Người không có ham muốn tình dục: Do cấu trúc sinh học
Những người “không có hấp dẫn tính dục” có xu hướng không thích liệt mình vào một nhóm nào vì sự phân loại chỉ có ý nghĩa phân biệt các mức độ cảm xúc và thực tế cũng không hi vọng có những người phù hợp với một nhóm cụ thể.
Có nhiều mức độ
Trong xu hướng “không có hấp dẫn tính dục” có nhiều mức độ và người ta chia thành bốn nhóm:
Nhóm A: không có hấp dẫn mang tính chất lãng mạn, nhưng có ham muốn tình dục như hệ quả của một phản ứng hoá học, không hướng vào một đối tượng cụ thể
Video đang HOT
Nhóm B: có hấp dẫn mang tính chất lãng mạn, nhưng không có ham muốn tình dục. Những người này có quan tâm đến mối quan hệ với ai đó nhưng không muốn đi đến hoạt động tình dục.
Nhóm C : vừa có khả năng ham muốn lẫn hấp dẫn có tính lãng mạn, nhưng không có nhu cầu kết đôi để chung sống
Nhóm D: không có cả hấp dẫn lẫn ham muốn, và có lẽ những người này dễ chan hoà với xã hội nhất.
Điểm chung của bốn nhóm trên là đều không có hấp dẫn về mặt tính dục. Nhóm B và C là hai nhóm cảm thấy muốn tham gia vào một mối quan hệ, do đó ở vào vị trí khó khăn vì đa số có tính dục, do đó những người này hoặc phải thương lượng với bạn tình để chỉ “quan hệ suông” hoặc phải sống một mình. Những người “không có hấp dẫn tính dục” có xu hướng không thích liệt mình vào một nhóm nào vì sự phân loại chỉ có ý nghĩa phân biệt các mức độ cảm xúc và thực tế cũng không hi vọng có những người phù hợp với một nhóm cụ thể.
Những người không có ham muốn tính dục không cảm thấy khổ sở, họ không có nhu cầu hay không muốn có quan hệ tình dục với ai song vẫn cảm thấy thoải mái và không vì thế mà họ không yêu, không kết hôn. Không cảm thấy có ham muốn tình dục không nhất thiết bản năng giới tính của họ hoàn toàn không có gì mà chỉ vì có thể cho qua, không bị thúc ép. Theo Hội Bệnh học Tâm thần Mỹ (APA), đó là một dạng rối loạn chức năng tình dục, nằm giữa sự suy giảm ham muốn và sự suy yếu trí tưởng tượng liên quan đến chuyện tình dục. Trên thực tế, những người thuộc diện này không dễ tự nhận là không có ham muốn tình dục, vì thế dẫn đến việc phải giả vờ trong quan hệ vợ chồng. Trường hợp của Chị T. – 20 tuổi, dù không có ham muốn tính dục vẫn có quan hệ với chồng đơn giản như việc thực hiện nghĩa vụ của người vợ.
Một số điểm chung thường thấy ở những người không có ham muốn tình dục: Sợ tiếp xúc cơ thể trong quan hệ tình dục, chỉ mong “xong sớm, nghỉ sớm”; việc làm tình chỉ là hành vi bắt buộc, để chiều bạn tình vì lo sợ bạn tình ruồng bỏ. Cuộc khảo sát do Peggy Sastre tiến hành đã phát hiện tầm quan trọng của một xu hướng không phải là sự lựa chọn của cá thể, một hiện tượng có thực nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao.
Có rất ít nghiên cứu về xu hướng “không có hấp dẫn tính dục”, vì thế nhiều người cho rằng đó là một bệnh về tâm lý-tính dục, là xu hướng tính dục đồng giới bị đè nén hoặc thiếu hoóc-môn. Trước đây, viện nghiên cứu về tình dục Kinsey (Mỹ) từng cho rằng “không có hấp dẫn tính dục” cũng là một xu hướng tự nhiên. Một số tôn giáo hay giáo phái tin rằng “không có hấp dẫn tính dục” là một trạng thái tâm trí cao cấp. Trong đạo Cơ đốc, sự thanh khiết là một trong những cam kết để trở thành thầy tu hay nữ tu sĩ, với quan điểm này thì người “không có hấp dẫn tính dục” được xem là thuộc đẳng cấp cao hơn vì không còn vướng bận gì với “bụi trần”, trong khi nhiều tín ngưỡng khác coi trẻ em như là tặng vật do Chúa ban cho không ai có thể từ chối và chuyện tình dục để có con là cách để phát triển tín ngưỡng đó.
