Nghĩa địa công lớn nhất nước Mỹ chôn cất nạn nhân COVID-19 sẽ thành công viên
Thành phố New York muốn Đảo Hart, nơi chôn cất các nạn nhân tử vong vì COVID-19 và AIDS, trở thành một địa điểm hấp dẫn hơn.
Người ủng hộ Đảo Hart muốn biến nơi này thành một công viên tưởng niệm thanh bình. Ảnh: Getty Images
Trước tình cảnh các thi thể chất đống trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đầu tiên ở New York, nhiều người chết đã được chôn trong những ngôi mộ tập thể trên Đảo Hart, nghĩa trang công cộng lớn nhất của nước Mỹ. Năm ngoái, số lượng người được chôn cất tăng gần gấp 3 lần, cộng với hơn một triệu người New York đã được an táng trên đảo từ trước.
Đảo Hart là nơi toạ lạc nghĩa địa công cộng lớn nhất ở New York kể từ thế kỷ 19. Rất nhiều thi thể đã được chôn cất ở đó trong những trận dịch khác, như dịch AIDS hay đại dịch cúm năm 1918.
Trong phần lớn thời gian đó, Đảo Hart được quản lý giống như một nhà tù. Các chuyến thăm được tổ chức theo lịch trình và bị kiểm soát chặt chẽ. Phần lớn công chúng không được tiếp cận nơi này và hầu hết công việc trên đảo được thực hiện bởi các tù nhân Đảo Rikers, với một khoản thù lao nhỏ.
Nhưng thời thế đang thay đổi. Trong tháng này, Sở Công viên New York đã tiếp quản hòn đảo. Nhiệm vụ của họ – làm cho nơi này trở thành một không gian dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn – sẽ là một thách thức khi các toà nhà đã xuống cấp và dịch vụ chôn cất vẫn đang diễn ra. Một thách thức lớn không kém là xoá bỏ được điều tiếng nghiệt ngã trong nhiều thập kỷ về những vụ chôn cất ẩn danh, bao gồm những ca sinh non và mất tứ chi.
Một ngôi mộ tập thể trên đảo Hart, phía trước các tòa nhà bỏ hoang vào tháng 5/2021. Ảnh: Bloomberg
Nhiều người ủng hộ đã hình dung viễn cảnh công chúng được tiếp cận đầy đủ với một bảo tàng trên đảo để tôn vinh các thế hệ người New York thường bị gạt ra ngoài lề và bị lãng quên. Một số thậm chí ủng hộ ý tưởng đưa Đảo Hart thành nơi đặt đài tưởng niệm chính thức về đại dịch COVID-19 và HIV/AIDS.
Kimberly Overton là thành viên chuyến thăm đầu tiên do Sở Công viên dẫn đầu đến Đảo Hart vào ngày 3/10. Cô khởi hành từ Utah đến đây để thăm anh trai và ông ngoại của mình, cả hai đều được chôn cất trên đảo. Overton cho biết cô vẫn cảm nhận một bầu không khí kiểu “trừng phạt” trên đảo. “Tôi thực sự cảm thấy như mình đang bị theo dõi”, Overton nói.
Chuyến thăm của cô phải được lên lịch trước nhiều ngày, và chỉ diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ. Overton không được phép chụp ảnh các ngôi mộ hoặc tự do đi lang thang quanh đảo.
Chuyến thăm Đảo Hart đầu tiên do Sở Công viên New York tổ chức ngày 3/10/2021. Ảnh: Bloomberg
Một đại diện từ Sở Công viên cho biết chính sách cấm chụp ảnh đã bị đảo ngược. Cơ quan này khẳng định tiếp cận đảo đang bị hạn chế do dịch COVID, và họ đang xác định quyền tiếp cận của công chúng sau đại dịch.
Video đang HOT
Tuy nhiên, có thể sẽ mất nhiều năm trước khi hòn đảo này được biến đổi thành những gì mà người ủng hộ tưởng tượng. Sở Công viên đang chờ một nghiên cứu của thành phố về năng lực an táng trên đảo trước khi phác thảo các kế hoạch tiếp theo.
Gần hai thế kỷ trước, đảo Hart từng là một địa điểm thi đấu quyền Anh bất hợp pháp và sau đó trở thành trại tù binh trong cuộc Nội chiến Mỹ trước khi thành phố New York tiếp quản vùng đất này vào năm 1868. Kể từ đó, nó đóng vai trò như một trạm cách ly rồi một nhà tù.
Đảo Hart nhìn từ phía thành phố New York. Ảnh: Bloomberg
Đảo Hart cũng là một trong những hòn đảo cuối cùng quanh New York chuẩn bị cho một cuộc lột xác. Các hòn đảo khác đều đang được tân trang để thu hút du khách. Ngay phía đông Manhattan là Đảo Roosevelt, vốn là nơi toạ lạc các nhà tù và bệnh viện. Ngày nay, nó có khuôn viên Đại học Cornell, nhà ở sang trọng và các trạm cho thuê xe đạp. Đảo Thống đốc từng là nơi đồn trú của quân đội trong nhiều thập kỷ, giờ đây trở thành nơi tổ chức trại hè, có xe bán đồ ăn và lễ hội âm nhạc cùng tên.
