Người con Bến Tre làm giáo sư Toán ở đại học Mỹ
Gặp không ít chông gai trên hành trình từ một cậu h ọc trò trường làng trở thành nhà Toán học, GS Phan Văn Tuộc nói điều may mắn nhất trong cuộc đời mình là ‘được bắt đầu từ con số 0′.
Vì thế mà anh Tuộc có thể học và làm Toán với sự thích thú một cách mộc mạc, hồn nhiên, và cả sự vui tính… ‘đặc sệt’ tính cách của một người miền Tây.
GS Phan Văn Tuộc sinh ra và lớn lên ở Mỏ Cày, Bến Tre, là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM và là một trong những lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên đến Mỹ làm nghiên cứu sinh ngành Toán sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Hiện nay, GS Tuộc làm việc tại khoa Toán của Trường ĐH Tennessee (Mỹ). Ngoài giảng dạy và nghiên cứu ở Mỹ, anh là một người rất gắn bó với toán học Việt Nam và thường xuyên về nước tổ chức các hội thảo khoa học cũng như dành thời gian trình bày nhiều bài giảng tại quê nhà. Hướng nghiên cứu của GS Tuộc là giải tích và phương trình đạo hàm riêng.
Là con thứ 10 trong gia đình có 12 anh em tại mảnh đất Mỏ Cày, dù cuộc sống gia đình có phần vất vả, nhưng GS Tuộc nói, với mình đây lại là một điều may mắn.
“Nhà đông anh em và lại ở vùng sâu, nên các anh chị trong gia đình cũng như hàng xóm láng giềng hầu hết không có điều kiện học lên cao. Là con trai nhỏ trong gia đình, tôi không phải làm nhiều công việc như các anh chị lớn, do đó có nhiều thời gian để học hơn”.
Từ ngôi trường mái lá đơn sơ ở chùa miếu làng quê đến trường PTTH Cheguevara thân thương ở thị trấn Mỏ Cày, đi học luôn là một niềm vui vô cùng lớn với anh.
Khi sắp tốt nghiệp phổ thông, anh Tuộc nói mình và bạn bè không hình dung được mình sẽ học những gì nếu thi vào đại học. Hai nghề mà anh biết nhiều nhất là nghề nông và nghề giáo.
Do yêu thích môn toán, và mong muốn học những gì liên quan đến toán ở bậc đại Học, anh Tuộc quyết định thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, với thông tin đơn giản từ một cô giáo dạy Toán cấp 3 rằng Đai học Sư phạm có nhiều học phần về kĩ năng Sư phạm, còn bên Khoa học tự nhiên thì chỉ học Toán thôi. Anh cũng là người đầu tiên trong gia đình đỗ đại học.
Nhưng má anh không vui khi con trai phải đi học xa. Điều bà mong muốn là con sẽ học gần nhà để còn phụ giúp ba má chuyện đồng áng. Chỉ có ba anh, sau khi nghe nguyện vọng của con, đã đồng ý thuyết phục vợ: “Cuộc đời mình chưa từng được đi học, giờ con nó thi đậu rồi, mình ráng để cho nó đi”.
Nghe chồng và con thuyết phục, má anh đồng ý, nhưng có một điều kiện, “sau khi tốt nghiệp, con phải về chăm sóc vườn tược với ba”. Anh đồng ý và một mình khăn gói lên TP.HCM.
Anh Tuộc nói, mặc dù ba má mình không hiểu học đại học để làm gì, nhưng đó lại là một thuận lợi với anh.
“Tôi không gặp phải bất cứ áp lực nào cả, do đó cứ học theo những gì mà mình cảm thấy yêu thích”.
Yêu thích Toán học, anh quyết định “nghe theo tiếng gọi trái tim”, chọn theo học “Chương Trình I” bao gồm khoa Toán Tin học và khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Trong khi nhiều người bạn cùng quê bỏ học để đi làm, anh Tuộc nói, mình được đi học đã là một niềm hạnh phúc. Đây lại một khoản đầu tư rất lớn của gia đình, do đó từ đầu năm thứ Nhất, không giây phút nào anh dám lơ là.
“Tôi cứ thế cố gắng học trong suốt năm nhất đại học. Nhưng bước sang năm thứ 2, khi các sinh viên trong khoa bắt đầu phải đưa ra quyết định lựa chọn chuyên ngành liên quan đến Toán hay Công nghệ thông tin, tôi bắt đầu dao động”.
Những người bạn thân của anh khi ấy, dù học rất giỏi Toán, nhưng đã chọn theo Công nghệ thông tin.
