Review phim cổ trang 18+ “Người vợ cuối cùng”: Cảnh nóng nặng đô nhưng tinh tế, nữ chính đẹp rực rỡ dù mặc khiêm nhường
“ Người vợ cuối cùng” của Victor Vũ là một bộ phim chỉn chu và đẹp. Cái đẹp đến cả từ cảnh nóng trong phim.
*Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Người vợ cuối cùng đánh dấu 10 năm Victor Vũ mới quay lại với phim cổ trang, và 2 năm với một tác phẩm điện ảnh. 2 năm qua, vị đạo diễn sinh năm 1975 thú nhận rằng mình đã dồn toàn bộ trái tim và khối óc, mồ hôi và nước mắt cho “đứa con” này.
Liệu rằng những gì mà Victor Vũ và ê kíp đã tạo nên có chinh phục được khán giả?
Xót xa thân phận người phụ nữ thời phong kiến
Người vợ cuối cùng lấy bối cảnh thế kỷ 19 ở làng quê Bắc Bộ. Phim mở ra với bối cảnh đám cưới. Linh, cô gái con nhà nghèo bất ngờ một bước đổi đời, trở thành vợ ba trong gia đình quan tri huyện. Nhưng chẳng ai biết đằng sau cái đám cưới linh đình ấy là một câu chuyện khác.
Linh được cưới về không phải để được sống trong nhung lụa kẻ hầu người hạ. Trong phòng cô treo một cái thòng lọng, không phải để treo cổ, mà là để… treo chân sau mỗi lần ân ái phòng the, để cô có thể giữ thật lâu những “hạt vàng hạt ngọc” từ quan và sớm sinh quý tử.
Linh cũng từng sinh nở, nhưng là một bé gái có cái tên khiến ai nấy xem phim cũng phải giật mình – Đông Nhi. Thế nhưng 7 năm sau lần sinh nở ấy, dù có uống bao nhiêu thuốc bổ, dù có treo chân cao đến đau cả mình mẩy, thì cô cũng không thể sinh thêm cho quan một mụn con nào nữa.
Mang thân phận vợ ba, nhưng Linh ăn cơm phải ngồi mâm riêng. Cô là cái bao cát trút giận của quan mỗi lần ông ta nổi nóng. Linh ăn vận khiêm nhường, chẳng khác kẻ ăn người ở là mấy. “Phạm vi hoạt động” của cô là gian bếp, nơi Linh quán xuyến chuyện bếp núc, chợ búa, ăn uống cho người nhà.
Cuộc sống của Linh là những chuỗi ngày dài tẻ nhạt, chịu đựng, nhẫn nhục, như ánh nhìn bất lực và đau đớn của cô trong mỗi lần ân ái với người chồng đáng tuổi bố mình… cho đến một ngày, cô gặp lại Nhân – mối tình đầu một thuở…
Bộ phim của sự chỉn chu
Victor Vũ và ê kíp luôn nhấn mạnh một điều rằng, Người vợ cuối cùng là bộ phim hoàn toàn hư cấu, chỉ lấy bối cảnh lịch sử là nền tảng để phát triển câu chuyện. Ấy thế nhưng những chi tiết tái hiện bối cảnh lịch sử trong phim lại khiến người xem phải trầm trồ, thán phục bởi sự dụng công và chỉn chu đến từng chi tiết.
Có thể thấy ekip Người vợ cuối cùng đã nỗ lực phục dựng và mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế nhất có thể so với hình ảnh tư liệu. Sự sáng tạo này được đặt trong khuôn khổ đề cao nét đẹp truyền thống của cả ba miền trong tạo hình của các nhân vật.
Video đang HOT
Không chỉ là trang phục, tạo hình nhân vật, việc phục dựng bối cảnh xưa trong phim cũng cho thấy sự kỳ công của ê kíp Người vợ cuối cùng khi giúp khán giả như được chu du về quá khứ, sống trong bầu không khí thấm đẫm chất Bắc Bộ từ mái đình, phủ quan, mâm cỗ, chợ quê… tới những chi tiết nhỏ nhắn, tinh tế như các vật dụng, đồ trang trí.
Sau câu chuyện bối cảnh, thì diễn xuất đồng đều, ấn tượng của dàn diễn viên Người vợ cuối cùng cũng là một điểm nhấn đắt giá. Tất cả các nhân vật, từ chính đến phụ, ít hay nhiều đất diễn đều mang một màu sắc rất riêng, khiến người xem phải ghi nhớ.
