Người bệnh ’sợ’ nhất nhà vệ sinh bệnh viện
Nhà vệ sinh bệnh viện ít được người bệnh hài lòng nhất, tiếp theo là chi phí khám, chữa bệnh, theo kết quả khảo sát độ hài lòng bệnh nhân.
Chiều 27/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng Mạng lưới Sáng kiến Việt Na công bố báo cáo Chỉ số hài lòng người bệnh đánh giá chất lượng phục vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Dự án đã tiến hành khảo sát độc lập thí điểm sự hài lòng của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện thông qua phỏng vấn trên điện thoại vào tháng 4-7/2017, tại 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98 điểm; tương ứng với mức độ hài lòng đạt gần 80% kỳ vọng.
Người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc, kém hài lòng nhất với nhà vệ sinh bệnh viện. Cụ thể, lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58 điểm), tiếp theo là lĩnh vực chi phí khám, chữa bệnh và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm (lần lượt là 3,88 và 3,9 điểm).
Theo một người nhà bệnh nhân điều trị tại khoa ung bướu tham gia khảo sát, gọi được y tá rất khó nên người nhà phải tự thay dây truyền. 90% người nhà tự làm hết việc thay dây truyền. “Tìm gặp nhân viên y tế còn khó chứ đừng nói gì đến chuyện đến nhờ thay dây truyền”, người này cho biết.
Một người nhà khác thì phàn nàn về cách phục vụ của khoa tự nguyện, nhân viên cáu gắt, khi trẻ ốm gọi nhân viên xin thuốc hạ sốt thì không cho nên phải tự sang phòng cấp cứu xin thuốc. Trẻ chưa khỏi bệnh nhưng người này cũng cho con ra ngoài điều trị.
“Bệnh nhân có vấn đề sức khỏe mà muốn gọi bác sĩ nhiều khi chẳng có bác sĩ nào, chỉ có lúc phát thuốc mới gặp được bác sĩ”, một người nhà phản ánh qua điện thoại.
Video đang HOT
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương hy vọng nghiên cứu tiếp theo sẽ có sự tham gia của các bệnh viện tuyến trung ương. 38 bệnh viện trung ương đã nhận được thư mời tham gia khảo sát này, nhưng chưa có bệnh viện nào gửi dữ liệu nào về Bộ Y tế.
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết việc công khai kết quả khảo sát sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của các bệnh viện công, minh bạch về chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện công tác giám sát của người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, các bệnh viện tuyến trung ương đang tự chấm điểm chất lượng dịch vụ, sau đó các bệnh viện khác sẽ chấm chéo. Bộ Y tế thẩm định cuối cùng.
Trong số 29 bệnh viện, có 5 bệnh viện được xếp hạng Rất tốt, 16 bệnh viện được xếp hạng Tốt, 8 cơ sở xếp hạng Khá, 2 bệnh viện thuộc nhóm Trung bình.5 bệnh viện nhận được phản hồi tốt nhất từ người bệnh là Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Từ Dũ (TP HCM), Tai Mũi Họng (TP HCM), Phụ Sản (TP Cần Thơ), Lao và bệnh Phổi (tỉnh Thái Bình). Hai bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng trung bình là Bệnh viện Phổi Bắc Giang và Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
Nam Phương
Theo vnexpress.net
Nhà vệ sinh bệnh viện bao giờ 5 sao?
Sáng 11.12, tại nhà vệ sinh nam ở tầng trệt bệnh viện C., bệnh viện lớn nhất nhì TP.HCM, ông Mười, lặn lội từ Cà Mau lên thành phố chữa bệnh, vừa đi vệ sinh vừa làu bàu: "Bệnh viện thu mấy tỉ đồng mỗi ngày nhưng không làm được một nhà vệ sinh ra hồn".
Thà "nhịn" còn hơn
Không ít người cũng bực mình như ông Mười. Nhà vệ sinh xây dựng hơn 40 năm, nay xuống cấp, bốn bồn tiểu nam, một cái đã hư. Tương tự, ba buồng đại tiện, nhưng một cái khoá cửa không dùng được. Người có nhu cầu đi vệ sinh nhiều, vào chờ đợi trong không gian chật chội, bốc mùi hôi thối. Người bình thường đã khổ sở huống chi đó là bệnh nhân.
Nhà vệ sinh "5 sao" của bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM thường có nhân viên dọn dẹp phục vụ.
Thật ra bệnh viện cũng hợp đồng với công ty vệ sinh chuyên nghiệp bên ngoài, thi thoảng một nhân viên nữ ra vào chùi sàn cho khô ráo, nhưng với lượng bệnh nhân quá nhiều của một bệnh viện tuyến cuối, nhà vệ sinh này không kham nổi.
Tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, hôi hám là chuyện khá phổ biến ở nhiều bệnh viện hiện nay. Từ khi phải thực hiện tự chủ tài chính, bệnh viện nào cũng quan tâm đến việc nâng cấp dịch vụ, nhưng dường như ít nơi nào quan tâm đến việc nâng cấp nhà vệ sinh.
