Người gieo yêu thương, gặt hạnh phúc dưới mái ấm vùng cao
Gắn bó với mái trường PT Vùng Cao Việt Bắc từ năm 1995, sau khi tốt nghiệp sư phạm Sinh trường Đại học Sư phạm, cô giáo Bùi Thị Thu Thủy đã trở về ngôi trường này công tác.
Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy trường PT Vùng Cao Việt Bắc
Truyền lửa đam mê
Chia sẻ về những ngày đầu bước chân vào nghề cô tâm sự: Hoàn cảnh gia đình khi đó còn khó khăn, vất vả, công tác tại trường nội trú, chịu nhiều áp lực về thời gian công việc nhưng cô Thủy vẫn luôn lạc quan, vui vẻ, quyết dành trọn thanh xuân của mình với học trò.
Rất may mắn, nhờ sự dẫn dắt của thế hệ đi trước cô Thủy đã tự rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Bằng việc thường xuyên ôn luyện cho đội tuyển thi chọn HSG cấp Quốc gia mà từ đó cô có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu trong công tác dạy học cũng như công tác chủ nhiệm.
Học sinh trường nội trú các em đều là người dân tộc đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, mỗi em lại có một hoàn cảnh và xuất phát điểm khác nhau. Do đó, việc học tập và xây dựng nền tảng đồng bộ thực sự vất vả và đôi khi gặp nhiều khó khăn.
Đối với môn Sinh học nói riêng, không phải bạn nào ngay từ ban đầu cũng dành tình cảm và yêu thích, có những bạn đã từng tâm sự và trao đổi thẳng thắn với cô rằng không hề thích môn học này. Tuy nhiên, không vì thế mà cô Thủy bỏ cuộc. Cô luôn tìm cách để thu hút và truyền năng lượng, khơi dậy niềm say mê học tập cho các bạn. Để rồi từ đó, có rất nhiều bạn đã lựa chọn, yêu thích và thành công với môn học này.
Với thâm niên 25 năm đứng lớp, tham gia ôn luyện cho nhiều thế hệ học sinh đi thi HSG. Trong đó có nhiều em đạt huy chương vàng, huy chương bạc. Tại kỳ thi chọn HSG cấp Quốc gia nhiều học trò của cô đã đạt kết quả và thành tích tốt, trong số đó có nhiều bạn được tuyển thẳng vào các trường đại học danh giá top đầu của cả nước như Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách Khoa…
Ngoài ra, cô còn dành thời gian hướng dẫn học trò của mình tham gia đề tài nghiên cứu khoa học lĩnh vực Y sinh – sức khỏe cấp Quốc gia và đạt giải ba năm 2017, giải tư năm 2020. Tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài khoa học cấp Quốc gia đạt giải 3 lĩnh vực Hóa học và lĩnh vực Khoa học môi trường…
Khi yêu thương lan tỏa sẽ trở thành năng lượng tích cực
Video đang HOT
Học trò của cô không chỉ đạt kết quả cao trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ mà còn phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức. Đoàn kết, chia sẻ và yêu thương, đùm bọc lẫn nhau bởi các em khi được cha mẹ gửi gắm tới đây, trường học không chỉ đơn thuần là nơi dạy học mà là mái nhà, là gia đình của các em. Thầy cô chính là cha mẹ, dành tình yêu thương, quan tâm chăm sóc cho những đứa con thơ của mình.
Cô Thủy với 25 năm trong nghề, làm người đưa đò cho biết bao thế hệ, cô càng hiểu, càng thấm việc giáo dục học sinh bằng tình thương. Vì thế, bên cạnh việc truyền tải kiến thức, cô còn chú trọng đến giáo dục kỹ năng, cảm hóa học trò. Để làm được điều đó, bản thân cô phải là người lan tỏa tình yêu thương , yếu tố tích cực đến mỗi học sinh. Khi sự yêu thương được lan tỏa sẽ trở thành năng lượng tích cực, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của học trò.
Cô đã từng chủ nhiệm rất nhiều khóa, trong đó có cả lớp chọn và lớp thường. Lớp nào cô cũng dành nhiều tình cảm cho học trò của mình để rồi có rất nhiều thế hệ học sinh sau khi ra trường trưởng thành vẫn giữ liên lạc và luôn nhớ về mái ấm vùng cao nơi có cô giáo Thủy – người mẹ thứ hai ở đó.
