‘Người vợ cuối cùng’ sắp đến Mỹ, Úc, New Zealand
Sau gần 10 ngày chính thức công chiếu, phim Người vợ cuối cùng do đạo diễn Victor Vũ thực hiện cán mốc doanh thu hơn 70 tỉ đồng.
Phim được công bố sẽ xuất ngoại, phát hành tại Mỹ, Úc, New Zealand vào tháng 12.
Bên cạnh việc thu hơn 70 tỉ đồng, “Người vợ cuối cùng” cũng tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt khi đạt hơn 100.000 lượt thảo luận trên mạng xã hội. Ngoài những lời khen chê, khán giả cũng đưa ra các góp ý về phục trang, lời thoại, diễn xuất, nội dung,… nhằm nâng cao chất lượng của thể loại phim cổ trang Việt Nam trong tương lai.
Điều này cho thấy, các tác phẩm điện ảnh cổ trang Việt Nam luôn được đón nhận nồng nhiệt bởi cộng đồng yêu phim nếu được các nhà làm phim tiếp cận đủ chỉn chu và cẩn trọng.
Phim “Người vợ cuối cùng” sắp xuất ngoại
Tác phẩm chiếu ở Mỹ, Úc, New Zealand vào tháng 12
Cảnh đẹp trong phim
Về việc đưa “Người vợ cuối cùng” xuất ngoại, đạo diễn Victor Vũ cho biết anh nhớ lại trải nghiệm sinh ra và lớn lên tại Mỹ của mình, khi đó không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với văn hóa Việt Nam ngoài không gian trường học.
Hơn nữa, đa số các bộ phim Mỹ làm về Việt Nam chỉ khai thác đề tài chiến tranh và các nhân vật người Việt thường được xây dựng mờ nhạt. Vì vậy, anh luôn trăn trở về cách tạo ra những bộ phim đậm chất Việt để cả người Việt và người nước ngoài đều có thể thưởng thức.
“Qua “Người vợ cuối cùng”, tôi hi vọng khán giả quốc tế sẽ cảm nhận Việt Nam bằng một góc nhìn riêng, không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn thật đậm đà truyền thống nhân nghĩa” – đạo diễn Victor Vũ chia sẻ.
“Người vợ cuối cùng” kể câu chuyện tình yêu bi kịch giữa Linh (Kaity Nguyễn đóng) – vợ ba của nhà quan tri huyện và chàng nông dân nghèo tên Nhân ( Thuận Nguyễn đóng). Phim quy tụ dàn diễn viên ấn tượng từ Bắc đến Nam gồm: NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Quốc Huy, Anh Dũng,… Tác phẩm chính thức chiếu rạp từ ngày 3-11 đến nay.
Review Người Vợ Cuối Cùng: Cái hay của Victor Vũ, luôn là vậy!
Người Vợ Cuối Cùng chính thức ra rạp, mang đến những thước phim ấn tượng. Khẳng định tên tuổi Victor Vũ trong nhiều năm làm phim.
Sau Thiên Thần Hộ Mệnh, Victor Vũ trở lại màn ảnh rộng với Người Vợ Cuối Cùng. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Oán Hận của tác giả Hồng Thái, khai thác về số phận của người phụ nữ thời phong kiến phải chịu nhiều ấm ức, tủi nhục bởi những định kiến và hoàn cảnh khó khăn. Thông qua câu chuyện tình vượt ngàn nỗi đau của đôi nhân vật chính, người xem sẽ nhìn thấy được sâu xa những vấn đề nhức nhối của thời đại xưa.
Lấy bối cảnh Việt Nam xưa, Người Vợ Cuối Cùng gây ấn tượng mạnh về phần nhìn chỉn chu, ít khuyết điểm. Bên cạnh đó, dàn diễn viên cũng được đánh giá cao bởi khả năng diễn xuất, thể hiện được con người của nhân vật từ dáng đi kiểu ngồi đến cách nói chuyện.
Mở đầu câu chuyện là đám cưới rình rang của cô gái nghèo ở làng Cua Ngộp với gã quan huyện. Cô tên là Linh, tuổi đời còn rất trẻ, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn ấy vậy nhan sắc của cô chẳng hề tầm thường. Bước vào nhà quan huyện, nhiệm vụ của cô là giúp quan sinh con trai nối dõi, đây là điều mà 2 người vợ lớn không thể làm được. Bắt đầu từ thời điểm này, cuộc đời của cô chìm ngập trong những đau khổ và nước mắt, bi kịch nối tiếp bi kịch, để rồi chuốc lấy kết cục không thể bi ai hơn.
