Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết
Nghề giáo hiện nay có nhiều áp lực, nhà trường cần tạo môi trường giáo dục tốt, đặt quyền lợi giáo viên và học sinh lên trên hết.
Trước thực trạng nhiều nhà giáo xin nghỉ việc, PV Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện cùng Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Tp.HCM. Thầy Phú cho rằng, thầy cô cần được tạo điều kiện tối đa để giảng dạy tốt hơn.
Cần đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết
PV : Trong bối cảnh có nhiều giáo viên nghỉ việc vì cho rằng áp lực nghề nghiệp cao, thầy đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Phải nói rằng, đầu năm học 2022-2023, khi thực hiện đồng thời cùng một lúc hai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối 10 và chương trình giáo dục phổ thông cũ ở khối 11, 12, sẽ có chuyện thầy cô cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần hết học kỳ 1, chúng tôi nhận thấy không có gì khó khăn. Thực tế, chỉ thay đổi sách giáo khoa, còn phương pháp giảng dạy tương tác với học sinh, cách tổ chức giờ học, thay đổi kỹ năng cho học sinh thì thầy cô trong trường làm rất tốt.
Nói về áp lực công việc nghề giáo, tôi cho rằng, do nhìn nhận riêng của từng giáo viên, còn công việc thì vẫn thực hiện theo phân công, theo giờ hành chính mỗi ngày nên không có gì nặng nề.
Tuy nhiên, trên cương vị là người đứng đầu nhà trường, tôi cho rằng, áp lực của thầy cô phần nhiều do nhà trường, chứ không phải do cơ chế. Hiệu trưởng phải linh động triển khai các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thầy cô, phải biết được năng lực làm việc từng thầy cô, từ đó phân công khối lượng công việc phù hợp, khoa học…
Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ về trăn trở của ông về nghề giáo hiện nay.
Chúng ta phải biết sắp xếp thời khóa biểu một cách khoa học, làm sao thầy cô có thời gian làm thêm công việc khác khi rảnh rỗi, nhằm tăng thu nhập, giảm áp lực về tài chính cho thầy cô.
PV: Giải bài toán áp lực nghề giáo cho các giáo viên, là Hiệu trưởng một ngôi trường theo mô hình tiên tiến tại Tp.HCM, thầy chọn phương pháp nào?
Video đang HOT
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Tôi cho rằng, nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết. Muốn vậy, lãnh đạo nhà trường phải đối xử với giáo viên tốt, phải tạo cơ hội để làm sao cho thầy cô và lãnh đạo nhà trường trên dưới một lòng thì công tác giảng dạy mới được tốt.
Tôi cũng luôn mong rằng, giáo viên đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Chúng ta có đan xen như vậy, mới chia sẻ hết tình cảm với nhau. Thầy cô xem nhà trường như gia đình, thì mọi người trong trường đều cư xử chan hòa, tạo bầu không khí vui tươi, lúc đó làm việc hiệu quả, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho học sinh. Chúng ta không nên tạo bầu không khí căng thẳng, vội vã, áp lực… tạo không khí nặng nề với giáo viên và học sinh.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du trong một sự kiện tổ chức tại trường.
Ngoài ra, khi có sự cố về bạo lực học đường xảy ra, thì hiệu trưởng phải là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm về sự cố đó chứ không thể đẩy cho giáo viên bước ra ngoài để đôi co, đương đầu với một phụ huynh nào đó…. Hiệu trưởng phải bản lĩnh, có trách nhiệm, để cho thầy cô an tâm trong những sự cố xảy ra. Chúng ta làm như vậy để gánh bớt khó khăn cho thầy cô, không tạo áp lực cho thầy cô.
PV : Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện nay, nghề giáo được phát huy tối đa nhất là trong dạy học, điều gì khiến ông trăn trở nhiều nhất?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Công nghệ thông tin ngày nay giúp thầy cô linh hoạt vận dụng hiệu quả cao. Nhưng có một vấn đề mà tôi luôn trăn trở là hiện nay, làm sao Bộ Giáo dục và Đào tạo có nguồn ngân sách tạo cho mỗi thầy cô một máy tính xách tay để giảng dạy. Vì nó là tư liệu giảng dạy. Hiện, nhiều thầy cô chưa có đủ kinh tế để tự trang bị cho mình một máy tính xách tay. Nếu trang bị cho thầy cô phương tiện giảng dạy tốt, sẽ giúp lan tỏa tốt không chỉ trong giáo dục mà cả trong lĩnh vực, kinh tế văn hóa, xã hội.
Nghề giáo phải kiên nhẫn, bao dung, nhẹ nhàng
PV : Theo thầy, nhà giáo cần phải xử lý học sinh cá biệt như thế nào nhằm uốn nắn kịp thời các em?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Việc học sinh cá biệt thì thời đại nào cũng có trường nào cũng có. Tuy nhiên, theo tôi, trước hết thầy cô phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh có những hành vi cá biệt. Tôi cho rằng, nghề giáo phải có sự kiên trì, kiên nhẫn, và phải bao dung, nhẹ nhàng. Khi một vấn đề xẩy ra đối với học sinh, người thầy, người cô cần bình tâm thì tâm mình tịnh, tuệ mình sáng, trí mình mới thông, lúc đó, giải quyết vấn đề rất nhẹ nhàng.