Nói về bí quyết để truyền cảm hứng, cô Thủy không ngần ngại chia sẻ: khi được phân công bất kì một công việc nào đó, cô phải làm việc một cách nghiêm túc và có tâm. Cô luôn coi học sinh như con của mình, nghiêm khắc nhưng bao dung. Luôn cởi mở, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn mà các bạn đang gặp phải. Ai trong chúng ta cũng đã từng mắc những sai lầm, điều quan trọng là chúng ta phạm sai lầm, chúng ta đứng lên từ những sai lầm đó và rồi chúng ta sẽ phát triển tốt hơn.
Em Nông Tuấn Long, lớp A16K60 trường PT Vùng Cao Việt Bắc chia sẻ: trong quá trình dạy học, cô Thủy không chỉ dạy về kiến thức mà cô còn chia sẻ cho chúng em rất nhiều những kinh nghiệm, những bài học trong cuộc sống. Cô dạy cho chúng em từ những thứ nhỏ nhất rất hay và bổ ích, thường xuyên giúp đỡ, động viên đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp.
Gia đình em làm nông rất vất vả, đầu năm lớp 12 bố em mất do bệnh hiểm nghèo, lúc đó em vô cùng suy sụp, vừa lo lắng cho gia đình, cho mẹ em rất nhiều. Cô đã không ngại xa xôi đến với gia đình em ở Ba Bể (Bắc Kạn) để động viên, khi xuống trường cô cùng các bạn chia sẻ với em rất nhiều giúp em vượt qua khó khăn.
Nhờ vậy, em vực dậy tinh thần tiếp tục tham gia kỳ thi HSG quốc gia môn Sinh học, cố gắng ôn luyện em đã đạt giải Nhì được tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và được tuyển thẳng vào trường ĐH Y Hà Nội. Không dừng lại, cô tiếp tục xin nhiều suất học bổng để giúp đỡ em phần nào trong quá trình học tập tại đây.
Bằng kiến thức, tình yêu thương trách nhiệm của một nhà giáo cô Thủy đã chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh, để họ bay cao, bay xa với ước mơ tươi đẹp của mình. Để rồi hôm nay, điều mà cô luôn nhắc đi nhắc lại, đó là mình đã làm tròn nhiệm vụ của một người giáo viên, một người mẹ sẽ cảm thấy mình thật hạnh phúc khi những đứa con của mình đều đã trưởng thành, trở thành người có ích và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Điều ước của cô giáo dành cho học sinh vùng khó Tây Nguyên
Nhìn những em học sinh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm đến lớp, giáo viên ở vùng khó Tây Nguyên chỉ ước các em được đủ đầy hơn. Thầy cô mong các em sẽ vững bước đến trường để thoát khỏi cái đói, nghèo.
Hoàn cảnh gia đình cô Nga đặc biệt khó khăn, nhưng khi lên lớp cô luôn mang niềm vui, nụ cười đến cho học trò.
Mang nụ cười đến với trò
Cô Nông Thị Nga, giáo viênTrường PTDT bán trú Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, KonTum) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Bản thân cô bị u nang buồng trứng, chồng bị ung thư gan.
Những tưởng khó khăn, bệnh tật dừng lại ở đây, nhưng nỗi vất vả lại chồng chất lên đôi vai của cô giáo trẻ. Người con đầu 8 tuổi của cô mắc căn bệnh tự kỷ, cô con gái thứ hai mới được 9 tháng tuổi bị viêm ruột, cơ thể còi cọc, ốm yếu. Tất cả tiền bạc hai vợ chồng kiếm được đều dồn vào để chữa trị bệnh tật. Sau nhiều năm điều trị, bệnh tình của hai vợ chồng cô Nga đã thuyên giảm, nhưng sức khoẻ bị giảm sút nhiều.
Cô Nga dạy học cách nhà hơn 40km nên mỗi tuần cô đều chạy xe từ xã Mô Rai về xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) lo cho chồng con. Mặc dù cuộc sống chồng chất khó khăn, nhưng mỗi ngày đến lớp cô luôn mang đến niềm vui, tiếng cười cho học trò của mình.
