Ngăn chặn bán sách giáo khoa “bia kèm lạc” để sách không “làm vơi bát cơm con trẻ”
Để nâng cao chất lượng giáo dục, không còn cách nào khác phải bắt đầu từ việc “chặt đứt” tư duy kinh doanh hưởng lợi trong môi trường học đường, mà trong đó, thể hiện rõ nhất thông qua việc nhập nhèm bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc”.
Sách đang làm vơi bát cơm con trẻ
Vừa qua, câu chuyện trường tiểu học An Phong (TP.Hồ Chí Minh) đưa ra 23 danh mục sách phục vụ học sinh lớp 1 mà không nói rõ sách tham khảo, khiến phụ huynh không khỏi bức xúc. Đáng nói, đây cũng không phải câu chuyện mới, năm học nào cũng trở thành “tâm điểm” xôn xao, vậy vì sao, nhiều năm nay, tình trạng bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc” vẫn còn tồn tại trong nhà trường?
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội chia sẻ: “Những năm qua, vẫn còn một số trường có hiện tượng nhập nhèm sách giáo khoa và đưa ra những cuốn sách “không phải sách giáo khoa” trong danh mục. Điều đó có thể bắt nguồn từ chính việc có “ hoa hồng” khi nhà trường cung cấp sách đến phụ huynh học sinh”.
Sách giáo khoa chương trình mới.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam – nhận định: “Sách giáo khoa hiện tại đang ở trong tình hình “mất trật tự”. Một chương trình nhưng có 5 bộ sách, phát sinh ra chuyện địa phương tự do chọn sách, có thể chọn từ bộ này làm sách giáo khoa chính rồi chọn sách tham khảo từ bộ kia… Từ đó, dẫn đến câu chuyện các nhà xuất bản đua nhau in sách và bắt buộc bán sách, phụ huynh học sinh phải mua.
Đây là một thực trạng nguy hiểm, “sai một ly đi một dặm”. Chuyện của sách giáo khoa lớp 1, nếu không được giải quyết êm thấm thì sẽ kéo theo đến sách giáo khoa của các lớp tiếp theo, bậc học tiếp theo… Cả một “núi sách” sẽ được in ra và phụ huynh học sinh sẽ là người phải “ghé vai” vào mua tất. Như vậy thì “chết tiền”! Đối với những gia đình khá giả, đó có thể là con số không đáng kể, nhưng với những gia đình khó khăn hơn thì rất lớn”.
GS.TS Phạm Tất Dong
Video đang HOT
“Ngành giáo dục cứ nêu cao tinh thần “vì tương lai của học sinh”, nhưng thực tế, chính bản thân những cuốn sách bây giờ đang vừa làm hao tổn tinh thần của một đứa trẻ, vừa trở thành gánh nặng cho gia đình học sinh một cách vô lối… Dường như, giữa nhà trường và bên bán sách có hoa hồng, nhà trường muốn có một số tiền thì yêu cầu ban phụ huynh mua sách, tiêu thụ được nhiều sách thì kiếm được nhiều tiền. Như vậy, sách đang “ăn vào”, đang làm vơi bát cơm của những đứa trẻ…” – ông Dong nhấn mạnh.
Để nhà trường không thành nhà buôn…
Bà Nguyễn Thanh Thủy – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông tin: “Ngay trước thềm năm học mới, phòng GD&ĐT đã đề nghị các trường trên địa bàn chỉ giới thiệu tới phụ huynh những cuốn cơ bản, gần như chỉ có sách giáo khoa và sách bài tập. Trường dùng sách nào phải đưa vào chương trình, Phòng có thể thông qua hoạt động chuyên môn, giám sát, kiểm tra đột xuất để nắm bắt thông tin.
Ngoài ra, Phòng còn công khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của phụ huynh về các vấn đề trong ngành, bao gồm cả chuyện nhập nhèm sách giáo khoa, sách tham khảo.
Trước câu chuyện này, nhiều chuyên gia ủng hộ việc xử lý mạnh tay để ngăn chặn tình trạng nhập nhèm trong giới thiệu sách giáo khoa. Đồng tình với quan điểm đó, ĐBQH Tạ Văn Hạ – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội – cho rằng: “Trước hết, chúng ta cần lên án việc bắt buộc phụ huynh học sinh phải mua sách tham khảo khi không có nhu cầu. Hoặc vì một nhóm lợi ích nào đó hay một mục đích nào đó mà nhà trường bắt học sinh phải mua khi các em chưa có nhu cầu.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, phải xử lý thật nghiêm đối với trường nào có dấu hiệu bắt ép học sinh phải mua, tạo ra gánh nặng cho gia đình hay sức ép trong học tập. Phải quyết liệt xử lý những tình huống, có dấu hiệu đó, mà trước tiên là từ Hiệu trưởng, trách nhiệm của người đứng đầu.
Sau đó, mới đến các cán bộ, giáo viên, nhân viên liên đới. Người đứng đầu mà quán triệt nghiêm túc thì làm sao có chuyện sai phạm xảy ra? Hiện tại, do chưa xử lý nghiêm nên mới còn “lỗ hổng”. Hãy làm nghiêm và làm đầy đủ, thậm chí, mức nặng thì cách chức Hiệu trưởng. Như vậy thì sẽ đủ tính răn đe!”.