Thông tin phim Người Vợ Cuối Cùng
Ngày phát hành: 03/11/2023
Suất chiếu sớm: từ ngày 01/11/2023
Thể loại: Tâm lý, tình cảm
Đạo diễn: Victor Vũ
Diễn viên: Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Anh Dũng, Quốc Huy, Bé Lưu Ly.
Thời lượng: 92 phút
Người Vợ Cuối Cùng và ưu, khuyết điểm
Điểm cộng về phần nhìn
Như rất nhiều tác phẩm điện ảnh từ trước đến nay của đạo diễn Victor Vũ, ưu điểm lớn nhất của anh là rất chỉn chu phần nhìn lẫn phần nghe. Người Vợ Cuối Cùng là một bộ phim đẹp, người xem được chiêm ngưỡng núi rừng hùng vĩ, thiên nhiên ngút ngàn các địa điểm nổi tiếng của Việt Nam.
Từ khu rừng rậm rạp len lỏi dòng suối trong veo đến mặt hồ yên ả trong phân cảnh 2 nhân vật chính chèo thuyền, có thể thấy nam đạo diễn đã đặt nhiều tâm sức cho những cảnh đòi hỏi về kỹ thuật quay và sức người. Dù chỉ là người xem trước màn ảnh rộng, chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà những khán giả khác đều cảm thấy xúc động lâng lâng.
Thiên nhiên Ninh Bình, Bắc Kạn tuyệt đẹp khi lên màn ảnh rộng
Bộ phim xây dựng theo thời đại xưa nên bối cảnh, trang phục đều được đầu tư rất kỹ. Ở Việt Nam không ít đạo diễn đã cho ra mắt các dòng phim tương tự, nhưng hiếm ai có thể "khôi phục" mọi thứ tốt như Victor Vũ. Trang phục của các nhân vật đều được tìm hiểu và thiết kế phù hợp, mỗi tầng lớp sẽ có màu sắc, phong cách khác nhau. Ngay cả trong 3 người vợ của quan huyện cũng có sự khác biệt giữa các phụ kiện được đeo lên người.
Đạo diễn Victor Vũ rất kỹ lưỡng, chỉn chu trong từng chi tiết
Bối cảnh về nhà quan, bữa đám giỗ, ngôi chợ nghèo hay làng quê ở đồng bằng Bắc bộ hiện lên chân thật chứ không hề "giả trân" như mấy phim khác. Ngay cả cảnh múa rối nước cũng được dàn dựng đậm chất quê, người dân đến xem được bối trí ngồi xung quanh dưới đất bùn, có người đi chân trần có người đi giày/dép được thô sơ.
Từ bối cảnh phim đến trang phục của nhân vật
Việt Nam xưa được tái hiện đầy chân thật trong Người Vợ Cuối Cùng
Góc máy, màu phim, đại cảnh hay cận cảnh Người Vợ Cuối Cùng đều đẹp đến nức nở. Trong hơn 10 tác phẩm phim mà đạo diễn Victor Vũ phát hành, không phim nào khiến khán giả thất vọng về phần hình ảnh. Hay gần đây nhất chính là bộ phim đình đám Mắt Biếc được quay tại Huế, nam đạo diễn không chỉ tái hiện được nét xưa của người dân xứ này mà còn thổi vào đó chút mộng mơ nên thơ đậm chất riêng mà khó ai có thể làm được.
Đáng khen nhất trong phim Người Vợ Cuối Cùng chính là việc bộ phim giữ nguyên bản chữ viết Hán Nôm khi sử dụng dù chỉ ở chi tiết nhỏ, thể hiện tinh thần tôn trọng văn hóa của đạo diễn Victor Vũ.
Âm nhạc cũng là một điểm cộng lớn cho bộ phim. Bèo Dạt Mây Trôi và Góc Tối bản thân nó đã là hai ca khúc được nhiều người yêu thích, qua giọng hát Thùy Chi càng mang lại nhiều cảm xúc, phù hợp với nội dung và từng khung cảnh trong phim.
