Ngộ nhận về điểm số và sự bừng tỉnh của cô giáo trẻ
“Đã là trường học hạnh phúc (THHP) thì cô trò phải gần gũi, mọi giao tiếp giữa GV và HS không có khoảng cách xa xôi. Càng gần gũi trong hoạt động dạy và học càng giúp GV và HS cảm thấy hạnh phúc”, cô Phạm Thị Bích Ngọc (Khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) chia sẻ một góc nhìn về THHP.
Học sinh cởi mở khi được giáo viên gần gũi, yêu thương. Ảnh: An Nhiên
Điểm số không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc
Lớp học 1A1 đầu giờ nhao nhao lên; góc này hai bé giằng sách của nhau, đằng kia một trẻ chạy sang dãy bàn bên cạnh trêu bạn… Cô Bích Ngọc bước vào lớp gây sự chú ý của bọn trẻ bằng mấy câu chào, rồi cô đứng về phía bảng, ở góc bảng vẽ sẵn một dãy các ký hiệu bằng phấn nhiều màu sắc.
Cô gọi bọn trẻ theo tổ, theo tên, rồi chỉ vào các ký hiệu để bọn trẻ biết rằng chúng phải trật tự hay cần phải ngoan hơn để bài học có thể bắt đầu. Lạ là chỉ nhìn vào các ký hiệu (đã được cô giáo cho làm quen từ đầu năm học) cả lớp im phăng phắc, cùng mở sách ra tìm bài học cô nhắc, gương mặt bọn trẻ vẫn vui vẻ, chứ không khó chịu khi phải làm theo yêu cầu của cô giáo.
Cô Bích Ngọc chia sẻ: “Dạy lớp 1 năm học nào tôi cũng xác định phải “làm lại từ đầu”. Mỗi trẻ một cá tính, hàng ngày tôi phải đối mặt với 30 cá tính khác nhau. Dường như ngày nào tôi cũng bị xoay như chong chóng. Trẻ con lớp 1 quá bé bỏng, ngoài việc tập đọc, tập viết… trong giờ học các con thường hay thưa thốt, “kiện cáo” với cô giáo từ việc nhỏ nhất. Lúc thì: “Bạn này lấy bút của con”; khi lại: “Cô ơi con muốn đi vệ sinh”; “Cô ơi bạn đánh con”… Nói nhiều với bọn trẻ chưa chắc là giải pháp tốt nhất”.
Thời gian đầu mới đứng lớp, cô giáo trẻ Bích Ngọc tâm sự: “Chỉ ngủ trọn vẹn được 2 đêm là thứ 7 và Chủ nhật. Còn những đêm khác tôi phải thức để soạn bài, rồi chấm bài cho HS và rất nhiều công việc không tên khác của GV chủ nhiệm. Mới chỉ một tháng nhận lớp mà trông tôi bơ phờ, mệt mỏi. Đã vậy, còn tác động từ phía cha mẹ HS. Phụ huynh dường như không có sự tin tưởng cô giáo trẻ. Họ ngầm nói với tôi: “Cô trẻ thế mà đã được đứng lớp à?”; “Cô có phải con cháu của hiệu trưởng không?”… Việc đó đã thành một áp lực vô hình”.
Phải chinh phục được phụ huynh – suy nghĩ đó khiến cô Bích Ngọc đặt mục tiêu phải làm cho các HS trong lớp trở thành trò ngoan, trò giỏi, có kết quả cao trong học tập. Cô đã nghiêm khắc khi HS chưa làm được những điều cô mong muốn. Kết quả HS tiến bộ về điểm số theo từng tuần, từng tháng… “Lúc đó tôi nghĩ cách GD của mình là đúng đắn. Tôi không hề biết, có một cơn bão đang ở đằng sau điều tôi tưởng đã thành công đó.
