‘Người đưa đò’ của các vận động viên bơi Nghệ An
Thắp lửa niềm đam mê Phổ cập môn bơi
Huấn luyện viên Lê Xuân Cường trang bị cho trẻ em kỹ năng bơi để phòng, chống đuối nước. Ảnh: Đức Anh
Thắp lửa niềm đam mê
Trước khi trở thành HLV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Nghệ An vào năm 2016, HLV Lê Xuân Cường từng là VĐV bơi lặn của thể thao tỉnh nhà. Trong sự nghiệp thi đấu, anh đã gặt hái được khá nhiều huy chương lớn, nhỏ ở các giải do Liên đoàn Bơi lặn Việt Nam tổ chức. Qua những thành tích nổi bật đã đạt được, HLV sinh năm 1982 được tuyển thẳng vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn. Con đường trở thành HLV chuyên nghiệp của anh cũng bắt đầu từ đó.
Trong tất cả các môn thể thao, để huấn luyện và dẫn dắt một học trò đạt được thành tích là điều hết sức khó khăn. Thì đối với bộ môn bơi lặn điều đó còn khó gấp bội. Bởi do đặc thù của bộ môn này, nên tuyển được những em thật sự có tố chất là điều không hề giản đơn.
HLV Lê Xuân Cường chia sẻ: “Môn bơi khác với tất cả các môn khác, chúng tôi phải tuyển chọn các em khi còn ở độ tuổi rất nhỏ (từ 7 đến 9 tuổi). Nghệ An là tỉnh có đặc thù đất rộng, người đông, chính vì thế nguồn vận động viên không thiếu. Nhưng do đời sống và cách quan niệm nên nhiều gia đình không muốn con em mình phải rời xa vòng tay bố mẹ từ lúc còn quá nhỏ. Vì vậy khi chúng tôi “nhắm” được vận động viên rồi, nhưng để thuyết phục được người nhà của các em cho đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp là điều không hề dễ dàng”.
Dẫn dắt các học trò khi chỉ mới lên 8, lên 9 tuổi sẽ không mấy ai có thể thấu hiểu hết được những nỗi vất vả mà các HLV bơi lặn phải trải qua. Chăm cho các con từ miếng ăn, giấc ngủ, chỉ bảo cho các con biết cách tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân là những công việc không tên mà thầy Lê Xuân Cường phải quán xuyến mỗi ngày.
HLV Cường nhớ lại: “Các em khi lên học tại trung tâm gần như chưa biết tự chăm sóc bản thân. Chúng tôi ngoài giảng dạy về chuyên môn bơi lội, thì còn phải hướng dẫn các em từ đánh răng, rửa mặt, giặt giũ quần áo. Nhiều em còn quá nhỏ, những người thầy như chúng tôi phải tranh thủ thời gian để giặt đồ, dọn dẹp phòng ốc cho các em, giúp các em có được môi trường sống sạch sẽ, tránh khỏi được những bệnh tật không đáng có…”
HLV sinh năm 1982 cũng kể thêm: “Tuyển được các em đã khó, giữ được các em ở lại theo học còn khó hơn. Tôi nhớ có hôm một em VĐV mới xuống tập luyện tại trung tâm, nhớ nhà, nhớ bố mẹ thế là đêm đến cứ bắt thầy phải đưa về. Giữa đêm khuya, chúng tôi lúc đó phải ở lại với cháu, dỗ dành cháu, gọi điện để cháu được nói chuyện với bố mẹ, giúp cháu vơi đi nỗi nhớ nhà. Thấy xót con sáng ngày hôm sau, phụ huynh cháu đã lên xin thầy cho cháu được nghỉ tập để về với gia đình. Mặc cho chúng tôi thuyết phục thế nào người nhà cũng không nghe, thế là bao công sức lại đổ xuống sông, xuống biển”.
Để rèn dũa được một vận động viên bơi lặn thật sự rất khó đối với đội ngũ HLV ở bộ môn này. Nhưng với tình yêu nghề, thầy Cường luôn biết động viên bản thân vượt qua những trở ngại đó để hướng đến những mục tiêu phía trước cho thể thao tỉnh nhà.
