Nhà trường đổi mới cách thi, giảm áp lực học online
Nhiều trường cho học sinh tham quan bảo tàng online, làm infographic, video báo cáo để lấy điểm giữa kỳ Lịch sử, trong khi các môn khác kiểm tra online với độ khó vừa phải.
Theo kế hoạch, phần lớn trường trung học ở TP HCM sẽ kiểm tra giữa kỳ I từ 1/11. Trong tuần này, nhiều trường cho học sinh làm bài tập nhóm, dự án để lấy điểm một số môn như Lịch sử, Công nghệ, Giáo dục công dân, Trải nghiệm – Hướng nghiệp.
Từ 25/10, học sinh THPT cụm quận 1- 3 gồm Lê Quý Đôn, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Năng khiếu Thể dục thể thao, Lê Thị Hồng Gấm, Marie Curie… nộp sản phẩm môn Lịch sử trong dự án “Go Museum Online, do thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử THPT Lê Quý Đôn cùng đồng nghiệp ở nhiều trường lên ý tưởng, triển khai. Thay vì làm bài kiểm tra giữa kỳ, học sinh truy cập vào trang web các bảo tàng tại TP HCM, tham quan online rồi tìm tư liệu, thực hiện các bài báo cáo.
Tranh vẽ Bảo tàng TP HCM, một phần trong dự án “Go Museum Online” của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: CLB Mỹ thuật Lê Quý Đôn
Với khối 12, học sinh tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, làm infographic theo các chủ đề: Nguyễn Ái Quốc – Chân dung lãnh tụ, Chế độ lao tù trong chiến tranh, Hiệp định Paris về Việt Nam – Cánh cửa đến hoà bình, Sài Gòn trong cách mạng (1930-1975). Ngoài ra, mỗi nhóm phải viết hoặc làm video báo cáo quá trình tham quan, đề xuất ý kiến để bảo tàng phục vụ tốt hơn với khách xem trực tuyến, đánh giá tình trạng trưng bày hiện vật.
Tương tự, khối 11 có các chủ đề tự chọn Địa lý hành chính Sài Gòn, Văn hoá Sài Gòn – TP HCM, Áo dài qua các thời kỳ. Khối 10 có thể chọn chủ đề Cổ khí thời Nguyễn, Các báu vật quốc gia, Lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến thời Nguyễn, Điêu khắc cổ thời Óc Eo. Hình thức thể hiện và các yêu cầu như khối 12. Các em có thể làm cá nhân hoặc theo nhóm tối đa 4 người.
Ở THPT Lê Quý Đôn, học sinh còn lập ra Fanpage “Go Museum Online – GMO” để truyền thông cho dự án, trưng bày sản phẩm của các nhóm. “Dự án năm nay không chỉ muốn đề cao tầm quan trọng của môn Lịch sử, thể hiện thái độ trân trọng với truyền thống nước nhà, mà chúng mình còn muốn tạo cảm hứng cho thật nhiều học sinh và khiến bảo tàng trở nên gần gũi hơn trong học tập”, một học sinh giới thiệu.
Theo thầy Du, việc học Lịch sử địa phương bằng dự án được các trường quận 1 và 3 thực hiện nhiều năm nay, nhằm đổi mới phương thức dạy và học Sử, giúp các em trải nghiệm nhiều hơn, tiếp cận kiến thức một cách mới mẻ, khác với cách học truyền thống.
“Năm nay đặc biệt hơn vì phải học online. Do đó, dự án tham quan bảo tàng chuyển sang hình thức trực tuyến. Ngoài việc học Sử, các em còn được rèn luyện kỹ năng tìm kiếm tư liệu, biết sử dụng các phần mềm hữu ích”, thầy Du cho biết.
Sản phẩm các nhóm sẽ được góp ý để hoàn thiện, trước khi chấm và lấy điểm cho cột kiểm tra định kỳ học kỳ I.
Video đang HOT
Lấy điểm kiểm tra giữa kỳ bằng sản phẩm học tập cũng là cách làm của nhiều trường trung học. Tại THCS Nguyễn Du (quận 1), giáo viên các môn Ngữ văn lớp 8 và 9, Lịch sử 7-8-9, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật kiểm tra bằng sản phẩm. Chẳng hạn, với môn Ngữ văn, học sinh lớp 8 sẽ kể chuyện bằng tranh trong khi lớp 9 sẽ kể chuyện bằng video, ứng dụng công nghệ, tích hợp liên môn.
Với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý ở lớp 6; Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Công nghệ và Tin học ở các khối còn lại, trường cho kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn lớp 6-7 và Toán ở tất cả khối, hình thức kiểm tra là tự luận.
THCS Nguyễn Du bắt đầu kiểm tra từ đầu tháng 11, thực hiện trên hệ thống K12 Online, nộp bài trên One Driver hoặc Google Driver. Hiện nội dung ôn tập từng môn học được giáo viên hệ thống cho học sinh.