Phụ huynh lớp tôi không hề hài lòng như tôi tưởng. Điểm 9, 10 con họ mang về nhà nhiều lên lại tỉ lệ thuận với sự căng thẳng”- cô Bích Ngọc nhớ lại – “Tôi quên mất một điều quan trọng: Trẻ con cần được vui khi đến trường. Phụ huynh âm thầm bức xúc. Cũng bắt đầu có những ý kiến lên tiếng. Đỉnh điểm nhất là khi cả nhà của một HS gồm cả ông bà, bố mẹ kéo đến thẳng phòng người lãnh đạo cao nhất của trường để bày tỏ sự bất bình, họ thực sự không mong muốn tôi làm việc với con cháu họ, với tất cả lớp theo cách như vậy”.
Một chuỗi căng thẳng đã kết thúc bằng việc cô Bích Ngọc nhận được quyết định tạm dừng công tác chủ nhiệm lớp. “Tôi suy sụp, vô cùng hờn tủi khi phải dừng nhiệm vụ giữa chừng. Tôi vẫn không tìm được lý do tôi sai ở đâu. Tôi thấy mình rơi vào hố đen của sự thất bại. Tôi đã mất công việc, mất hy vọng và hơn hết là mất niềm tin vào chính mình”, cô Bích Ngọc kể.
Cô Phạm Thị Bích Ngọc say sưa với học trò. Ảnh: An Nhiên
Hạnh phúc đến từ yêu thương, cảm thông…
“Nhưng chính cuộc nói chuyện của thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT trường) đã giúp tôi tỉnh ngộ. Thầy nói: “Đừng bận tâm người khác nghĩ về con ra sao, mà hãy dành thời gian để suy nghĩ những điều con đã làm và tại sao con làm sai”. Câu nói ấy trước tiên giúp tôi bình tĩnh hơn trong việc chấp nhận có một quãng dừng, để rồi cũng từ quãng dừng đó tôi đã nhận ra và lại nhen nhóm lên hy vọng sẽ làm việc tốt hơn, bằng khả năng thật sự của bản thân”.
Video đang HOT
Quãng thời gian phải tạm ngừng dạy học cũng cùng lúc cô Bích Ngọc mang bầu, sinh con. Sau đó cô được nhà trường cho quay trở lại với công việc với lời nhắn nhủ động viên “cố gắng” từ thầy Nguyễn Văn Hòa.
Sau 1 năm được phân công chủ nhiệm lớp 2, cô Bích Ngọc lại được tin tưởng giao dạy lớp 1. “Lại được gắn bó với các HS bé bỏng lớp đầu cấp. Lúc này, ngoài ở vị trí GV, tôi còn là người mẹ. Ở nhà tôi là mẹ của một cô con gái, còn khi lên lớp, tôi là mẹ của 30 con HS. Khi tận tay chăm sóc và dạy dỗ con mình đẻ ra, lớn lên từng ngày, tôi thấu hiểu hơn những lo lắng, sự vất vả và trăn trở của phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con. Tôi cũng bừng tỉnh về phương pháp dạy dỗ bọn trẻ” – cô Bích Ngọc tâm sự.
Tự mình thay đổi, mỗi ngày tới lớp cô Bích Ngọc quan sát nhiều hơn đến gương mặt, nụ cười, niềm vui, nỗi buồn của HS. Cô đã nhận ra những điều chưa đúng về phương pháp GD trước đây: “Tôi đã từng vô tâm với thế giới tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của HS. Tôi đặt chúng vào một gánh nặng áp lực học tập một cách vô lý và không cần thiết.
Tôi đã thay đổi, kiên nhẫn, lắng nghe chia sẻ, cảm xúc của các con, dễ dàng bỏ qua các lỗi sai và dịu dàng hơn khi uốn nắn. Tôi nhìn vào mắt các con nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn, tôi dành nhiều cử chỉ âu yếm cho tất cả bọn trẻ. Tôi bình tĩnh chờ đợi trẻ thay đổi từng ngày, chứ không đặt ra các dấu mốc cứng nhắc theo tuần, theo tháng như trước nữa”.
