Ngọt thơm chè bắp quê nhà
Cứ vào vụ thu hoạch bắp, mẹ tôi ra đồng nà để chọn những quả bắp nếp no tròn, đầy đặn, không quá non cũng không quá già sau những tháng ngày ngóng đợi đem về nấu chè.
Theo quan niệm người lớn truyền lại, bắp bẻ xong là sử dụng liền cũng như không được gùi bắp lội qua sông suối, vì như vậy sẽ nhạt nhẽo, kém phần thơm ngọt.
Bắp đem về lột vỏ, nhặt sạch râu. Râu bắp phơi khô dùng nấu nước uống giải nhiệt, rất mát, có người còn làm vị thuốc nam chữa bệnh. Tôi lấy dao gọt theo chiều dài của trái bắp đến khi tới cùi thì thôi. Sau đó cho vào nồi đổ nước ngập mặt bắp khoảng chừng một lóng tay. Đun lửa nhỏ tầm 30 phút, thêm đường phèn, nước lá dứa, nước cốt dừa khuấy đều cho tan. Lúc này từng sợi bắp bám chặt vào nhau, sánh đặc, sôi lúp búp, sình sịch, nhô lên rồi hạ xuống, nghe rất vui tai. Nhắc nồi chè ra khỏi bếp rồi thêm vài hạt muối sống, gừng gọt sạch vỏ đã được giã nhuyễn, đảo đều tay.
Chè bắp có màu vàng ươm, múc ra chén để nguội, cho một chút dừa tươi bào và một thìa đậu phụng giã nhỏ hoặc vừng lên trên là đã có thể thưởng thức vị béo của bắp, của nước cốt dừa hòa quyện cùng vị ngọt, thơm đặc trưng của đường phèn, vị thanh của gừng lan tỏa khắp vị giác. Càng thích thú hơn, sau khi nhâm nhi chè bắp thì uống ngụm nước chè xanh nóng hổi để cảm nhận trọn vẹn vị ngòn ngọt, đậm đà, thơm tho nơi đầu lưỡi. Và bao giờ cũng vậy, nhìn chén chè bắp của mẹ là phảng phất chất quê mộc mạc, bình dị đến nao lòng.
Theo Baoquangnam
Xôi lá chuối - Hương vị quê nhà
Khi mà người thành phố dùng miếng ni-lông mong mỏng, bên trong lót một mẩu giấy báo cũ để bọc xôi thì hình ảnh nắm xôi đựng trong chiếc lá chuối cuộn tròn trở nên thi vị và gợi nhớ hơn với nhiều thực khách.
Trong xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa nông thôn dần phai nhạt, vì vậy, mỗi khi bắt gặp hình ảnh chiếc lá chuối trong một món ăn nào đó, những hoài niệm về một miền quê mộc mạc và dân dã tự dưng trỗi dậy.
Tại Hà Nội hay Sài Gòn cũng như nhiều đô thị trong cả nước, từ lâu rồi, người ta ít khi được thấy hình ảnh chiếc lá chuối. Bởi vì, người ta trồng chuối để làm gì trong thời buổi mỗi tấc đất là một tấc vàng. Vì thế mà người dân đang sinh sống tại đô thị, nhất là những người có một thời thơ ấu ở miền quê, đôi khi chợt nhớ... chiếc lá chuối mộc mạc và cũng nhằm giữ lại hình ảnh dân dã dễ thương.
Món xôi mặn thơm ngon được tạo nên từ hương vị kết hợp của độ dẻo của xôi nếp lẫn với vị béo của mỡ hành phảng phất mùi thơm của hành phi, trong đó còn có mùi vị của chả lụa, lạp xưởng, jambong, tép, đậu phộng. Khi thưởng thức món xôi bắp thực khách sẽ phát hiện ra từng hột bắp no tròn ngọt lịm được nấu cùng với xôi nếp. Đi kèm theo còn có đậu xanh, hành phi và đường cát trắng ngọt thanh.
Cả hai món này điều ngon, tuy nhiên, mùi vị nó không quá nổi bật nếu so với những quầy bán xôi mặn hay xôi bắp ngọt trên vỉa hè vào mỗi buổi sáng. Nhưng chiếc lá chuối bao bọc bên ngoài chính là điểm cốt lõi khiến cho món ăn có hồn hơn so với nhiều nơi khác. Nó cho thực khách cảm giác trân trọng điều gì đó rất mộc mạc, rất nhà quê nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ. Hay nhìn dưới một góc độ khác, chiếc lá chuối giữ lại những giá trị xưa cũ đang có nguy cơ biến mất khỏi đời sống thị dân thời công nghiệp hóa.
Theo TCDL
Gà hấp lá trúc hương vị mộc mạc quê nhà An Giang Miền đất An Giang không chỉ gợi du khách nhớ đến các đặc sản lạ tai như gỏi sầu đâu, tung lò mò... mà còn làm xao xuyến bao thực khách bởi món ăn đậm chất thôn quê như "gà hấp lá trúc". Một lần về với An Giang, du khách không chỉ được thưởng ngoạn danh thắng núi non hùng vĩ mà...