Ngổn ngang “đặt hàng” đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội
Câu chuyện thừa thiếu giáo viên và tình trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đào tạo đã tồn tại nhiều năm nay, để lại những hệ lụy không tốt.
Giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên, ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP, quy định việc đặt hàng đào tạo giáo viên phải theo nhu cầu xã hội.
Ngày 29/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 116 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành, các trường đại học trong cả nước, để triển khai đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương.
Khó đặt hàng khi biên chế giáo viên được giao rất ít so với nhu cầu
Theo Bộ GD & ĐT, trước khi Nghị định 116 ra đời, Luật Giáo dục 2005 quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, Nhà nước miễn học phí cho các em thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm như: Sử dụng ngân sách chưa đảm bảo hiệu quả do sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành thiếu nguồn lực đầu tư không công bằng với các ngành học khác không thu hút được sinh viên khá giỏi vào ngành sư phạm…
Nghị định 116 ra đời với mục tiêu ngân sách Nhà nước phải được sử dụng hiệu quả, cấp đúng đối tượng, sinh viên sư phạm phải làm đúng ngành sư phạm thông qua quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục, hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Đặc biệt, Nghị định 116 cho phép các cơ sở đào tạo giáo viện được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội, để đảm bảo công bằng với đào tạo các ngành khác, thúc đẩy tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.
Cơ chế đào tạo giáo viên theo “đặt hàng” đang được kỳ vọng giải quyết triệt để bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Nhìn chung chủ trương lớn này được các địa phương, các trường đại học đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để đưa Nghị định 116 vào thực tiễn thì còn rất nhiều khó khăn phải tháo gỡ.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Thái Nguyên nêu vấn đề: Làm thế nào để đảm bảo cân bằng cung, cầu giáo viên? Thái Nguyên hiện thiếu hơn 5.000 giáo viên, trong khi biên chế Chính phủ giao thấp hơn nhiều, do đó, rất khó xác định số lượng đặt hàng do biên chế cứng. Mặt khác, hiện địa phương chưa xử lý được nguồn giáo viên bên ngoài. Việc đặt hàng và đấu thầu của tỉnh có thể không đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Hưng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể đăng ký chỉ tiêu theo nhu cầu của Sở GD & ĐT hay theo chỉ tiêu Bộ GD & ĐT giao?
Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp này cực kỳ quan trọng, thực chất là bàn về giải pháp thực hiện, đưa ra các cảnh báo để chúng ta cùng tìm hiểu kỹ trước một quyết định rất hệ trọng là làm sao thực hiện tốt nhất bài toán cung – cầu giáo viên.
Giải pháp nào để đào tạo được giáo viên có chất lượng cao nhất và bảo đảm cân đối cung cầu? Giáo sư Nguyễn Văn Minh đề xuất một số giải pháp cụ thể, đó là: Bộ GD & ĐT phải dự báo nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn địa phương đăng kí nhu cầu giáo viên theo từng giai đoạn với số lượng giáo viên cụ thể Nhà nước bỏ tiền ra thì Nhà nước phải quản lý chất lượng, quản lý và phân bổ sản phẩm (sinh viên tốt nghiệp) Nhà nước (cụ thể là Bộ GD&ĐT) có hướng dẫn các trường được phân công đào tạo sinh viên sư phạm sinh viên được quyền đề xuất nguyện vọng trên cơ sở yêu cầu của địa phương cần nếu sinh viên không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi hoàn.
“Đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên nằm trong quy luật của thị trường, bài toán chất lượng và tài chính có được đặt ra một cách trách nhiệm cao nhất hay không, làm sao để loại trừ các chi phối tiêu cực? Chúng ta phải hiểu rằng, đây không đơn thuần là việc mua bán, đây là trọng trách đối với tương lai giáo dục của đất nước”, Giáo sư Minh cảnh báo.
Hướng dẫn về công tác đấu thầu đặt hàng chưa rõ
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, nhu cầu của địa phương sử dụng giáo viên tương đối lớn, tuy nhiên vị trí việc làm giao cho tỉnh thấp nên sẽ vướng mắc. Mặt khác, công tác đấu thầu trong hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 của Bộ GD & ĐT chưa rõ. Trách nhiệm thu hồi kinh phí đào tạo giao cho UBND tỉnh sẽ vướng vì hiện không có chế tài xử lý nên không thu hồi được.
Đồng ý kiến với hai địa phương Thái Nguyên, Lạng Sơn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho hay, trước khi thực hiện Nghị định này, các địa phương nên đánh giá thực trạng sử dụng nguồn nhân lực của địa phương thừa, thiếu như thế nào, nhưng có một thực tế là quy mô trường lớp hằng năm tăng trong khi Bộ Nội vụ hằng năm lại cắt biên chế, do đó giáo viên thì nhiều nhưng không thi vào biên chế được. “Nghị định chỉ phù hợp với miền xuôi, không phù hợp với miền núi, vì giáo viên sẽ không lên miền núi công tác. Cần xem xét lại các chỉ tiêu”, đại diện tỉnh Sơn La bày tỏ.
