Người thầy, nhà báo tận tụy
Vừa là nhà giáo, vừa là nhà báo, vừa dành thời gian viết văn, ở vai trò nào, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng luôn nỗ lực hết mình.
Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về tình yêu, niềm đam mê cũng như những trăn trở với nghề viết, giảng dạy báo chí mà thầy đã dành nhiều thời gian theo đuổi.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PV: Thưa thầy, thầy bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ khi nào?
PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh: Có thể nói cái duyên được hoạt động báo chí đến với tôi từ rất sớm. Bố tôi là một nhà báo chiến trường, ông viết cho báo Quân Giải phóng Trị Thiên Huế, sau này cũng có thời gian cộng tác với Báo Quân đội nhân dân, rồi về làm cán bộ tuyên huấn. Tôi kế thừa được nhiều từ bố của mình vì ông rất coi trọng việc đọc sách, báo. Khi còn nhỏ, bố tôi hay đem sách, báo về cho tôi đọc. Còn nhớ ngày đó lương cán bộ chỉ bốn, năm chục đồng một tháng nhưng mẹ tôi sẵn sàng bỏ ra chục đồng để mua sách cho tôi nếu tôi thích. Tôi vẫn nhớ đó là cuốn tiểu thuyết “Đứa con của đất” của nhà văn Anh Đức, quyển sách đó có giá 10 đồng 0 hào 5 xu, đó là cuốn sách đắt nhất mà tôi từng được mua trong cuộc đời vì nó chiếm một phần ba tháng lương ít ỏi của mẹ tôi. Ngày đó, tôi còn đặc biệt thích những Chủ nhật được bố đưa xuống thư viện tuyên huấn tỉnh đội để đọc những cuốn sách của Nhà xuất bản Quân đội. Tốt nghiệp sư phạm văn năm 1985 khi vừa tròn 20 tuổi, mang trong mình đam mê cháy bỏng với nghề báo, tôi được tuyển vào cơ quan báo tỉnh Hà Bắc, được học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc ngắn ngày và bắt đầu vào nghề.
Người ta quan niệm phóng viên trẻ khi ném vào thực tiễn nếu bơi được thì sẽ trở thành nhà báo, còn nếu không bơi được thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Có nghĩa là bị ném xuống biển thì phải cố mà bơi, tự đi tìm hiểu nghề báo xem là phỏng vấn thế nào, tìm đề tài ra sao, cách viết tin bài thế nào, các thể loại ra sao, cuối cùng có bài để đăng báo là được. Tôi thích nhất câu nói có ý: Nếu trong tình huống không may mà bạn bị ném xuống biển thì bạn không được chết đuối. Không những không được chết đuối mà lúc ngoi lên bờ trong miệng phải ngậm một con cá. Sau nhiều năm loay hoay tìm cho mình lối đi, tôi đúc kết ra kinh nghiệm khi viết báo về lĩnh vực nào đó ngoài kiến thức về báo chí còn phải có kiến thức chuyên môn chuyên sâu, thực tiễn về lĩnh vực đó để có thể viết sao cho gần với người đọc nhất. Suốt những năm thường trú ở miền núi và viết những bài liên quan đến vùng cao, vùng sâu, đời sống giáo viên, bà con người dân tộc, cán bộ, chiến sĩ quân đội, những người làm lâm trường, tất cả những ngõ ngách của đời sống con người… Tôi nhận ra cuộc sống thực tiễn nó khiến con người ta trưởng thành và tôi cảm ơn những năm tháng đó.
Trong danh xưng là nhà giáo, nhà báo, nhà văn thầy tâm đắc nhất là vai trò nào?
Với cá nhân, tôi yêu mến tất cả những danh xưng đó, bởi lẽ mỗi một danh xưng đều gắn với một công việc mà tôi đã yêu thích. Nó mang cho tôi những vai trò thể hiện, những trải nghiệm riêng. Ví dụ như vai trò nhà báo đòi hỏi tôi phải thâm nhập thực tiễn, rèn luyện để trưởng thành từ thực tiễn, cố gắng rèn nghề, viết được nhiều thể loại, hiểu tường tận các nguyên tắc của việc viết báo. Sau này khi trở thành giảng viên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền giảng dạy về báo chí lại đòi hỏi tôi càng phải nỗ lực, học hỏi nhiều hơn nữa để hiểu rõ hơn về nghề nghiệp, từ đó truyền tải cho sinh viên. Từ người làm báo, trở thành nhà giáo giảng dạy về báo chí, về truyền hình hay báo chí đối ngoại, truyền thông quốc tế… là cả một quá trình. Đó là quá trình của những nỗ lực rèn luyện bản thân và sự giúp đỡ của đồng nghiệp cũng như những người xung quanh.