Ở TP.HCM, bệnh viện Ng. ở vị trí khá đắc địa có hai mặt tiền nằm ngay góc của hai con đường lớn. Ngay lối vào bệnh viện là một toà nhà bề thế mà tầng trệt dùng làm khu khám ngoại trú. Ngồi chờ đến số để vào khám bệnh sáng ngày 7.12, chị Nga, nói với một phụ nữ bên cạnh: "Khi nào đến số của tôi chị nói tôi chạy về nhà gần đây đi vệ sinh rồi quay vào". "Sao không đi ở bệnh viện?", người kia hỏi. "Nhà vệ sinh ở đây dơ lắm, thà "nhịn" còn hơn", chị Nga trả lời.
Năm 2015, một khảo sát của viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường về vấn đề cấp nước và vệ sinh tại bệnh viện, cho thấy các nhà vệ sinh bệnh viện còn nhiều vấn đề như dơ bẩn, thiếu nước, thiếu giấy, thiếu dung dịch rửa tay, đọng nước trên sàn, bàn cầu vỡ hoặc hư hỏng không được sửa chữa. Đặc biệt mùi hôi nặng nề do lượng người sử dụng nhiều mà không được dọn dẹp kịp thời.
Bác sĩ P., nguyên giám đốc một bệnh viện công lập tại TP.HCM, cho biết nhà vệ sinh là "bộ mặt" quan trọng nhất của bệnh viện. Ông cho biết: "Không chỉ mang lại thoải mái cho người sử dụng, nhà vệ sinh còn phải sạch sẽ vì nơi đó ẩn chứa nhiều mầm bệnh độc hại do người sử dụng thường là bệnh nhân".
Nhà vệ sinh như ở khách sạn 5 sao
Một khảo sát cách đây vài năm tại Mỹ, cho thấy bàn ngồi của một số nhà vệ sinh bệnh viện là nơi trú ngụ của vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng với kháng sinh methicillin.
Trong khi đó một khảo sát tại 22 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có nhà vệ sinh bệnh viện, do đại học Y khoa Florida (Mỹ) thực hiện cho thấy các tay nắm cửa, hộp đựng khăn giấy, chai đựng nước sát khuẩn ở những nơi này ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, đôi lúc quá nhiều không thể đếm xuể được. Vì thế, khi chạm tay vào những vật dụng này người ta có nguy cơ nhiễm phải mầm bệnh. Những khảo sát như thế chưa có ở nước ta.
Trong khi đa số bệnh viện chưa đầu tư đúng mức cho nhà vệ sinh, một vài bệnh viện ở TP.HCM bắt đầu quan tâm đến chuyện này. Tại bệnh viện Nguyễn Trãi, khu khám ngoại trú được cải tạo lại, sáng sủa và sạch đẹp hơn trước, đặc biệt có một nhà vệ sinh sạch đẹp luôn có nhân viên túc trực chùi rửa. Sáng 7.12, sau khi đi vệ sinh ra, ông Long, cán bộ hưu trí thường đến khám bệnh, nói: "Tôi khám ở đây nhiều năm, thấy bệnh viện bắt đầu quan tâm đến bệnh nhân, điển hình là xây nhà vệ sinh mới này".
Nhưng bất ngờ nhất vẫn là bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM với một nhà vệ sinh "5 sao" mới xây dựng trên lầu 2. Một người viết ngắn gọn gửi ban giám đốc: "Chúng tôi cảm nhận như đi vệ sinh ở sân bay quốc tế". Bệnh nhân Kim Nga cũng đồng tình: "Nhà vệ sinh quá tốt, hiện đại bằng khách sạn 5 sao".
Nhận xét này không quá vì nhà vệ sinh ở đây khá rộng rãi, có cây xanh khử mùi, sử dụng vòi nước cảm ứng, có xà phòng rửa tay, máy sấy tay, bồn tiểu nam xả nước tự động, đặc biệt có cả phòng vệ sinh dành cho người khuyết tật.
BSCK 2 Nguyễn Ánh Tuyết, phó giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết: "Qua khảo sát trải nghiệm người bệnh, chúng tôi thấu hiểu được nhu cầu và sự mong đợi của người bệnh mỗi khi đến bệnh viện. Thêm vào đó, kiốt khảo sát sự không hài lòng của bệnh nhân do sở Y tế triển khai cũng xác nhận nhà vệ sinh là nơi bệnh nhân không hài lòng nhất. Từ đó, bệnh viện quyết tâm đầu tư nâng cấp toàn hệ thống nhà vệ sinh ở khoa khám bệnh, nơi tiếp đón 4.000 lượt khám chữa bệnh hàng ngày,chưa kể số thân nhân bệnh nhân đi kèm".
Theo Danviet