Dàn cast "10 điểm không có nhưng"
Kế đến, dàn cast quy tụ các diễn viên Bắc - Nam với những cái tên: NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Thuận Nguyễn, Kaity Nguyễn, Nguyễn Anh Dũng, NSƯT Quốc Tuấn,... càng khiến bộ phim thu hút sự quan tâm của khán giả. Sự khác biệt trong lối diễn, giọng nói của 2 miền cũng gây chú ý khi cùng xuất hiện trong 1 tác phẩm.
NSƯT Quang Thắng vào vai quan Đức Trọng, một tên quan tham lam ích kỷ, đổi trắng thay đen, 5 thê 7 thiếp cũng chỉ vì tìm kiếm đứa con trai nối dõi mà không chịu chấp nhận bản thân là một người không có khả năng sinh con.
Ngay từ những khung hình đầu tiên nghệ sĩ Quang Thắng xuất hiện, người xem dâng trào cảm xúc khó chịu, bức bối khi nhìn thấy tên quan nhiều khuyết điểm và có phần "biến thái", từ ánh mắt cử chỉ đến dáng đi lời nói của nhân vật đều được nghệ sĩ Quang Thắng thể hiện chân thực. Đây chính là minh chứng thực lực diễn xuất của một người nghệ sĩ có thâm niên trong nghề.
NSƯT Quang Thắng
Người vợ cả đanh đá, độc đoán, nguy hiểm do NSƯT Kim Oanh đảm nhận phần nào khiến người xem nhớ đến nhân vật Mây trong phim Sóng Ở Đáy Sông. Cũng là màu sắc tương tự nhưng ở Người Vợ Cuối Cùng, nữ nghệ sĩ diễn như không diễn, mang đến cảm giác choáng ngợp cho người xem trong mỗi biểu cảm và lời thoại.
NSƯT Kim Oanh
NSƯT Kim Oanh trong vai vợ cả
Người tiếp theo để lại dấu ấn riêng là quan tra án Kiên của diễn viên Quốc Huy. Nửa đầu phim, diễn biến được xây dựng theo hướng chính kịch và hài kịch, không có cao trao hay điểm nhấn. Đến giữa, nhân vật Kiên xuất hiện thì bộ phim chuyển hướng nhẹ sang trinh thám, điều tra. Có thể nói, phân đoạn của Kiên như kéo người xem "tươi tỉnh" trở lại. Một vụ án không quá hóc búa nhưng ở thời xưa để điều tra và xử lý ổn thõa mọi chuyện là điều không dễ, Kiên phải dành nhiều thời gian quan sát và tìm hiểu để xâu chuỗi các đầu mối, từ đó mới có thể "phá án" thành công.
Diễn viên Quốc Huy
Quốc Huy thể hiện rất tốt hình ảnh một người quan liêm minh, biết đúng sai phải trái. Dù Kiên biết Linh là đồng phạm với Nhân nhưng anh không chọn để cả 2 phải cùng chịu tội, mặc khác anh cũng biết Linh gặp nhiều ấm ức khi làm vợ quan nên mới bị dồn đến đường cùng. Kiên cho Linh một đường sống cũng là cho Nhân một lối thoát.
Ngoài ra, vai diễn của thầy đề Thiện Lương của diễn viên Nguyễn Anh Dũng cũng khá ấn tượng, không còn hình ảnh "trợn mắt" mà khán giả thường thấy trong các bộ phim truyền hình, thay vào đó Anh Dũng mang đến một nét diễn điện ảnh khiến nhân vật Thiện Lương có phần khó đoán ở phần đầu phim.
Diễn viên Nguyễn Anh Dũng
Đáng tiếc nhất chính là đôi diễn viên chính Kaity Nguyễn (Linh) và Thuận Nguyễn (Nhân), cả hai không để lại được sự ấn tượng bằng những nhân vật khác trong phim. Ở những phân cảnh thân mật hai diễn viên đều thể hiện rất tốt, góc máy quay tinh tế, mang đến thước phim đẹp không hề bị phô khi lên màn ảnh rộng. Dù vậy trong tương tác đời thường như ánh mắt, lời nói cả Kaity và Thuận Nguyễn đều diễn chưa "tới", khiến người xem khó cảm được cái tình giữa hai người ngoài những "cảnh nóng".