Người vợ cuối cùng – Vẻ đẹp đến cả từ cảnh “nóng”
Xem Người vợ cuối cùng, có lẽ không ít khán giả phải thốt lên một từ “đẹp”. Nét đẹp đến từ bối cảnh, diễn viên, và cả nét đẹp trong từng thông điệp mà bộ phim gửi gắm.
Đó là vẻ đẹp của khát vọng: khát vọng được yêu, khát vọng tự do. Khát vọng giống như một ngọn lửa nhỏ luôn cháy âm ỉ trong trái tim mỗi người, dù có đôi khi, vì những khổ đau, lo toan, gánh nặng cuộc đời, con người ta không nghĩ, hoặc không dám tin mình còn khát vọng.
Nhưng ngọn lửa nhỏ đó, chỉ chờ một cơ hội để cháy bùng lên rực rỡ. Khát vọng như tiếng thở dồn dập của Linh trong một đêm mưa bão, thôi thúc cô tìm đến với người đàn ông mình thương nhớ cả thanh xuân. Khát vọng như ánh nhìn kiên định của cô lúc đưa ra những quyết định quan trọng để giải phóng cho chính bản thân mình. Khát vọng ấy mạnh mẽ hơn cả những nỗi đau thể xác. Nó chính là thứ nuôi sống tâm hồn Linh, đưa cô trở lại là một cô gái tràn đầy sức sống và tin yêu, sau những năm tháng dài sống trong tăm tối ở nhà quan. Nó cũng là thứ khiến cho Mợ Cả không hiểu được, rằng tại sao bà ta chửi mà Mợ Ba vẫn cười?!
Người vợ cuối cùng cũng là bộ phim tôn vinh vẻ đẹp của tâm hồn con người, là thứ không thể bị che lấp đi dù có khổ đau bất hạnh. Đó là vẻ đẹp của sự thiện lương, đức hy sinh, thứ vẻ đẹp khiến một người phụ nữ dù ăn vận khiêm nhường và u buồn như Linh vẫn trở nên rực rỡ.
Và cuối cùng, không thể không nhắc tới, vẻ đẹp bất diệt của tình yêu. Tình yêu, không đơn thuần chỉ là những ái ân thể xác, nó còn là sự trân trọng, là những hy sinh cho người mình thương. Để vẽ nên một câu chuyện tình, những cảnh nóng trong phim là cần thiết. Nói về cảnh nóng, có lẽ không có nhiều bộ phim có cảnh nóng đẹp mà “chạm” như Người vợ cuối cùng.
Trong quá trình đưa Người vợ cuối cùng ra rạp chiếu, phía truyền thông của phim có nhắc nhiều đến cảnh nóng. Bộ phim cũng xuất hiện nhiều cảnh ân ái giữa Linh và 2 người đàn ông, một là chồng, hai là người tình. Nhưng phân cảnh được coi là “nóng” nhất có lẽ chỉ có một mà thôi. Đó là phân cảnh giữa Kaity Nguyễn và Thuận Nguyễn.
Nhưng ngay cả trong cái biên độ được xếp vào “rất” trần trụi đó, thì cảnh nóng này vẫn đẹp và giàu cảm xúc theo một cách rất riêng. Nó cũng khắc họa một sự tương phản rõ nét giữa 2 cách “yêu” của 2 người đàn ông. Nếu như người chồng quan tri huyện chỉ coi Linh như một “cỗ máy đẻ”, nơi hắn trút vào những “hạt vàng hạt ngọc” của bản thân và cả những đòn roi khi cao hứng, thì khi Linh ở bên Nhân, người đàn ông đó yêu cô, trân trọng cô, say mê cô. Tên quan huyện cục súc bao nhiêu, thì Nhân nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Và khi yêu, anh yêu luôn cả những tổn thương, những nỗi đau, những vết xước trên thân thể người phụ nữ của mình.
Đó là lý do cảnh nóng của phim được làm rất nặng đô, nhưng lại chạm tới trái tim người xem, thay vì sự phản cảm.
Không dành cho người thích xem phim nhanh
Sở hữu rất nhiều điểm cộng tinh tế, nhưng Người vợ cuối cùng có lẽ vẫn không phải một bộ phim dành cho tất cả. Khoan nói đến cái mác 18 , thì cái nhịp chậm rãi, đôi khi hơi “sốt ruột” của phim cũng không dành cho những người quen xem phim nhanh, đòi hỏi nhiều tình tiết cao trào và những cú “twist” giật liên tục. Bối cảnh phim cũng bó hẹp nên dễ gây ra cảm giác “tù” cho một số khán giả.