Cô Nga tâm sự, các em học sinh ở xã Mô Rai đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ các em chủ yếu làm nông hoặc ai thuê gì làm nấy nên việc lo đủ cái ăn còn khó. Nhà nghèo, một số em học sinh phải nghỉ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Mặc dù nhà trường, giáo viên đến nhà vận động nhiều lần nhưng các em chỉ đến lớp ít hôm rồi lại nghỉ chỉ vì phải lo "miếng cơm, manh áo".
Cô Nga ước học trò vùng khó sẽ đủ đầy hơn khi đến trường học con chữ.
Thương học trò, nhà trường và cô Nga thường xuyên vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các em vững bước đến trường. Không chỉ làm giáo viên, những khi rảnh rỗi cô Nga trở thành "thợ cắt tóc" để giúp học sinh của mình gọn gàng hơn khi đến lớp.
Nói về mong ước cho học trò, cô Nga chia sẻ: "Bản thân tôi chỉ mong ước các em đến lớp đầy đủ và có đủ sách vở, bút. Bên cạnh đó, tôi hy vọng có thêm nhiều sách tham khảo, bổ trợ để các em học tập tốt hơn. Các em học sinh nơi đây vẫn đang còn nhiều khó khăn, bản thân tôi, nhà trường chỉ giúp đỡ các em được phần nào đó. Chính vì vậy, tôi mong muốn các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp thêm sức mạnh cho các em đến trường học con chữ."
Ước mong có bữa cơm trưa cho học trò
Cô Tâm chăm chút cho học trò từng bữa ăn, giấc ngủ.
Gắn bó với huyện vùng sâu, vùng xa Ea Súp được hơn 10 năm nay, cô Trương Thị Tâm - giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) thấu hiểu được nỗi khó khăn, cơ cực của các em nhỏ nơi đây.
Cô Tâm chia sẻ, các em học sinh ở trường đa số là đồng bào dân tộc H'Mông. Đất đai cằn cỗi, nên kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một số em đến tuổi ra lớp, nhưng bố mẹ làm ở nương rẫy xa nên đưa con theo, các em không thể đến trường. Do đó, nhà trường cùng chính quyền địa phương thường xuyên đến vận động, đưa các em ra lớp.
Cũng theo cô Tâm, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong khi giao tiếp với học sinh, phụ huynh bởi bất đồng ngôn ngữ. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều em đến lớp không đầy đủ, gia đình ít quan tâm đến con em mình.
Gia đình khó khăn, mỗi ngày đến lớp các em học sinh Trường Mầm non Hoa Ban đều mang cơm theo để ăn trưa.
Đặc biệt, cuộc sống túng thiếu nên phụ huynh không thể đóng tiền ăn trưa cho con ở trường. Mỗi ngày, trước khi đến lớp, bố mẹ các em đều chuẩn bị cơm từ sáng để trưa học sinh ăn tại trường. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn nên bữa trưa của các em chủ yếu là cơm rau. Có những em bố mẹ bận đi làm nên không thể chuẩn bị cơm, bữa trưa của các em chỉ là gói mì tôm và chai nước lọc. Một số em gia đình có điều kiện hơn thì bữa trưa có thêm trứng, miếng thịt gà công nghiệp hoặc con cá hấp.
Bữa trưa của các em học sinh chủ yếu là cơm trắng và rau.
"Các em học sinh mang đồ ăn theo từ sáng khi đến lớp, tới trưa cơm đã khô. Không có canh nên bữa cơm của các em chỉ lấp đầy được chiếc bụng đói, nhưng không có dưỡng chất. Tôi ước, các em sẽ có bữa cơm trưa đúng nghĩa. Được ăn uống đủ đầy, các em mới có thể phát triển được toàn diện và học tập tốt hơn. Ngoài ra, tôi ước có thêm bàn ghế, dụng cụ học tập. Khi đó các em học sinh có điều kiện tốt hơn để tiếp thu kiến thức.", cô Tâm chia sẻ.
Trường học miễn phí giúp học sinh nghèo đổi đời Được thành lập tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Guohua là trường trung học tư thục nội trú miễn phí đầu tiên của cả nước. Năm 2002, Yang Guoqiang, người sáng lập công ty bất động sản Country Garden và con gái bà, Yang Huiyan, quyên góp 260 triệu nhân dân tệ để thành lập trường Guohua. Trong nhiều năm, trường...