Nói về những khó khăn, HLV Lê Xuân Cường chia sẻ: “Thời tiết của Nghệ An rất khắc nghiệt, mùa đông thì rất lạnh, mùa hè thì nóng “bỏng da, cháy thịt”, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tập luyện của các VĐV. Thường trong mùa lạnh các em chủ yếu tập trên bờ, mùa Hè thì phải căn thời gian đỡ nóng mới xuống bể. Vì vậy để duy trì phong độ và nâng cao thành tích cho các cháu là hết sức khó khăn. Thế nên, đây cũng là một trong những bất lợi của bơi lặn Nghệ An so với các tỉnh thành phía Nam”.
Niềm vui lớn nhất của HLV Lê Xuân Cường đó chính là thấy các em luôn nỗ lực trên đường đua xanh. Dù thời tiết, môi trường của xứ Nghệ không thật sự thuận lợi, nhưng các em đã luôn biết chiến thắng bản thân để gặt hái được những quả ngọt.
Video đang HOT
Những đóng góp của thầy Cường, cùng đội ngũ HLV của bộ môn bơi lặn đã mang đến những thành tích đáng ghi nhận cho thể thao Nghệ An.
Trong năm nay, VĐV Nguyễn Tú Anh đã xuất sắc giành được 3 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ ở nội dung chân vịt lớn, tại Giải Vô địch Bơi lặn các lứa tuổi năm 2022. Bên cạnh đó cũng có nhiều vận động viên trẻ khác đã bước đầu thể hiện được tài năng và mang về những thành tích nhất định.
Hướng dẫn các động tác cơ bản cho học viên trước khi cho các em xuống bể. Ảnh: Đức Anh
Phổ cập môn bơi
Ngoài công việc chính là HLV của môn Bơi lặn – Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Nghệ An, thầy Lê Xuân Cường còn tích cực tham gia tập huấn miễn phí cho các trẻ nhỏ, đội ngũ thầy giáo, HLV, hướng dẫn viên tại các trường học, cơ sở dạy bơi trong tỉnh. Đây là công việc hết sức có ý nghĩa, bởi thời gian gần đây nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước đang ngày một gia tăng.
Với bề dày kinh nghiệm trong công tác huấn luyện môn bơi lặn, thầy Lê Xuân Cường đã cố gắng tìm ra phương pháp giảng dạy làm sao để các đối tượng học viên có thể hiểu và áp dụng một cách dễ dàng nhất. Tại các lớp học, thầy thường kết hợp giữa lý thuyết và thực hành một cách uyển chuyển, dành nhiều thời gian hơn để học viên tự thực hành chéo lẫn nhau. Trong đó công tác cứu đuối được thầy đề cập đến khá nhiều và muốn mọi người thực hành một cách thuần thục, để khi gặp các trường hợp xảy ra không bị lúng túng, mất đi cơ hội cứu sống nạn nhân.
Dưới sự hướng dẫn của thầy Cường và các HLV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Nghệ An đa số các em có thể bơi được sau khoảng thời gian 1 tuần đến 10 ngày. Ảnh: Đức Anh
Thầy Cường chia sẻ: “Khi dạy, chúng tôi đưa ra các tình huống và giải quyết các tình huống đó một cách ấn tượng nhất. Để từ đó giúp các học viên dễ ghi nhớ bài học hơn. Ví dụ, trong một bài thực hành cứu đuối, tôi đã cố tình làm sai khi tiếp cận nạn nhân dưới nước. Và do nạn nhân hoảng loạn nên ôm xiết chặt, nếu như một người không có kinh nghiệm sẽ dễ gặp nguy hiểm. Nhưng tôi đã gỡ khó tình huống đó bằng bài học phá khóa của nạn nhân. Qua tình huống này đã tạo được ấn tượng cho học viên, giúp các em hiểu và ghi nhớ sâu hơn về bài học cứu đuối. Đó là phải cứu từ phía sau và khi sai phải biết phá khóa”.
Dự án ETEP tác động lan tỏa tích cực tới triển khai Chương trình mới
Sáng 10/1, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì cuộc họp khởi động và tổng kết đoàn hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng thế giới (WB) đối với Chương trình ETEP.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp.
Cùng dự cuộc họp có đại diện các vụ, cục thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo, chuyên viên 5 sở Giáo dục và Đào tạo: Quảng Ninh, Lào Cai, Nghệ An, Vĩnh Long, Lâm Đồng; và 7 trường đại học Sư phạm chủ chốt, Học viện Quản lý giáo dục.
Về phía WB có bà Steffi Stallmeister, Phó giám đốc WB tại Việt Nam; bà Võ Kiều Dung, chuyên gia giáo dục cao cấp - Chủ nhiệm Chương trình ETEP và các chuyên gia của WB.
Theo báo cáo của TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, cho đến nay Chương trình đã đạt được rất nhiều kết quả, một số kết quả vượt chỉ tiêu so với cam kết.
Cụ thể, với các hoạt động phát triển năng lực, đã hoàn thành các hoạt động của 3 Chương trình tăng cường năng lực các trường đại học sư phạm do chuyên gia quốc tế thực hiện. Các chương trình tăng cường năng lực có tác động tích cực đến quản trị, phát triển chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm chủ chốt.
Chương trình cũng đồng thời đã tập huấn cho hơn 100 giảng viên chủ chốt của 8 trường về phát triển chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo tiếp cận dựa trên năng lực (do chuyên gia quốc tế thực hiện). Năng lực các trường sư phạm chủ chốt được nâng cao; thể hiện được sự phát triển mạnh mẽ về năng lực ở các lĩnh vực và 100% đạt điểm 5 trở lên, vượt cam kết.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Tài liệu hướng dẫn sử dụng Bộ chỉ số phát triển trường sư phạm (Bộ chỉ số đánh giá TEIDI) cho năm 2021 đã được cập nhật và ban hành năm 2021. 6 báo cáo tự đánh giá năm 2021 đã được tham vấn các bên liên quan và được công bố chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm tự đánh giá TEIDI đều vượt so với cam kết. Đơn vị kiểm đếm độc lập (IVA) đã xác thực, kiểm đếm 6 báo cáo tự đánh giá TEIDI giai đoạn 4, kế hoạch xác thực giai đoạn 5 từ tháng 10/10/2021 - 30/6/2022.
Các chương trình đào tạo được các trường đại học sư phạm cải tiến, rà soát tổng thể và được đánh giá là ngày càng đáp ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và xu hướng hội nhập quốc tế. Cán bộ quản lý về đào tạo và giảng viên sư phạm của các trường đại học sư phạm tiếp cận, nâng cao năng lực trong phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực thông qua các hội thảo tập huấn với chuyên gia trong và ngoài nước.
Từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, việc phát triển tài liệu bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được tập trung vào hoàn thiện các mô đun từ 4 đến 9. Các mô đun đã được xây dựng, hoàn thiện theo đúng quy trình phát triển tài liệu đã được quy định và đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt cho phép sử dụng tài liệu, học liệu trong bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Họp khởi động và tổng kết đoàn hỗ trợ kỹ thuật của WB đối với Chương trình ETEP.
Cùng với đó, qua ý kiến góp ý của các thầy cô trong quá trình bồi dưỡng, các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP đã cập nhật các mô đun 1,2,3,4,5,9 sau khi đã triển khai bồi dưỡng cốt cán và đại trà, đóng gói và chuyển giao cho Ban Quản lý Chương trình ETEP trước 30/1/2022. Đề xuất chuyển giao mô đun 6,7,8 cho đơn vị đầu mối của Bộ để hoàn thiện, triển khai bồi dưỡng từ năm 2022.
Một số nội dung khác Chương trình ETEP cũng đạt kết quả vượt so với cam kết, như: Ý kiến giáo viên đánh giá hài lòng với chương trình bồi dưỡng; số lượng báo cáo TEMIS của các sở Giáo dục và Đào tạo; số giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành các mô-đun bồi dưỡng thường xuyên khác nhau được ưu tiên trong năm...
Riêng chỉ số về số giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã hoàn thành các mô-đun trực tuyến bắt buộc khác nhau của chương trình bồi dưỡng thường xuyên, tính đến 31/12/2021 đạt 89.2%; dự kiến kết quả đến 30/6/2022 sẽ hoàn thành 133% so với cam kết.
"Như vậy, tính đến 31/12/2021 Chương trình ETEP đã cơ bản hoàn thành 95% nhiệm vụ, khối lượng công việc" - TS Đặng Văn Huấn cho hay.
