Ngọt mềm ngan chặt Lý Quốc Sư
Sau những cuộc chè chén ngấy dầu mỡ, người ta lại thòm thèm vị thơm mềm mà giản dị của đĩa ngan chặt.
Cuộc sống nơi đô thành tấp nập đem lại cho con người quá nhiều lựa chọn mỗi khi bước chân ra đường vui chơi, ăn uống. Mỗi lúc như vậy, người ta lại thường tìm đến những vỉ thịt, nầm… nướng thơm phúc trên bếp than đỏ rực hay cùng nhau cạn chén bên nồi lẩu bò, gà dậy mùi đang sôi sùng sục. Sau những “cuộc vui dầu mỡ” lặp đi lặp lại như thế, có không ít người lại thòm thèm vị ngọt mềm của thịt ngan luộc cùng với bát măng tiết nóng hổi giản đơn.
Quán bún miến ngan tại số 31 Lý Quốc Sư (Hà Nội) chỉ mở cửa từ khoảng 10h cho tới 14h. Nhưng hễ lúc nào ông bà chủ vừa mở cửa là quán lại tấp nập người tìm đến. Bạn có thể chọn ngồi ăn ở ngoài vỉa hè hoặc vào trong nhà. Một số người lại thích ngồi ở phía đối diện bên đường của quán cho thoáng mát. Thực đơn của quán rất đơn giản, chỉ có thịt ngan, bún, miến, tiết canh và lòng ngan. Điều này giúp cho quán phục vụ được cả cho khách ăn sáng muộn lẫn những người đi ăn trưa.
Nhiều người thòm thèm cái ngọt mềm mà giản dị của thịt ngan luộc sau những lần chè chén đầy dầu mỡ. Ảnh: Thanh Tùng.
Khay thức ăn được bưng ra bàn chỉ sau ít phút gọi món. Chưa cần đụng đũa, bạn sẽ ngửi ngay được mùi thơm nhẹ của bát măng tiết và cảm nhận được vị giòn béo trong miếng da căng mẩy. Gắp một miếng thịt ngan, chấm vào bát nước mắm hoặc xì dầu rồi đưa lên miệng, bạn sẽ thấy được ngay chất nước ngọt trong miếng thịt khẽ chảy vào đầu lưỡi. Miếng thịt mềm mại, lớp da giòn dai cùng chút nước chấm đậm đà, thơm thơm mùi tỏi, ớt là sự kết hợp hoàn hảo cho vị, khứu giác lúc này.
Nhưng cái thú khi ăn ngan chặt không chỉ dừng ở đây, sẽ thật thiếu sót nếu bạn không gọi thêm cho mình một bát măng tiết. Miếng măng cắt nhỏ giúp cân bằng bữa ăn và không bị ngấy. Cắn một miếng tiết, nước dùng nấu từ thịt, xương ngan ngọt thơm như trào ra trong miệng, vừa nóng hổi lại vừa thích thú đến kỳ lạ. Cuối cùng, bạn chỉ cần ăn thêm một bán bún chan nước măng cùng với chiếc quẩy vàng ruộm giòn tan. Vậy là quá đủ để tiếp tục “chiến đấu” trong cả buổi chiều còn lại.
Giá bán cho một đĩa ngan chặt ở đây là 150.000 đồng, canh măng là 50.000 đồng một bát và bún là 10.000 đồng một đĩa. Một rổ quẩy 5 chiếc được bán với giá là 5.000 đồng. Nếu khát nước, bạn có thể gọi nước ngô, sữa đậu nành, trà đá ở các quán bên cạnh và phía bên kia đường. Bạn nên chú ý rằng quán chỉ phục vụ hai loại nước chấm là xì dầu và nước mắm tỏi ớt.
Các loại đồ dùng đựng thức ăn ở đây trông rất vệ sinh.
Video đang HOT
Miếng thịt ngan ngọt mềm có lớp da căng mẩy giòn tan.
Chấm một ít xì dầu cho miếng thịt thêm đậm đà.
Miếng măng mỡ màng cùng với tiết căng mẩy.
Theo NS
Văn hóa ẩm thực Hà Nội xưa và nay
Nấu và thưởng thức các món ăn là cả một nghệ thuật của người Hà Nội, chẳng thế mà cho đến tận bây giờ thói quen ấy vẫn tồn tại và trở thành một nét văn hoá riêng độc đáo, hấp dẫn bất cứ ai khi mới đặt chân đến nơi này.
Cái tinh tế trong ẩm thực Hà Nội thể hiện ở cách chế biến, cách thưởng thức đúng cách, ở tấm lòng người trao kẻ nhận. Mỗi món ăn Hà Nội đều có hương vị, nét đẹp riêng và đặc biệt là có truyền thống, cách thưởng thức truyền đời, chẳng thế mà nó không chỉ là những thức ăn thông thường mà được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực...
Bún ốc Tây Hồ - Pháp Vân (Thanh Trì)
Chúng tôi tìm đến một quán nhỏ ở phố Phù Đổng Thiên Vương mà với nhiều người sành ăn, đây là hàng bún ốc ngon vào loại hiếm ở Hà Nội bây giờ. Trước đây, nhắc tới bún ốc Hà Nội người ta nhớ ngay tới hai làng nổi tiếng Tây Hồ và Pháp Vân - Thanh Trì. Chị Hòa bán bún ốc ở đây cũng quê Pháp Vân. Mẹ chị gánh bún ốc bán rong hơn 40 nm, sau truyền nghề lại cho chị. Hàng chị là địa chỉ quen thuộc của nhiều người Hà Nội vì bún ốc ở đây từ khẩu vị đến cách trình bày đều rất... Hà Nội. Chị Hòa tâm sự với chúng tôi: "Tôi rất tự hào vì vẫn giữ được những nét xưa của bún ốc. Ở Hà Nội bây giờ chỉ có mình hàng tôi còn bán bún ốc nước nguội chấm đúng như ngày xưa". Ngày xưa, người Hà Nội hay ăn ốc lọ nhưng giờ họ ăn cả bún chan như phở, nhưng nhiều người sành ăn vẫn còn thích ăn bún chấm.
Bún ốc chỉ nên ăn từ sáng đến trưa, tối người Hà Nội không ăn bún ốc, khác với phở. Bún ốc ngon trước hết phải có vị cay chua của ớt, của bỗng rượu. Bún ốc có 2 - 3 cách ăn: có thể chan, có thể chấm, có thể ăn nóng hoặc ăn nguội. Bún ốc không thay đổi nhiều lắm như các món ăn Hà Nội khác: vẫn là ớt trưng, vẫn là tía tô. Không có thứ gì cần tía tô và ớt trưng nhiều như bún ốc. Bát bún ốc của Hà Nội rất đẹp vì nó có màu đỏ của ớt trưng, màu tím của tía tô và sợi bún trắng...
Xôi
Đã là người Hà Nội không ai là không từng thưởng thức món xôi một lần, phải nói rằng, xôi Hà Nội có một phong vị riêng mà không trùng với bất cứ xôi ở nơi nào khác. Buổi sáng sớm, tiết trời còn mát mẻ, sau một giấc ngủ êm đềm, con người tĩnh tại thoải mái, bạn có bao giờ nghĩ rằng thưởng thức một bát xôi vào buổi sáng là cách thư giãn tốt nhất không ? Người Hà Nội thì hay có thói quen như thế, giản dị, mộc mạc và thanh bình biết bao nhiêu.
Mỗi loại xôi có một hương vị khác nhau và được ăn kèm với các loại thức ăn khác nhau. Chẳng hạn như xôi trắng ăn kèm với ruốc, thịt kho tàu, giò chả, lạp xường vừa thơm, vừa mềm. Xôi gấc có vị ngọt được ăn kèm với chả mỡ. Xôi lạc, xôi đỗ xanh ăn kèm với vừng và ruốc. Còn xôi xéo, chắc chắn phải có thêm đậu xanh xắt lát mỏng và trên bát có hành phi thơm vàng ngậy...
Thật ra, việc nấu xôi cũng chẳng mấy khó khn và bất kể ai cũng nấu được. Chẳng hạn như muốn nấu xôi đậu xanh, chỉ cần chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, ngâm gạo, đậu xanh từ tối hôm trước, để qua đêm cho mềm. Sau đó, vo gạo, đãi đậu thật kỹ rồi trộn đều. Cho thêm một chút muối, xóc lẫn vào gạo, đậu rồi đổ vào chõ đồ cho đến khi hạt gạo dẻo trong và hạt đậu nở bung là được. Đối với xôi lạc, cách nấu có hơi khác. Người nấu phải luộc chín nhân lạc trước cho mềm, sau đó bóc vỏ lạc rồi trộn với gạo nếp, pha thêm muối và đổ vào chõ đồ... Riêng xôi gấc, thay vì cho muối, người nấu cần cho thêm đường. Trong các loại xôi, xôi xéo được coi là khó nấu nhất. Sau khi xôi chín, người nấu phải xới xôi cho tơi, để nguội rồi trộn với đậu xanh nấu chín. Đến lúc ăn xôi, phải xắt mỏng nắm đậu xanh đã được đồ chín, thêm chút mỡ nước, hành phi vàng thơm phủ lên trên. Khi đó, bát xôi xéo của sẽ có được vị ngọt của gạo nếp,vị bùi của đậu xanh, vị béo của mỡ nước và vị thơm của hành phi, ăn ngon tuyệt.