Đôi diễn viên chính Kaity Nguyễn (Linh) và Thuận Nguyễn (Nhân)
Cảnh phim thu hút sự quan tâm của khán giả
Nhìn chung, Kaity Nguyễn và Thuận Nguyễn ở mức ổn nhưng dàn diễn viên phụ lại làm tốt quá khiến hai diễn viên chính bị lấn át.
Người Vợ Cuối Cùng đẹp... nhưng còn thiếu sót về kịch bản
Trong xuyên suốt 92 phút, bộ phim tập hợp đủ các thể loại: tình cảm, kịch tính, kinh dị và một chút châm biếm. Tất nhiên không sai khi gộp chung các yếu tố này trong một tác phẩm nhưng nếu làm không đủ khéo sẽ càng khiến bộ phim trở nên quá tham lam, ôm đồm mà không để lại được ấn tượng đặc biệt.
Diễn biến của phim được phơi bày rõ ràng cho người xem, không ẩn ý, không cầu kỳ, không cao trào và cứ trôi qua mà chẳng có gì đặc sắc. Cái hay của Victor Vũ là không khiến bộ phim quá dài dòng đến mức khán giả "ngáp ngắn ngáp dài", nhưng ít nhiều sẽ khiến họ dễ cảm thấy chán ở một vài tình tiết.
Tuy chemistry giữa 2 nhân vật không được đánh giá cao nhưng trong mỗi khung hình của phim trông rất xứng đôi
Người Vợ Cuối Cùng lấy câu chuyện tình yêu giữa Nhân và Linh làm chính, tuy vậy mối tình giữa hai người lại không được xây dựng đủ sâu sắc để làm tiền đề cho sự hy sinh lớn lao mà cả hai dành cho nhau sau này. Ở thời đại xưa việc ngoại tình, dan díu, chửa hoang... là các tội cực kỳ nặng. Nhân và Linh phải khăng khít đến mức nào mới dám làm những điều này, bộ phim cũng không "trình bày" đủ lý do để người xem có thể "chấp nhận" được. Đối với cá nhân tôi, hành trình phá án của thầy Kiên tuy không dài nhưng thậm chí còn ấn tượng hơn câu chuyện tình yêu giữa Linh và Nhân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhân vật nam chính khiến khán giả có chút thiếu thiện cảm lúc đầu phim. Một người đàn ông bỏ đi mấy năm trời nhưng lúc trở về vẫn trắng tay, không hơn không kém thuở xưa thậm chí cũng chẳng bản lĩnh, sáng dạ hơn là bao. Phải đến đoạn cuối phim, Nhân mới thể hiện được sự mạnh mẽ, tỉnh táo của bản thân mình để bảo vệ những người thân yêu.
Thuận Nguyễn
Dù vậy, nếu nhìn ở khía cạnh khách quan hơn, Nhân bản chất cũng chỉ là một người dân bình thường, không nơi nương tựa, không học vấn cao rộng nên trong suy nghĩ và hành động vẫn rất bản năng, ít tính toán. Ưu điểm lớn nhất của Nhân có chăng chính là lòng chung thủy và tình yêu sâu đậm dành cho Linh.
Nhìn chung Người Vợ Cuối Cùng là một bộ phim vẫn đáng để chúng ta dành thời gian thưởng thức, không chỉ vì những thước phim đẹp mà còn để ủng hộ cho một trong những đạo diễn phim điện ảnh hiếm hoi gìn giữ và tôn vinh được cái xưa của Việt Nam.
Người Vợ Cuối Cùng hiện đang phát sóng trên hệ thống rạp chiếu phim toàn quốc.
Cái tên bị ghét nhất "Người vợ cuối cùng": Thoại "xàm" còn hay dỗi hờn, tưởng giúp nhưng toàn hại nữ chính Giữ vai trò quan trọng trong "Người vợ cuối cùng" nhưng nhân vật này bị khán giả ghét vì được xây dựng gây ức chế. Người Vợ Cuối Cùng vẫn đang có hành trình "công phá" doanh thu khá thuận lợi ngoài rạp, hiện đứng đầu phòng vé với con số gần 50 tỷ đồng sau xấp xỉ 1 tuần chiếu. Tuy vậy,...