Ngoài ra, chi tiết có thể tạo ra nhiều tranh cãi cho khán giả chính là tiếng nói của diễn viên trong phim. Người xem có thể bị “loạn” với ngôn ngữ đa vùng miền trong tác phẩm. Ví như trong gia đình Linh, bố nói giọng Bắc, mẹ nói giọng Nam, con nói giọng Nam. Hay trong gia đình quan huyện, quan và Mợ Cả nói giọng Bắc, Mợ Hai lại nói giọng Nam… Theo giải thích của Victor Vũ, anh muốn giữ lại trọn vẹn cảm xúc của diễn viên nên đã quyết định không lồng tiếng. Ê kíp chỉ cố gắng phổ thông hóa lời thoại, hạn chế thổ ngữ, phương ngữ và cổ ngữ có thể gây khó hiểu cho người xem, giúp thoại phim dễ nói, dễ nghe, còn lại câu chuyện vùng miền, Victor Vũ cho rằng, điện ảnh vẫn có thể cho phép sự sáng tạo trong khuôn khổ chấp nhận được.
Với giải thích của vị đạo diễn, có lẽ khán giả xem phim cũng sẽ thông cảm được, vì suy cho cùng, ngôn ngữ của vùng miền nào thì vẫn là ngôn ngữ tiếng Việt, đều đáng trân trọng, và với một tác phẩm hư cấu, thì sẽ chẳng có vấn đề gì nếu chúng được đặt cạnh nhau, đan xen vào nhau như cái cách Người vợ cuối cùng đã làm.
Có một vài thông tin thú vị, đó là Người vợ cuối cùng được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái – đồng thời cũng là bố vợ đạo diễn Victor Vũ. Vị đạo diễn tiết lộ anh và bố vợ đều đam mê lịch sử và có thể nói chuyện xuyên đêm về lịch sử.
Vợ anh, diễn viên Đinh Ngọc Diệp thủ vai Mợ Hai trong phim, một nhân vật không nhiều đất diễn nhưng duyên dáng và thú vị, hứa hẹn sẽ được nhiều khán giả yêu mến khi ra rạp xem phim.
Sau 2 năm tái xuất, Người vợ cuối cùng khó có thể nói là một tác phẩm đột phá, tạo sự bùng nổ của Victor Vũ. Nó vẫn nằm ở đâu đó trong ngưỡng an toàn, nhưng vừa đủ chỉn chu, vừa đủ tinh tế, vừa đủ hấp dẫn để níu chân người xem.
Người vợ cuối cùng khởi chiếu tại rạp từ ngày 3.11.2023.
Người Vợ Cuối Cùng: Tiếc cho Victor Vũ và Kaity Nguyễn!
Cảnh đẹp lẫn cảnh nóng là chưa đủ để Người Vợ Cuối Cùng ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi kịch bản quá đỗi nhạt nhòa.
Từ trước đến nay, nhắc đến Victor Vũ thì người xem luôn nghĩ đến những bộ phim mang màu sắc kinh dị, rùng rợn hay plot twist tung trời như Scandal: bí mật thảm đỏ (2012), Quả tim máu (2014) hay ít nhất là Người bất tử (2018), Thiên thần hộ mệnh (2021). Tuy nhiên, việc thay đổi nguyên tác Hồ oán hận để Người vợ cuối cùng tập trung vào tình cảm thay vì tâm linh đã khiến anh bộc lộ rõ điểm yếu.
Người vợ cuối cùng bắt đầu khi Linh (Kaity Nguyễn) trở thành vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng). Sau 7 năm, cô chỉ sinh cho ông được đúng một đứa con gái nên phải sống như kẻ hầu người hạ trong nhà. Một lần tình cờ, Linh gặp phải người yêu cũ là Nhân (Thuận Nguyễn) ngoài chợ. Cả hai lén lút nối lại tình xưa nhưng đồng thời cũng đối mặt với vô vàn biến cố.
Sự chỉn chu trong bối cảnh, trang phục
Trước khi phim ra rạp, Victor Vũ là ê-kíp tỏ ra tự tin trong việc tái hiện bối cảnh. Và họ đã làm được điều đó. Hồ Ba Bể đẹp đến mê hồn với những mảng xanh của đồng lúa đan xen với nước và núi non vô cùng hoành tráng. Hình ảnh làng quê Bắc Bộ hiện lên rất sống động với những trang phục cầu kỳ, chỉn chu đến từng chi tiết. Cảnh họp chợ, tạo hình các nhân vật đều như bước ra từ những hình ảnh tư liệu xưa.
