Người phụ nữ hiến xác cho khoa học trở thành ‘thi thể bất tử’
Sau khi hiến cho khoa học, thi thể Susan Potter được đông lạnh và cắt 27.000 lần, tạo nên thi thể kỹ thuật số.
Lần đầu gặp gỡ Susan Potter và nghe bà bày tỏ nguyện vọng hiến thi thể cho Dự án Con người Hiện hữu , tiến sĩ Victor Spitzer, giáo sư tế bào và phát triển sinh học tại Đại học Y Colorado Anschutz (Mỹ), không mấy quan tâm.
“Bà ấy nói bản thân bị nhiều bệnh và rất muốn giúp đỡ y học”, tiến sĩ Spitzer kể với ABC News. “Tôi trả lời rằng chúng tôi dạy giải phẫu trên những cơ thể không mắc bệnh. Bà ấy không phải những gì chúng tôi tìm kiếm”.
Lúc đó là năm 2000. Ở tuổi 72, Susan Potter đã trải qua 26 lần phẫu thuật và phải ngồi xe lăn. Bà được chẩn đoán ung thư hắc tố, ung thư vú, tiểu đường cùng nhiều căn bệnh khác. Potter còn từng bị tai nạn ôtô dẫn đến chấn thương nặng vùng cổ.
Susan Potter mắc nhiều căn bệnh nhưng vẫn muốn hiến xác cho y học. Ảnh: National Geographic.
Qua báo chí, Potter biết đến Dự án Con người Hiện hữu (Visible Human Project) và quyết định tham gia. Do Thư viện Y khoa Quốc gia tài trợ, dự án này tiến hành số hóa thi thể người thật với mục đích giảng dạy về giải phẫu và sinh lý học cho sinh viên ngành y.
Tiến sĩ Spitzer làm việc cho Dự án Con người Hiện hữu, nói với Potter rằng mọi thứ đã kết thúc. Tuy vậy, người phụ nữ già vẫn kiên trì. Một ngày, tiến sĩ Spitzer nhận ra y bác sĩ chủ yếu làm việc với các bệnh nhân và Potter có thể trở thành một “cuốn sách” đáng giá.
“Mục tiêu của chúng tôi là tới lúc nào đó, bạn sẽ có đủ thi thể trên ‘giá sách điện tử’ để lấy ra mẫu phù hợp nhất mỗi khi cần mô phỏng bệnh lý hay phương pháp phẫu thuật”, tiến sĩ Spitzer lý giải.
Vì lý do này, tiến sĩ Spitzer đồng ý với mong muốn của Potter. Tuy nhiên, người phụ nữ phải chấp nhận bị theo dõi suốt phần đời còn lại.
Để kể lại câu chuyện đặc biệt này, tiến sĩ Spitzer liên hệ với biên tập viên ảnh của tạp chí National Geographic là Kurt Mulcher. Ban đầu, tiến sĩ Spitzer tin rằng Potter chỉ trụ được thêm một năm nhưng rốt cuộc bà sống thêm 15 năm.
Video đang HOT
“Thời gian kể lại những câu chuyện hay và đây là một ví dụ tuyệt vời”, biên tập viên Mulcher chia sẻ. Theo gợi ý từ National Geographic, mọi ảnh chụp liên quan đến Potter đều được xử lý thành ảnh đen trắng, riêng hình dựng cơ thể bà trên máy tính là ảnh màu.
Trong 15 năm cuối đời, Potter thường xuyên gặp gỡ các sinh viên y khoa để nói về tầm quan trọng của lòng trắc ẩn. Nhiều sinh viên gắn bó với Potter từ ngày mới vào trường đến lúc tốt nghiệp và lập ra “đội Susan”.
5h15 sáng 16/2/2015, Potter trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 87 vì bệnh viêm phổi. Thi thể bà được phủ một lớp polyvinyl alcohol rồi đông lạnh ở nhiệt độ âm 23 độ C.
Thi thể Susan Potter sau hai năm đông lạnh. Ảnh: National Geographic.
Hai năm trôi qua, tiến sĩ Spitzer cùng trợ lý bắt đầu quy trình số hóa thi thể Potter. Tháng 3/2017, họ cắt thi thể ra làm bốn phần. Mọi mảnh vụn sót lại trên máy cưa hoặc rơi xung quanh đều được thu thập lại đầy đủ để hỏa táng.
Tháng 4/2017, đội ngũ nghiên cứu tiến hành cắt thi thể Potter thành 27.000 lớp. Trong 60 ngày thực hiện công đoạn này, tiến sĩ Spitzer thường xuyên bật nhạc cổ điển theo đúng nguyện vọng của Potter thuở sinh thời.
Tháng 12/2018, phần đầu và thân của Potter được dựng lại trên máy tính từ 6.900 tấm ảnh kỹ thuật số.
“Bằng một cách nào đó, bà ấy đã được tái sinh trong thế giới ảo”, ông Mulcher nhận định. “Từ góc độ nghệ thuật, điều này đánh dấu sự chuyển đổi từ cuộc sống này cuộc sống khác”.
Susan Potter “sống lại” trên máy tính. Ảnh: Vic Spitzer, John Magby, Rachel Klaus, Touch of Life Technologies.
