“Ngôi nhà chung” Hoa Nắng tiếp lửa nghề cho giáo viên
Hoa Nắng là tên gọi của lớp bồi dưỡng CNTT miễn phí cho giáo viên thành lập 4 năm nay. “Ngôi nhà chung” này là điểm dừng chân của cộng đồng hơn 1.300 giáo viên các cấp học khắp 3 miền Bắc- Trung- Nam.
Bền bỉ “tiếp lửa”
Hè năm 2021, TPHCM “bỏng rát” các thông tin về dịch COVID-19. Sẵn sàng tâm thế dạy và học trực tuyến, cô Trương Hồ Trâm Anh (Phó hiệu trưởng Trường TH Lạc Long Quân, Q.11) miệt mài xây dựng giáo án CNTT, kịp thời đứng lớp giúp giáo viên chuyển đổi. Cô Trâm Anh cũng là người sáng lập ra Hoa Nắng, với tiền thân là lớp CNTT miễn phí được thành lập vào năm học 2015-2016.
Khi TPHCM giãn cách phòng chống dịch, hàng chục khoá học CNTT được mở ra, giúp hàng ngàn giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học tại TPHCM và một số tỉnh bạn tiếp cận về CNTT, cách thức tổ chức lớp học trực tuyến, thu hút học sinh trong lớp học, thiết kế bài giảng, tạo bài kiểm tra trực tuyến, soạn giáo án điện tử, quản lý lớp…
“Trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là dạy và học trực tuyến, CNTT có vai trò quan trọng. Tuy vậy, đây không phải là chìa khoá vạn năng để biến những tiết học khô khan trở nên thú vị, tăng tính kết nối giữa giáo viên và phụ huynh, học sinh. CNTT chỉ là công cụ bổ trợ, giúp thầy cô năng động hơn, linh hoạt hơn, xử lý công việc nhanh hơn”, cô Trâm Anh nhận định.
Từ nhận định đó, trong mỗi hoạt động bồi dưỡng CNTT của Hoa Nắng đều hướng đến mục tiêu giáo viên làm chủ CNTT để tiết chế, không lạm dụng. Theo cô Trâm Anh, khi đã hiểu, giáo viên sẽ thấy dạy học trực tuyến và đổi mới giáo dục nhẹ nhàng. Tự thân thầy cô sẽ chuyển đổi tâm thế. Đây cũng là kỳ vọng mà Hoa Nắng gửi gắm đến mỗi giáo viên.
Bước vào năm học, nhận thấy những khó khăn của giáo viên khi chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Hoa Nắng tiếp tục tổ chức chuỗi các chuyên đề chia sẻ cộng đồng với sự “góp mặt” của các chuyên gia giáo dục. Đặc biệt, Hoa Nắng đã xây dựng kho học liệu bao gồm các giáo án điện tử từ khối 1 đến khối 5 do giáo viên đóng góp, tạo dữ liệu dùng chung, giúp giáo viên giảm thời gian soạn bài, đầu tư nội dung bài giảng, tăng hiệu quả giờ dạy…
Video đang HOT
Bằng tinh thần chia sẻ, lan toả, từ không gian một lớp học nhỏ, Hoa Nắng đã “vươn vai”, trở thành một cộng đồng lớn mạnh thu hút đông đảo giáo viên tại TPHCM và nhiều tỉnh thành tham gia. Đến nay, Fanpage Hoa Nắng đã có hơn 1.300 giáo viên theo dõi, thường xuyên chia sẻ các ứng dụng CNTT, phương pháp sư phạm tích cực…, bền bỉ tiếp “lửa nghề” cho giáo viên, thích ứng trước những đòi hỏi của đổi mới và bối cảnh dịch bệnh.