“Nếu như chú đại bàng phải chờ đến 40 tuổi mới có thể thay đổi, thì có lẽ với tôi khoảng thời gian để mình suy ngẫm lại và đưa ra quyết định thay đổi lớn lao. Tôi không đợi đến 40 tuổi rồi mới thay đổi như chú đại bàng kia. Tôi nhận ra là GV phải thay đổi khi thấy cần thiết, thay đổi để phù hợp với sự phát triển chung, để HS của mình được hạnh phúc hơn” – cô Bích Ngọc rút ra điều đơn giản mà lớn lao với chính mình.
An Nhiên
Theo GDTĐ
Giáo viên không chỉ cần yêu nghề, yêu trẻ mà phải... giáo dục hiệu quả
Lâu nay, chúng ta chỉ mới bàn đến tiêu chuẩn yêu nghề, yêu trẻ của giáo viên nhưng nếu chỉ yêu nghề, yêu trẻ thôi thì không đủ mà giáo dục phải hiệu quả.
Nội dung này đã được đề cập tại hội thảo "Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc" vừa diễn ra ở TPHCM.
Hội thảo "Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc"
Thầy trò Việt cùng thiếu hạnh phúc?
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ tại một bức ảnh bà chụp lại trong viện bảo tàng Hy Lạp trong chuyến đi công tác ở châu Âu gần đây. Đó là bức ảnh chụp lại hình chiếc hộp trưng bày gồm có hạt hồ đào vỡ, sách vở bị xé và cái tông đơ đắt tóc.
Cạnh đó là bảng chú thích cho chủ đề với nội dung: Không dùng đòn roi thì không dạy được học trò.
Các hình phạt được diễn giải: Giáo viên dùng roi gỗ đánh học trò, em nào nghịch nhất phải tự mang cái gậy của mình lên cho thầy cô đánh. Các hình phạt khác như thụt xì dầu, kéo tai, tóc, đứng một chân, nhốt trong hầm tối. Và hình phạt nặng nhất là phải quỳ lên vỏ hạt bồ đào vỡ.
Bà Uyên Phương phải thốt lên: "Giống quá, ở Việt Nam không có hạt hồ đào mà là vỏ mít. Có điều, cách đây hơn 70 năm, họ đã đưa chúng vào viện bảo tàng. Còn chúng ta đến bây giờ vẫn chưa thể".
Hình ảnh giáo dục bằng đòn roi được trưng bày ở bảo tàng giáo dục Hi Lạp từ cách đây hơn 70 năm trước
Bên cạnh bức ảnh này, ThS Uyên Phương cũng chia sẻ hình ảnh chụp lại bức tranh biếm họa về giáo dục Việt Nam của một tạp chí của người nước ngoài ở TPHCM. Một bên của bức tranh vẽ một đứa trẻ đứng trên đống bò, gạo, sữa... mà cha mẹ đã phải bán để cho nó đi học, với tay đến phía bên kia bức tranh là một người ngoại quốc, ông ấy mang lời hứa hẹn về thế giới khác phồn vinh nhưng trong tay ông ta không có cái gì hết ngoài một cách bịch nhỏ, ghi: ENGLISH
"Đây là góc nhìn của người nước ngoài về giáo dục Việt Nam. Rất chua chát, chúng ta nghèo mà bỏ hàng tỷ đô để đi theo cái gọi "tị nạn giáo dục", bà Phương nói.
Và khi gặp nhiều phụ huynh, nhiều người vẫn nói với bà Uyên Phương rằng như vậy không đắt đỏ. Họ chấp nhận bán bò, gạo, sữa để con đi, không cần kiến thức nữa, chỉ mong con hạnh phúc hơn,
"Học sinh Việt Nam ra nước ngoài, kiến thức, học thuật không ai chê được nhưng khoảng trống lớn nhất của chúng ta là hạnh phúc. Chúng ta cần phải tăng thời gian chất lượng thời gian dạy và học ở trường học", bà Phương cho hay.
Theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, một khảo sát của UNESCO chỉ ra 5 yếu tố các trường học ở châu Á không hạnh phúc:
- Môi trường kém an toàn, dễ bị bắt nạt
- Học sinh quá tải, bị stress do áp lực, điểm số
- Môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực
- Giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp
- Các mối quan hệ xấu.
Chúng ta tin rằng học trò là đối tượng để ta truyền thụ kiến thức, giống như một cái bình, và giáo viên là người rót cho đầy cái bình kia. Điều này dẫn đến sự quá tải, học trò sợ đến, giáo viên cũng nặng nề, mệt mỏi.
Giáo viên "dạy" nhưng không được quên "học"
Nhiều vấn đề được đề cập tại hội thảo như những khó khăn trong giáo dục Việt Nam, mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên, làm sao để giáo viên hiệu quả, hạnh phúc... với nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng tình, nghề dạy học không thể tách rời "dạy" và "học", người thầy vừa dạy nhưng cũng vừa phải học để thấy hiệu quả trong công việc, hạnh phúc trước nhất cho chính bản thân mình rồi cho học trò, cho xã hội.
Thầy Trần Đức Huyên: Người thầy phải tự học thì mới có thể trao cho học sinh khả năng tự học
TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan bày tỏ lâu nay chúng ta nói quá nhiều đến tiêu chuẩn yêu nghề, yêu trẻ của giáo viên nhưng nếu chỉ yêu nghề, yêu trẻ thôi thì không đủ mà phải là hiệu quả. Hiệu quả trên sản phẩm của họ, học trò phải tiến bộ từng ngày ở mặt nào đó nhìn thấy được. Người giáo viên cần phải trả lời: "Mình làm được gì cho học sinh?"
TS Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen cho biết, nhà mình có 5 đời làm nghề giáo, rất băn khoăn và cả sợ khi nhắc đến giáo viên hiệu quả.
Theo bà, sợ nhất là chúng ta đánh mất bản chất của giáo dục, hiệu quả của giáo viên có thể thấp một chút nhưng phải giữ được bản chất giáo dục. Chúng ta cứ tưởng mục tiêu giáo dục là thế này nhưng có thể mình đang đi sai.
Có người nói, mục tiêu ở THCS là vào được trường chuyên, mục tiêu ở THPT là phải vào được trường đại học top này top nọ hay đi du học. Mục tiêu này không đúng với bản chất giáo dục, chúng ta đang hiểu giáo dục để tạo ra thành tích, điểm số.
"Giáo dục là phát triển người học và người thầy cùng phát triển với người học", bà Phượng nhấn mạnh.
Giáo viên có khả năng vừa dạy vừa học sẽ giúp tìm mình tìm được hiệu quả, hạnh phúc trong công việc. (Ảnh minh họa)
Thầy Trần Đức Huyên, Hiệu trưởng trường liên cấp Hoàng Việt, nguyên Hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cho rằng giáo viên hiệu quả gồm có 3 tiêu chí: luôn suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống; nhận ra sớm và luôn hành động theo chân lý về bản chất của dạy học, khơi gợi ngọn lửa đam mê trong học sinh và đặc biệt thầy cô luôn là người phải tự học vì không thể cho học sinh cái mà mình chưa có.
Trong chương trình hội thảo, gần 100 giáo viên cũng được khám phá miễn phí mô hình đào tạo giáo viên hiệu quả do TS Thomas Gordon (người từng 3 lần được đề cử Nobel Hòa Bình) sáng lập.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Thay đổi để tạo môi trường hạnh phúc Để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc, trước tiên giáo viên phải là những người hạnh phúc, sau đó tạo ra hạnh phúc cho học trò, để tạo ra vòng tròn lan tỏa theo "vết dầu loang". Ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc, xã hội sẽ hạnh phúc. Cô Lê Thị Thanh Nga và học sinh...