Những góc quay của Victor Vũ cũng rất đẹp. Vốn có kinh nghiệm từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) hay Mắt biếc (2019), anh mang đến cho khán giả nhiều khung hình đẹp miên man. Mỗi phân đoạn đều có sự đầu tư rõ rệt, cách đi đứng, từng vật dụng xung quanh hay trang sức trên người nhân vật, ánh sáng đều có sự chăm chút.
Nhưng tất cả chỉ dừng ở đó. Yếu tố văn hóa trong phim dường như chỉ được thể hiện ở bề nổi. Người vợ cuối cùng thiếu vắng hẳn những thú vui thường ngày, những trò chơi dân gian của cả trẻ em và người lớn thời xưa. Những lễ hội làng xã Bắc Bộ không hề xuất hiện. Hay cuộc sống thường nhật, sinh hoạt của quan lại, người dân đều vắng bóng.
Thậm chí, những cảnh nóng mà Người vợ cuối cùng quảng bá rầm rộ trước khi ra rạp cũng không thật sự ấn tượng. Đúng là Victor Vũ có cài cắm ẩn ý về chiếc thòng lọng mà quan tri huyện dùng để kéo chân Linh cho dễ đậu thai hay sự tương phản khi cô làm tình với Đức Trọng và Nhân. Song, đây là những chi tiết vô cùng hiển nhiên trong điện ảnh. Một đạo diễn ít tên tuổi nhưng qua trường lớp cũng có thể làm được. Cái khán giả cần là sự tinh tế trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật thì lại không có. Phim bị lơ lửng giữa sự trần trụi, tiết chế để che chắn cho diễn viên và bộc lộ sự nồng nhiệt mà không có cách nào giải quyết triệt để.
Một chi tiết khiến khán giả khó chịu khác chính là phần thoại của Người vợ cuối cùng rất khiên cưỡng. Dường như phim dịch sát nghĩa từ tiếng Anh ra tiếng Việt để các diễn viên đọc trả bài chứ không phải cách nhân vật trò chuyện với nhau thường ngày. Phần âm nhạc cũng khá lạc quẻ khi không hề phù hợp với cảm xúc của cảnh phim mà xuất hiện vô tội vạ.
Kịch bản nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn
Nguyên tác Hồ oán hận vốn mang màu sắc tâm linh, trinh thám. Song, Victor Vũ lại chỉ "lấy cảm hứng" và chuyển Người vợ cuối cùng sang thể loại tình cảm. Tuy nhiên, đạo diễn cho thấy rõ sự đuối sức. Kịch bản của phim không hề mới mẻ. Câu chuyện cô gái bị gả làm vợ lẽ cho quan già rồi nhớ thương, ngoại tình với người khác xuất hiện trong vô số phim từ Đông sang Tây, cả truyền hình lẫn điện ảnh. Hay gần đây nhất thì Vợ ba (2018) cũng có nội dung gần như tương đồng. Ấy vậy mà Victor Vũ lại không mang đến một thứ gì đó hứa hẹn hay khiến khán giả mong đợi. Phim được kể theo một mạch tuyến tính, không có nhiều nút thắt hay sự kịch tính nào.
Người vợ cuối cùng cũng chứa đầy những tình tiết bất hợp lý. Gần nửa thời lượng đầu phim chỉ tập trung xoay quanh việc Linh và Nhân ngoại tình với nhau mà chẳng gặp một trở ngại nào. Mọi thứ diễn ra với hai nhân vật chính quá dễ dàng. Chỉ cần gặp lại Nhân nói vài câu vào buổi sáng thì tối đó, Linh chạy ngay đến nhà anh kể rõ đầu đuôi rồi lại làm hòa.
Cả hai gặp nhau không chút lén lút gì và chẳng hiểu sao Linh đang là vợ bé nhà quan, lại gánh trọng trách sinh con nối dõi nhưng thoải mái về thăm gia đình liên tục mà chẳng ai nghi ngờ, cấm đoán. Những tình huống mối quan hệ của họ suýt bị phát hiện cũng không thật sự cao trào như cách Victor Vũ từng làm với nhiều phim trước.
Đến giữa phim, Người vợ cuối cùng có thêm một chút yếu tố trinh thám. Đây có lẽ là những phút giây hấp dẫn nhất phim khi mang đến chút cảm giác hồi hộp. Tiếc thay, chúng qua nhanh như một cơn gió. Đoạn cuối phim, mọi thứ lại được giải quyết một cách đơn giản, nặng tính sắp đặt.
Kaity tỏa sáng nhưng không ăn nhập với phần còn lại
Kể từ Em chưa 18 (2016), Kaity Nguyễn đã chứng tỏ được năng lực diễn xuất của bản thân trong mắt khán giả và cả người trong nghề. Đến Người vợ cuối cùng, nữ diễn viên sinh năm 1999 có màn thể hiện xuất sắc hình ảnh một cô gái phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống. Linh trong nhà quan tri huyện nhỏ nhẹ, cam chịu và phẫn uất. Nhưng khi ở bên Nhân, cô mới là chính mình, hồn nhiên, lém lỉnh và cảm xúc.
Đặc biệt, biểu cảm đôi mắt của Kaity rất tốt. Nhiều cảnh phim, cô để cho khán giả hiểu được sự khao khát và không dám nói nên lời hay nỗi buồn khi phải sống cuộc đời lén lút, không như ý muốn. Nhân vật Linh có rất nhiều cung bậc cảm xúc và nội tâm phức tạp nhưng đều được Kaity Nguyễn truyền tải tốt đến người xem.
Tiếc thay, Thuận Nguyễn chỉ ở mức tròn vai. Hay nói đúng hơn là tính cách của Nhân không đủ thú vị để khán giả nhớ đến. Xuyên suốt bộ phim, anh chàng chỉ có một nhiệm vụ là yêu và nói lời yêu thương Linh. Phim dành cho cả hai nhiều khoảnh khắc chung nhưng lại không đủ sâu sắc để cảm nhận được tình yêu đến mức sống chết của họ. Đồng thời, phân đoạn về giai đoạn mối tình giữa họ nảy nở cũng được xây dựng khá sơ sài. Do đó mà ngoài cảnh nóng ra, Linh và Nhân thật sự không có một hình ảnh đáng nhớ nào.
Kiên của Quốc Huy cũng là một điểm nhấn khác. Vị quan tra án có phong thái đĩnh đạc, cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý và châm biếm sâu sắc. Chỉ bằng lời nói hay ánh mắt sắc bén, anh cũng có thể dễ dàng khiến người đối diện cảm thấy bất an và không rõ có bị phát hiện ra lời nói dối hay không.
Quan tri huyện Đức Trọng là một kẻ gian ác, luôn cúi kẻ trên và hành hạ người dưới. Nhưng gã cũng chịu áp lực vì những lời đồn đại là vô sinh. Bà cả thì hiểm độc, cay nghiệt nhưng cũng vì kiếp chồng chung. Bà hai Mẫn thì lại sống có tình cảm hay trêu chọc mọi người.
Đây đều là những nhân vật thú vị nhưng tiếc là lại bị kịch bản cắt đất diễn một cách tàn nhẫn. Không những thế, NSƯT Quang Thắng và NSƯT Kim Oanh lại mang nét diễn hài đặc trưng từ những tiểu phẩm Tết ngoài Bắc. Ngược lại, nét diễn của Đinh Ngọc Diệp, Kaity Nguyễn hay Thuận Nguyễn lại đậm chất Nam Bộ khiến mọi thứ không hề ăn nhập. Mỗi khi họ xuất hiện chung, khán giả lại cảm thấy có gì đó gượng gạo, không "ăn rơ" với nhau giữa màu sắc của các nhân vật.
Chấm điểm: 3/5
Nhìn chung, Người vợ cuối cùng cho thấy Victor Vũ vẫn có sự kỳ công trong việc nghiên cứu văn hóa, trang phục và xây dựng bối cảnh cổ trang. Song, một bộ phim thuần tình cảm dường như không phải thế mạnh của anh. Tiếc cho một dự án được khán giả kỳ vọng rất nhiều khi quy tụ hai cái tên nổi đình nổi đám là Victor Vũ và Kaity Nguyễn nhưng kết quả thì lại không như mong muốn.
'Người vợ cuối cùng': Victor Vũ 'chơi' an toàn, Kaity Nguyễn bứt phá 'Người vợ cuối cùng' được đạo diễn Victor Vũ chăm chút tối đa phần nhìn với những cảnh quay đẹp đẽ, tinh tươm nhưng anh lại chọn "chơi" an toàn trong khâu kịch bản. Nếu không may mắn chiêu mộ được một dàn diễn viên thực lực thì bộ phim cũng dễ sa vào nhàm chán với cách vận hành của một bộ...