Bởi vì, thứ nhất học trò là bậc con, em, là học trò của mình thì mọi vấn đề nhìn nhận cần thoáng hơn. Mình cần “giơ cao đánh khẽ”, không đẩy các em vào đường cùng. Hoặc khi có sự cố, không nên ra một quyết định gì đó nặng nề, để rồi từ đó, cuộc đời của em đó trở nên bế tắc.
Tại trường tôi, đa số học sinh ngoan, nên hiếm có tình huống cá biệt của học trò xảy ra, có thể nói là từ trước đến nay chưa có. Chỉ có một số em đi học trễ nhiều lần, qua tìm hiểu nguyên nhân, cuối cùng nhà trường đã uốn nắn, chỉ bảo cho các em khắc phục, đó chỉ là vi phạm thường nhật học trò.
Học sinh được chia sẻ dạy dỗ tốt sẽ trở nên chăm ngoan.
Trên quan điểm của tôi, học trò là phải chia sẻ dạy dỗ, để cảm thông rồi từ đó giúp các em kìm hãm tính hung hăng, lười học tập.
PV : Ngày nay, với câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, theo thầy có còn phù hợp để dạy học sinh?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Dù câu này xuất phát từ xa xưa, nhưng tôi cho rằng thời đại nào trong ngành giáo dục câu đó vẫn đúng. Nếu chúng ta không tôn trọng nhau, thầy không thương yêu trò, trò không tôn kính thầy, làm sao giờ giảng tương tác diễn ra hiệu quả?.
Theo tôi, câu này đúng mãi mãi. Tôi cho rằng, “lễ” là nghi thức giao tiếp lịch sự cần có giữa người nhỏ với người lớn, giữa con người với nhau, “lễ” làm cho trật tự lớp học, xã hội ổn định. Thầy không thể giảng mà học trò nhảy tung tăng, không thể trò nói mà thầy cô bỏ ngoài tai. Giao tiếp sư phạm hết sức cần thiết. Dù cho công nghệ số phát triển, tôi nghĩ câu tục ngữ vẫn như một chân lý trong môi trường giáo dục.
Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Xây dựng môi trường học đường thân thiện
Thực hiện tốt xây dựng văn hóa học đường sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi các vấn đề tiêu cực trong môi trường giáo dục cũng như tình trạng bạo lực học đường.
Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần có sự tham gia tích cực của xã hội, nhất là vai trò của gia đình. Bên cạnh tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường còn hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường làm việc tốt để người thầy có thể 'dạy tốt'.
Ngôi nhà thứ 2 của học sinh
Thời gian qua, các vụ bạo lực học đường tiếp tục diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, khách quan nhìn nhận là do tác động của bối cảnh xã hội, nhất là giai đoạn sau 2 năm dịch bệnh, nhiều người, nhất là lứa tuổi học sinh có những căng thẳng, bất ổn về tâm lý.
Ảnh minh họa: CTV
Mặt khác, một số học sinh chưa đủ "sức đề kháng" trước những vấn đề, hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhất là trên mạng xã hội; chương trình học còn nặng, việc học và vui chơi giải trí chưa được cân bằng khiến học sinh mệt mỏi, bức bối. Hơn nữa, ở một số gia đình, phụ huynh chưa quan tâm đến con cái đúng cách, hoặc nuông chiều con quá mức mà không lắng nghe con một cách thấu đáo trong các vấn đề. Tất cả những nguyên nhân này dẫn đến việc các em có những suy nghĩ, hành động lệch chuẩn, làm gia tăng tình trạng bạo lực học đường.