Còn về nhà văn, tôi vẫn chưa dám nhận mình là một nhà văn, bởi theo quan niệm, nhà văn phải là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi chỉ là một người viết văn nghiệp dư, các bạn bè yêu mến gọi tôi là nhà văn. Nhưng nói đến lĩnh vực văn chương, tôi thấy là nghề báo cho ta vốn sống và trải nghiệm cuộc sống. Nó giúp ta có những tư liệu và dùng thủ pháp nghệ thuật của văn chương để có thể viết nên những tác phẩm văn học mang tính hình tượng, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là một sự nghiệp mà không thể nói là dễ dàng đạt được sự công nhận của công chúng.
Người ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan”, không biết trong sự nghiệp cầm bút và dạy học của mình thầy đã gặp phải những khó khăn gì?
Video đang HOT
Nghề nào cũng có những khó khăn của nó, không chỉ riêng nghề báo hay nghề giáo. Tôi hay nói với các em sinh viên là phải luôn nỗ lực học tập không ngừng. Tôi cho rằng mỗi người có một cố gắng và nỗ lực riêng, khi cuộc sống có nhiều thử thách như thế nó khiến con người ta trải nghiệm nhiều hơn, cảm nhận được giá trị cuộc sống sẽ thấy quý hơn. Đôi khi cuộc sống của nhiều người quá dễ dàng nên người ta không thấy quý những nỗ lực, những gì đã có. Còn với tôi, tôi rất quý vì tất cả tôi đều phải bắt đầu từ số âm.
Với vai trò là một nhà báo, nhà giáo, thầy đánh giá như thế nào về việc đào tạo báo chí hiện nay?
Tôi cho rằng xu thế đào tạo báo chí hiện nay đang có sự thay đổi rất lớn. Thay đổi vì sao? Chúng ta biết báo chí phát triển bao giờ cũng phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật. Công nghệ, kỹ thuật của truyền thông đang thay đổi từng ngày nên những người làm báo, truyền thông cũng cần thay đổi và thích nghi. Rất may ở nơi tôi đang làm việc – Học viện Báo chí và Tuyên truyền – đã có rất nhiều thay đổi về phương thức đào đạo, tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Ví dụ Khoa Quan hệ quốc tế đã mở thêm ngành truyền thông quốc tế, đào tạo để có một thị trường lao động phù hợp. Nếu cách đây 5, 10, 15 năm, không có các công ty nước ngoài, không có các tổ chức quốc tế, truyền thông quốc tế toàn cầu kết nối như hiện nay thì đào tạo ra cũng rất khó sử dụng, chỉ có thể làm trong các cơ quan nhà nước. Hiện nay, thị trường lao động ấy trải đều ở nhiều thành phần, có nhiều chủ thể về truyền thông của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp… Cho nên việc đào tạo báo chí và mở rộng hơn nữa vấn đề truyền thông, đã và đang đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường lao động, xã hội. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiến hành điều tra về sử dụng lao động ở thị trường cho thấy tỉ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành, nghề khá nhiều; đó là điều đáng phấn khởi.
Nói chung hiện nay trong xu thế đào tạo báo chí đã có nhiều đổi mới như: Trong tuyển chọn đầu vào của sinh viên, trong quá trình đào tạo các môn học có nhiều thay đổi, trong tăng cường kiến thức thực hành thực tế, tăng cường sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với thị trường lao động ở bên ngoài.
Trong xu thế thời đại 4.0 đang chiếm ưu thế như hiện nay thì thầy đánh giá như thế nào về đạo đức của những người làm báo?
Nói về đạo đức nghề nghiệp tôi cho rằng bất cứ thời nào cũng cần. Bác Hồ nói rằng bất cứ ngành nghề nào đào tạo cán bộ cho Đảng và nhà nước Việt Nam là phải đào tạo vừa hồng vừa chuyên. Theo tôi hiểu cái hồng ở đây là những con người biết sống vì mọi người, chuyên là giỏi về chuyên môn. Nói riêng về lĩnh vực báo chí hiện nay đào tạo chuyên môn được chia làm hai phần rất quan trọng là chuyên môn về nghề nghiệp báo chí và chuyên môn về các lĩnh vực chuyên ngành. Vẫn biết là không có trường nào trên thế giới có thể đào tạo được tất cả mọi thứ, nhưng việc chọn lọc đào tạo kiến thức, những phương pháp cơ bản nhất cho sinh viên là vô cùng cần thiết.