“Từ Hoa Nắng, tôi đổi mới bằng tâm thế nhẹ nhàng”
“Ngôi nhà chung” Hoa Nắng đã trở thành điểm tựa để giáo viên đổi mới
Như hiệu ứng domino, thành công của Hoa Nắng là từ mỗi giáo viên thành viên lại tiếp tục truyền lửa, bắc cầu cho đội ngũ giáo viên trong trường, lan toả tinh thần giáo dục tích cực, làn sóng đổi mới, say mê với nghề.
Trưởng thành từ Hoa Nắng, thầy Nguyễn Minh Triết (giáo viên Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, Q.10) hiện là giáo viên nòng cốt chia sẻ ứng dụng CNTT tại trường. Giáo viên này bày tỏ, ở cộng đồng Hoa Nắng, giáo viên được chia sẻ, học thêm nhiều điều mới, được định hướng rõ ràng. Những khó khăn cũng được kịp thời giải đáp.
“Sự sẻ chia, lan toả là tinh thần chung được đề cao trong Hoa Nắng. Các giá trị không chỉ dừng ở kiến thức nền tảng mà xa hơn còn là những kinh nghiệm trong giảng dạy để mỗi giáo viên mạnh dạn, thêm yêu nghề”, thầy Triết chia sẻ.
Đối tượng chính mà Hoa Nắng hướng tới là giáo viên tiểu học. Sự tích cực trong cộng đồng đã trở thành năng lượng để giáo viên kiên định trong đổi mới, tự tin thực hiện Chương trình GDPT 2018, SGK mới. Thậm chí, từ Hoa Nắng, nhiều giáo viên đã trở thành giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận, cấp TP.
Xuất sắc đoạt giải Nhì trong Hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp TP năm học 2020-2021, thầy Dương Chánh Tâm (giáo viên Trường TH Trương Định, Q.12) cho biết, chính những phương pháp dạy học mới, phương pháp dạy học tích cực, cách thức ứng dụng CNTT… học ở Hoa Nắng đã là chất xúc tác giúp thầy thiết kế được các tiết học thu hút học sinh. Khi học sinh thích thú, giáo viên sẽ càng thêm có động lực để say mê, đổi mới. “Từ Hoa Nắng, tôi đổi mới bằng tâm thế nhẹ nhàng”, thầy Tâm hào hứng.
Ngoài một số khoá học thu phí tượng trưng, hầu hết các nguồn tài nguyên trên Hoa Nắng đều được chia sẻ miễn phí. “Ngôi nhà chung” Hoa Nắng là cộng đồng để giáo viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong dạy và học, gắn kết với phụ huynh, xã hội.
“Hoa Nắng luôn hướng tới trở thành “ngôi nhà chung”, là điểm dừng chân, là điểm tựa cho giáo viên đổi mới. Điều vui nhất là khi đến với Hoa Nắng, mỗi giáo viên đều không ngừng tự nỗ lực, tự học, tự hoàn thiện, chia sẻ và lan toả những điều mới mẻ, cởi bỏ những áp lực với nghề, càng thêm say mê với nghề”, cô Trương Hồ Trâm Anh nói.
Đầu tàu đổi mới
Trong dịp tổng kết 4 năm thực hiện mô hình trường điển hình tiên tiến ở Cần Thơ, lãnh đạo ngành GD-ĐT TP đã khẳng định vai trò bước đệm quan trọng của mô hình trong thực hiện Chương trình GDPT mới.
Ảnh minh họa/INT
Theo đó, nhờ chú trọng đổi mới về phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhanh chóng nhập cuộc khi triển khai chương trình mới.
Thực tế này được nhiều cán bộ cốt cán đứng lớp tập huấn cho đội ngũ thực hiện SGK mới chia sẻ. Có nơi, không ít giáo viên còn cảm thấy bỡ ngỡ và bối rối khi lần đầu tiếp cận môn học, hoạt động giáo dục mới trong chương trình. Trong khi đó, tình hình lại khác hoàn toàn ở các trường áp dụng mô hình giáo dục đổi mới. Bởi với thầy cô dạy học ở đơn vị này, chuyện giáo dục qua các hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học hay dạy học tích hợp liên môn ở THCS không phải là điều quá xa lạ.
