Nga cảnh báo Mỹ về dự định cung cấp vũ khí cho Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cảnh báo Mỹ đang hủy hoại quan hệ hai nước bằng ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Việc Mỹ có ý định cung cấp vũ khí cho Ukraine đang gây quan ngại lớn cho cả Nga và một số thành viên NATO (Ảnh: Independent)
Nga hôm qua đã lên tiếng cảnh báo Mỹ về dự định cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhấn mạnh động thái này sẽ phá hoại mối quan hệ giữa hai nước.
“Mátxcơva quan ngại sâu sắc trước những bàn thảo ở phương Tây về khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine… Nếu quyết định này được thực hiện sẽ gây tổn hại nghiêm trọng các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, đặc biệt là khi vũ khí do Mỹ cung cấp gây thương vong cho dân thường ở khu vực Donbass gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết.
Đại diện ngoại giao Nga nêu rõ điều này không chỉ khiến tình hình khủng hoảng ở miền Đông Ukraine thêm nghiêm trọng, mà còn đe dọa an ninh của Nga trong bối cảnh lãnh thổ nước này đã nhiều lần bị pháo kích từ Ukraine.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra tại Kiev sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bóng gió về khả năng Kiev sẽ sớm nhận được vũ khí từ Washington
“Tổng thống Barack Obama đang xem xét tất cả các phương án, trong đó có khả năng cung cấp các hệ thống phòng thủ cho Ukraine. Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi cách hành xử của Nga”, ông Kerry khẳng định trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk.
Video đang HOT
Ông Kerry cũng xác nhận việc Mỹ có thể cung cấp vũ khí sát thương để hỗ trợ Kiev chiến đấu chống lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, một số quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã đề cập tới khả năng này, trong đó nói rõ Washington sẽ cấp lượng vũ khí có tổng trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine, gồm tên lửa chống tăng, xe bọc thép Humvees, trực thăng tấn công không người lái, radar…
Tất nhiên, theo lời Ngoại trưởng Kerry, quyết định quan trọng này chỉ được đưa ra sau khi Tổng thống Obama cân nhắc kỹ kết quả cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva vào tối nay theo giờ Việt Nam.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ tới thủ đô của Nga vào 13h00 ngày 6/2 theo giờ địa phương (17h00 cùng ngày ở Việt Nam) để đưa ra sáng kiến đáp lại kế hoạch hòa bình do ông Putin công bố hồi giữa tháng 1 nhưng không được Kiev chấp thuận
Ý tưởng về cuộc gặp nảy sinh trong cuộc điện đàm trước đó giữa ông Putin với hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, sẽ vào 17h00 ngày 6/2 theo giờ Mátxcơva (21h00 cùng ngày ở Việt Nam), Tổng thống Putin đã có cuộc trao đổi với các thành viên thường trực Hội đồng An ninh về tình hình miền Đông Ukraine.
Tham gia cuộc họp có Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Valentina Matviyenko, Chánh Văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov, Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsov, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Mikhail Fradkov và thành viên thường trực Hội đồng An ninh Boris Gryzlov.
Ý định của Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine không chỉ gây quan ngại cho Nga, mà còn cả một số thành viên trong liên minh quân sự NATO.
Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO vừa diễn ra tại Brussel (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng đây là một sai lầm có thể dẫn tới nguy cơ cao leo thang xung đột, đồng thời tạo cớ cho Nga can thiệp quân sự vào tình hình Ukraine. Người đồng cấp Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert và Anh Michael Fallon cũng có quan điểm tương tự và khẳng định chỉ ủng hộ cung cấp thiết bị quân sự phi sát thương cho quân đội Ukraine.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Nhật cân nhắc mở rộng tuần tra ra Biển Đông
Chính phủ Nhật đang cân nhắc khả năng tiến hành tuần tra trên không và trên biển ở Biển Đông - một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này với TQ khi người láng giềng tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Nhật đang cân nhắc khả năng mở rộng tuần tra ra Biển Đông (ảnh: Businessinsider)
"Sự tương tác giữa các quốc gia ngày càng gia tăng và sâu sắc, và tình hình ở Biển Đông ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nói với báo giới tại Tokyo hôm qua. "Cách thức chúng tôi xử lý vấn đề này sẽ tùy theo diễn biến tình hình", ông nói. Theo ông, Nhật chưa có kế hoạch cụ thể về lúc bắt đầu tuần tra.
Ông Nakatani đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận mà chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ Robert Thomas đưa ra tuần trước. Ông Thomas nói rằng, Mỹ hoan nghênh việc Nhật mở rộng tuần tra ở Biển Đông, coi đó là cách đối trọng với sự gia tăng ngày càng lớn các tàu của TQ nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền trong vùng biển.
Hiện tại, Nhật thường xuyên tuần tra ở Hoa Đông, nơi họ có tranh chấp hàng hải với TQ. Khả năng mở rộng tuần tra giám sát sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận giữa Nhật Bản với Mỹ để tiến tới hoàn tất bản chỉ dẫn các nguyên tắc hợp tác quốc phòng mới trong nửa đầu năm nay.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh đã phản đối sự can thiệp của bên ngoài ở Biển Đông mà không trực tiếp đề cập tới Nhật Bản. Mới đây, Philippines đã đệ đơn kiện Bắc Kinh vì yêu sách chủ quyền thái quá ra tòa án quốc tế. Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của nhiều nước, TQ đã tiến hành tuần tra hải quân ở phần lớn Biển Đông.
TQ có tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Nhật đã quốc hữu hóa một số hòn đảo ở đây. Những vụ chạm trán thường xuyên giữa các tàu, máy bay của hai nước trong khu vực đặt ra quan ngại về khả năng xung đột quân sự.
Trả lời phỏng vấn của báo Đức Sddeutsche Zeitung, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nêu quan điểm về sự hòa hợp trong khu vực cũng như việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông: "Chúng ta đang cố gắng làm việc để hướng tới một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc. Chúng ta đang trong quá trình đàm phán về vấn đề này với phía TQ nhưng tôi nghĩ cần có thời gian. Tôi không cho rằng bất kỳ nước nào sẽ nhất trí ràng buộc bản thân. Nhưng nếu chúng ta có được bộ quy tắc ứng xử, thì đó là diễn biến tích cực. Ít nhất chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ dẫn tới đối đầu thực sự".
Theo Thái An (theo Bloomberg, CNA)
Vietnamnet
NATO: Phương Tây phải sẵn sàng cho căng thẳng dài lâu với Nga Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow khẳng định phương Tây không tìm cách thay đổi chế độ tại Nga song cần phải sẵn sàng cho tình trạng căng thẳng dài lâu dài liên quan đến tình hình Ukraine, nơi đang chìm trong các cuộc xung đột nghiêm trọng Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow Trong bài phát biểu tại hội thảo...