Nhiều trường khác cũng sắp xếp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học theo hình thức kiểm tra không tập trung; tức giáo viên có thể chủ động cho học sinh làm dự án, bài khảo sát hoặc các hình thức học tập khác để lấy điểm định kỳ.
Học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Du, quận 1 học trực tuyến hồi tháng 9/2021. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Với những môn phải kiểm tra tập trung, các trường ưu tiên làm bài trắc nghiệm, nội dung tinh giản. Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết, trường đang cho học sinh làm quen hệ thống kiểm tra trắc nghiệm online hoặc tự luận Ngữ văn.
“Các bài kiểm tra được thiết kế trên Google Forms, kết hợp với Google Meet để coi thi, có video hướng dẫn một cách rõ ràng. Mỗi em có tài khoản Google duy nhất để đăng nhập vào phòng thi và nộp bài”, thầy Đảo cho biết.
Theo thầy Đảo, nội dung kiểm tra các môn phần lớn ở mức độ nhận biết và thông hiểu, rất ít câu ở mức độ vận dụng. Đề bài cũng bám sát hướng dẫn của Bộ, không kiểm tra những nội dung học sinh tự đọc, tự học.
Với trường Trung học Thực hành (Đại học Sài Gòn), nội dung ôn tập và đề thi được các tổ chuyên môn hướng dẫn rõ theo từng bài, mục. Số lượng câu hỏi và phân phối độ khó ở từng đề bài cũng được báo trước. Phần lớn môn học được kiểm tra trắc nghiệm 25-30 câu, thời gian làm bài 45 phút.
Giải thích rõ hơn về cách ra đề, cô Vũ Thùy Anh, giáo viên trường THPT Nguyễn Du cho rằng, dạy trực tuyến chủ yếu dừng lại ở kiến thức cơ bản, khó truyền đạt ở mức độ nâng cao. Do đó, khi soạn đề kiểm tra, giáo viên hướng đến đề bài nhẹ nhàng, đơn giản nhất, nhằm giúp các em ôn tập kiến thức, duy trì được nhịp độ, cảm giác học tập.
“Với khối 12, chúng tôi sẽ củng cố kiến thức và rèn luyện nâng cao khi các em học tập trung, bởi cuối năm các em phải thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học”, cô Thuỳ Anh nói.
Ở bậc tiểu học, các trường không không kiểm tra, đánh giá định kỳ lớp 1 và 2 trong thời gian học trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ. Các khối còn lại được kiểm tra giữa kỳ I môn Toán và Tiếng Việt theo hình thức trực tuyến. Theo yêu cầu của nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, việc kiểm tra định kỳ với trẻ không áp lực, chỉ xem như một hoạt động đánh giá hàng ngày.
Từ giữa tháng 9 đến nay, hơn 1,3 triệu học sinh phổ thông TP HCM bước vào năm học mới bằng việc học online. Hiện hơn 200 học sinh tiểu học và trung học tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được học trực tiếp, tất cả trường còn lại dự kiến học trực tuyến đến hết học kỳ I.
Đây là năm đầu tiên, các trường tại TP HCM tổ chức dạy trực tuyến ngay từ đầu năm học, đồng thời tổ chức kiểm tra bằng hình thức này. Việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra, giảm độ khó đề thi được cho là giải pháp giảm tải áp lực học tập, thích ứng với bối cảnh giáo dục online trong dịch bệnh.
Hà Nội: Các trường chủ động phương án kiểm tra giữa kỳ I trực tuyến
Đã bước vào tuần học thứ 7 của năm học 2021 - 2022 và cũng là thời điểm các trường phổ thông công lập tại Hà Nội chuẩn bị ôn tập để kiểm tra giữa kỳ I.
Qua lần kiểm tra online của học kỳ II năm học trước, mọi phương án đã được các cơ sở giáo dục chủ động lập kế hoạch đối với từng môn học.
Chủ động và thuần thục
Cách thức kiểm tra giữa kỳ I năm học này cũng giống như cách thức kiểm tra đã áp dụng kiểm tra cuối kỳ II năm học 2020- 2021. Tuy nhiên, nếu năm học trước, công tác kiểm tra online của các trường phải chờ văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT thì việc kiểm tra định kỳ trực tuyến trong giai đoạn hiện nay là tất yếu và do các trường hoàn toàn chủ động theo đúng tiến độ chương trình giảng dạy của từng đơn vị.
Về kế hoạch kiểm tra online giữa kỳ I, Hiệu trưởng trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng Lê Thị Lâm cho biết: Trường đã lên kế hoạch kiểm tra cho học sinh bằng phương thức trực tuyến. Cuối năm ngoái, trường tiến hành quy trình kiểm tra online rất kỹ, bao gồm thi thử để tập dượt và thi thật. Các công tác như ra đề, coi thi, chấm thi... được thực hiện bài bản, không gặp sự cố đáng tiếc nào. Vì vậy, năm nay mọi việc sẽ được áp dụng tương tự như vậy.