Sắp đến ngày 20 -11 sắp tới, thầy có chia sẻ gì với những thầy, cô giáo đang chèo lái con thuyền trong sự nghiệp giáo dục hiện nay?
Tôi cho rằng nghề giáo, nghề báo hay nghề nào cũng có những thách thức riêng. Người ta có thể làm nghề này nghề khác nếu chỉ để kiếm sống hay để phục vụ nhu cầu của bản thân. Nhưng đã chọn, đã yêu và say mê nghề giáo thì mình hãy giữ lửa nghề, giữ nhiệt huyết ấy. Quan trọng hơn cả là truyền được nhiệt huyết cho các thế hệ học trò; bởi đôi khi có những việc ta làm là để cho nghề tốt hơn, làm cho đẹp cuộc đời chứ không chỉ vì nhu cầu cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn nhà báo, nhà giáo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh!
Theo QĐND
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Hà Nội tôn vinh 125 nhà giáo tiêu biểu
Sáng 11/11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo ưu tú, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2018 - 2019, chao mưng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Đây là năm học thứ ba ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức xét, trao Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" tôn vinh những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học, có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học".
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm); Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trường Mẫu giáo Mầm Non B (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), Trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên), Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Hà Đông); Huân chương Lao động hạng Ba cho 12 tập thể và 6 cá nhân.
Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thành tích xuất sắc cũng nhận được Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau vòng tổ chức xét chọn cấp trường, cấp quận, huyện, có 125 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học đã được Ban Tổ chức trao Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo".
Trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Phát biểu tại lễ tuyên dương, trân trọng cảm ơn những đóng góp của ngành Giáo dục và Đào tạo cho công cuộc kiến thiết Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Thành quả đạt được trong 65 năm qua là vô cùng quý giá, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội, là công sức, trí tuệ và tâm huyết của biết bao thế hệ nhà giáo, nhà quản lý của Thủ đô, những tấm gương tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại. Trong đó, cần lưu ý rằng năm học 2019 - 2020 là năm học cuối của nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội thì ngành cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng; hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường, chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, tính đến đầu năm học 2019 - 2020, Hà Nội có 2.746 trường (gồm 2.744 trường mầm non, phổ thông và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) với 60.391 nhóm lớp, 2.023.866 học sinh. Nhiều mô hình, loại hình trường đã đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của con em Thủ đô.
Trong số các nhà giáo được tôn vinh năm học 2018 - 2019 có cô giáo Phạm Minh Ngọc - giáo viên Trường Mầm non Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, cô đã nghiên cứu, thiết kế và áp dụng có hiệu quả nhiều phần mềm giáo dục, không những giúp trẻ học nhanh, hứng thú mà còn hỗ trợ đồng nghiệp trên toàn quốc tham khảo và học hỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp - giáo viên Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai), luôn gương mẫu và nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc chăm sóc, dạy dỗ học sinh mắc chứng tăng động, giảm tập trung, học sinh tự kỉ.
Các tập thể và cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Cô giáo Vũ Bích Phương - giáo viên Trường Trung học Cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), đã trực tiếp biên soạn giáo trình dạy môn Sinh học với 6 chủ đề tích hợp trên nền tảng phần mềm công nghệ Onenote, hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức và triển khai dự án trong mùa Hè.
Cô giáo Lưu Thị Hà - giáo viên Trường Trung học Phổ thông Việt - Đức (quận Hoàn Kiếm) với khao khát truyền tình yêu môn ngữ văn cho học sinh, đã áp dụng linh hoạt nhiều hình thức và phương pháp dạy học dạy học tích cực...
Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế, 155 giải quốc gia năm 2019. Trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài với tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố là 96,18%.
Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng và phát triển mạnh về cả quy mô và chất lượng, triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng Việt Nam - Anh quốc (Chứng chỉ Cambridge) ở 8 trường thuộc cấp học Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố. Hà Nội cũng đã tổ chức thành công và giành kết quả cao trong Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) 2018, 2019 với sự tham gia của hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới...
Nguyễn Cúc
Theo TTXVN
Tha hồ giật tít, câu view, hình ảnh thầy cô trở thành 'đao phủ' Bàn về trường học hạnh phúc, tất nhiên học sinh phải là trung tâm, học sinh phải được hạnh phúc, được vui vẻ khi đến trường. Nhưng những người được giao nhiệm vụ chính để đem đến những điều hạnh phúc đó cho học sinh thì sao? Cô trò Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong một tiết học tiếng Anh...