Miến lươn
Ngày nay, việc chế biến và thưởng thức món miến lươn đã khác xưa rất nhiều. Miến lươn Hà Nội xưa được sắp vào bát nhỏ, thường là bát chiết yêu (loại bát chôn nhỏ, miệng loe) miệng bát chỉ lớn hơn bát n cơm một chút. Miến rửa sạch đã trần nước sôi, được trần lại vào nồi nước dùng lươn mầu nâu nâu cho miến nở, thấm độ đậm, ngọt của nước dùng rồi cho vào bát. Những miếng thịt lươn đã xào săn lại mà vẫn phô mầu vàng óng của da lươn. Hành hoa và rau răm thái nhỏ tăn - thường thái trước khi cho vào bát để giữ mùi thơm, hành răm thái càng nhỏ càng tiết mùi thơm nhiều hơn. Rắc hành răm thái nhỏ lên thịt lươn rồi chan nước dùng. Nước dùng lươn mầu nâu nâu ngọt trên mức bình thường, vì phải đậm đặc mới nổi vị, chỉ chan sâm sấp chứ không chan võng vì miến đã ngấm nở đủ bằng nước dùng nên không trương nở thêm nữa, hơn nữa, miến là miến tầu làm bằng đỗ xanh nên sợi miến nhỏ mà ròn chứ không nát. Cuối cùng rắc hạt tiêu. Riêng tiêu, bà hàng rất thuộc ý khách, vị nào nghiền cay bà không rắc tiêu mà dùng thìa nhỏ xúc một phần tiêu sọ giã giập.
Miến thấm đượm nước dùng, thịt lươn xào săn ăn hơi dẻo rất rõ vị lươn, lại được tẩm ướp nên thơm mùi tiêu và mùi nước mắm ngon thật hấp dẫn. Bát miến lươn, ăn tới miếng cuối cùng vẫn còn nóng. Hà Nội xưa hình như lạnh hơn bây giờ. Món miến lươn hấp dẫn mọi mùa, nhưng vào những ngày đông lạnh còn hấp dẫn hơn nhiều. Bởi vì rét đến mấy, khi bê bát miến lươn thơm phức, nóng hổi lên là quên hết mọi rét mướt. Miến lươn không múc vào bát to, không có kèm theo giá đỗ và hành khô phi, không chan võng nước dùng chẳng thấy mùi lươn đâu như bây giờ, và đặc biệt là thịt lươn không tẩm bột rán khô cong và ròn để khi ăn chẳng biết là lươn hay trạch hay một loại bánh rán ròn gì đấy vì khó mà phân biệt, khó mà nhìn rõ, khó mà khẳng định mùi vị.
Không hiểu vì sao món quà miến lươn Hà Nội bây giờ lại thế ?... Do thất truyền ? Do khẩu vị mới ? Do không để ý đến món ăn Hà Nội xưa? Thật tiếc khi các quán hàng Hà Nội không còn bán miến lươn ngày xưa nữa.
Phở Hà Nội
Nhắc tới quà Hà Nội không thể không nói tới phở. xuPhở Hà Nội ất hiện từ đầu thế kỷ 20 với những cái tên phở Thìn, phở Giảng, phở Đông Mỹ bán gánh. Ngày nay, có thể tìm thấy những tiệm khá ngon ở Bờ Hồ, Bát Đàn, Lý Quốc Sư, Lò Đúc. Riêng phở bò ông Thìn giữ được hơn 50 năm, và mở rộng tới 7 cửa hàng ở Hà Nội. Người Hà Nội nay ăn cả phở gà, nhưng theo nhiều người sành ăn chỉ có phở bò chín mới đúng là Hà Nội.
Nhà văn Băng Sơn từng nói: Tôi rất đồng ý với cụ Nguyễn Tuân, tôi là thế hệ sau nhưng ăn phở Hà Nội phải là phở bò chín. Thịt bò chín thái mỏng thơm, ngon. Phở mà ăn với giá, với quẩy hay là với trứng như nhiều người vẫn ăn bây giờ không được. Phở thì gia vị rất quan trọng. Ngày xưa, những hàng phở gánh đỗ ở đầu phố thì cuối phố đã ngửi thấy mùi nước dùng phở thơm lừng...
Bánh cuốn Thanh Trì
Từ 60 năm nay, những ai mê bánh cuốn Thanh Trì không phải lặn lội quá xa. Với một góc nhỏ phố Tô Hiến Thành, với những cái mẹt thôn dã, hàng sáng bà Hoành thu hút biết bao nhiêu khách. Chỉ với 2000 đồng, bạn đã có thể thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì tráng mỏng ăn với chả, thứ chả không pha bột như nhiều hàng bây giờ. Gia đình bà Hoành đã 5 - 6 đời tráng bánh cuốn, và nay các cô con dâu của bà lại tiếp tục.
Chị Nguyễn thị Thanh - con dâu bà Hoành: Tráng bánh cuốn ngon và mỏng phải biết xay bột và xe bánh. Xe phải khéo, xe chậm quá thì dễ bị rách bánh, xe nhanh quá thì có thể sẽ bị dòn hoặc lại quá dày.
Cái tinh tế trong ẩm thực còn được thể hiện ở bữa n của từng gia đình Hà Nội. Bữa cơm gia đình của người Hà Nội mang một phong cách riêng: từ bày đặt mâm, bát đũa sạch sẽ, món ăn thanh tịch, đơn giản không đắt tiền nhưng bày phải đẹp mắt thanh lịch và cao quý.
Trong thời kinh tế thị trường, nghệ thuật ẩm thực Hà Nội đã bị giản tiện đi rất nhiều, hy vọng thế hệ trẻ ngày nay có ý thức hơn nữa trong việc gìn giữ cái đẹp, cái thanh trong nếp ăn uống của người Tràng An xưa.
Theo PNO