Ngăn nhà trường đưa sách cũ vào danh mục
“Ngay từ đầu năm học, Sở đã có một danh mục định hướng sử dụng những sách tham khảo nào và yêu cầu các trường thực hiện theo đúng định hướng đó, những sách khác là không được bán trong nhà trường. Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập đoàn đi thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý những trường nhập nhằng về sách giáo khoa. Hiện nay, trong khi sách tham khảo lớp 1 theo chương trình mới của một số nhà xuất bản vẫn chưa kịp thẩm định và đưa vào nhà trường, Sở phải quán triệt từ sớm, nếu không, nhiều khi, các nhà trường cứ đưa sách của chương trình cũ vào là không được, không phù hợp với chương trình mới”, ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An.
ĐBQH Tạ Văn Hạ
Có nhiều kênh tham khảo hiệu quả hơn sách
“Nếu nói sách để tham khảo, thì tôi tự hỏi, những cô cậu học trò 6 tuổi, vừa bước qua ngưỡng giáo dục mầm non, ở nhà còn bận nhõng nhẽo bố mẹ, có khi nhiều sinh hoạt còn chưa tự phục vụ được mà tham khảo cái gì? Đến người lớn, khi tham khảo những cuốn tài liệu dày khoảng mấy chục trang, cũng chưa chắc đủ ý chí ngồi đọc trọn vẹn.
Chưa kể, những cuốn sách đó có thực chất cần để tham khảo hay không, hoặc có cách nào khác, không cần những cuốn sách đó mà học sinh vẫn có thể tìm hiểu thêm các kiến thức khác hay không… Tôi cho rằng, ở thời đại này, đâu có khó gì trong việc cung cấp cho học sinh thêm những tri thức mới mà không nhất thiết phải thông qua sách.
Chẳng hạn, hình ảnh, clip trên mạng xã hội, thầy cô và nhà trường có thể chia sẻ đến học sinh, mà lại trở thành một tài liệu sinh động và hấp dẫn hơn đối với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1, lứa tuổi còn nhỏ như vậy thì điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều lần đọc sách” – GS.TS Phạm Tất Dong.
Trẻ lớp 1 còn đang học I TỜ ÍT thì sách tham khảo làm gì?
Từ năm 2018, Bộ trưởng Nhạ đã có Chỉ thị 3798 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục, lãnh đạo trường An Phong đã quên chăng?
Vấn đề sách giáo khoa luôn là chủ đề nóng đầu năm học mới, như vừa qua ngày 31/8/2020, khi Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam phản ánh việc trường Tiểu học An Phong (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) giới thiệu tới phụ huynh bộ sách giáo khoa lớp 1 có giá 807.000 đồng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi tình trạng "bán bia kèm lạc" tồn tại trong nhà trường những năm qua.
Bộ sách lớp 1 của học sinh Trường tiểu học An Phong (Ảnh:P.L/giaoduc.net.vn)
Trước thực trạng này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: "Trẻ lớp 1 thì cần gì ngoài mấy cuốn sách giáo khoa đâu, mới có 6, 7 tuổi mà "cõng" 23 cuốn sách thì sức đâu mà học, thời gian đâu mà vui chơi. Trong khi kết thúc lớp 1 chỉ cần đọc, đánh vần và cộng trừ ở 1-2 chữ số là được.
Đối với Giáo sư thì ngoài sách đang nghiên cứu mới cần thêm sách tham khảo Pháp, Nga , Mỹ...hoặc sinh viên làm luận án xã hội học thì tham khảo thêm sách tâm lý học xã hội, những vấn đề về kinh tế học xã hội để viết chứ trẻ đang học 1 1=2, đang đánh vần I TỜ ÍT thì tham khảo thêm tài liệu gì nữa hả trời", thầy Dong kêu than.
Theo thầy Dong: "Cần cấm sách tham khảo bởi đối với trẻ lớp 1 thì 9 cuốn sách giáo khoa là đủ lắm rồi, còn phải cho trẻ vui chơi nữa chứ. Ai cũng muốn con nên người nhưng trẻ lớp 1 thì cần gì tham khảo, chưa biết đọc, chưa biết viết thì tham khảo làm gì".
Trong khi đó, bà Bùi Thị An- Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: "Đất nước đang thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thậm chí, Chính phủ đã phải mở gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, vậy tại sao trường học không thông cảm, chia sẻ với phụ huynh học sinh mà đưa tài liệu tham khảo vốn là tự nguyện lại đưa vào danh sách bắt buộc".
"Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương phải vào thanh tra, kiểm tra vì có mua tài liệu tham khảo hay không, mua tài liệu tham khảo nào là quyền của học sinh, phụ huynh cớ sao lại ép buộc. Nhà trường cần phải tôn trọng quyền lựa chọn của phụ huynh. Nếu phát hiện cơ sở giáo dục nào ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo thì cần xử lý", bà An nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục ban hành 2 công văn: 3401/BGDĐT-GDTH và 3453/BGDĐT-GDTH gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn.
Cụ thể gồm các sách giáo khoa: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.
Ngoài các cuốn sách giáo khoa chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Đặc biệt, vào tháng 9/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký Chỉ thị 3798 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong đó yêu cầu Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các Phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương:
"Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí."
Chỉ thị cũng nêu rõ: Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo "phối hợp với các ban, ngành liên quan đến tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng sách giáo khoa và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm".
Hiệu trưởng bị phê bình vì thông tin nhập nhèm 23 đầu sách lớp 1 Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong (TP.HCM) bị phê bình sau vụ thông báo cho phụ huynh mua sách lớp 1 giá 800.000 đồng. Phụ huynh được trả lại sách đã mua nếu không có nhu cầu. Trao đổi với Zing, sáng 9/9, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 (TP.HCM), cho biết hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong...