Người đái tháo đường cần lưu ý gì trong mùa lạnh?
Khi thời tiết lạnh, người bệnh đái tháo đường dễ gặp một số biến chứng liên quan đến hô hấp.
Do vậy người bệnh đái tháo đường cần lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày để bảo vệ sức khỏe.
Vào mùa lạnh, người bệnh đái tháo đường có các biến chứng như tim mạch, thần kinh sẽ dễ rơi vào tình trạng bệnh nặng hơn. Nếu thời tiết lạnh khiến huyết áp tăng có thể gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu khiến chân tay đau mỏi.
Thời tiết lạnh ảnh hưởng như thế nào đến đường huyết?
Khi nhiệt độ giảm, khả năng miễn dịch của bệnh nhân đái tháo đường cũng bị suy giảm. Trời lạnh rất dễ khiến bệnh nhân đái tháo đường bị cảm lạnh. Do vậy tình trạng của bệnh nhân có thể sẽ tồi tệ hơn.
Với những bệnh nhân đái tháo đường nhưng ít vận động việc thay đổi thời tiết đột ngột có thể là yếu tố làm gia tăng việc phơi nhiễm đường hô hấp và sức đề kháng của cơ thể. Do vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên nền bệnh đái tháo đường và thường người bệnh có thể trạng béo phì dễ làm gia tăng các đợt cấp COPD, gia tăng đợt cấp nhiễm trùng hô hấp. Khi sức đề kháng giảm, tình trạng bệnh không chỉ nặng hơn mà còn làm gia tăng các đợt cấp và suy hô hấp nhiều hơn.
Bên cạnh đó, vào mùa đông, yếu tố tác động của thời tiết thường là lý do khiến bệnh nhân ít vận động và có lối sống tĩnh tại nhiều hơn. Hơn nữa trời lạnh, quá trình trao đổi chất được tăng cường sẽ khiến cơ thể cố gắng đốt cháy nhiều năng lượng hơn nhằm ổn định thân nhiệt và giữ ấm.
Điều này cũng là lý do khiến chúng ta tăng cường ăn uống để tăng năng lượng cho việc chống rét. Việc ăn nhiều hơn và ít vận động là nguyên nhân làm tăng đường huyết cao. Và cũng chính việc tăng tỷ lệ đường huyết cao sẽ gây ra bất lợi cho sức khỏe người bệnh.
Khi trời lạnh, người bệnh đái tháo đường dễ gặp tình trạng tăng đường huyết.
Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường là cả một quá trình bao gồm bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên khi có những tác động cấp như việc đường máu cao tăng liên tục sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của cơ thể. Điều này làm giảm sức đề kháng đồng thời gia tăng các tác nhân bội nhiễm, đặc biệt là bội nhiễm liên quan đến đường hô hấp.
Video đang HOT
Thời tiết lạnh cũng có thể gây co mạch và làm máu chảy chậm hơn. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ra các biến chứng tim mạch và mạch máu não ở bệnh đái tháo đường.
5 lưu ý cho người đái tháo đường khi trời lạnh
- Giữ ấm cơ thể khi hoạt động ngoài trời
Nếu phải ra ngoài, người bệnh nên lưu ý mặc ấm để tránh tình trạng sốc nhiệt. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể khiến các mạch máu co lại dẫn tới thiếu oxy – là nguy cơ gây ra các tai biến. Do vậy người bệnh cần giữ ấm cơ thể, bàn tay, bàn chân và vùng đầu.
- Vận động nhẹ nhàng
Người bệnh đái tháo đường cần duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng và nên lựa chọn tập luyện trong nhà, không gian thông thoáng. Khi thời tiết lạnh, người bệnh có thể chia thời gian tập luyện vào cả sáng và chiều.
Người bệnh nên lưu ý khởi động kỹ trước khi tập luyện. Thậm chí thời gian khởi động có thể gấp đôi so với trước kia để cơ thể được làm ấm. Lúc này, cơ bắp sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiệt độ.
Nếu ít vận động, tăng khẩu phần ăn khi trời lạnh, người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.
- Tập luyện các động tác hít thở
Thời tiết lạnh, khô, độ ẩm thấp thường là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh lý hô hấp nếu phải tập luyện, hoạt động lâu ngoài trời. Các bài tập thở vào mùa lạnh sẽ giúp hệ hô hấp làm quen với sự thay đổi của nhiệt độ. Người bệnh có thể học cách hít thở sâu: hít sâu căng phình bụng bằng đường mũi sau đó thở ra thật chậm.
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh
Vào mùa đông, dinh dưỡng cần được đảm bảo cân bằng để bù đắp lại thói quen ít vận động. Người bệnh không nên quá lạm dụng việc tăng khẩu phần ăn với mục đích tăng năng lượng. Bên cạnh đó cần lưu ý uống đủ nước, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể nhằm tăng sức đề kháng.
- Theo dõi đường huyết thường xuyên
Bất kể thời điểm nào, không chỉ riêng trời lanh, người đái tháo đường vẫn cần duy trì thói quen theo dõi đường huyết. Tuy nhiên khi trời lạnh, người đái tháo đường nhận thấy thói quen ít vận động và ăn nhiều hơn thì nên tăng số lần thử đường huyết để nắm rõ đường huyết của bản thân hơn.
Bệnh tật gia tăng khi thời tiết lạnh sâu
Những bệnh nguy hiểm như đột quỵ, viêm phổi, hen suyễn... sẽ gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Giữ ấm cơ thể và sinh hoạt khoa học là biện pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Thời tiết chuyển rét khiến số ca nhập viện do đột quỵ và liên quan đến hô hấp gia tăng
Nguy cơ mắc bệnh
Theo các chuyên gia y tế, khi thời tiết chuyển rét, một số người có sức đề kháng kém có thể bị viêm phế quản, viêm phổi... Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm, còn người cao tuổi trong thời tiết lạnh dễ bị tổn thương mạch não, cơ chế điều hòa tuần hoàn não kém hơn bình thường, có thể dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) cho hay, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ nếu không xử trí kịp thời.
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt) gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa thông tin, trong đợt rét này, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp, hầu hết đều do mở cửa đi ra ngoài buổi sáng sớm khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói, bệnh nhân đột quỵ tăng 15 - 20% vào mùa đông; khoảng 60 - 70% bệnh nhân bị đột quỵ vào nửa đêm và sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.
Được biết, cơ chế gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là do tiếp xúc với nguồn lạnh đột ngột. Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da, nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này sẽ bị co lại, gây ra tổn thương. Chỉ cần vài giây tiếp xúc với nguồn lạnh, người bệnh đã có thể mắc bệnh.
ThS. Lê Thị Hồng Nhung, Phó trưởng khoa Nội hô hấp, Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, hàng năm, mỗi khi thời tiết trở lạnh, số lượng bệnh nhân viêm phổi nhập viện lại tăng. Những bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, hen phế quản, tai biến mạch máu não... rất dễ bị viêm phổi, bởi đây là nhóm người có sức đề kháng kém.
Ngoài ra, theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Medlatec, vào mùa lạnh, rất dễ mắc các bệnh như cúm A, cúm B, hoặc cúm A/H1N1 dù hiếm gặp. Bên cạnh đó, bệnh do các chủng virus khác như sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết... cũng thường xuất hiện và diễn biến phức tạp trong mùa đông - xuân những năm gần đây. Trẻ em, người già, phụ nữ có thai và những đối tượng có sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc bệnh hơn.
Triệu chứng của các bệnh gây nên bởi virus thường khá giống nhau, như ho, sốt, hắt hơi, đau họng, đau cơ, mệt mỏi..., nên rất khó phân biệt. Nguy hiểm hơn, những triệu chứng này cũng khá giống với bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành thời gian gần đây. Vì vậy, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm sớm và chủ động cách ly trước khi có kết luận và giải pháp điều trị bệnh.
Tránh nhập viện khi đã muộn
Vừa qua, Bệnh viện Châm cứu Trung ương ghi nhận không ít trường hợp nhập viện muộn do điều trị không đúng hướng, nghe theo những cách chữa bệnh dân gian, đồn thổi không có căn cứ khoa học, nên quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với bệnh đột qụy, theo thông tin từ PGS-TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), do thiếu hiểu biết, nhiều gia đình không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn.
Không chỉ vậy, có người còn cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, khi đến cấp cứu thường trong tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, thậm chí có trường hợp đã ngừng tim trước khi đến bệnh viện. Do đó, khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng 4 - 5 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.
Với người bị đột quỵ não, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như khả năng phục hồi của bệnh nhân. Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, người nhà cần chuyển ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4 - 5 giờ, bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch, nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỡ máu, tim mạch, người trẻ nên chụp CT mạch não hoặc cộng hưởng từ để tầm soát dị dạng mạch não, vì đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế hàng đầu không phân biệt lứa tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thất thường như hiện nay.
Để phòng tránh bệnh trong mùa lạnh, các bác sĩ lưu ý, mọi người cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu muốn tập thể dục, có thể tập trong nhà.
Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Thêm vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.
Những người dễ đột quỵ khi tập thể dục, thể thao Đột quỵ khi tập thể dục, thể thao có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào ngay cả ở những người còn trẻ. Tuy vậy, thường gặp nhất vẫn là ở người đã có sẵn các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh nền, tuổi cao kết hợp thời tiết nóng, lạnh đột ngột. Trên thế giới cũng như ở nước ta...