Theo các chuyên gia giáo dục, xây dựng môi trường học đường thân thiện để nhà trường thực sự là ngôi nhà thứ 2 của học sinh, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, sẽ góp phần giải tỏa các áp lực trong học tập, cuộc sống của học sinh. Đây là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi những vấn đề tiêu cực xảy ra trong môi trường học đường. Để trường học thực sự là ngôi nhà thứ 2 của học sinh thì trong ngôi nhà ấy phải có tình thương, bạn bè, thầy cô và học trò yêu thương nhau như người trong gia đình. Cùng với đó, để giảm áp lực học tập với học sinh, phương pháp giảng dạy cũng cần được đổi mới, làm sao ngoài cung cấp kiến thức phải giúp học sinh hình thành các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống; phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng phải đổi mới nhằm ghi nhận sự cầu thị, tiến bộ của học sinh, động viên các em nỗ lực chứ không nặng về điểm số.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (quận 10), hoạt động tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng, giúp học sinh giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Hiểu được tầm quan trọng của công tác này, nhà trường thành lập Ban tư vấn học đường gồm có cả lãnh đạo nhà trường, thực hiện tư vấn cho các em mọi lúc, mọi nơi, qua nhiều kênh. Không những vậy, mỗi thầy cô giáo cũng phải là một tư vấn viên, là nơi mà học sinh có thể tìm đến khi có những trăn trở trong cuộc sống, học tập, để được giải tỏa nỗi lòng. Hoạt động phong trào cũng là một cách để giúp học sinh năng động hơn, đoàn kết gắn bó với nhau hơn. Đoàn Thanh niên của trường phải là trung tâm để tập hợp, lôi cuốn học sinh thông qua các hoạt động của mình. Các hoạt động Đoàn phải hướng đến nhu cầu, thị hiếu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
"Đối thoại dân chủ giữa học sinh và lãnh đạo nhà trường cũng là một giải pháp hiệu quả mà nhà trường đang thực hiện nhằm xây dựng môi trường học đường thân thiện. Qua các buổi đối thoại trước toàn trường, học sinh tích cực bày tỏ chính kiến của mình, các em cũng có những phản biện về tình trạng cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy... từ đó nhà trường tiếp thu và có giải pháp khắc phục, hoàn thiện hơn. Riêng với học sinh, việc được bày tỏ và được lắng nghe sẽ giúp các em có suy nghĩ, hành động tích cực và có trách nhiệm hơn" - thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.
Cùng quan điểm, thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) chia sẻ, việc tạo môi trường học đường thân thiện là một nội dung quan trọng trong xây dựng văn hóa đọc đường. Bên cạnh hoạt động giáo dục kiến thức, nhà trường chú trọng tới các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh. Trong chương trình học, nhà trường cũng kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thực hiện chuyên đề hướng nghiệp ngoài nhà trường, chuyên đề về tâm sinh lý, sử dụng mạng xã hội, phổ biến quy định pháp luật về trẻ em, an ninh mạng. Ngoài giờ chính khóa như các câu lạc bộ năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao để học sinh cân bằng việc học và rèn luyện.
Trách nhiệm trong xây dựng văn hóa học đường nói chung không chỉ thuộc về nhà trường, mà còn có vai trò quan trọng của gia đình. Bên cạnh giáo dục, vun đắp cho con những giá trị tốt đẹp, cha mẹ còn phải là người đồng hành tin cậy của con. Có như vậy, phụ huynh mới có thể phối hợp tốt với nhà trường để kịp thời phát hiện, hỗ trợ các con em mình giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, học tập.
Môi trường tốt để người thầy "dạy tốt"
Ngoài chủ thể là học sinh, việc xây dựng văn hóa học đường cũng hướng đến tạo môi trường làm việc tốt cho người thầy phát huy hết năng lực của mình. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, để xây dựng văn hóa nhà trường tốt, trách nhiệm, vai trò của lãnh đạo nhà trường rất quan trọng, trong đó phải đặt quyền lợi của giáo viên, học sinh lên trên hết. Ngoài chính sách chung, lãnh đạo nhà trường cần xây dựng chính sách cho giáo viên một cách phù hợp, tạo môi trường làm việc tốt cho giáo viên; các quyền lợi của người thầy phải được trân trọng, đảm bảo; tạo điều kiện tối đa để giáo viên nâng cao trình độ, trao quyền chủ động trong giảng dạy phát huy hết năng lực sở trường của mình cống hiến cho sự nghiệp chung. Đặc biệt, chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng mở, sự chủ động, sáng tạo của giáo viên càng được tạo điều kiện phát huy tối đa trong quá trình dạy học.
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên "dạy tốt", chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo trong ngành giáo dục cũng dần được đổi mới nhằm tạo môi trường tốt cho giáo viên nỗ lực, phấn đấu. Năm 2022, lần đầu tiên SởGiáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục với việc thí điểm thi tuyển Phó Hiệu trưởng cho 3 trường Trung học Phổ thông ở huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Theo đó, thay vì bổ nhiệm như trước đây, những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có thể tham gia thi tuyển.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý là một trong những giải pháp để lựa chọn ra những cán bộ có năng lực trong lãnh đạo, quản lý, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các cán bộ được quy hoạch. Hình thức thi tuyển này sẽ tạo động lực phấn đấu cho các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo. Mặt khác, các ứng viên có thể ứng tuyển vào các vị trí phù hợp với các điều kiện của bản thân nên khi trúng tuyển sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất.
Vấn đề xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cũng được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên lưu ý với ngành giáo dục TP trong phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành giáo dục TP. Trong đó, ngành cần quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo an tâm công tác. Bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất chính sách nâng cao mức thu nhập cho nhà giáo, ngành giáo dục TP cần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo, xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng đảm bảo thành tích thật.
Học sinh trở lại trường: Dạy bài mới kết hợp củng cố kiến thức Gần 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học song nhiều nơi học sinh tiểu học lần đầu tới trường hoặc vừa trở lại sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch. Buổi học trực tiếp đầu tiên của học sinh Trường Tiểu học Ba Đình (Ba Đình, Hà Nội). Dạy học trong bối cảnh đó đòi hỏi các nhà trường, giáo...