Kiểm tra định kỳ online yêu cầu mỗi học sinh có hai thiết bị
Cụ thể, cuối tháng 10/2021, trường sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ giữa kỳ I. Theo kế hoạch, việc kiểm tra vẫn chuẩn bị trên phần mềm Sub gồm cả kiểm tra trắc nghiệm và tự luận (tùy từng môn học). Để giám sát chặt chẽ học sinh trong quá trình làm bài, đảm bảo tính trung thực, khách quan, trường áp dụng quy trình coi thi qua phần mềm Zoom, yêu cầu học sinh bật camera suốt thời gian làm bài...
Sau khi kiểm tra, các phần việc chấm, chữa cũng được thực hiện khẩn trương, khách quan. Ngân hàng câu hỏi được chuẩn bị; đề cương ôn tập đã gửi đến học sinh, giúp các em ôn tập nhuần nhuyễn những nội dung đã học kết hợp với hệ thống bài tập trên phần mềm Sub; qua đó học sinh được ôn tập kỹ, tự tin làm bài thi.
"Với học sinh tiểu học sẽ chỉ kiểm tra môn Toán- Tiếng Việt của lớp 4-5, không áp dụng kiểm tra giữa kỳ với lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Hiện trường đã chủ động lên phương án kiểm tra online qua phần mềm Zoom; cũng chia phòng, chia ca, có Ban giám hiệu và các thầy cô giám sát theo từng phòng. Do đã làm quen vói cách thức kiểm tra định kỳ; mặt khác học sinh năm nay lại học online liền mạch từ đầu năm nên không có khó khăn, xáo trộn gì"- cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Quất, quận Long Biên chia sẻ.
Đặt niềm tin vào sự trung thực
Thời điểm này, kiểm tra giữa kỳ qua hình thức online là giải pháp khả thi nhất. Tuy nhiên, câu hỏi về tính trung thực của kiểm tra, đánh giá online vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi hiện tượng quay cóp, nhắc bài... là những việc khó loại bỏ tuyệt đối khi kiểm tra online.
Học sinh cũng đã quen với phương thức kiểm tra trực tuyến
"Không thể khẳng định 100% học sinh trung thực khi làm bài kiểm tra- kể cả với kiểm tra trực tiếp; và khi diễn ra theo phương thức trực tuyến, việc gian lận càng có nguy cơ xảy ra. Nhà trường đã hết sức cố gắng trong công tác chuẩn bị kế hoạch đề thi, coi thi, thiết bị giám sát đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Công tác tư tưởng cho học sinh, phụ huynh về học thật thi thật, không nặng nề trong kiểm tra đánh giá được giáo viên liên tục nhấn mạnh và truyền đạt với cha mẹ học sinh. Do đó, mục đích của đợt kiểm tra này để xem học sinh tiếp thu thế nào qua nửa kỳ học online; biết con yếu chỗ nào, mạnh chỗ nào nhằm định hướng kịp thời; từ đó mong cha mẹ tạo kiện tốt nhất cho con có một bài thi đảm bảo khách quan và chất lượng"- Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Quất Nguyễn Thị Phượng cho hay.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai Lê Thị Quyên, thời gian này, trường đã cho học sinh đề cương ôn tập để chuẩn bị thi giữa kỳ I. Giống như trước, trường tổ chức kiểm tra trên hệ thống Hanoistudy; theo dõi, giám sát vẫn trên phần mềm Zoom. Khác với cấp tiểu học và THCS, học sinh THPT đã hoàn toàn chủ động về công nghệ nên ngoài quy trình giám sát của giáo viên, nhà trường, phụ huynh thì tính khách quan, thực chất của bài kiểm tra còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi học sinh.
"Với sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh, tinh thần tự giác của học sinh, chúng tôi tin việc kiểm tra giữa kỳ sẽ diễn ra thuận lợi, đảm bảo khách quan, trung thực. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào học sinh và phụ huynh..."- Hiệu trưởng THCS Vân Hồ Lê Thị Lâm nói.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh THCS và THPT phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Kiểm tra trực tuyến: Lạm dụng công nghệ giám sát sẽ làm tổn thương học sinh Theo quy định, trong mỗi học kỳ, học sinh có từ 2 - 4 bài kiểm tra thường xuyên (15 phút), 1 bài kiểm tra định kỳ lần 1 (bài kiểm tra giữa kỳ) và 1 bài kiểm tra định kỳ lần 2 (bài kiểm tra học kỳ). Bật camera trong thời gian kiểm tra, thiết kế bài kiểm tra trắc nghiệm "đóng...