Các chuyên gia giáo dục đề xuất, Bộ GD & ĐT phải dự báo nhân lực giáo viên trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hội nghị này chưa thể giải quyết được mọi vấn đề mà trước hết để thống nhất nhận thức và quan điểm, bàn cách triển khai hiệu quả Nghị định 116. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cần có sự đổi mới về tư duy, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đầu thấu không nhìn nhận theo cơ chế thị trường mà chúng ta làm việc để công bố nhu cầu, năng lực đào tạo và chất lượng, trên nguyên tắc lấy chất lượng làm đầu. Một số ý kiến về biên chế, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và đề xuất với Chính phủ.
“Chúng ta phải đặt nhu cầu đi trước và việc đào tạo, bồi dưỡng theo sau chứ không phải từ việc đặt hàng này rồi mới xây dựng biên chế”, Thứ trưởng Sơn bày tỏ. Trước mắt Bộ GD & ĐT sẽ ưu tiên một số việc như: Ưu tiên đào tạo giáo viên mầm non ưu tiên cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên…
Đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng và đấu thầu
Sáng 29/4, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra trong nhiều kỳ Đại hội. Đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội lần này, sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người Việt Nam là vấn đề trọng tâm được đặt ra.
Theo Thứ trưởng, quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố then chốt chính là giáo viên, các nhà giáo. Đảng, Nhà nước, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo từ nhiều năm nay và đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt chính sách hỗ trợ tiền học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm.
Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm. Nghị định 116/2020/NĐ-CP ra đời tiếp tục thực hiện chính sách trên nhưng nâng tầm lên một bước. Mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng trong công tác đào tạo; từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu về chất và lượng giáo viên tại các địa phương; qua đó góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Các đồng chí chủ tọa hội nghị.
Trao đổi về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên, Thứ trưởng chia sẻ, Nghị định 116/2020/ND-CP khá minh bạch về vấn đề này. Mặc dù Nghị định đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, qua thời gian rất dài và được sự đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan, nhưng đây là vấn đề mới đối với các địa phương, các cơ sở đào tạo giáo viên, nên trong quá trình triển khai nội dung Nghị định có thể có nhiều vấn đề đặt ra.
Thứ trưởng đề nghị, hội nghị hôm nay để những người có trách nhiệm trong việc triển khai nội dung Nghị định 116/2020/NĐ-CP hiểu rõ những nội dung căn cốt; đồng thời bàn thảo những vấn đề vướng mắc, những khó khăn phát sinh có thể xảy ra, để Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe; từ đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo hướng dẫn.
"Trên cơ sở đó, chúng ta cùng phối hợp triển khai có hiệu quả Nghị định này. Làm sao để có một hệ thống vận hành trơn tru, cân đối giữa cung và cầu. Cung là nơi các cơ sở đào tạo giáo viên, cầu chính là các địa phương"- Thứ trưởng nói, đồng thời đề nghị:
Việc bàn thảo để đi đến thống nhất cách thức thực hiện, phương thức triển khai và sự phối hợp đồng bộ trong toàn hệ thống. Qua đó nhằm triển khai thành công những nội dung của Nghị định, làm sao mang lại lợi ích tốt nhất cho người học. Từ đó, giúp được những sinh viên giỏi vào học các ngành sư phạm.
Cuối cùng là các địa phương hưởng lợi từ nguồn sinh viên giỏi này, vì sau khi tốt nghiệp ra trường, các em về công tác, góp phần nâng cao công tác giáo dục và đào tạo tại các địa phương.
Toàn cảnh hội nghị
Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hướng đến các mục tiêu sau:
Thứ nhất, đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với các cơ sở đào tạo; đồng thời quy định gắn trách nhiệm của các địa phương từ nhu cầu đến đặt hàng đào tạo, việc bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đào tạo đang diễn ra.
Thứ hai, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành. Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước thông qua quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Thứ ba, xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu, để sinh viên yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên, đồng thời thu hút được sinh viên giỏi vào học và công tác trong ngành giáo dục, thúc đẩy chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Thứ tư, cho phép các cơ sở đào tạo giáo viên được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội để đảm bảo công bằng với việc đào tạo các ngành khác, tránh việc trông chờ vào ngân sách nhà nước đồng thời thúc đẩy việc tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.
Sinh viên sư phạm từ khóa 2021-2022 được cấp học phí, sinh hoạt phí Tại hội nghị triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí với sinh viên sư phạm, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm cần phải quyết tâm thực hiện chính sách này ngay từ năm học 2021 - 2022. Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT báo cáo...