Ý kiến các sở Giáo dục và Đào tạo đều có những đánh giá tích cực về tác động mà Chương trình ETEP đem lại cho giáo dục địa phương. Ông Lâm Đặng Hồng Sơn, Trưởng phòng tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long nhận định: Qua các mô đun bồi dưỡng, qua nắm bắt từ giáo viên trong tỉnh cho thấy, thầy cô đánh giá rất tích cực về Dự án trong bồi dưỡng. Giáo viên được nâng cao năng lực, trình độ; đặc biệt là trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và đổi mới phương pháp, đóng góp tích cực cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh hiện nay.
Các trường đại học sư phạm tham gia ETEP cũng đánh giá cao Chương trình trong việc giúp nhà trường và giảng viên nâng cao năng lực; đồng thời gắn kết các giảng viên sư phạm với nhau, cũng như gắn kết giảng viên sư phạm với giáo viên phổ thông...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp khởi động và tổng kết đoàn hỗ trợ kỹ thuật của WB đối với Chương trình ETEP.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, ETEP là dự án rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ghi nhận bước đầu, các chỉ số của Chương trình đều đạt mục tiêu, có tác động lan tỏa tích cực đến triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó đáng ghi nhận là năng lực các trường sư phạm được nâng lên, kể cả điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như mô hình quản trị trường đại học, xây dựng phát triển các chương trình đào tạo; mở rộng mối liên hệ giữa trường đại học sư phạm và các sở Giáo dục và Đào tạo; mối quan hệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cũng gần gũi, gắn bó, liên thông hơn, từ đó giải quyết công việc tốt hơn. Đặc biệt là chỉ số phát triển trường sư phạm (TEIDI) được nâng lên rõ rệt.
Công tác bồi dưỡng bài bản, chặt chẽ, khoa học; hướng tới bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ đã đáp ứng được yêu cầu. Bồi dưỡng đại trà đã có sự cố gắng quan tâm, các trường đại học đã phát huy năng lực của mình để triển khai thực hiện...
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn mô-đun 4, 5, 9 tại một số địa phương còn gặp khó khăn. Do đó, Thứ trưởng đề nghị phía WB cho phép lùi thời gian kiểm đếm đến 31/3/2022; sau đó hoàn thành đóng dự án 30/6/2022. Thứ trưởng cũng mong muốn WB tạo điều kiện để Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao tài liệu mô-đun 6, 7, 8 cho một đơn vị của Bộ là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Sau khi bàn giao về cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, các trường đại học sư phạm chủ chốt sẽ tiếp tục phối hợp với Cục để xây dựng chương trình bồi dưỡng (vẫn theo mô hình 7-2-7), giúp giáo viên hoàn thành bồi dưỡng 54 mô đun, từ đó triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả nhất.
Trong 10 ngày, WB trực tiếp tham gia rà soát lại toàn bộ tiến độ triển khai dự án; rà soát tính pháp lý và công tác liên quan đến các chỉ số giải ngân, cũng như các chỉ số khác. Thứ trưởng mong WB sẽ có đóng góp trực tiếp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp Bộ sớm hoàn thành các nội dung, thủ tục để có thể đóng dự án tốt nhất. Sau khi đóng dự án, mong sẽ tiếp tục được mở dự án mới để giúp giáo dục Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Steffi Stallmeister ghi nhận dự án ETEP đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn một số thách thức; từ đó mong có thêm thảo luận chi tiết trong đợt công tác để bảo đảm các tiến độ có thể đạt được trước ngày đóng đự án.
Đánh giá cao những nỗ lực của các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sư phạm chủ chốt, Học viện Quản lý giáo dục và Chương trình ETEP, bà Steffi Stallmeister đồng thời nhấn mạnh đến việc cần tập trung vào tính bền vững của các kết quả; bảo đảm kết quả tốt tiếp tục được duy trì sau khi dự án đóng lại.
Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) có mục tiêu nhằm phát triển các trường đại học Sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông tại Nghệ An: Dạy học thật, thi thật, cam kết đầu ra Từ năm học 2021-2022, Nghệ An bắt đầu triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và thực hiện kế hoạch này. Nghệ An là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mô hình đảm bảo chất lượng trong các cơ...