Công bằng mà nói, việc chuyển đổi nghĩa địa sang đất công viên thường xảy ra sau khi ngừng hoạt động chôn cất. Nhưng ngay cả những người ủng hộ mạnh mẽ nhất với việc chuyển đổi Đảo Hart cũng không muốn nơi này biến thành một điểm đến ồn ã. Những gì họ và chính quyền thành phố mong muốn là xây dựng Đảo Hart trở thành một công viên tưởng niệm, với sự yên bình, gần gũi và tôn kính dành cho những người đã mất.
Cô Overton nói: “Nó xứng đáng được cảm nhận là một nơi yên bình – một khu đất tưởng niệm, nơi chúng ta dành sự tôn kính cho những người có mặt ở đó. Tôi muốn thấy hòn đảo thật tươi tốt và đẹp đẽ.”
Sự cố phơi bày sự phụ thuộc của thế giới vào Facebook
Trong suốt hơn 5 tiếng Facebook và các ứng dụng như Messenger, WhatsApp bị gián đoạn, hoạt động trên toàn thế giới dường như đình trệ.
Chính trị gia Mexico không thể tiếp cận với cử tri. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Kenya, chủ cửa hàng không thể buôn bán. Công việc của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ nạn nhân bạo lực giới ở Colombia bị cản trở do ứng dụng WhatsApp, đường dây kết nối với nạn nhân, ngừng hoạt động.
"Nhờ có một đội ngũ thực địa, chúng tôi đã phần nào giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng của sự cố", Alex Berryhill, giám đốc điều hành kỹ thuật số của tổ chức phi lợi nhuận Cosas de Mujeres, nói. "Nhưng hàng trăm đường dây nóng khác trên thế giới có thể không gặp may như vậy. Sự cố là một lời nhắc nhở: công nghệ chỉ là công cụ, không phải là giải pháp".
Sự cố gián đoạn toàn cầu của Facebook ngày 4/10 là một minh chứng rõ ràng cho thấy mức độ thiết yếu của các dịch vụ mà công ty này cung cấp với cuộc sống thường ngày. Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger từ lâu không chỉ đơn thuần là công cụ để trò chuyện và chia sẻ ảnh. Chúng đã trở thành những nền tảng quan trọng để kinh doanh, đặt lịch chăm sóc sức khỏe, học trực tuyến, thực hiện các chiến dịch chính trị, đường dây nóng cho các trường hợp khẩn cấp và nhiều hơn nữa.
Tại Ấn Độ, Brazil và nhiều quốc gia khác, WhatsApp quan trọng với các hoạt động xã hội đến mức các nhà quản lý xem đây như "tiện ích", theo Parminder Jeet Singh, giám đốc điều hành của IT for Change, tổ chức phi lợi nhuận về công nghệ ở Bengaluru, Ấn Độ.
Ảnh chụp ứng dụng Facebook trên một màn hình điện thoại thông minh ngày 13/7. Ảnh: Reuters .
Trên toàn thế giới, trung bình 2,76 tỷ người sử dụng ít nhất một ứng dụng của Facebook mỗi ngày trong tháng 6, theo thống kê của công ty. Mỗi ngày, hơn 100 tỷ tin nhắn được gửi qua WhatsApp, ứng dụng được tải gần 6 tỷ lượt kể từ năm 2014, theo ước tính của công ty dữ liệu Sensor Tower. Ấn Độ và Mỹ Latinh đều chiếm khoảng 1/4 số lượt tải, trong khi Mỹ chiếm khoảng 4%, tương đương 238 triệu lượt.
Tại Mỹ Latinh, các ứng dụng của Facebook đã trở thành "phao cứu sinh" cho những vùng nông thôn, nơi dịch vụ điện thoại còn hạn chế hoặc người dân không đủ khả năng chi trả cước phí điện thoại đắt đỏ, nhưng có thể truy cập Internet miễn phí.
Cosas de Mujeres, tổ chức phi lợi nhuận ở Colombia, đã có hàng trăm tương tác mỗi tháng với phụ nữ Colombia và phụ nữ di cư Venezuela, là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục hoặc nạn buôn người, theo Berryhill.
"Chúng tôi thường nhận được tin nhắn từ những người phụ nữ qua WhatsApp cả ngày, nhưng sự cố đã gián đoạn mọi thứ và họ không thể liên lạc với chúng tôi", bà nói.
Maria Elena Divas, một phụ nữ di cư Venezuela 51 tuổi ở Bogota, Colombia, thường sử dụng WhatsApp để nhận đơn đặt hàng đồ ăn vặt. "Hôm nay tôi không bán được bất kỳ thứ gì", Divas nói.
