Ngọt thơm bánh ngào xứ Nghệ
Từng chiếc bánh tròn nhỏ hòa quyện với nước mật sóng sánh thơm hương gừng tạo nên món bánh ngào thơm ngon đặc trưng xứ Nghệ.
Món ăn đơn giản là chiếc bánh được phủ nhiều mật lại có mùi thơm của nước gừng, nên có tên gọi là “bánh ngào”. Bánh ngào thường được thưởng thức vào lúc trời se lạnh, hay có chút mưa phùn vì khi ăn nóng sẽ càng ngon hơn bởi sự nồng ấm, “ngào ngạt” và thơm lừng mùi gừng.
Làm bánh khá đơn giản, nguyên liệu cũng không đắt, không khó tìm. Thông thường người ta chọn bột nếp để làm bánh ngào, ngoài ra còn có mật mía, gừng. Cách làm bánh ngào tương tự bánh trôi tàu, bánh chay ở miền Bắc. Bánh trôi tàu, bánh chay ăn có vị ngọt thanh đạm của đường. Còn bánh ngào lại có vị ngọt đậm đà của mật.
Phải chọn loại mật có màu vàng đỏ, đậm đà, sánh nhuyễn. Nếp làm bánh chọn loại nếp ngon xay nhỏ rồi lọc qua túi vải để lấy được phần bột tinh. Sau đó đem nhồi thật kỹ cho nhuyễn, càng nhuyễn bánh ăn càng dẻo và ngon.
Chiếc bánh tròn nhỏ được bao bọc bởi màu vàng sóng sánh thơm hương gừng của mật rất hấp dẫn và ngon miệng. Ảnh: Thanh Lan.
Món bánh ngào có thể có nhân hoặc không có nhân, thông thường ngày xưa các cụ thường làm nhân bánh từ đỗ xanh tróc vỏ rồi ninh lửa nhỏ cho chín, giã nhỏ, cho ít đường trộn đều rồi viên lại thành nhân bánh. Ngày nay, cho rằng bánh đã có mật ngọt đậm đà nên ít người làm nhân bánh để tránh ngọt trong, ngọt ngoài gây mau ngấy. Những người làm bánh để bán họ thường không cho nhân vì đỡ được một phần kinh phí, nhiều hộ gia đình các mẹ, các chị vẫn làm nhân để bánh được hoàn hảo, hòa hợp nhân trong, mật ngoài.
Bột sau khi được nhồi nhuyễn sẽ đem nặn thành từng viên nhỏ vừa ăn, nhân bánh được cho vào giữa. Sau khi làm xong, cho bánh vào nồi bắc lên bếp luộc vừa chín đến, vớt bánh ra nhúng qua nước sôi để bánh không dính vào nhau khi nguội. Bánh ngào ngon hay không do nước mật đi kèm, phải chọn loại mật có màu vàng đỏ, sóng sánh rất đẹp mắt. Cho mật vào nồi đun sôi trên bếp, gừng tươi giã nhỏ cho trước một ít vào vừa tạo mùi thơm vừa cho mật đỡ ngán, sau đó cho bánh vào, khi mật ngấm dần lấy đũa khuấy nhẹ cho mật ngấm đều bánh thì tắt bếp, cho phần gừng còn lại vào để làm cho mùi vị thanh và không gây ngán.
Bánh ngào ngon nhất khi ăn nóng, múc ra từng bát nhỏ, vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết hương vị. Vị bùi của nhân, thơm dẻo của nếp quyện với vị ngọt vừa đậm vừa thanh lại thơm nồng của gừng, của mật đem đến cho người ăn vị ngọt thơm rất ngon miệng.
Thanh Lan
Theo VNE
Video đang HOT
[Chế biến]- Bánh trôi tàu
Món chè này có phần vỏ ăn giống bánh chay của miền Bắc, nhưng ở miền Nam lại thêm hành phi, quyện với nước cốt dừa béo, nước lại thơm mùi gừng, bùi bùi với đậu phộng rang hay vừng rất hấp dẫn.
Nguyên liệu
Phần vỏ bánh:
250gr bột nếp
200ml sữa tươi, hay nước lọc
1 muỗng cà phê đường
muỗng cà phê muối
1 nhánh gừng nhỏ
100gr đường nâu
Phần nước cốt dừa:
1 hộp nước cốt dừa 300ml
1/2 muỗng cà phê muối
1 muỗng cà phê đường
1 muỗng cà phê bột bắp
Phần đậu xanh:
150gr đậu xanh
50gr đường cát trắng
1 nhúm muối nhỏ
1 củ hành tím nhỏ
1 nhánh hành lá
1 muỗng cà phê dầu ăn.
Cách làm:
Đậu xanh xả sạch ngâm khoảng 3-4 tiếng. Đổ nước ngập mặt đậu, bắc lên bếp nấu mềm.
Hành lá, hành tím thái nhỏ, gừng xắt sợi nhỏ.
Đậu xanh chín bạn dùng muỗng gỗ đánh đều cho đậu xanh mịn, bạn có thể cho vào máy sinh tố xay nhưng đậu xanh rất đặc, bạn cẩn thận kẻo cháy máy nhé!
Phi thơm hành lá, hành tím với 1 muỗng cà phê dầu ăn.
Đổ đậu xanh vào đảo đều, thêm đường vào trộn đều với đậu xanh rồi xào cho đậu xanh khô và tan đường.
Đậu khô, dùng tay nắn đậu thành những viên tròn nhỏ hay to tùy theo sở thích của bạn.
Sữa tươi đổ ra ly, cho vào lò vi sóng bấm 1 phút hoặc bắc lên nồi nấu đến khi sữa nóng gìa (bạn không nên để sữa sôi sẽ làm bột chín). Sữa làm cho vỏ bánh mềm, có thể để 1 - 2 ngày vỏ bánh vẫn không bị cứng.
Bột nếp trộn với muối, đường, đổ từ từ sữa đã hâm nóng vào, vừa đổ vừa dùng muỗng gỗ lớn quậy đều. Tùy theo độ hút ẩm của mỗi loại bột mà bạn điều chỉnh lượng nước cho phù hợp, nếu khô bạn châm thêm sữa nóng, ướt thì thêm bột nếp vào quậy...
... đến khi hỗn hợp bột dẻo sờ không dính tay là được.
Bọc bột bằng màng bọc thực phẩm hoặc khăn ẩm, ủ bột trong vòng 30 phút.
Sau khi ủ xong bạn ngắt từng cục bột nhỏ rồi dàn trải ra trong lòng bàn tay, bỏ viên nhân đậu xanh vào gói lại rồi xoay vài vòng cho bột bao đều viên đậu xanh.
Nếu thừa vỏ bột nếp bạn có thể vo tròn như viên bi, và không có đậu xanh.
Bắc nồi nước sôi thả viên trôi nước vừa làm ở trên vào. Khi nào viên trôi nước nổi lên là đã chín.
Vớt nó ra thả liền vào thau nước lạnh.
Đậu phộng rang vàng giã hơi nát, vừng rang vàng.
Khui hộp nước cốt dừa, trộn với muối, đường, bột bắp rồi đổ vào nồi nhỏ bắc lên bếp nấu cho hỗn hợp nước cốt dừa sôi thì để nguội và đổ ra bát lớn.
Nấu khoảng 500ml nước lạnh với 100gr đường nâu và gừng, nấu sôi cho đường tan rồi thả từng viên trôi nước vào, nấu lửa nhỏ cho thấm đều, nêm lại tùy khẩu vị.
Bánh trôi tàu ăn nóng hoặc lạnh với nước cốt dừa chan trên mặt, rắc mè hoặc đậu phộng rang lên trên tùy thích.
Món chè này có phần vỏ ăn giống bánh trôi, bánh chay của miền Bắc, nhưng ở miền Nam lại thêm hành phi, quyện với nước cốt dừa béo, nước lại thơm mùi gừng, bùi bùi với đậu phộng rang hay vừng rất hấp dẫn.
Cắn từng miếng chè có vị thơm của gừng, nhân đậu xanh béo của hành phi làm nên sự khác biệt đặc trưng cho món bánh trôi tàu.
Theo BĐVN
Điểm danh những món chè nóng không thể không ăn vào mùa đông Đông sang, các hàng chè đá thông thường đều chuyển sang bán chè nóng. Chè nóng thường là chè đặc, được nấu với vị ngọt nhẹ và lúc nào cũng bốc khói nghi ngút, khách vừa xì xụp thổi, xì xụp ăn... Cũng như chè lạnh, chè nóng có rất nhiều món với hương vị khác nhau cho bạn lựa chọn: chè sắn...