Bạn bè rủ rê nhiều, nhưng cuối cùng, anh Tuộc vẫn quyết định chọn theo ngành Toán ‘vì cảm giác thích Toán hơn’, và cũng vì cảm nhận được sự ‘gần gũi, giản dị’ của các thầy, cô khoa Toán.
Thế nhưng, khi đã chọn rồi, trong lòng anh vẫn phân vân, không biết mình có chọn đúng hay không. Kinh tế gia đình anh khó khăn, trong khi công nghệ thông tin là một xu hướng ‘hot’ thời đó, ra trường lương rất cao.
Video đang HOT
Giữa lúc còn đang chao đảo, chương trình học của khoa Toán bắt đầu nặng và khó hơn.
“Lúc đó sự lơ là khiến kết quả học tập của tôi giảm sút hẳn. Có những môn như đại số đại cương, tôi xém rớt môn đó và còn một vài môn học khác nữa”, anh Tuộc nhớ lại.
Kết thúc năm 2, khi về quê nghỉ hè, trong anh vẫn còn ngổn ngang rất nhiều suy nghĩ. “Nhìn thấy ba má vất vả để cho mình được đi học, tôi lại càng cảm thấy có lỗi và quyết tâm ôn tập và học lại kỹ càng những phần kiến thức của các môn đã học”.
Vì vậy, đến năm thứ 3, anh bắt đầu lấy lại cân bằng. Điều này giống như một luồng gió mới khiến bản thân anh yêu thích môn Toán trở lại.
“Tôi biết ơn thầy tôi – GS Dương Minh Đức. Thầy nói muốn đưa những sinh viên Việt Nam qua Mỹ học tiến sĩ. Lúc đó, không khí học tập của những sinh viên khoa Toán chúng tôi rất sôi nổi. Tôi cũng bắt đầu nhen nhóm hy vọng sẽ được đặt chân đến Mỹ và trở thành nhà Toán học” – anh Tuộc xúc động và nói sự nghiêm khắc nhưng rất ân cần và ấm áp của GS Dương Minh Đức đã truyền cảm hứng giúp anh có thêm sức mạnh và vững vàng để học tập tốt hơn. Ngay cả hướng nghiên cứu hiện nay về giải tích cũng đến từ sự chỉ bảo của GS Dương Minh Đức, nói như GS Tuộc đó là “mối duyên nợ kỳ lạ”.
Đi Mỹ làm Toán cũng là “kế hoạch lớn” mà anh ấp ủ kể từ năm thứ 3. Trong suốt 2 năm sau khi ra trường, anh giấu gia đình âm thầm chuẩn bị hồ sơ, học tiếng Anh. Và cuối cùng, anh đã thành công khi được nhận làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Minnesota (Mỹ).
Vài ngày trước khi lên đường sang Mỹ, anh Tuộc mới thông báo với gia đình. Ba má và các anh chị em rất sốc với quyết định này. Với gia đình anh và hàng xóm thời điểm đó, đi Mỹ là điều chưa ai từng nghĩ đến…
Quyết tâm đi học của anh Tuộc một lần nữa lại có bóng dáng của người thầy Dương Minh Đức. Biết học trò khó khăn, GS Đức đã chủ động hỏi và giúp anh Tuộc chuẩn bị một số thứ cần thiết, cũng như một phần chi phí để mua vé máy bay đến Mỹ.
Năm 2002, là một trong những sinh viên đầu tiên của Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) được sang Mỹ du học, nhưng kể cả khi đã đặt chân đến đây, anh Tuộc thừa nhận vẫn chưa rõ mình học Toán để làm gì.
“Đến khi gần tốt nghiệp, tôi vẫn thấy khả năng nghiên cứu của mình không có gì nổi trội.
Khi đi học, tôi chủ yếu làm bài tập, trong đó đa phần là những thứ đã có lời giải sẵn; nếu bí quá có thể hỏi thầy. Còn việc nghiên cứu lại hoàn toàn khác. Cho nên, ở thời điểm ấy, tôi vẫn chưa học được cách làm Toán thật sự” – anh Tuộc nói.
Hoang mang về hướng đi tiếp theo, anh Tuộc hy vọng tìm được một công việc ở một nơi anh có thể học hỏi kinh nghiệm và cách làm toán chuyên nghiệp từ những nhà toán học nhằm theo đuổi ước mơ của mình.
Rất may, cơ duyên đã đưa anh đến với ĐH British Columbia (Canada) với công việc nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc). “Hai người hướng dẫn của tôi rất tốt và tận tình. Phải mất hơn 2 năm, tôi mới học lại được cách làm toán và nghiên cứu toán chuyên nghiệp”, GS Tuộc nhớ lại.