Các mô hình như: Trường học chất lượng cao (Hà Nội), trường tiên tiến (TPHCM) hay trường điển hình tiên tiến (Cần Thơ)... là những tên gọi khác nhau của mô hình trường công lập tổ chức dạy học đổi mới. Những mô hình này đang là "đầu tàu" trong thực hiện đổi mới giáo dục.
Tại Cần Thơ, triển khai từ năm học 2016 - 2017, đến nay, sau 4 năm thực hiện, mô hình trường điển hình tiên tiến có sức lan tỏa mạnh, tạo ra làn gió mới trong dạy học theo định hướng đổi mới và sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình GDPT mới.
Ở TPHCM, mô hình trường tiên tiến hội nhập phát triển tối ưu nguồn lực sẵn có của các trường công lập, kết hợp thêm sự đóng góp của phụ huynh, tạo ra môi trường học tập mới, hiện đại, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các chuẩn kỹ năng và kiến thức tiên tiến. Tại Hà Nội, các trường chất lượng cao đều là đơn vị tiêu biểu xuất sắc, có nhiều thành tích, luôn đổi mới sáng tạo và đi đầu trong công cuộc đổi mới.
Không thể phủ nhận những ưu điểm mà các mô hình trường học tiên tiến/ chất lượng cao/ điển hình đổi mới mang lại. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, để phát triển rộng hơn không phải dễ. Cần Thơ có tốc độ nhân rộng mô hình trường điển hình tiên tiến khá nhanh, từ 4 trường năm đầu tiên, sau 4 năm lên 53 và dự kiến tới đây sẽ triển khai đại trà. Học phí như trường bình thường nhưng được tạo các điều kiện về cơ sở vật chất và xã hội hóa đó là bí quyết đi nhanh của thành phố này. Dù thế, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cho biết, nếu không có sự chung sức đồng thuận, hỗ trợ của phụ huynh, rất khó đạt được mục tiêu.
Mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao ở Hà Nội, TPHCM có những đặc thù riêng về học phí, lại càng khó khăn hơn khi đối diện với áp lực dân số. Như tại TPHCM, Đề án xây dựng trường tiên tiến hội nhập xây dựng từ năm 2014, TP định hướng mỗi quận, huyện có ít nhất một trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình này, nhưng đến nay nhiều quận, huyện vẫn chưa làm được, đặc biệt ở cấp tiểu học. Đáp ứng cả hai tiêu chí "tinh về chất, gọn về lượng" là bài toán khó.
Hay ở Hà Nội, mặc dù có thuận lợi về mặt pháp lý nhưng bài toán cân đối thu chi lại khá đau đầu với các trường chất lượng cao. Mô hình chất lượng cao mang lại hiệu quả tốt về đổi mới dạy học nhưng nếu tự chủ hoàn toàn, nguy cơ thu không đủ bù chi là có thật. Trong khi đó, việc tăng mức thu học phí sẽ gây khó khăn cho phụ huynh học sinh...
"Đo ni đóng giày" kịp thời một cơ chế chuẩn cho những mô hình giáo dục mới là việc khó khả thi. Nhưng để các mô hình này đóng vai trò dẫn dắt trong công cuộc đổi mới, hội nhập, đồng thời có điều kiện nhân rộng, phát triển, ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi đơn vị, chắc chắn rất cần sự điều chỉnh cơ chế, phù hợp với đặc thù địa phương.
Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Các em được 'lùa' lên lớp, vì đâu? Dư luận đang xôn xao câu chuyện học sinh lên lớp 6 vẫn không đọc được chữ. Người mẹ chỉ ước ao một điều: 'Mong con biết đọc', còn cậu bé lại quá ngỡ ngàng thốt lên: 'Con cũng không biết vì sao con lại được lên lớp'. Câu chuyện học sinh lớp 6 không đọc được chữ khiến dư luận xôn xao....