Trên khắp châu Phi, các ứng dụng của Facebook phổ biến đến mức với nhiều người, chúng chính là Internet. WhatsApp, ứng dụng được dùng nhiều nhất lục địa, là nền tảng chính để giao tiếp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm.
Tại thủ đô Nairobi của Kenya, mọi mặt hàng từ giày dép, trang sức đến cây cảnh hay đồ gia dụng đều có thể đặt qua Facebook, Instagram và WhatsApp. Người kinh doanh ở thành phố Johannesburg, Nam Phi có thể tham gia Facebook Marketplace, nơi buôn bán mọi thứ như xe ôtô đã qua sử dụng hay tóc giả.
"Công việc kinh doanh của chúng tôi rơi vào bế tắc", Lydia Mutune, chủ một cửa hàng cây cảnh ở Nairobi chuyên buôn bán trên Facebook và Instagram, chia sẻ. "Đó là một lời cảnh tỉnh, giúp tôi nhận ra công việc kinh doanh của tôi và cuộc sống của chúng ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội như thế nào".
Việc sử dụng WhatsApp ở Zimbabwe phát triển đến mức có thời điểm chiếm một nửa lưu lượng truy cập Internet ở quốc gia này. Trong sự cố ngày 4/10, người phát ngôn chính phủ đã phải sử dụng Twitter để kêu gọi công chúng "giữ bình tĩnh".
Tuy nhiên, không ít người cho biết sự cố của Facebook khiến họ cảm thấy tốt hơn và bớt bị phân tâm. James Chambers lúc đầu hơi hoảng loạn khi Facebook và Instagram gặp sự cố. Vợ chồng anh không thể đăng bài quảng cáo cho tiệm bánh Chez Angela của họ ở Brandon, Manitoba.
"Nhưng ngày hôm đó, chúng tôi vẫn thấy rất nhiều người đến cửa hàng", James nói. "Doanh thu tăng 30% so với thông thường".
Drogasmil, một chuỗi hiệu thuốc ở Brazil, thường nhận được rất nhiều đơn đặt thuốc theo đơn thông qua WhatsApp, theo Rafael Silva, một dược sĩ ở Rio de Janeiro. Nhưng họ không nhận được bất kỳ đơn hàng nào vào ngày 4/10, do ứng dụng gặp sự cố. Điều này khiến Silva và đồng nghiệp cảm thấy "thảnh thơi" hơn.
Trong một bài đăng Twitter, Jan Bohmermann, một diễn viên hài người Đức, ước Facebook, Instagram và WhatsApp sẽ ngừng hoạt động mãi mãi. Bài viết đã nhận được gần 30.000 lượt thích.
Người phụ nữ kiểm tra tài khoản Instagram ở thành phố New York, Mỹ hôm 4/10. Ảnh: AFP .
Các cuộc khảo sát cho thấy WhatsApp là ứng dụng được cài gần như trên mọi điện thoại thông minh ở Brazil và hầu hết người dân nước này đều truy cập ứng dụng ít nhất mỗi tiếng một lần. Đặt đơn nhà hàng, đặt đồ siêu thị, đặt lịch khám chữa bệnh hoặc cắt tóc... đều diễn ra trên ứng dụng này. Đặc biệt, trong đại dịch, ứng dụng cũng trở thành công cụ quan trọng để giáo viên dạy cho học sinh vùng sâu vùng xa.
Tại Mexico, nhiều tờ báo địa phương không đủ khả năng chi trả tiền in ấn, nên đã sử dụng Facebook như nền tảng xuất bản thay thế. Điều đó khiến nhiều chính quyền địa phương cũng phải lựa chọn Facebook làm công cụ thông báo thông tin quan trọng, theo Adrian Pascoe, một cố vấn chính trị.
Hai công ty của Leon David Perez, chuyên cung cấp các khóa học trực tuyến, chủ yếu dựa vào Facebook và Instagram để tiếp thị sản phẩm, trong khi dịch vụ chăm sóc khách hàng phụ thuộc vào WhatsApp.
"Cách vận hành của doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn trong 20 năm qua", David nói. "Chúng tôi phải phụ thuộc hoàn toàn vào vài công ty công nghệ. Khi WhatsApp hay Facebook gặp sự cố, chúng tôi cũng ngừng hoạt động".
Facebook sập toàn cầu, Nga ca ngợi tự chủ Internet Sức lan tỏa không suy suyển của Trump trên mạng xã hội 14 Facebook chặn chiến dịch tin giả bài vaccine
Hai lần trúng số triệu USD trong một ngày Susan Fitton, 64 tuổi, trúng hai tấm vé số Mega Millions ở Florida trong một ngày và lãnh giải thưởng tổng cộng 4 triệu USD. Cơ quan Xổ số Florida tuần trước thông báo Fitton, người phụ nữ sống ở thành phố Boca Raton, hạt Palm Beach, đã trúng hai giải Mega Millions, mỗi giải trị giá 2 triệu USD trong đợt quay...