Giờ đây, sau khi đã trở thành GS Toán tại một ngôi trường đại học ở Mỹ, nhìn lại chặng đường đã qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng GS Tuộc vẫn tin con đường này là phù hợp với mình nhất.
“Tôi may mắn vì có khởi điểm từ con số 0, do đó không có nhiều thứ để mất. Trong suốt quãng thời gian đi học, tôi không có quá nhiều áp lực.
Tất nhiên, trên hành trình ấy, tôi cũng phải trả giá bằng nhiều thứ, ví dụ như quãng thời gian sau tiến sĩ, tôi cũng phải rất vất vả để tự học lại kiến thức. Hay đến khi ba mất, lời hứa “sẽ về chăm sóc vườn tược cho ba”, tôi vẫn chưa thể thực hiện được.
Nhưng giống như một duyên nợ, dù đã từng đứng trước nhiều ngã rẽ, cuối cùng tôi vẫn kiên định với ước mơ của mình là được trở thành một nhà Toán học. Tôi nghĩ rằng, dù mình có thể theo đuổi bất kỳ con đường nào, nhưng nhất định đó phải là con đường mà mình đam mê”.
Thiết kế: Phương Thu
GS Việt ở Mỹ: Học online, trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà quản lý
Mới đây, GS Phan Văn Tuộc, GS Toán của Trường ĐH Tennessee (Mỹ) đã có những chia sẻ với VietNamNet về việc học trực tuyến tại Mỹ.
Theo GS Tuộc, dạy và học trực tuyến là xu thế trong bối cảnh cả thế giới bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Những tiện ích của dạy học online vẫn được thầy cô áp dụng,... ngay cả khi nước Mỹ đã cho học sinh trở lại trường.
Năm 2002, GS Phan Văn Tuộc là một trong những lứa sinh viên Toán học đầu tiên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM làm nghiên cứu sinh ở Mỹ
PV: Khi các trường học của Mỹ tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, theo quan sát của GS, việc dạy, học online đã được tổ chức như thế nào?
GS Phan Văn Tuộc: Ở Mỹ, khi bắt đầu triển khai dạy học online vào năm ngoái, khối lượng công việc cực kỳ lớn thuộc về những nhà quản lý giáo dục.
Đầu tiên và cấp thiết nhất trước khi bắt đầu dạy học trực tuyến là phải xây dựng và thông qua các quy chế cũng như nội qui cho việc giảng dạy, học tập, kiểm tra, và thi cử. Hội đồng giáo dục, các hiệu trưởng và các nhà quản lý làm việc ngày đêm, tham khảo rộng rãi ý kiến giáo viên và chuyên gia để xây dựng và thông qua các quy chế cho phù hợp với hoàn cảnh mới nhanh nhất có thể. Khi đã có quy chế và nội qui, việc giảng dạy và học tập của thầy cô, học sinh và nhà trường tuân thủ theo và có thể xử lý trong những tình huống phát sinh.
Sau khi thông qua quy chế, công việc còn lại của các nhà quản lý giáo dục là tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn cho giáo viên.
Trước khi bắt đầu học trực tuyến, học sinh sẽ được phát máy tính (thường là Chromebook). Phụ huynh phải sắp xếp thời gian theo lịch của trường để đến trường nhận sách, tài liệu, nhận máy tính cho con em mình và trả lại vào cuối năm học.
Ở những nơi hạn chế về đường truyền Internet, các nhà quản lý phải lên phương án để đưa internet tới từng hộ gia đình, hướng dẫn phụ huynh cài đặt. Điều này nhằm đảm bảo 100% học sinh tham gia học trực tuyến sẽ có được internet cần thiết cho việc học trực tuyến.
Một vấn đề khó ở Mỹ là học sinh có hoàn cảnh khó khăn vốn được ăn trưa miễn phí ở trường. Rất nhiều học sinh phải phụ thuộc vào phần trợ cấp này của nhà nước. Vì thế, kể cả khi học online, những nhà quản lý vẫn phải tìm cách để đảm bảo cung cấp thức ăn tới cho những học sinh có nhu cầu.
Tập huấn cho giáo viên cũng là điều được chú trọng. Tất cả giáo viên chưa thành thạo đều được tham gia vào các khóa tập huấn sử dụng phần mềm hay hướng dẫn phương pháp giảng dạy online sao hiệu quả trước khi triển khai hình thức học này.
Đồng thời, việc phân công giảng dạy (với lớp học hoàn toàn online, onsite, lớp học trực tuyến kết hợp trực tiếp) phải rất khoa học. Điều này cần rất nhiều thời gian và sức lực của các nhà quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó, và phòng giáo dục,..).
- Vậy, việc học online với các con anh có gặp trở ngại nào không?
GS Phan Văn Tuộc: Ở Mỹ cho phép giáo dục tại nhà (home school). Cháu nhỏ thì tôi cho home school, nghĩa là mình tự lên chương trình, giáo trình, môn học và tự dạy. Đứa lớn hơn đang học trung học nên cũng tương đối tự lập, nhà tôi cho bé theo học trực tuyến.
Thú thật là thời gian đầu cũng hồi hộp nhưng sau vài tuần thì thấy ổn. Vì học trung học, nên chương trình học theo tiết và có giải lao giữa các tiết học. Các thầy cô cũng cập nhật rất nhanh, và cố gắng hết sức để làm cho lớp học vui nhộn nhất có thể. Tuy nhiên, bé cũng rất căng và chán do không được tiếp xúc và vui chơi với bạn bè.
Bài tập về nhà thì tùy lớp, và nhiều khi tùy theo học sinh nữa mà thầy cô có thể cho bài khác nhau. Có người cho nhiều, có người ít hơn. Tuy nhiên, nhìn chung bài tập tương đối đa dạng hơn so với học trực tiếp do có hệ thống phần mềm hỗ trợ.
Hoc online giúp tiếp cận tri thức bình đẳng và tiết kiệm
- Từ thực tế giảng dạy tại trường đại học và có con học phổ thông, theo GS, việc dạy và học online có những thuận lợi và khó khăn cụ thể gì?
GS Phan Văn Tuộc: Với những học sinh xuất sắc, có thể việc thay đổi từ học trực tiếp sang học online sẽ không ảnh hưởng quá lớn.
Nhưng với phần lớn thì việc học trực tuyến có nhiều hạn chế như sự tương tác giữa người học - người dạy, người học - người học không cao, dễ khiến buổi học trở thành tương tác một chiều nhàm chán, không tạo được nhiều động lực cho người học. Việc tranh luận, hoạt động nhóm... bị hạn chế trong khi đây là yếu tố cốt lõi của việc học bởi kiến thức mà thầy cô cung cấp chỉ là 'phần cứng', góc nhìn và cách tiếp cận, vận dụng kiến thức ra sao mới làm cho kiến thức năng động và 'sống' được.
Thực tế, nếu chỉ cung cấp những kiến thức sẵn có và giao bài tập cho người học, học sinh có thể vẫn làm được, nhưng phần lớn làm xong sẽ quên ngay và không hiểu gì cả, đây hoàn toàn không phải là mục tiêu của giáo dục.
Với trẻ nhỏ hơn, việc học trực tuyến có thể là giảm khả năng giao tiếp, tương tác với bạn bè. Điều này lâu dài có thể dẫn tới chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi thế của dạy học online. Nhờ hình thức này, người học sẽ có nhiều lựa chọn hơn, bình đẳng hơn trong tiếp nhận thông tin. Giờ đây, dù ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều có thể tham gia vào những bài giảng ở khắp các châu lục, miễn là có thiết bị và có thể kết nối internet.
Bài giảng trực tuyến cũng sinh động và đa dạng hơn do có thể kết hợp nhiều hình ảnh, video hay học liệu. Ví dụ như giáo viên có thể đưa vào bài giảng những câu hỏi hoặc các cuộc thăm dò ý kiến và cho ra kết quả tức thời.
Ngoài ra, lợi thế không thể không nhắc đến là sẽ rất tiết kiệm chi phí (đi lại, ăn ở) khi học online.
- Trong thời gian qua, Mỹ đã mở cửa lại trường học như thế nào?
GS Phan Văn Tuộc: Trong một năm qua, các trường đều nỗ lực duy trì cùng lúc 3 hình thức lớp học: có những lớp học hoàn toàn trực tuyến, có lớp lại chia ca theo thứ tự họ tên như 1/2 lớp học trực tiếp và 1/2 lớp học online và thay phiên nhau. Có những lớp sẽ hoàn toàn trực tiếp nhưng học sinh sẽ được sắp xếp ngồi ở phòng to hơn và bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Phụ huynh được lựa chọn hình thức học mà mình mong muốn cho con em của mình.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường học trở lại với việc dạy học trực tiếp 100%. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt mà người học không thể tới lớp, ví dụ như vì lý do sức khỏe, học sinh vẫn có thể theo dõi bài giảng bằng hình thức trực tuyến.
Tại trường học khu nhà tôi, hè rồi nhà trường có tổ chức các lớp phụ đạo, sau 1 năm học trực tuyến, những học sinh không thể tập trung hay tiếp cận đầy đủ được nội dung của chương trình được nhà trường bổ sung kiến thức thông qua các khóa học này. Điều này nhằm giúp các em được trang bị kiến thức cần thiết cho năm học tới.
- Vậy việc học online còn giá trị gì khi giáo viên và học sinh quay trở lại trường?
GS Phan Văn Tuộc: Mình nhấn mạnh là hình thức online trong năm rồi cũng chỉ là "giải pháp" tạm thời trong tình hình dịch bệnh căng thẳng chưa biết về đâu. Giờ hầu như các trường ở Mỹ đều dạy học trực tiếp trên lớp.
Tuy nhiên, những tiện lợi của online vẫn được nhiều giáo viên áp dụng vào việc dạy trực tiếp trên lớp. Qua theo dõi việc học của con, tôi nhận thấy với một số môn học, việc học online cũng rất ổn, hoàn toàn không như hình dung trước đó của tôi. Ví dụ như đứa con lớn của tôi lần đầu học môn nhạc hòa tấu và học hoàn toàn online. Cuối học kỳ, tất cả học sinh học trực tuyến và tại lớp cùng biểu diễn chung live các bài nhạc được học tương đối thành công và đầy ấn tượng.
Còn các nhà khoa học, hay nghiên cứu sinh, học online giúp mọi người có thể tiếp cận tri thức bình đẳng và tiết kiệm.
Với ngành Toán, những nhà toán học, sinh viên và nghiên cứu sinh có thể tham dự các bài giảng, gặp gỡ các nhà nghiên cứu dù ở bất cứ đâu. Các chương trình online mang lại nhưng lợi ích không nhỏ cho sinh viên, những nghiên cứu viên trẻ, đặc biệt là khi chi phí còn hạn hẹp.
GS Phan Văn Tuộc dạy Toán ở ĐH Tennessee
Chẳng hạn chương trình "Diễn giải toán học", "Gặp gỡ mùa hè" , "Toán không màu" , ... rất thành công với những bài giảng, các buổi nói chuyện với sự tham gia đông đảo của sinh viên Việt Nam và các diễn giả người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Điều này, tất nhiên là không thể nào thực hiện được nếu làm trực tiếp trên giảng đường.
Ví dụ cụ thể như là chương trình Diễn giải Toán học do GS Lê Quang Nẫm (ĐH Indiana) và GS Trần Vĩnh Hưng (ĐH Wisconsin-Madison) tổ chức. Mục tiêu của chương trình là đem đến cho sinh viên Việt Nam những kiến thức toán học đương đại thông qua bài giảng từ các nhà toán học hàng đầu người Việt.
Hàng năm, có khoảng 2 bài giảng online và mỗi bài giảng dài tầm 90 phút, theo sau là các câu hỏi và thảo luận. Các chủ đề Toán học mà thế giới quan tâm, các kết quả, ý tưởng, kỹ thuật, và các hướng nghiên cứu Toán học hiện đại trên thế giới sẽ được diễn giải một cách đơn giản và cụ thể để sinh viên từ năm thứ 2 có thể theo học.
Chi tiết bài giảng sẽ được đăng tải trên mạng trước vài tuần, và các bài giảng được ghi hình, và đăng tải trên YouTube. Các bài giảng hoàn toàn bằng Tiếng Việt và bất kỳ sinh viên hay học giả nào cũng có thể xem đi xem lại nhiều lần, theo học và tìm hiểu từng chi tiết bất cứ lúc nào có thể.
GS Phan Văn Tuộc (quê ở Mỏ Cày, Bến Tre), là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Thời đi học ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, GS Tuộc đã được GS Dương Minh Đức hướng dẫn làm luận văn và giúp đỡ đi làm TS ở nước ngoài.
Năm 2002, GS Tuộc là một trong những lứa sinh viên Toán học đầu tiên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên làm nghiên cứu sinh ở Mỹ sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Minnesota, nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH British Columbia (Canada), GS Tuộc hiện làm việc tại khoa Toán của Trường ĐH Tennessee. Hướng nghiên cứu của GS Tuộc liên quan đến giải tích và phương trình hàm riêng. Đây cũng là hướng nghiên cứu gắn liền với truyền thống phát triển của Khoa Toán, ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM.
Công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng đột biến sau giãn cách Trong suốt thời gian vừa qua, doanh nghiệp trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin gần như không bị ảnh hưởng và vẫn đang tiếp tục "nóng" về nhu cầu tuyển dụng sau giãn cách. Nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin rất nhiều. trong ảnh là Sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường...