Ngọt bùi mùa ấu
Chẳng biết củ ấu có mặt ở quê tôi tự bao giờ, chỉ từng được nghe bà tôi đọc câu ca dao ngày nào: “Thân em như củ ấu gai/Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”. Bà bảo, khi bà lớn lên đã thấy dân quê mình trồng ấu ở ruộng bùn lầy và các ao chuôm quanh làng. Những năm đói kém, củ ấu đã cứu dân mình.
Vào độ tháng 3 âm lịch, tiết trời ấm áp, mẹ tôi cùng nông dân trong làng đồng loạt cấy ấu, thời khắc này ấu sinh trưởng tốt, cho nhiều củ. Mẹ bảo, ấu là loại cây rất lành và dễ tính, dễ tính hơn cả lúa và khoai. Chỉ cần chọn những khoảnh ruộng lầy không cấy được lúa hay những thước ao đầu ngõ là có thể cấy ấu xuống rồi. Sau gần hai tháng ngâm mình trong bùn đen, ấu giống cựa mình, bén rễ mọc thành cây trên mặt nước. Ấu không mọc quá sâu vào lòng bùn mà chỉ nổi bồng bềnh trên mặt ruộng mỗi khi nước đầy. Lá ấu mọc thành từng chùm mỏng mảnh, nhỏ hơn lá gan trâu. Ấu trưởng thành, hoa của nó mọc ra từ cuống nhỏ tí xíu, trắng tinh. Khi ấy, cả cánh đồng quê, lác đác những ruộng ấu xanh thẫm điểm sắc trắng của cánh hoa thật đẹp.
Vì cấy ấu lửng lơ trên mặt nước nên mỗi buổi trưa ra đồng câu cá rô, chúng tôi lại có cơ hội xem ấu ra củ có nhiều không. Thường thì mỗi gốc ấu ra được năm đến bảy củ, củ ấu nhỏ trông rất xinh, màu hồng hồng, lúc nhúc bám vào gốc. Dần dà, củ ấu căng ra, vỏ đen dần và hình hài cũng rõ. Có năm, mưa lũ tràn về cuốn hết cả cánh đồng. Mẹ và người dân lại cặm cụi đi vớt ấu về trồng lại trên ruộng cũ.
Củ ấu già đen và có sừng
Ngày thu hoạch ấu vào lúc cái mát mẻ của tiết trời mùa thu, nông dân tấp nập đi mò ấu. Khi ấy, củ ấu đã già và rụng xuống ngay gốc nên phải ngồi trên thuyền nan, lướt nhẹ trên mặt bùn để mò ấu. Củ ấu già, đen thui có hai sừng cong lên. Có giống ấu nếp không đen mấy và khum khum hình quả trám chứ không ra sừng.
Video đang HOT
Mùa ấu về, nhà quê có món thân quen: củ ấu luộc, chừng nửa tiếng là có thể ăn được. Vỏ ấu đen thui vậy mà nhân bên trong trắng ngần, vừa thơm, vừa ngọt, lại vừa bùi. Bọn trẻ chúng tôi bóc ấu ăn no thay cơm, mặt nhọ nhem vỏ ấu…
Chợ quê mùa ấu đông vui hẳn. Người ta xúm xít chọn bên những thúng ấu còn tươi nguyên. Bên thúng ấu đã luộc sẵn, cô thôn nữ ngồi đong những bát ấu gói vào lá rong bán cho khách. Ngày nay, củ ấu quê tôi vẫn mùa mùa bén rễ nơi đồng đất. Khi thu về, ven quốc lộ, dân quê bày bán ấu cho khách qua đường như tiếng rao: “Ai ơi nếm thử mà xem/Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi”.
Theo Tapchiamthuc
Bánh đúc nộm dân dã trên đất Hà thành
Từng miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện trong nước canh vừng lạc thơm ngậy tạo nên món quà ăn chơi mang hương vị mộc mạc, chân chất như chính đồng quê Bắc Bộ.