Không chỉ số hóa cơ thể Potter, tiến sĩ Spitzer còn muốn ghi âm suy nghĩ và hành vi của Potter để sinh viên y khoa hiểu được nỗi đau khổ cũng như lý do chọn hiến xác qua chính lời nhân vật.
“Lắng nghe trực tiếp Potter nói về cơ thể, cảm xúc cùng những điều khiến bà ấy phiền muộn sẽ tạo nên động lực mới. Bạn không chỉ học về giải phẫu hay sinh lý mà còn học về tính nhân văn”, tiến sĩ Spitzer nói.
Hiện nay, quá trình số hóa thi thể của Potter vẫn được tiếp tục. Năm 2002, bà tuyên bố “muốn giúp thế hệ trẻ trở thành các bác sĩ tốt hơn” và giờ đây, mong ước này đã dần trở thành hiện thực.
Minh Nguyên
Theo VNE
Cặp đôi đồng tính thay phiên nhau mang thai một em bé
Trứng và tinh trùng được đưa vào cơ thể Bliss Coulter để thụ tinh thành phôi sau đó chuyển sang Ashleigh mang bầu 9 tháng.
Phương pháp thụ tinh nhân tạo đột phá đã giúp một cặp đôi đồng tính trở thành những phụ nữ đầu tiên thay phiên nhau mang thai một em bé.
Theo Metro, Bliss Coulter và vợ là Ashleigh (Mỹ) rất muốn có con. Cả hai đều muốn tham gia vào quá trình sinh nở song Bliss không muốn mang thai đủ 9 tháng vì đã 37 tuổi. Để giúp cặp đôi đồng tính nữ toại nguyện, vợ chồng bác sĩ Kathy Doody từ Bệnh viện Sinh sản C.A.R.E đã nghĩ ra phương pháp đặc biệt cho phép Bliss mang thai tạm thời rồi chuyển sang cho Ashleigh mang đến lúc lâm bồn.
Bliss (trái) và Ashleigh bên con trai Stetson. Ảnh: NYP.
Đầu tiên, bác sĩ Doody kích thích buồng trứng của Bliss và lấy ra tế bào trứng, giống như tất cả các cặp đôi muốn có con bằng thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, thay vì đưa trứng và tinh trùng tới phòng thí nghiệm, các bác sĩ đặt nó trong một thiết bị đặc biệt tên INVOcell. Tiếp đó, thiết bị này được cấy vào cơ thể Bliss cho trứng và tinh trùng phát triển thành phôi thai.
Thiết bị INVOcell giúp trứng và tinh trùng thụ tinh trong cơ thể Bliss. Ảnh: WFAA.
"Bliss là người bắt đầu với phôi thai, trứng được thụ tinh bên trong cô ấy", bác sĩ Kathy giải thích. Năm ngày sau, đội ngũ y tế bỏ thiết bị ra khỏi cơ thể Bliss và đông lạnh phôi. Chờ đến thời điểm thích hợp, phôi thai được cấy vào cơ thể Ashleigh. Từ đây, Ashleigh mang thai chín tháng và sinh hạ thành công bé trai Stetson nặng 3,7 kg hồi tháng 6 vừa qua.
"Bliss mang thai 5 ngày và đó là phần cực kỳ quan trọng trong quá trình thụ tinh còn tôi mang thai 9 tháng. Điều đó tạo nên sự đặc biệt, cả hai chúng tôi đều tham gia thai nghén ra con với nhau", Ashleigh chia sẻ.
Ashleigh là người sinh con sau khi nhận phôi thai từ Bliss. Ảnh: NVCC.
Bác sĩ Kathy cho biết kỹ thuật trên "giống một cuộc chạy tiếp sức". Bà cũng tiết lộ thêm cơ thể phụ nữ giống như lồng ấp trong phòng thí nghiệm, có tác dụng khử độc và thực hiện chức năng thay cho những cơ quan nội tạng chưa được hình thành.
So với phương pháp thụ tinh nhân tạo truyền thống, việc dùng INVOcell giúp bệnh nhân tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Nhà Coulter trả ít hơn 15.000 USD trong khi số tiền cần bỏ ra đối với thụ tinh nhân tạo truyền thống đôi khi lên tới 30.000 USD.
Bác sĩ Kathy hy vọng nỗ lực của vợ chồng bà "sẽ mở ra những con đường mới, lựa chọn mới cho các cặp bố mẹ đồng tính". Bà cũng nhắn nhủ những người cho rằng tiến bộ khoa học đi ngược lại quan điểm tôn giáo: "Gia đình, tình yêu, trẻ em là tất cả những gì có ý nghĩa trong thế giới của chúng ta".
Theo VNE
Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm vài năm sau khi dùng thuốc miễn dịch Khoảng 20 bệnh nhân đã được dùng thuốc miễn dịch tại Bệnh viện K. Nhiều người đáp ứng thuốc tốt, kéo dài thời gian sống, dù phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Liên quan tới phương pháp điều trị miễn dịch mới được giải Nobel Y học và Sinh lý 2018, TS.BS Đào Văn Tú, Phụ trách Trung tâm nghiên cứu lâm...