Không có ham muốn tình dục: một xu hướng mới bộc lộ?
Những năm gần đây, xuất hiện một diễn đàn online (trên internet) của những người tự giới thiệu là không có ham muốn tình dục (còn gọi là xu hướng không tính dục), chủ yếu bao gồm những người Anh, Mỹ, Hà Lan. Nhưng phải chờ đến khi tạp chí Anh “New Scientist” (nhà khoa học mới) đưa tin về những người không có ham muốn tình dục thì cộng đồng rộng rãi mới biết đến những người này.
Trước đó tạp chí “Journal of Sex Research” (nghiên cứu tình dục) của Mỹ số tháng 8/2004 đã giới thiệu một công trình nghiên cứu đầu tiên về tần suất của những người có xu hướng không ham muốn tình dục và người ta mới biết, có khoảng 1% dân số Anh khẳng định, “không bao giờ cảm thấy có ham muốn tình dục với bất cứ ai” và đa số họ là phụ nữ.
Về hiện tượng này, thầy thuốc tâm thần và tâm lý liệu pháp Dominique Chatton không coi đó là mới vì những người không có ham muốn tình dục vẫn có từ xưa đến nay. Cái mới là những người này đòi cộng động thừa nhận sự không ham muốn tình dục là một bản sắc, một đơn nguyên và có giá trị như những xu hướng tính dục khác. Còn về phía các nhà nghiên cứu thì cách đặt vấn đề đã đổi mới, không còn nói đến hành vi tình dục nữa mà nói đến ham muốn tình dục. Trong số 1% dân số Anh nói không có ham muốn tình dục mà Anthony Bogaert đã nêu trong nghiên cứu của ông thì một số vẫn có đời sống tình dục, một số khác không. Điểm chung của họ là là không có ham muốn với ai cả, dù là cùng giới hay khác giới. Đó là điểm mới đáng chú ý nhưng để trở thành một đơn nguyên lâm sàng thì chưa đủ tiêu chuẩn. Cần phải biết thêm về bản năng tính dục của họ, gồm cả hành vi tự kích dục của những người này. Nhìn chung, các thầy thuốc nhận thấy số lượng những người phàn nàn có rối loạn về ham muốn tình dục có chiều hướng gia tăng vì xã hội đang chìm đắm trong một môi trường không thuận lợi, nơi người ta dùng mọi loại hình ảnh tình dục để quảng cáo cho những sản phẩm không dính dáng gì đến tình dục. Tuy nhiên, mối liên quan giữa những nhận xét này với hiện tượng không ham muốn tình dục vẫn không dễ dàng xác định.
Với những nghiên cứu hiện có thì những người thuộc xu hướng không hấp dẫn tính dục là những người không bao giờ có ham muốn tình dục với bất cứ ai. Định nghĩa này không loại trừ hành vi tự kích dục và không xác định cụ thể trạng thái không có ham muốn tình dục là dễ chịu hay khổ sở. Ít nhất cũng có ba hình thái được xếp vào loại không tính dục:
Đầu tiên là những người sống rất biệt lập, thiếu tình cảm ngay từ tuổi nhỏ và cơ quan sinh dục kém phát triển.
Thứ hai là những người có cảm nhận được những kích thích tình dục nhưng không muốn có quan hệ tình dục với người khác và có thể hài lòng với thực hành tự kích dục lén lút.
Thứ ba là những người mong muốn có sự trao đổi tình yêu, tình cảm nhưng chỉ giống như anh và em. Nhu cầu của họ chủ yếu thiên về cảm xúc, không có ham muốn tình dục và cơ quan sinh dục trong trường hợp này cũng kém phát triển. Họ có thể sống hạnh phúc với nhau mà không có tình dục, mãi mãi hay chỉ trong thời gian đầu. Chính những người này đã bộc lộ: chúng tôi không phải là những người bất mãn hay vô chính phủ hay chỉ thích tự kích dục. Chúng tôi có thể lựa chọn cuộc sống tình dục nhưng điều đó không có ý nghĩa gì với chúng tôi. Chúng tôi không có chút sung năng tình dục nào, bẩm sinh đã như vậy, chúng tôi sống hạnh phúc và muốn được coi là những người bình thường.
Theo BS Đào Xuân Dũng
Tri Thức Trẻ