Nga tiếp xúc phe nổi dậy Syria
Moscow đang tỏ ra rất cởi mở sau những phát biểu gần đây của lãnh đạo lực lượng đối lập Syria.
Hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Liên minh các lực lượng đối lập Syria Moaz al-Khatib bên lề Diễn đàn An ninh quốc tế tại thành phố Munich (Đức). AFP dẫn lời ông Lavrov đánh giá việc “tiếp xúc thường xuyên” với đại diện lực lượng này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Hồi tuần trước, ông al-Khatib nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán với chính quyền Damascus, trừ những nhà lãnh đạo “tay đã vấy máu”. Đây có thể xem là chuyển biến quan trọng vì trước đó, phe nổi dậy luôn ra điều kiện tiên quyết là Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi để có thể thực hiện bất cứ giải pháp chính trị nào. Sau cuộc gặp kín, Ngoại trưởng Nga nhận định: “Chúng tôi hoan nghênh điều này. Có thể thấy óc thực tế đã bắt đầu thắng thế”.
Đã có hơn 60.000 người thiệt mạng vì xung đột tại Syria – Ảnh: AFP
Syria là chủ đề nóng bỏng nhất tại diễn đàn vừa kết thúc ở Munich vào cuối tuần qua. Nhân sự kiện này, ông Lavrov cũng gặp gỡ Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Cả hai đều thừa nhận những bất đồng sâu sắc giữa 2 nước trong nỗ lực kết thúc khủng hoảng tại Syria. Ông Biden cho biết Mỹ cùng các nước đồng minh đang tìm biện pháp giúp phe nổi dậy Syria “đoàn kết hơn, vững vàng hơn”. Ngược lại, ông Lavrov tiếp tục khẳng định nguyên nhân hàng đầu khiến khủng hoảng tiếp diễn tại Syria là do nhiều bên khăng khăng đòi lật đổ Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga vẫn tin tưởng “sẽ có chuyển biến tích cực” trong lần họp tới của Nhóm Hành động vì Syria.
Trong khi đó, giới quan sát lo ngại khủng hoảng tại Syria có thể lan ra khu vực sau sự kiện Israel không kích vào nước này ngày 30.1. AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ xác nhận Tel Aviv đã ném bom tấn công một căn cứ quân sự ở ngoại vi Damacus vì nghi ngờ nơi đây tàng trữ vũ khí hóa học và lo ngại vũ khí có thể được chuyển cho lực lượng Hezbollah ở Li Băng. Tuy không chính thức thừa nhận, nhưng tại Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak nói lấp lửng: “Sự kiện vừa diễn ra cách đây vài ngày chứng tỏ Israel nói là làm”. Đáp lại, Hãng thông tấn SANA dẫn lời Tổng thống al-Assad cáo buộc Israel âm mưu gây mất ổn định tại Syria và tuyên bố sẽ trả đũa “hành động gây hấn” này.
Trong một diễn biến liên quan, tờ The New York Times ngày 3.2 đưa tin Nhà Trắng bác bỏ kế hoạch hỗ trợ tuyển chọn, huấn luyện và vũ trang phe nổi dậy Syria. Nguyên nhân là Washington không muốn can thiệp quá sâu vào khủng hoảng ở nước này.
Theo TNO
Hòa bình vẫn mờ mịt
Ai cũng phải bàng hoàng trước con số 60.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Syria trong khi giải pháp hoà bình để chấm dứt cuộc chiến này vẫn vô cùng mờ mịt.
Nhiều khu phố ở thành phố Aleppo bị phá hủy trong các cuộc xung đột ác liệt
Cao ủy LHQ về quyền con người Navi Pillay ngày 2-1 đã đưa ra con số gây sốc cho biết, thiệt hại về người trong cuộc chiến kéo dài hơn 20 tháng qua tại Syria đã tăng lên mức báo động với hơn 60.000 người chết. Theo bà Pillay, kể từ khi xung đột bùng phát tháng 3-2011 đến cuối 11-2012, đã có 59.648 người bị tước đi mạng sống và nếu cộng với số người thiệt mạng từ đó đến nay thì tổng số người chết vì chiến sự ở Syria đã vượt quá con số 60 nghìn nói trên.
Cũng theo bà Pillay, con số thương vong được thống kê chi tiết mới nhất tại Syria cao hơn nhiều so với dự báo trước đó chỉ 1 ngày của LHQ. Theo số liệu thống kê được Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) công bố ngày 1-1-2013, số người thiệt mạng trong cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này sau 20 tháng xung đột là hơn 46.000 người.
Đáng lo ngại nữa là thiệt hại về người trong cuộc chiến ác liệt tại Syria có thể còn cao hơn rất nhiều bởi cho tới thời điểm hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến này sắp chấm dứt. Các phân tích cho thấy, có sự gia tăng đáng ngại về số người chết trung bình mỗi tháng tại Syria, từ mức 1.000 người hồi giữa năm 2011 lên mức 5.000 người vào tháng 7-2012. Đó là chưa kể số người bị thương và khoảng nửa triệu người khác phải đi tị nạn.
Không phải đợi đến khi con số thiệt hại to lớn về người trên được công bố mà ngay từ khi xung đột ác liệt ở Syria mới bùng nổ đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tìm giải pháp chính trị, chấm dứt cuộc chiến "nồi da nấu thịt" này. Tuy nhiên, mọi nỗ lực, giải pháp đều đi vào ngõ cụt bởi lập trường quá khác biệt giữa các bên trực tiếp tham gia xung đột cũng như các quốc gia có ảnh hưởng tới cuộc xung đột này.
Lực lượng đối lập tại Syria cùng các quốc gia phương Tây hậu thuẫn họ, đặc biệt là Mỹ, nhất quyết đòi bất kỳ một giải pháp nào đều phải gắn với sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, chính quyền ông al-Assad và những nước ủng hộ như Nga, Trung Quốc... lại cho rằng cuộc xung đột Syria phải do chính người dân nước này giải quyết mà không có bất cứ sức ép hay mệnh lệnh nào từ bên ngoài.
Ngay trước thềm năm 2013, Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) Lakhdar Brahimi đã công bố một kế hoạch ngừng bắn mới tại Syria. Theo đó, các bên tham chiến trước hết sẽ ký kết một thỏa thuận ngừng bắn, sau đó thành lập một chính phủ lâm thời có đầy đủ thẩm quyền và chuẩn bị kế hoạch tổng tuyển cử ở Syria.
Chính quyền Tổng thống al-Assad ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh "bất cứ sáng kiến nào có thể giúp giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 20 tháng qua ở nước này thông qua đàm phán". Song một lần nữa phe đối lập Syria lại bác bỏ sáng kiến hòa bình này, đồng thời khẳng định yêu sách đòi Tổng thống al-Assad ra đi trước khi có thể tiến hành bất cứ cuộc đối thoại nào.
Dù vậy, Mỹ, Nga và Đặc phái viên chung Brahimi vẫn đang xúc tiến tổ chức cuộc gặp ba bên vào trung tuần tháng 1 này để tìm kiếm giải pháp chính trị, chấm dứt cuộc chiến đẫm máu tại Syria.
Theo ANTD
Nga bác tin cùng Mỹ lập kế hoạch cho Syria Bộ Ngoại giao Nga hôm 27.12 đã phủ nhận việc nước này có một kế hoạch chung với Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, tin tứctừ hãng tin Tân Hoa xã. Moscow tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận Geneva và không lên kế hoạch phối hợp với Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, phát ngôn viên Bộ...