Ngày 22-23/4, học sinh lớp 12 Hà Nội tham dự kiểm tra khảo sát
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong hai ngày (22 – 23/4), học sinh lớp 12 Trung học phổ thông và học viên học chương trình Giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố sẽ tham dự kiểm tra khảo sát.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Việc này sẽ giúp học sinh chuẩn bị tốt cho Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022.
Theo đó, học sinh, sẽ dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài Tổ hợp tự chọn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Học viên học chương trình Giáo dục thường xuyên dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý).
Bài kiểm tra môn Ngữ văn sẽ được thực hiện theo hình thức tự luận, các bài còn lại được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng.
Video đang HOT
Riêng đối với các ngoại ngữ khác Tiếng Anh, gồm Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Hàn, Tiếng Đức, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật Bản, thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế chủ động giao nhiệm vụ ra đề kiểm tra cho giáo viên bộ môn tiến hành kiểm tra khảo sát bảo đảm khách quan, phù hợp với nội dung hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lịch kiểm tra khảo sát như sau: Sáng 22/4 kiểm tra Ngữ văn (120 phút); chiều 22/4 kiểm tra Toán (90 phút). Sáng 23/4 kiểm tra song song 2 Tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (mỗi môn thuộc Tổ hợp 50 phút); chiều 23/4 kiểm tra Ngoại ngữ (60 phút).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không bắt buộc các trường sử dụng điểm kiểm tra khảo sát. Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên, nhưng không được lấy làm điểm kiểm tra định kỳ.
Kiên trì bảo đảm chất lượng
Thời điểm này, các trường học thuộc thành phố Hà Nội đã hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ 1 năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch thời gian năm học.
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết học sinh phải học trực tuyến từ đầu năm học đến nay, song với sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đồng hành của phụ huynh, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp, kiên trì mục tiêu bảo đảm chất lượng.
Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang
Hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch
Hiện các trường học thuộc thành phố Hà Nội đã hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ 1 năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch thời gian năm học do UBND thành phố Hà Nội ban hành. Dù tổ chức dạy học trực tiếp hay trực tuyến, việc bảo đảm an toàn cho học sinh được toàn ngành xác định là mục tiêu hàng đầu.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, với kinh nghiệm từ năm học trước, thầy và trò nhà trường luôn trong trạng thái sẵn sàng chuyển đổi hình thức dạy - học từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại, tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Vì vậy, tiến độ thực hiện chương trình học kỳ 1 không bị ảnh hưởng. Kết quả này còn có sự hỗ trợ rất lớn từ phụ huynh học sinh và cơ quan y tế.
Tương tự, các trường học ở huyện Mê Linh cũng đã linh hoạt tổ chức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến theo cấp độ của dịch Covid-19 tại từng thời điểm. "Với tinh thần không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, từ đầu năm học tới nay, gần 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện đã được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, giúp cho công tác dạy học bảo đảm chất lượng hơn", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin.
Bà Nguyễn Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Bát Tràng (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Mối lo lớn nhất là học sinh lớp 1 khó có thể học trực tuyến đã được giải tỏa. Các con đã biết đọc, viết một đoạn ngắn và làm tính trong phạm vi 10". Còn em Nguyễn Thái An, học sinh lớp 9A4, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Em đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và mong muốn sớm được trở lại trường; được giảm áp lực bằng việc giảm số môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10".
Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Liên Ninh (huyện Thanh Trì) sát khuẩn tay trước khi vào lớp học. Ảnh: Đỗ Tâm
Giảm thiểu tác động của dịch bệnh
Nhằm hoàn thành "nhiệm vụ kép", các đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu những khó khăn, tác động của dịch bệnh đến chất lượng giáo dục.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) Phương Thị Thìn cho biết, đây là năm đầu tiên học sinh lớp 2 học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Xác định dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, nhà trường kiên trì đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng và bổ sung kho học liệu, rèn học sinh kỹ năng trình bày suy nghĩ. Với các khối lớp còn lại, việc duy trì ý thức, nền nếp học tập vẫn là giải pháp được coi trọng.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình Nguyễn Công Dương, hầu hết học viên có điểm "đầu vào" thấp, nên đơn vị tập trung dạy học kiến thức trọng tâm, chắt lọc những nội dung cơ bản nhất để các em đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, việc giám sát mức độ chuyên cần của học viên trong từng buổi học được tăng cường, đồng thời tiếp tục quan tâm, hỗ trợ học viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em không bị gián đoạn việc học tập.
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa thông tin, các nhà trường luôn ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho học sinh lớp 9, bảo đảm 100% học sinh đáp ứng tốt với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Với 13 trường đang dạy học trực tiếp, Phòng chỉ đạo tận dụng tối đa thời gian học sinh học tại trường để rà soát, bổ sung kiến thức cần thiết. Các trường còn lại tập trung hỗ trợ học sinh về mọi mặt, dạy học bám sát nội dung trọng tâm, chú trọng dạy học đồng đều các môn học.
Về tình hình tổ chức dạy học trong học kỳ 1 năm học 2021-2022, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, dù dạy học trực tuyến hay trực tiếp, các nhà trường đều có nhiều giải pháp để bảo đảm chất lượng; tổ chức kiểm tra, đánh giá bảo đảm công bằng, thực chất. Việc tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ở địa bàn đủ điều kiện an toàn trở lại trường học trực tiếp nhận được sự đồng thuận cao, giúp các em tự tin trước các kỳ thi.
Với ý kiến đề xuất công bố sớm môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, ngoài ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là ngữ văn, toán, ngoại ngữ, học sinh sẽ biết môn thi thứ tư vào tháng 3 hằng năm. Đây là quy định đã được duy trì nhiều năm nay, nhằm bảo đảm học sinh được học đầy đủ các môn học trong chương trình, tránh hiện tượng học lệch. Sở yêu cầu các trường dạy học bảo đảm yêu cầu tối thiểu cần đạt, không thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp; đồng thời tổ chức dạy học linh hoạt theo cấp độ dịch để vừa bảo đảm an toàn, vừa giữ vững chất lượng. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của chuyên gia và căn cứ tình hình dịch bệnh, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội quyết định về phương án thi cụ thể, với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Từ 27/12, nhiều trường tại Hà Nội lại chuyển sang học trực tuyến Sở GD&ĐT Hà Nội vừa gửi thông báo tới các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc TP. Hà Nội về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch COVID-19 tại địa bàn. Theo Thông báo số 851/TB-UBND ngày 24/12/2021 của UBND...