‘Người sống sót chỉ định’ trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ
Ngày tổng thống nhậm chức là ngày các lãnh đạo Mỹ tập hợp trên một sân khấu chào đón quá trình chuyển giao quyền lực, nhưng một quan chức không được tham dự.
Mỹ quy định trong trường hợp tổng thống không thể đảm nhận nhiệm vụ, danh sách người tiếp quản vị trí của ông lần lượt là phó tổng thống, chủ tịch hạ viện và chủ tịch thượng viện tạm quyền, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả họ cùng bị tấn công và thiệt mạng trong lễ nhậm chức?
Vào ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, một thành viên trong nội các Mỹ sẽ được lựa chọn là “người sống sót chỉ định”, để thay thế ông trở thành tổng thống tương lai trong kịch bản nói trên.
Donald Trump nhậm chức tại Đồi Capitol ngày 20/1/2017. Ảnh: AP .
Video đang HOT
Nguyên tắc này được áp dụng trong các sự kiện quan trọng đòi hỏi sự tham gia của hầu hết quan chức cấp cao, như lễ nhậm chức và ngày tổng thống đọc Thông điệp Liên bang, với mục đích tránh cho nước Mỹ rơi vào tình trạng “rắn mất đầu” khi sự cố xảy ra.
Thông thường, “người sống sót chỉ định” là một trong số các quan chức phụ trách những bộ được đánh giá ít quan trọng hơn trong chính quyền Mỹ như Bộ Nội vụ, Bộ giao thông vận tải, Bộ Phát triển nhà ở và Đô thị và phải đảm bảo những tiêu chuẩn để có thể trở thành tổng thống theo hiến pháp. Danh tính của người này thường được giữ bí mật đến những giây phút cuối cùng trước khi sự kiện diễn ra.
“Tôi ngồi trong một phòng hội nghị, trước một màn hình TV lớn và theo dõi buổi lễ đang diễn ra. Do quy định bảo mật, tôi không tiết lộ được địa điểm cụ thể nhưng đó là một nơi bí mật và an toàn”, cựu bộ trưởng Nội vụ Mỹ Gale Norton, “người chỉ định sống sót” trong lễ nhậm chức năm 2005 của cựu tổng thống George W. Bush, cho biết.
“Tôi cũng đã có một trải nghiệm thú vị vào đêm 11/9/2001. Tôi đang ở một địa điểm an toàn bí mật thì nhận được cuộc gọi từ Phó tổng thống Dick Cheney nói rằng ‘chúng tôi muốn bà ở yên đó vì bà là quan chức cấp cao nhất ở bên ngoài thủ đô Washington tối nay”, Norton kể. Sau vụ khủng bố 11/9, “mọi người nhìn nhận chương trình ‘người sống sót chỉ định’ nghiêm túc hơn nhiều”.
Jeh Johnson, bộ trưởng An ninh Nội địa thời chính quyền Obama, là “người sống sót chỉ định” trong lễ nhậm chức của Trump năm 2017. Không thành viên nội các nào của Obama tiếp tục giữ vị trí dưới thời Trump nhưng vào thời điểm đó, chưa một bộ trưởng nào thuộc nội các của Trump được thượng viện thông qua. Vì vậy, Johnson phải phục vụ chính quyền Trump trong vài giờ.
“Tôi đã là thành viên nội các đầu tiên của Donald Trump trong 7,5 giờ, đó là toàn bộ nội các của ông ấy vào thời điểm đó”, Johnson nói. “Từ bộ trưởng an ninh nội địa, tôi trở thành người sống sót được chỉ định, đứng thứ 4 trong danh sách tiếp quản vị trí tổng thống rồi trở thành dân thường trong nháy mắt”.
Lý do tổng thống Mỹ nhậm chức ngày 20/1
Tổng thống Mỹ ban đầu nhậm chức vào tháng ba, nhưng ngày này được chuyển sang tháng một để rút ngắn thời gian bàn giao quyền lực cho chính quyền mới.
Ngày 20/1, Joe Biden sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, nhưng ông chỉ là tổng thống thứ 15 tuyên thệ nhậm chức vào ngày này.
Donald Trump phát biểu trong lễ nhậm chức tại Đồi Capitol ngày 20/1/2017. Ảnh: AP .
Trước đó, các tổng thống đắc cử Mỹ đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/3, kể từ lần nhậm chức thứ hai của George Washington năm 1793 (Washington nhậm chức lần đầu tiên vào ngày 30/4/1789). Ngày 4/3 là ngày chính phủ liên bang bắt đầu hoạt động theo hiến pháp Mỹ năm 1789.
Quy định này ra đời vào thời điểm Mỹ còn là một xã hội nông nghiệp, dân cư phân tán, giao thông còn bị chia cắt và các phương tiện liên lạc chưa phát triển. Các nhà lập pháp khi đó thấy rằng cần có một khoảng thời gian đáng kể giữa cuộc bầu cử và lễ nhậm chức để quan chức địa phương kiểm đếm kết quả bầu cử, tổng thống có thời gian chọn ứng viên nội các và di chuyển đến thủ đô để làm việc.
Tuy nhiên, sự ra đời của công nghệ hiện đại nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện những công việc này. Kết quả bầu cử được kiểm nhanh hơn nhiều và các quan chức dân cử có thể đến thủ đô Washington trong một vài ngày thay vì vài tuần hoặc vài tháng.
Vì vậy, 4 tháng "vịt què" (thuật ngữ để chỉ quan chức vào cuối nhiệm kỳ, khi người kế nhiệm đã được chọn) trở nên không cần thiết và còn gây ảnh hưởng tiêu cực. Khi Franklin D. Roosevelt đắc cử vào năm 1933, thời kỳ kéo dài này khiến ông không thể ngay lập tức giải quyết các thách thức kinh tế mà quốc gia phải đối mặt trong Đại suy thoái.
Vì vậy, các nhà lập pháp đã thúc đẩy để có sự thay đổi và thông qua Tu chính án thứ 20, quy định ngày lễ nhậm chức chính thức là 20/1. Kể từ ngày nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông Roosevelt năm 1937, tất cả ngày trọng đại của các tổng thống kế nhiệm đều được tổ chức vào tháng một.
Nếu ngày 20/1 rơi vào chủ nhật thì một lễ tuyên thệ nhậm chức riêng và đơn giản sẽ được tổ chức tại Nhà Trắng. Lễ nhậm chức công khai và các sự kiện ăn mừng sẽ được tổ chức vào thứ hai, ngày 21/1.
Từ khi tu chính án thứ 20 được phê duyệt, trường hợp này xảy ra với ba tổng thống: Dwight Eisenhower năm 1957, Ronald Reagan năm 1985 và Barack Obama năm 2013. Việc tổ chức lễ nhậm chức kép được thực hiện nhằm đảm bảo một cuộc chuyển đổi quyền lực suôn sẻ và tuân thủ hiến pháp.
Tổng thống Trump kêu gọi người biểu tình về nhà và 'nhớ mãi ngày này' Tổng thống Trump kêu gọi đám đông biểu tình trong ôn hòa những vẫn khẳng định cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. "Đây là những điều và sự kiện xảy ra khi một chiến thắng trong cuộc bầu cử thiêng liêng bị tước đi một cách bất chính và tàn nhẫn với những người yêu nước vĩ đại và bị đối xử...