New York thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em
Từ ngày 14/12, một số quy định tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc sẽ chính thức có hiệu lực ở thành phố New York của Mỹ, đúng 1 năm sau khi y tá Sandra Lindsay trở thành công dân Mỹ đầu tiên được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 23/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, trẻ em từ 5 – 11 tuổi sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi từ 14/12 và trẻ em từ 12 tuổi trở lên sẽ phải tiêm chủng đầy đủ từ 27/12 để vào nhà hàng và tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường.
Chính quyền thành phố đông dân nhất nước Mỹ cũng ấn định 27/12 là thời hạn chót để toàn bộ 184.000 doanh nghiệp trong thành phố phải yêu cầu nhân viên xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng.
Phát biểu họp báo, Thị trưởng New York Bill de Blasio khẳng định tính đến ngày 13/12, đã có 90% dân số trưởng thành ở New York tiêm ít nhất 1 mũi. Ông cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích mọi người tiêm mũi thứ 2, mũi tăng cường và hướng đến tiêm chủng ở trẻ em.
Theo thống kê, hiện mới chỉ 31% trẻ em thành phố New York từ 5 đến 12 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi và 19% đã tiêm chủng đầy đủ. Trước trình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại, Thống đốc bang New York Kathy Hochul đã tạm thời áp đặt trở lại yêu cầu đeo khẩu trang bên trong doanh nghiệp và những địa điểm không cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng.
Mỹ, Nhật Bản nhất trí phối hợp đối phó với biến thể Omicron
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 30/11, trong cuộc hội đàm đầu tiên dưới hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Junichi nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để đối phó với biến thể Omicron đang gây quan ngại trên toàn cầu.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 di chuyển trên cầu Brooklyn ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Suzuki Junichi nhấn mạnh việc thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để đối phó với đại dịch đang diễn ra cũng như trong tương lai. Hai bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về việc Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác và nỗ lực để giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong đó, có nội dung sớm phân phối vaccine COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển theo thỏa thuận các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đạt được mới đây. Bên cạnh đó, Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ hợp tác nhằm thực hiện một cách thực chất quy định về thuế doanh nghiệp quốc tế tối thiểu, cũng như việc tổ chức thành công hội nghị lần thứ 20 của Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (IDA20) sẽ diễn ra vào tháng 12/2021.
Bộ trưởng Suzuki cho biết, tại cuộc hội đàm trực tuyến ông cũng đề cập đến chính sách kinh tế của chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio, cũng như gói chính sách kinh tế bổ sung mà Chính phủ Nhật Bản thông qua vào ngày 19/11 vừa qua. Bên cạnh đó, cuộc gặp này cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng quan hệ tin cậy mang tính cá nhân giữa hai bộ trưởng.
Liên quan đến biến chủng Omicron, kể từ ngày 30/11, chính phủ Nhật Bản sẽ không cấp phép nhập cảnh lần đầu đối với công dân của tất cả các quốc gia trên thế giới, thời gian áp dụng 30 ngày. Các biện pháp phòng dịch đối với công dân Nhật Bản về nước và những người tái nhập cảnh cũng được thắt chặt hơn. Theo đó, những người về nước, tái nhập cảnh dù đã có chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 hay kết quả xét nghiệm âm tính cũng sẽ không còn được hưởng các cơ chế ưu tiên như cách ly bắt buộc 3 ngày hoặc giảm thời gian tự cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, vốn được áp dụng từ ngày 8/11 vừa qua.
COVID-19 tại ASEAN hết 18/11: Toàn khối thêm 607 ca tử vong; Campuchia mở lại rạp chiếu phim Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 18/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 30.881 ca mắc COVID-19 và 607 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 13.700.127 ca, trong đó 286.388 người tử vong. Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại tỉnh Narathiwat, miền Nam Thái Lan...