Vào những ngày rằm hay mùng một hàng tháng, hình ảnh các bà các mẹ đi lễ về trên tay cầm theo túi bánh đúc lạc với tương hay bánh đúc nộm đã trở nên khá quen thuộc trong nhiều gia đình. Bánh đúc vốn là món ăn bình dị, mộc mạc của vùng nông thôn nhưng lại dần len lỏi vào những bữa quà chiều ở chốn thành thị lúc nào không hay. Món ăn dân dã mang đậm hồn quê Việt có sức hấp dẫn đặc biệt, như nhà văn Vũ Bằng từng viết: "Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ". Nếu bánh đúc lạc chấm tương mang đến vị đậm đà thì bánh đúc nộm lại đầy thanh mát, nhẹ nhàng.
Bánh đúc nộm mang hương vị nhẹ nhàng mà tinh tế. Ảnh: An Thy
Có thể tìm thấy khá nhiều gánh bánh đúc nộm trên các con phố của thủ đô nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến quán bánh đúc ở 47 Châu Long hoặc gánh hàng rong của cô Lê, buổi sáng ngồi trước cửa nhà số 66 Hàng Bạc, còn buổi chiều cô chuyển ra ngồi ở trước ngôi nhà cổ số 14 Đào Duy Từ.
Từng miếng bánh đúc bóng mịn được cô bán hàng nhanh tay thoăn thoắt cắt thành sợi mỏng, dài cho vào bát lớn rồi chan thêm nước canh vừng lạc lẫn giá chần vào. Mọi thao tác của cô bán hàng đều rất nhanh và thuần thục, chỉ một loáng thôi thực khách đã thấy ngay bát bánh đúc nộm thơm ngon trước mắt. Ăn kèm với bánh đúc nộm không thể thiếu các loại rau thơm như rau ngổ, kinh giới, tía tô, hoa chuối hay thân chuối non thái mỏng... Nếu ăn được cay, thực khách có thể cho thêm một chút ớt bột hoặc vài lát ớt tươi để cảm nhận trọn vẹn màu sắc và hương vị của món ăn chân chất, bình dị mà lại đầy tinh tế này.
Nước canh vừng lạc màu trắng sữa chính là yếu tố quan trọng nhất làm nên hương vị thơm ngon cho món ăn. Ảnh: An Thy
Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận thấy từng miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện với vị thơm ngậy, bùi bùi của nước canh vừng lạc, ngọt mát của giá chần và phảng phất mùi ngan ngát của các loại rau sống, tạo thành một hương vị nhẹ nhàng mà cuốn hút cứ lan tỏa trong miệng, làm say lòng những con người của mảnh đất Hà thành.
Để có bánh đúc ngon, khi nấu phải lấy đũa cả quấy liên tục thật đều tay sao cho bột không vón, không sát nồi. Lửa nấu bánh phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không bị khê. Bánh đúc đạt "chuẩn" là khi nguội phải có độ mặn, bóng mịn, không nồng vôi và khi cắt không bị dính tay.
Bánh đúc nộm không được bán trong những cửa hàng cố định mà thường là những gánh rong ngồi vỉa hè. Ảnh: An Thy
Nhưng "hồn cốt" của món bánh đúc nộm lại nằm ở chính thứ nước canh màu trắng sữa béo ngậy từ vừng lạc. Người bán hàng phải rất cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu, vừng lạc phải hoàn toàn tươi mới nếu không chỉ cần có một hạt hỏng thôi thì cả nồi nước canh sẽ bị ám mùi rất khó chịu. Sau đó, vừng lạc được đem xay nhỏ và đun cùng với nước giá chần tạo thành thứ nước canh dậy mùi thơm, ngậy ngậy, béo béo nhưng không bị ngấy mà vẫn đảm bảo được vị thanh mát đầy hấp dẫn.
Với những nguyên liệu đơn giản, bình dị như gạo, rau, vừng, lạc cùng hương vị nhẹ nhàng, tinh tế, bánh đúc nộm là món chay, món quà ăn chơi mộc mạc chinh phục vị giác cả những người sành ăn nhất. Một bát bánh đúc nộm có giá 20.000 đồng.
Theo Tapchiamthuc
[Chế biến] - Canh khoai sọ nấu lạc Thay vì nấu với xương ninh, bạn thử món canh khoai sọ nấu lạc với lạc tươi được giã nhỏ, ăn vừa ngọt đạm thực vật, vừa thơm bùi rất dân dã. Để thực hiện món canh khoai sọ nấu lạc, bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu sau đây: - 250g khoai sọ: Bạn chọn khoai sọ ruột tím sẽ rất...