng thông báo tình trạng sức khỏe bản thân cho ban quản lý.
Gia đình các phạm nhân cho biết họ gặp khó khăn trong việc liên lạc với người thân trong tù nhưng giới chức nhà tù Oakdale nói các phạm nhân vẫn được phép sử dụng điện thoại.
Pamela Simmons từng rất lo lắng cho chồng mình, Delanor, 49 tuổi, đang thụ án tại nhà tù Oakdale vì tội danh liên quan tới ma túy. Ngày 21/3, Delanor nhắn tin cho vợ nói rằng anh ta không được khỏe và bị sốt. Delanor nói sẽ tới gặp bác sĩ nhà tù.
Bình thường, họ ngày nào cũng liên lạc với nhau nhưng hai tuần qua, cô không nhận được tin từ chồng và nhà tù cũng không cung cấp thông tin gì thêm. Cuối cùng, hôm 3/4, Delanor gọi cho vợ và báo rằng anh đã bị cách ly nhưng không nhiễm virus. “Tôi thở phào nhẹ nhõm”, cô nói.
Vũ Hoàng
Mỹ đối mặt 'trận Trân Châu Cảng' thứ hai vì Covid-19
Mỹ bước vào một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong khủng hoảng Covid-19 khi dịch lây lan nhanh, số người chết có thể tiếp tục tăng vọt.
Giới chức y tế cảnh báo số người tử vong đáng báo động vì Covid-19 ở bang New York, Michigan và Louisiana là dấu hiệu cảnh báo cho những khu vực khác trên nước Mỹ.
"Đây sẽ là tuần khó khăn và đau buồn nhất với phần lớn người dân Mỹ. Đây sẽ là khoảnh khắc Trân Châu Cảng và ngày 11/9 thứ hai của chúng ta, có điều nó sẽ không xảy ra cục bộ. Nó sẽ xảy ra khắp đất nước và tôi muốn nước Mỹ hiểu điều đó", Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams hôm qua cảnh báo.
Một người đàn ông đến nhà thờ tại bang California hôm 5/4. Ảnh: AFP.
New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nhất, hôm 5/4 thông báo lần đầu ghi nhận số ca tử vong giảm xuống so với ngày trước đó, nhưng vẫn ghi nhận thêm gần 600 người chết và hơn 7.300 người nhiễm nCoV mới. Bang Pennsylvania, Colorado và thủ đô Washington D.C cũng bắt đầu chứng kiến số người chết gia tăng.
Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm qua cho biết số ca nhập viện mới đã giảm 50% so với một ngày trước đó, nhưng chưa rõ liệu bang này đã đạt đỉnh dịch hay chưa. New York đến nay đã ghi nhận hơn 122.000 người nhiễm Covid-19, trong đó 4.159 người đã chết.
"Các đợt xét nghiệm nhanh trên diện rộng sẽ giúp đất nước trở lại bình thường sau khi vượt qua đỉnh dịch", Thống đốc Cuomo nói thêm.
Phần lớn các bang tại Mỹ đã yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn 8 bang chưa áp dụng biện pháp này, gồm Arkansas, Iowa, Nebraska, Bắc Dakota, Nam Dakota, Nam Carolina, Utah và Wyoming, tất cả đều có thống đốc là thành viên đảng Cộng hòa.
Bang Georgia, nơi báo cáo hơn 6.600 ca nhiễm nCoV và hơn 200 người chết, cũng yêu cầu người dân ở trong nhà, nhưng vẫn cho một số bãi biển mở cửa.
Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson từ chối áp lệnh hạn chế toàn bang, cho biết tình hình đang được giám sát chặt chẽ và "cách tiếp cận cụ thể" của ông đang làm chậm đà lây lan nCoV. Dù vậy, Tổng y sĩ Adams khuyến cáo những bang chưa phong tỏa nên xem xét biện pháp này trong những tuần tới.
Tổng thống Donald Trump tỏ ý hy vọng Mỹ đang dần kiểm soát được dịch bệnh ở một số điểm nóng, nhắc tới thống kê tại bang New York. "Chúng ta bắt đầu thấy ánh sáng ở cuối đường hầm và hy vọng chúng ta sẽ rất tự hào về những gì đã làm trong tương lai không xa", ông nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 5/4.
Một số nhà thờ tại Mỹ vẫn tổ chức các buổi thánh lễ tập trung đông người vào cuối tuần qua. Mục sư Tony Spell tại bang Louisiana liên tục tổ chức các buổi lễ nhà thờ, bất chấp việc bị bắt hồi tuần trước vì vi phạm lệnh cấm tụ tập từ 10 người trở lên do chính quyền bang áp dụng hồi giữa tháng 3.
Louisiana đã trở thành điểm nóng Covid-19 tại Mỹ khi số người chết tăng vọt lên gần 500 ca trong hơn 13.000 người nhiễm nCoV. Giới chức y tế bang dự đoán họ sẽ hết máy thở vào giữa tuần này.
Thị trưởng New York Bill De Blasio thông báo thành phố có đủ máy thở cho đến ngày 8/4 và đang tìm thêm 1.000-1.500 máy thở từ kho dự trữ của chính quyền bang và liên bang.
Bang Oregon, nơi ghi nhận khoảng 1.000 người nhiễm, tuyên bố sẽ chuyển 140 máy thở đến New York. Bang Washington cũng trả 400 chiếc về Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia để dành cho những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch.
Chuyên gia y tế Nhà Trắng dự đoán khoảng 100.000-240.000 người Mỹ sẽ chết vì dịch bệnh, ngay cả khi họ áp dụng triệt để biện pháp cách biệt cộng đồng. Dù vậy, các thành viên nhóm phản ứng Covid-19 của Trump vẫn thể hiện sự lạc quan khi cho rằng đã có dấu hiệu tích cực trong nỗ lực kiểm soát dịch.
"Trong tuần tới, chúng ta sẽ chứng kiến số người chết tăng, nhưng chúng tôi cũng hy vọng sẽ thấy sự ổn định ca nhiễm tại các khu vực đô thị lớn, nơi dịch bệnh bùng phát vài tuần trước", điều phối viên nhóm phản ứng Deborah Birx cho biết.
Vũ Anh
Chống đại dịch Covid-19, Mỹ bước vào tuần lễ buồn bã và đau đớn nhất Số ca nhiễm, thiệt mạng tăng mạnh, hệ thống y tế quá tải hay thiếu thốn trang thiết bị là viễn cảnh Mỹ sẽ phải đối mặt trong tuần này. Theo hãng thông tấn Reuters, 7 ngày trước mắt sẽ tràn ngập "buồn bã và đau đớn" đối với nước Mỹ. Số người chết ở các bang như New York, Louisiana hay Michigan...